Một số vấn đề về quan điểm tư tưởng giữa Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh
GS,TS Đàm Đức Vượng
Trên một trang mạng quốc tế gần đây
đăng bài viết dài, nhan đề: “50 năm kết thúc chiến tranh: Cuộc tranh luận chưa
dứt giữa Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh” của Kevin D. Phạm, Phó giáo sư, Tiến
sĩ tại Đại học Amsterdam.
Vì đụng chạm đến Việt Nam qua bài viết
của Kevin D. Phạm về quan điểm tư tưởng của nhà yêu nước và cách mạng Phan Châu
Trinh và Hồ Chí Minh, tôi thấy cần phải làm cho rõ vấn đề này.
Chủ điểm của bài viết “50 năm kết thúc
chiến tranh: Cuộc tranh luận chưa dứt giữa Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh”,
Kevin D. Phạm muốn tìm hiểu về các hệ tư tưởng chính trị tại Việt Nam từ đầu
thế kỷ XX, trong đó có tư tưởng của Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh.
Kevin. D. Phạm viết: “Tôi cho rằng, các
lý thuyết gia người Việt như Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) và Hồ Chí Minh đã
áp dụng truyền thống Nho giáo cùng với các hệ tư tưởng phương Tây để đưa ra tầm
nhìn khác nhau về việc làm sao đưa dân tộc thoát khỏi ách thực dân. Các cuộc
tranh luận của họ vào đầu thế kỷ XX nay vẫn còn mang tính thời sự đối với tranh
luận về các hệ tư tưởng hiện đại”. Kevin. D. Phạm nhận định: “Nếu như Phan Châu
Trinh kết hợp Nho giáo với chủ nghĩa tự do, thì Hồ Chí Minh lại kết hợp Nho
giáo với chủ nghĩa Mác – Lênin. Đối với Phan Châu Trinh, chủ nghĩa tự do nên
được sử dụng để đạt được những điều tốt hơn của Nho giáo. Ngược lại, đối với
ông Hồ Chí Minh, Nho giáo nên được sử dụng để bồi dưỡng đạo đức cách mạng để
tiến tới chủ nghĩa cộng sản”. Tác giả bài viết kết luận: “Hay, phải chăng, ngày
nay, Việt Nam cần một hệ tư tưởng hoàn toàn khác? Những câu hỏi như vậy vẫn còn
để ngỏ”…
Tôi không tán thành nhiều vấn đề mà Kevin.
D. Phạm nhận định về Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh.
Trước hết, phải nói rằng, cả Phan Châu
Trinh và Hồ Chí Minh đều là nhà yêu nước và cách mạng. Các ông không hề áp dụng
truyền thống Nho giáo cùng với các hệ tư tưởng phương Tây để thực hiện công
cuộc giải phóng Việt Nam thoát khỏi ách của thực dân, phong kiến. Có chăng, chỉ
là để tham khảo, chứ không phải khuôn theo. Rất khó đánh giá cho rằng, Phan
Châu Trinh đã kết hợp tư tưởng Nho giáo với chủ nghĩa tự do. Còn Hồ Chí Minh
không bao giờ có sự kết hợp giữa Nho giáo với chủ nghĩa Mác – Lênin và không
bao giờ sử dụng Nho giáo để bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tiến tới chủ nghĩa
cộng sản. Đây là nhận thức hết sức sai lầm của người viết bài “50 năm kết thúc
chiến tranh: Cuộc tranh luận chưa dứt giữa Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh”.
Có thể nói, người đánh giá khá đầy đủ
về nhân vật Khổng Tử (Nho giáo) chính là Nguyễn Ái Quốc. Ngày 20-2-1927, tại
Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết bài, nhan đề: “Khổng Tử”, đăng báo
Thanh niên, số 80, Nguyễn Ái Quốc viết:
“Khổng Tử sống ở thời Chiến Quốc1.
Đạo đức của ông và kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế
phải cảm phục… Nhưng ông rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc
lột, chống lại những người bị áp bức”2.
Rõ ràng, Hồ Chí Minh không bao giờ gắn
Nho giáo với chủ nghĩa Mác – Lênin. Đạo đức mà Người nói là đạo đức cách mạng chứ
không phải đạo đức Khổng Tử (đạo đức Nho giáo).
Chỗ gặp gỡ giữa Phan Châu Trinh với
Nguyễn Ái Quốc diễn ra với tinh thần yêu nước. Ngày 19-6-1919, Phan Châu Trinh,
Phan Văn Trường cùng với Nguyễn Ái Quốc soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”
gửi Hội nghị Vécxây (Versailles), đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân An Nam
(Việt Nam), do Nguyễn Ái Quốc chắp bút và ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc. Yêu
sách đã gây được tiếng vang trong dư luận Pháp và châu Âu.
