Mới cập nhật

Về Tổng Bí thư Lê Duẩn

 GS,TS Đàm Đức Vượng

 

1. Trên các trang mạng quốc tế gần đây đã đăng một loạt bài viết của những người khác chính kiến, phê phán không đúng về các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Qua những sự kiện trên chứng tỏ rằng, các thế lực thù địch vẫn rất thù hằn chế độ ta, Đảng ta, chưa chịu từ bỏ nhận thức sai trái của mình.

Về Tổng Bí thư Lê Duẩn, có bài: “Đề cương cách mạng miền Nam – Sự hình thành của tội ác”. Đây là một bài viết rất dài, mang tính chất phản động rõ rệt, nêu những vấn đề hoàn toàn không đúng về Tổng Bí thư Lê Duẩn, như viết: “Sau năm 1954, từ một nhân vật vô danh ở hạng thấp trong Đảng, Lê Duẩn đi dần dần leo lên bậc thang cao nhất quyền lực miền Bắc, y gặp thời nhiều hơn là nhờ tài cán”. “Chiến lược tàn bạo điên rồ của Lê Duẩn, thúc đẩy người Việt giết người Việt, không điếm xỉa gì tới sinh mệnh của nhân dân. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, trong Nam ngoài Bắc đâu đâu cũng toàn là cảnh hoang tàn đổ nát”. “Không ai cản được Lê Duẩn, trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, những kẻ chủ trương ôn hòa đã bị khống chế, thậm chí bị bắt giam”. Về bản Đề cương cách mạng miền Nam, do Lê Duẩn khởi thảo, họ viết: “Bản Đề cương cách mạng Việt Nam của Lê Duẩn là sự hình thành của tội ác diệt chủng, nó chỉ được thực hiện khi những yếu tổ thuận lợi ắt có đã được ông Trời ban cho y”. Họ ngộ nhận: “Mấy chục năm, sự nghiệp chính trị của một con người sắt máu, mấy chục năm, máu chảy, thịt rơi, mấy chục năm tang thương đau khổ cho một dân tộc hiền hòa, bất hạnh”…

Ở đây, hoàn toàn không có những vấn đề như trên, nên cần phải phê phán. Nhân dân Việt Nam đã được bảo vệ trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư của Đảng là do đạo đức và tài năng của ông, được Đảng và nhân dân tín nhiệm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu ra, hoàn toàn hợp pháp, đúng Điều lệ Đảng. Ông là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986)

2. Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội III (1960), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội IV (1976) và Đại hội V (1982).

Lê Duẩn, tên khai sinh là Lê Văn Nhuận (có tài liệu viết là Lê Nhuận), còn mang các bí danh: Trương Bân, Nguyễn Văn Ruổn, Ba, Anh Ba,… Bạn bè, đồng chí thân thiết vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật: Anh Ba. Năm 1928, ông bắt đầu đi hoạt động cách mạng, lấy tên là Lê Duẩn; sinh ngày 7-4-1907 (Đinh Mùi), quê nội là làng Hậu Kiên, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Quê gốc của dòng họ Lê Văn… ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Lê Duẩn sinh ra trong một gia đình nông dân; con ông Lê Hiệp (có tài liệu viết là Lê Văn Hiệp), chuyên làm nghề mộc và con bà Võ Thị Đạo, làm ruộng.

Thuở nhỏ, Lê Duẩn sống cùng với gia đình. Năm 1920, học hết bậc tiểu học; sau đó lên tỉnh học trung học được một năm, thì nghỉ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tháng 5-1926, Lê Duẩn được một người quen giới thiệu vào làm việc tại Sở Hỏa xa, Đà Nẵng thuộc ngành đường sắt Đông Dương lúc đó, Tại Sở Hỏa xa Đà Nẵng, ông được phân công vào làm việc tại bộ phận văn phòng, soạn thảo và quản lý các công văn, giấy tờ cho Sở.

Đến năm 1927, Lê Duẩn được điều động ra Hà Nội, làm việc tại Sở Hỏa xa Đông Dương, làm nhân viên thư ký đềpô (depot).

Xuất thân từ một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, Lê Duẩn tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng khá sớm, như phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), tham gia Hội Ái hữu Đà Nẵng (1926); là một trong những thanh niên miền Trung hưởng ứng những lời kêu gọi yêu nước và cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Vào cuối năm 1927, đầu năm 1928, Lê Duẩn gia nhập Tân Việt Cách mệnh Đảng (Đảng Tân Việt, Tân Việt), một tổ chức yêu nước và có xu hướng cứu nước. Ông hăng hái hoạt động trong Đảng Tân Việt, tuyên truyền, vận động, gây ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.

