Mới cập nhật

Những nghiên cứu mới về con người (Bài 4): SỐ PHẬN CON NGƯỜI

PGS.TS Đàm Đức Vượng


1.Đã có biết bao bộ óc sáng láng định nghĩa con người
Trong khi xã hội loài người lại như dòng sông trôi.
Platông nói: “Con người vật chất và tinh thần mâu thuẫn, vì vừa
có lương tri vừa có dục vọng đan xen nhau trong vòng luẩn quẩn”.
Đácuyn nói: “Tổ tiên động vật nguồn gốc sinh ra con người”.
Hêgen nói: “Con người là kết quả của bản thân lao động”.
Phơbách nói: “Con người là một cá nhân trừu tượng”.
Các Mác nói: “Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội.
Tính cách con người là cội rễ của mưu sinh”.
Hồ Chí Minh nói: “Người là vốn quý nhất”.

2.Con người là chủ thể trí tuệ
Sản phẩm đặc sắc của tự nhiên
Sáng tạo ra văn minh vật chất, văn hóa, tinh thần.
Con người là sự đối xử với nhau có lý có tình.
Khả năng tư duy, lao động, giao tiếp, cảm xúc, thẩm mỹ.
Phẩm chất đó được sàng lọc rất kỹ
trong quá trình hoàn thiện của con người.
Nó có tố chất bên trong và tố chất bên ngoài
Của quá khứ, hiện tại và tương lai.
Con người tái hiện bản thân với bao nỗi cảm hoài.
Con người nhễ nhại mồ hôi bởi cơn nóng lửa
Con người ướt đẫm toàn thân bởi cơn mưa xối.
Con người rét buốt tái tê khi gió mùa đông bắc tràn về.
Con người chỉ có thể hạn chế được thiên nhiên
chứ không làm chủ được thiên nhiên.
Con người có thể làm chủ được xã hội.
Cái “tôi” là trung tâm tinh thần của con người.
Nhưng nó cũng ngập chìm trong vương quốc của đam mê
Nó làm cho con người thành dại thành tê
Để cho người đời mặc sức khen chê.
Con người biểu lộ ở cái “cá nhân”.
Đó là tính cách, tình cảm, ý chí, trí tuệ,
sự chuyên cần, sự trong sáng về đạo đức,
sự hoàn thiện về thể chất, sự phong phú về tinh thần.
Cá nhân là cái gì đẹp đẽ nhất của sự hoàn thiện con người.
Nó là tổng thể của cái bên trong được thể hiện ra cái bên ngoài.
Nó khác hoàn toàn với chủ nghĩa cá nhân.
Nó đẩy tới cảm xúc, ý thức, nhu cầu mà con người cần.
Nó không tách rời các quan hệ khách quan với ý nghĩ chủ quan.
Nó gắn liền với xã hội và thông qua đó mà tác thành.
Con người đã từng chịu đựng qua khói lửa của chiến tranh.
Con người đã từng được hưởng những ngày hòa bình.
Chiến tranh hay hòa bình đều do con người quyết định.
Xã hội suy tàn hoặc đất nước cường thịnh
đều do con người và xã hội loài người sản sinh ra.
Con người không biết đường lên thiên đàng
và sợ con đường đi tới bãi tha ma.

Praha, Séc, Đêm 9-2-2002
——————————-
Lời Tác giả: Tôi đã từng đặt chân đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đi đến đâu tôi cũng thấy người ta nói đến con người. Vì vậy, tôi làm bài thơ Con người. “Con người” là
một đề tài cũ. Từ ngữ “con người” xuất hiện từ khi nào cũng chưa xác định được. Đây là đề tài “muôn thuở”, nhưng cũng là “một thủa”.