Theo báo cáo của mật thám Đơvedơ gửi Bộ
thuộc địa Pháp, ngày 7-11-1921, tại nhà số 6, phố Vila đê Gôbơlanh, Pari,
Nguyễn Ái Quốc tranh luận rất gay gắt với các nhà yêu nước Phan Châu Trinh,
Phan Văn Trường lúc ấy cũng đang ở Pháp, xoay quanh vấn đề thuộc địa ở Đông
Dương.
Việc Kevin. D. Phạm phủ nhận tư tưởng
Hồ Chí Minh, mà muốn thiết lập một tư tưởng hoàn toàn khác ở Việt Nam cũng
không đúng. Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Phan Châu Trinh là một nhà yêu nước và
cách mạng chân chính. Lúc đầu, ông muốn dựa vào Pháp để cải cách xã hội Việt
Nam và giành quyền tự do cho nhân dân Việt Nam. Hãy xem Nguyễn Ái Quốc viết về
Phan Châu Trinh:
“Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng,
Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán
thành cách làm của một người nào. Vì: cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp
thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ
lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất
nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa
Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người
ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến. Anh thấy rõ và quyết định con đường
nên đi”3.
Đối với Phan Châu Trinh, về sau, ông
nhận thấy thực dân Pháp không chấp nhận một sự cải cách nào có lợi cho nhân dân
Việt Nam, nên tư tưởng của ông dần dần có sự thay đổi. Trong bài “Đạo đức và
luân ký Đông Tây” (1925), Phan Châu Trinh kết luận: “Nay muốn một ngày kia,
nước Việt Nam được tự do, độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể
đã. Mà muốn có đoàn thể thì xá chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong
dân Việt Nam”4. Nhưng nội dung xã hội chủ nghĩa là gì, không thấy
ông đề cập đến. Ông chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”5.
Ông quan niệm khai dân trí là mở trường dạy chữ quốc ngữ. Chấn dân khí là thức
tỉnh tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc, giải thoát khỏi tư tưởng chuyên
chế phong kiến. Hậu dân sinh là phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa nội địa.
Phan Châu Trinh dần dần cũng nhận ra gương
mặt Nguyễn Ái Quốc. Khí tiết của Nguyễn Ái Quốc, nghị lực của Nguyễn Ái Quốc đã
làm cho Phan Châu Trinh thực sự cảm động. Phan Châu Trinh thấy mình đuối sức
trong khi trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc ngày càng minh mẫn, dồi dào. Năm 1922,
Phan Châu Trinh viết thư gửi Nguyễn Ái Quốc. Thư rằng: “Cảnh tôi như hoa sắp
tàn hiềm vì quốc phá gia phong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có
tỉnh rất hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi,
lý thuyết tinh thông. Tôi cầu chúc cho anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau
ở quê hương xứ sở”6.
Rõ ràng, Phan Châu Trinh là một người
yêu nước, nhưng ông chỉ yêu cầu cải cách, không chủ trương đánh đổ thực dân
Pháp ở Đông Dương; chỉ yêu cầu xóa bỏ chế độ quan lại, không chủ trương đánh đổ
toàn bộ chế độ phong kiến.
Hồ Chí Minh coi trọng các ông Phan Đình
Phùng, Hoàng Hoa Tham, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng không đi theo con
đường của các ông. Người không theo phái Đông Du sang Nhật, mà sang các nước
phương Tây, nơi có tự do, dân chủ và khoa học, kỹ thuật hiện đại. Nhưng khi tới
phương Tây, Người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, trên cơ sở đó để định ra
đường lối mới cho cách mạng Việt Nam, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã
hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Con đường giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin
của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu từ chủ nghĩa yêu nước chân chính. Ở Người, yêu nước
và yêu dân là một. Chủ nghĩa yêu nước chân chính là cơ sở cho việc tiếp thu chủ
nghĩa Mác – Lênin. Ngược lại, chủ nghĩa Mác – Lênin giúp Người nâng cao chủ
nghĩa yêu nước chân chính. Hai dòng tư tưởng ấy hòa quyện với nhau thành một
thể thống nhất và thúc đẩy nhau phát triển.
Trong quá trình đi tìm con đường cứu
nước và cách mạng cho nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã độc lập suy nghĩ,
điều tra, nghiên cứu thời đại, thời cuộc. Vừa học tập lý luận, vừa làm công tác
thực tế, từng bước một, Người rút ra những kết luận quan trọng, đề lên thành
nguyên lý và lấy những nguyên lý ấy soi sáng cho những hoạt động thực tiễn của
mình.
Trên đây, tôi đã trình bày một số vấn
đề về quan điểm tư tưởng của Phan Châu
Trinh và Hồ Chí Minh để tránh sự hiểu lầm không đúng trong dư luận xã hội.
------
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 562.
3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 12,13.4. Dẫn theo “Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia”, mục Phan Châu Trinh.
5. Dẫn theo “Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia”, mục Phan Châu Trinh.
6. Tài liệu đề ngày 18-12-1922, bản chụp do GS,TS Đàm Đức Vượng lưu giữ.