Năm 1929, Lê Duẩn gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (còn gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên). Đây là một tổ chức yêu nước và cách mạng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện vào năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, theo đường lối của chủ nghĩa Mác – Lênin; một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại một địa điểm ở đảo Cửu Long thuộc quần đảo Hương Cảng (Hồng Kông), từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Đây là Hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản trong nước lúc đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Hội nghị nhất trí đặt tên mới là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Duẩn thuộc lớp người cộng sản đầu tiên của Đảng khi được thành lập. Được Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc ấy giới thiệu, Lê Duẩn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh hoạt đảng tại Đảng bộ Hà Nội. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, Lê Duẩn sớm trở thành nhà cách mạng, chiến sĩ cộng sản.

Tháng 10-1930, tại Hương Cảng (Hồng Kông), diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ nhất để thảo luận và thông qua một số văn kiện của Đảng, trong đó có Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hoạt động trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Duẩn đã rèn luyện phẩm chất cách mạng kiên cường, một lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng mà phấn đấu và chiến đấu. Ông đã tuyên truyền, vận động, giác ngộ được một số công nhân hỏa xa đi làm cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản. Vừa làm việc, vừa hoạt động, vừa học tập, ông đã say sưa đọc các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, báo “Thanh niên” Cơ quan Tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1925 và các sách báo yêu nước và cách mạng.

Năm 1931, Lê Duẩn được cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 20-4-1931, trong lúc Lê Duẩn đang hoạt động tại Hải Phòng, thì bị thực dân Pháp bắt, bị kết án 20 năm tù cấm cố tại các nhà tù của thực dân Pháp như Hỏa Lò, Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo trong những năm từ 1931 đến năm 1936. Tại các nhà tù của thực dân, Lê Duẩn tiếp tục hoạt động cách mạng, viết nhiều bài mang tính bút chiến, tố cáo chế độ thực dân, đế quốc và đòi thả tù chính trị; tiếp tục học tập và rèn luyện, trở thành chiến sĩ gan đồng dạ sắt, bất khuất trước kẻ thù tàn bạo.

Tháng 10-1936, trước phong trào đấu tranh của nhân dân ta và được sự ủng hộ của Mặt trận bình dân Pháp, Lê Duẩn và nhiều chiến sĩ cộng sản ra tù, tiếp tục trở về đất liền hoạt động. Lê Duẩn ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Năm 1937, ông được Trung ương Đảng cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ phát triển mạnh.

Giữa năm 1939, Lê Duẩn được Trung ương Đảng điều động vào Nam Kỳ, cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 11-1939. Hội nghị Trung ương Đảng họp trong các ngày 6,7,8-11-1939, tại Hóc Môn, Bà Điểm, Gia Định, sử sách thường gọi là Hội nghị Trung ương 6. Tại Hội nghị này, Lê Duẩn được bầu bổ sung vào Ủy viên Trung ương và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Từ Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đến Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương là một bước tiến lớn, bước rẽ ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Duẩn.

Vào một ngày của năm 1940, trong lúc đang hoạt động tại Sài Gòn, Lê Duẩn bị Pháp bắt lần thứ hai và cũng bị đày ra giam tại nhà tù Côn Đảo lần thứ hai (1940-1945) cùng buồng với Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh). Cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, Lê Duẩn, một lần nữa, lại tỏ rõ bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình, vượt qua thử thách, vững tin sẽ có ngày trở về đất liền hoạt động.

Năm 1945, do thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Lê Duẩn cùng nhiều chiến sĩ cộng sản được trở về đất liền hoạt động. Ra tù, nghỉ tại quê nhà ít ngày, ông tiếp tục lên đường hoạt động cách mạng.

Đầu năm 1946, Lê Duẩn ra Hà Nội. Tại Hà Nội, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên, ông được gặp Người, báo cáo với Người những năm tháng tù tội. Người tán thành những hoạt động của Lê Duẩn ở nơi tù tội. Trong những ngày ở Hà Nội, Lê Duẩn đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một số việc. Người giao cho ông nghiên cứu về tình hình cách mạng miền Nam.

Cuối năm 1946, Lê Duẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào công tác tại Nam Bộ, làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ do Lê Duẩn làm Bí thư, hoạt động có nhiều chuyển biến tốt.

Tại Đại hội II của Đảng (1951), Lê Duẩn được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Trung ương bầu ông làm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Lê Duẩn đã mang hết sức mình ra làm việc, ra sức xây dựng phong trào cách mạng ở Nam Bộ ngày càng được củng cố và phát triển nhanh chóng.