Đã có biết bao công trình nghiên cứu về con người cũng chưa xác định được. Các trường phái nghiên cứu về con người cũng mọc lên như nấm ở các nước phương Tây. Nhận thức,đánh giá về con người cũng rất khác nhau. Muốn nghiên cứu thành công về con người chỉ có thể dựa hẳn vào triết học, lý luận và khoa học. Trên thực tế, không có vấn đề triết học nào mà hiện nay đang là cuộc đấu tranh tư tưởng sâu sắc như là vấn đề con người. Không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn là liệu các lực lượng tiến bộ có thể bảo vệ được con người sống trong điều kiện an toàn hay không? Cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa nhân đạo trở thành vấn đề cuộc sống của con người, đó là cuộc đấu tranh dai dẳng chưa từng thấy trong lịch sử.

Xét về mặt lịch sử, cách đây khoảng 5 nghìn năm đã có một xã hội loài người hình thành rõ rệt và bắt đầu xuất hiện những hình thức đầu tiên của xã hội có giai cấp.

Trong lịch sử quan niệm về con người, dù có nhiều thiên hướng, nhưng vẫn biểu lộ một thế giới quan nhất định. Chẳng hạn, Platôn, nhà triết học cổ Hy Lạp, khẳng định con người quả là mâu thuẫn, vì rằng, con người vừa có lương tri và tinh thần, nhưng đồng thời, con người lại vừa phục tùng những dục vọng tự nhiên trong cơ thể của mình nữa.

Nhà triết học Ácnôn Ghêlen nhận định: “Con người không phải là vật sáng tạo của thượng đế, cũng không phải là nguyên tố khởi đầu đang phát triển, mà chỉ là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên và đặc tính của con người không có gì khác hơn là phải so sánh với các sinh vật khác, có như vậy mới định nghĩa được con người. Bản chất con người là tiêu cực” (Dẫn theo “Con người – Những ý kiến mới về một đề tài cũ” của tập thể tác giả Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức trước đây biên soạn, Nxb Điétxơ, Đức,1982, bản dịch của An Mạnh Toàn, Nxb Sự thật, 1987, tr. 20, 21). Có ý kiến nhận định con người là “tự nó và cho nó”. Các môn đồ của trường phái Prăngphuốc lại cho rằng,con người hoàn toàn bị xã hội thống trị. Số phận của con người cũng do chế độ xã hội định đoạt. Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhấn mạnh đến khả năng của con người có thể nhận biết và hoàn thiện các quan hệ xã hội và kể cả bản chất xã hội của con người và kiên quyết bác bỏ luận thuyết về cái không thể biết của con người. Trong khi nghiên cứu vấn đề con người, người ta không thể không nói đến các quan hệ xã hội của con người. Đó là mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, cộng đồng xã hội, dân tộc, giai cấp, gia đình, giữa các liên minh; sự hợp tác của con người trong quá trình lao động trực tiếp, trao đổi các hoạt động; các quan hệ sản xuất, sở hữu tư liệu sản xuất, phân công lao động và các hình thức kinh tế của việc trao đổi, phân phối hàng hóa tiêu dùng; các quan hệ tư tưởng, chính trị, các quan hệ về đạo đức, các quan hệ về thẩm mỹ, các quan hệ về pháp quyền, các quan hệ về tôn giáo và nhiều mối quan hệ khác. C. Mác nói đại ý bản thân xã hội cũng là bản thân con người. Con người ở vào trình độ cao hơn phải là “con người tự do, hình thành trên cơ sở phát triển toàn diện và làm chủ sức sản xuất của cộng đồng xã hội cũng như làm chủ của cải xã hội của mình” (C.Mác: Lược thảo phê phán khoa kinh tế – chính trị, Béclin, 19-74, tr. 7576). Đúng như C.Mác đã phân tích. Thực ra, cuộc sống tạo nên mỗi con người và mỗi con người tạo nên cuộc sống.

Tóm lại, đến nay, vẫn chưa có ai nghiên cứu, tổng kết một cách hoàn hảo về con người.

Người ta chỉ biết rằng, con người là một sản phẩm của tự nhiên, nhưng lại được quy định về mặt xã hội và được biểu lộ ở mỗi cá nhân: trí tuệ, tình cảm, ý chí, tính chất, khí chất,năng lực, phẩm chất, thẩm mỹ và cả sự tha hóa của con người.