Mới cập nhật

Kính gửi bác Hoàng Tùng



Kính tặng Bác Hoàng Tùng (Trần Khánh Thọ) - Một con người và một cuộc đời


Chiều nay ngồi luận anh hùng

Được thư của Bác Hoàng Tùng gửi cho.

Cảm lòng nước mắt ứa ra

Một cây đại thụ chói lòa nhân tâm.

Một nhà tư tưởng tấm lòng

Tinh thông kinh sử rực hồng nhân văn.

Nhà cách mạng trăm phần trăm

Tài cao lý luận áng văn tuyệt trần.

Trần Bình1, Hàn Tín2, Trương Lương3

Người xưa có thấy tỏ tường người nay.

Trần Khánh Dư4 vẫn mê say

Rằng “than” đem bán chẳng cay cõi trần.

Trần Khánh Thọ5 tầm kinh luân

Năm chìm bảy nổi một phần dụng công.

Đời là một chuỗi bão giông

Phải chăng cuộc sống ai trồng cho ai!

Xưa nay thân phận đức tài



Mấy khi được hát những bài mình yêu!Praha, Séc, 30-8-2000

PGS, TS Đức Vượng



*****
Chú thích:

1,2,3. Trần Bình, Hàn Tín, Trương
Lương là những mưu sĩ đại tài người Hán, đã tham mưu giúp Lưu Bang trở thành
Hán Cao Tổ.

4. Trần Khánh Dư, một tướng giỏi của Triều Trần, có lúc phải đi bán than.

5. Trần Khánh Thọ (Hoàng Tùng), hậu duệ nhiều đời của Trần Khánh Dư.


Lời Tác giả: Chiều 30-8-2000, tôi đang ngồi làm việc tại Trụ sở 2, Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Praha, thì một nhân viên văn thư của Đại  Sứ quán trao bức thư của Bác Hoàng Tùng gửi từ Việt Nam sang cho tôi. Số là tháng trước đó, tôi viết thư gửi từ Praha về cho Bác Hoàng Tùng ở số nhà 6B, Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tôi hỏi về việc tôi đã tìm ra người Việt Nam đầu tiên đến Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia) là Trần Ngọc Danh, một nhà hoạt động cách mạng, đi từ Paris sang Praha.


Tôi nhờ Bác thẩm tra lại có đúng không? Khoảng một tháng sau, tôi nhận được thư trả lời của Bác. Trong thư, Bác viết là không nắm được sự kiện này. Tôi hân hạnh được làm việc với bác Hoàng Tùng rất nhiều lần. Mỗi lần có vấn đề gì chưa rõ về lịch sử Đảng, về các nhân vật lịch sử của cách mạng Việt Nam, tôi đều hỏi Bác. Tôi và Bác rất tâm đầu ý hợp. Có lần Bác bảo tôi: “Tôi coi chú như một người bạn vong niên”. Bác nắm rất chắc từng nhân vật hoạt động cách mạng qua các thời kỳ. Có thể nói, Bác như một cuốn từ điển sống. Trí nhớ của Bác rất tốt. Bác viết và sửa bài rất nhanh. Có điều là chữ của Bác viết gãy, rất khó đọc. Nhưng dần cũng quen. Tuy nhiên, cũng có lần, Bác viết bài đăng báo, nêu về một trong những nhân vật sáng lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước (tháng 3-1929), Chi bộ 5D Hàm Long, Hà Nội, là Ngô Ngọc Du. Tôi mang bài báo đó đến gặp Bác, nói rằng, nhân vật đó không phải là Ngô Ngọc Du, mà là Đỗ Ngọc Du. Bác nói: “Chú nói đúng, tôi viết không đúng”. Con người của Bác là thế đấy. Bác rất trân trọng và tôn trọng lịch sử. Cái gì sai là Bác sửa ngay.


Hoàng Tùng, tên khai sinh là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14-1-1920, tại quê nhà, xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và mất ngày 29-6-2010, tại Hà Nội, thọ 90 tuổi (nếu tính cả tuổi mụ là 91 tuổi). Khi Bác mất, tôi viết bài đăng báo tưởng nhớ Bác, rất thống thiết,
nhan đề: Nhà báo Hoàng Tùng, nhân cách cao thượng, tư duy đặc sắc (Báo “Hà Nội mới”, ngày 2-7-2010) và đây là bài thơ Kính gửi bác Hoàng Tùng. Bác hoạt động cách mạng rất sớm và đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, đại biểu Quốc hội nhiều khóa,... Bác Hoàng Tùng là một người sống có nhân cách, rất nhân văn, rất cao thượng. Có lần Bác nói với tôi: “Lên mặt làm quan cách mạng, cơ hội, vụ lợi, coi thường cấp dưới, nịnh bợ cấp trên là kẻ tầm thường nhất trong những kẻ tầm thường”. Câu nói này của Bác đã gieo vào trong tâm trí tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc. Bác Hoàng Tùng, một con người và một cuộc đời, rất đáng được trân trọng!