Từ năm 1954 đến năm 1957, Lê Duẩn vẫn tiếp tục hoạt động tại Nam Bộ để chỉ đạo cách mạng miền Nam trong tình hình mới, tiếp tục gắn bó với đồng bào, đồng chí miền Nam, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, chống Mỹ, cứu nước.

Tại Nam Bộ, tháng 11-1955, Lê Duẩn nghiên cứu tình hình địch, ta và đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương ở Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bến Tre, trên cơ sở đó mà soạn thảo “Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam” (Đường lối cách mạng miền Nam).

Đề cương đường lối cách mạng miền Nam là một văn kiện lịch sử; tuyệt đối không phải là “sự hình thành của tội ác” như có người khác chính kiến đã nêu trong bài viết trên đây. Nội dung của Đề cương cũng không giống như cách trình bày của người khác chính kiến. Bản Đề cương này đã được thảo luận kỹ tại Hội nghị Trung ương Cục1 vào cuối năm 1946, đã lấy ý kiến đóng góp của nhiều người, trong đó có Nguyễn Văn Linh.

Đường lối cách mạng miền Nam là một văn kiện dài 43 trang, khổ giấy 15 x 22 cm, vạch ra những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đề cương xác định ba nhiệm vụ chính làm đường lối chung cho toàn bộ công tác cách mạng của cả nước là củng cố thật vững chắc miền Bắc; đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam chống Mỹ, cứu nước; tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc trên thế giới.

Đề cương nêu rõ mục đích, vị trí và đối tượng của phong trào cách mạng miền Nam là bộ phận của phong trào cách mạng chung trong cả nước. Việc đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam là để thực hiện một trong ba nhiệm vụ chiến lược của cách mạng chung trong cả nước là giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ chung cho cả nước.

Đề cương nêu những bài học lịch sử và những nhiệm vụ chung của cách mạng miền Nam. Những bài học đó là nếu không có lực lượng bên trong sẽ không nắm được thời cơ bên ngoài; phải có một lực lượng đảng cách mạng mạnh theo chủ nghĩa Mác – Lênin, lãnh đạo phong trào cách mạng dân tộc giải phóng, thì cách mạng mới thành công; phải xây dựng khối công nông liên minh sâu rộng, vững chắc; xây dựng, củng cố, phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất; phải biết khai thác những mâu thuẫn nội bộ địch để làm yếu địch, để xây dựng lực lượng của ta ngay trong lòng địch, để cô lập địch.

Đề cương nêu những nhiệm vụ chính của phong trào cách mạng miền Nam là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và phát huy uy thế chính trị của Đảng sâu rộng trong nhân dân…

Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để hình thành Nghị quyết Trung ương 15. Đề cương, một lần nữa, được thảo luận tại Hội nghị Trung ương Cục họp cuối tháng 12-1956, đầu tháng 1-1957, tại một địa điểm ở Nam Bộ. Hội nghị kết luận: “Với đế quốc Mỹ, phát xít Diệm không thể trông mong, cầu xin mà phải đấu tranh, muốn đấu tranh phải có thực lực”2.

Vào một ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-1957, từ miền Nam, Lê Duẩn lên đường ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới theo Quyết định của Bộ Chính trị khóa II. Đến ngày 4-6-1957, ông ra đến Hà Nội. Tại Hà Nội, Lê Duẩn lại được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khóa II. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng kiêm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lê Duẩn đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một số công việc của Ban Bí thư.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Lê Duẩn chăm lo rất nhiều đến công tác xây dựng Đảng, nhất là vấn đề kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế, điều chỉnh cán bộ. Vấn đề Đảng lãnh đạo chính quyền và vấn đề xã hội cũng được đặt ra và giải quyết từng bước.

Lê Duẩn đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dưng Nghị quyết Trung ương 15 về đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Đại hội III diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Đại hội IV (họp từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, tại Hà Nội) và Đại hội V (họp từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982, tại Hà Nội), Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng3.

Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần ngày 10-7-1986, thọ 79 tuổi, để lại niềm tiếc thương sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân đối với một vị Tổng Bí thư bản lĩnh, trí tuệ, tài cao đức cả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn và Tổng Bí thư Lê Duẩn là kiến trúc sư trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước.

Mọi luận điệu xuyên tạc thân thế và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn và các nhà lãnh đạo cách mạng chân chính Việt Nam, nhất định sẽ bị dư luận xã hội lên án.

  

------

  

1. Lúc này, Xứ ủy Nam Bộ đã đổi tên thành Trung ương Cục.

2. Dẫn theo “Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975” của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr. 131.

3. Từ Đại hội IV (1976), gọi là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay cho tên gọi trước đó là  Bí thứ thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.