Mới cập nhật

Kể những câu chuyện đẹp, để xã hội đẹp hơn


Tai ương có thể đến với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Nhưng khi tai ương ập tới, ta đối mặt và ứng xử thế nào để có một cuộc sống tích cực, ý nghĩa và xứng đáng để sống… Đó là thông điệp mà đạo diễn Đặng Hồng Giang muốn chuyển tải qua bộ phim tài liệu hiện thực “Đáng sống”.
Mỗi câu chuyện là một lối thoát


“Đáng sống” là một chùm gồm 3 bộ phim: “Mầm sống”, “Đáng sống” và “Một con đường”. Mỗi phim là một câu chuyện độc lập, về những mảnh đời bất hạnh, nhưng với sự lạc quan và khát vọng mãnh liệt, họ đã đứng lên, tìm cách thoát khỏi số phận, để có một cuộc sống ý nghĩa và rất đáng để sống.


“Mầm sống” là câu chuyện về tiến sỹ, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Hoàng Thị Kim Dung, đã sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất do tai nạn giao thông. Qua essays-buy.com lời kể của chị Dung, quá khứ dần được tái hiện từ ngày đầu anh chị gặp nhau, tình yêu thăng hoa, rồi đến lúc người chồng qua đời vì tai nạn tàu hỏa. Với sự giúp đỡ của TS Lê Vương Văn Vệ, chuyên gia nam học và hiếm muộn, chị lưu giữ tinh trùng chồng, rồi cấy ghép để mang thai ba năm sau đó. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, ca sinh đôi của chị Dung khi ấy là một sự kiện đặc biệt của y tế Việt Nam, và cũng là một câu chuyện xã hội gây xúc động lòng người. Không chỉ đơn thuần thuật lại câu chuyện, “Mầm sống” còn lột tả những suy nghĩ, tâm tư của chị Dung khi đưa ra quyết định táo bạo này. Và hình ảnh chị cùng các con vui đùa cho thấy cái kết đầy ý nghĩa của tình yêu và khoa học.


Câu chuyện thứ hai có tên “Đáng sống”, kể về cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của Tăng A Pẩu - một doanh nhân tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. 11 năm trước, ông Tăng A Pẩu phát hiện một khối u ác tính nằm trong gan, và bác sĩ từng nói với A Pẩu rằng, ông chỉ còn sống được 8 tháng. Nhưng sau khi làm phẫu thuật và xuất viện, ông mua một chiếc máy ảnh với đầy đủ ống kính, phụ kiện và đi vào rừng, rình chụp những chú chim đặc hữu của Việt Nam. Hơn chục năm rong ruổi, đến nay, ông có một gia tài là bộ sưu tập ảnh về chim giá trị nhất Việt Nam, với hơn 500 loài chim được ông ghi lại hình ảnh, trong đó nhiều loài quý hiếm và chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Có thể thấy, câu chuyện của Tăng A Pẩu đã mang đến cho người xem một động lực sống mạnh mẽ, với một thái độ sống tích cực.


“Một con đường” là câu chuyện về nông dân Nguyễn Ngọc Triệu ở vùng đất lửa Quảng Trị, đã kiên cường nuôi các con trưởng thành. Quê ông không có đất để cày cấy, chỉ có những mảnh bom mìn, đạn pháo, người dân nơi đây chỉ biết thu lượm những mảnh vỡ còn sót lại của bom đạn, để bán phế liệu với giá tiền rẻ mạt 3.000 đồng/kg. Người xem không khỏi xót xa, khi người dân quê ông Triệu “cứ đào được bom mìn là mừng lắm”. Vì mưu sinh, ông Nguyễn Ngọc Triệu phải đến những vùng nguy hiểm, đào bom mìn. Những đồng bạc ít ỏi kiếm được, ông đã gửi nuôi người con trai ăn học thành tài. Hình ảnh ông Triệu ôm cậu con trai trong lễ tốt nghiệp đại học khiến người xem không khỏi xúc động và khâm phục…



Trong phim, đạo diễn Đặng Hồng Giang không sử dụng lời bình, mà để các nhân vật kể câu chuyện của mình một cách nhẹ nhàng, hình ảnh và phần thoại cân bằng, vừa phải, càng khiến người xem thấy sự chân thực, tự nhiên trong phim.

 Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết, trong 3 câu chuyện của mình, anh đã kể về 3 con người ở 3 vùng miền khác nhau Bắc - Trung - Nam. 3 tầng lớp khác nhau trong xã hội, có trí thức, có doanh nhân và có cả nông dân, nhưng lại được xâu chuỗi bởi một thông điệp chính xuyên suốt bộ phim: Trong cuộc sống, bất cứ ai, ở đâu và thuộc tầng lớp nào, cũng đều có thể gặp tai ương bất cứ lúc nào. Nhưng khi tai ương ập đến, họ không chỉ biết kêu trời, mà lựa chọn đối mặt và ứng xử tích cực, để có một cuộc sống tích cực, có ý nghĩa với những niềm vui, những thành quả đáng tự hào và thực sự “đáng sống”, như chính tên gọi của bộ phim.


Làm tử tế, khán giả sẽ không phụ công







 Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ, trong rất nhiều thể loại phim tài liệu, như tài liệu lịch sử, tài liệu khoa học, tài liệu điều tra… anh đã lựa chọn dòng phim tài liệu hiện thực, kể những câu chuyện mang đậm hơi thở cuộc sống. Và những nhân vật anh kể trong “Đáng sống”, đều có cách giải quyết tích cực, góp phần giúp ích cho đời sống xã hội.

Nói về sự lựa chọn của mình, đạo diễn Đặng Hồng Giang bảo, hiện nay, do sự phát triển quá mạnh mẽ của các loại hình truyền thông, đặc biệt là trong thời “báo chí công dân”, facebook, zalo… lên ngôi như hiện nay, những thông tin tiêu cực được cộng đồng chia sẻ quá nhiều, tạo hiệu ứng rất lớn đến nhiều người, nhiều tầng lớp, khiến cho tâm lý xã hội khá nặng nề, trong khi thực tế không đến mức như vậy. Bản thân anh thấy rằng, những câu chuyện tiêu cực khiến chúng ta bất an, trong khi những câu chuyện tích cực lại giúp ta những suy nghĩ tích cực, giúp mình làm tốt công việc của mình. Và vì thế, trong các tác phẩm của mình, anh hết sức “né” những thông tin tiêu cực, mà luôn tìm và kể những câu chuyện đẹp. “Tôi muốn gợi mở sự tích cực thông qua các tác phẩm của mình. Bởi tôi nhận thấy, khi lan tỏa câu chuyện tích cực đến đại chúng, thì đại chúng sẽ tích cực. Nếu đại chúng tích cực, xã hội sẽ tích cực hơn”, đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.


Làm được phim đã khó, đưa phim đến công chúng còn khó hơn. Đạo diễn Đặng Hồng Giang kể, năm 2015, khi anh mang bộ phim tài liệu hiện thực “Lửa Thiện Nhân”, bộ phim đầu tay của anh đến các rạp, ai cũng kêu khó, đặc biệt là khi anh nói muốn bán vé bằng giá các bộ phim truyện chiếu tại rạp khi đó. Các chủ rạp đều lắc đầu, từ chối, thậm chí nhìn anh bằng ánh mắt ái ngại. Anh đành phải gom góp, dành dụm để thuê riêng rạp Ngọc Khánh chiếu phim, và đã có nhiều lúc rạp “cháy vé”. Thành công của bộ phim đã khiến các chủ rạp BHD, Platinum đưa phim của anh vào chiếu. Có “tiền lệ” từ năm trước, nên lần này, cửa ra rạp của “Đáng sống” đã rộng hơn. Khi bộ phim hoàn thiện, anh gửi đĩa đến công ty BHD, và phim của anh đã được “duyệt ngay” và công bố sẽ chiếu trên hệ thống rạp BHD. “Các chủ rạp là những nhà kinh doanh, họ phải nhìn thấy tiềm năng thì mới hợp tác. Thuyết phục bằng lời không ăn thua, tôi phải tự thuyết phục các nhà rạp bằng chính nội dung phim của mình. Và bằng chứng là “Lửa Thiện Nhân” đã bán vé bằng phim bom tấn, mà vẫn đông khán giả. Tôi cho rằng, trước hết, mình hãy cứ làm phim thật tử tế, rồi khán giả sẽ không phụ công mình”, đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.



Trò chuyện về dự định và hướng đi của mình trong tương lai, đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết, anh vẫn sẽ tiếp tục đeo đuổi, tìm kiếm và kể những câu chuyện đẹp, bởi theo anh, xã hội còn đang rất cần và cần rất nhiều những câu chuyện đó. Trước mắt, sau “Đáng sống 1”, anh dự định sẽ làm tiếp “Đáng sống 2”, và nếu không có gì thay đổi, thì tầm này sang năm “Đáng sống 2” sẽ ra mắt khán giả.



“Tôi luôn có một niềm tin rằng, khi xem những bộ phim đầy tính nhân văn, bạn sẽ không dễ làm những điều xấu, điều ác được nữa”, đạo diễn Đặng Hồng Giang tin tưởng nói.



Lan Lộc