Mới cập nhật

Cảnh báo: 6 nhóm người có nguy cơ mắc ung thư cao nhất



Tại sao người này mắc ung thư mà người kia thì không? Hãy cùng tìm hiểu xem bạn có nằm trong nhóm mắc nguy cơ cao hay không, và phải làm thế nào nếu như mình có nguy cơ mắc bệnh.

Người từ 40 tuổi trở lên




Bất kỳ người trưởng thành nào cũng nên tầm soát ung thư, nhưng từ 40 tuổi trở lên cần đặc biệt lưu ý vì độ tuổi này có nguy cơ mắc ung thư cao nhất.




Tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan cao nhất đối với các bệnh ung thư nói chung vì ung thư xuất phát từ những tế bào bị lỗi, mà càng lớn tuổi những lỗi này xảy ra càng nhiều. Trong các thống kê về độ tuổi mắc ung thư, 40 tuổi là mốc quan trọng vì hầu hết các bệnh ung thư tăng cao từ độ tuổi này. Người dưới 40 tuổi cũng có nguy cơ mắc ung thư nhưng tỷ lệ thấp hơn so với nhóm tuổi trên 40. Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ mắc rất cao ở những người dưới 40 như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn. Một số bệnh ung thư có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, ung thư tủy…vv

Theo các bác sĩ, ung thư là việc cần thiết và nên được thực hiện phù hợp với từng độ tuổi. Người dưới 40 tuổi có thể thực hiện tầm soát toàn diện nếu có điều kiện, hoặc cũng có thể lựa chọn tầm soát cơ bản một số loại bệnh.  Riêng những người trên 40 tuổi – lứa tuổi có nguy cơ mắc ung thư cao nhất, cần đặc biệt chú ý sàng lọc ung thư định kỳ nhằm theo dõi và phát hiện sớm những bất thường hoặc ung thư tiềm ẩn để điều trị hiệu quả.

Người hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá


Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong do ung thư. Trong thuốc lá chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, trong đó có hơn 70 chất có khả năng làm tổn hại DNA, tăng nguy cơ ung thư. Hút thuốc lá liên quan tới 14 loại ung thư, phổ biến nhất ung thư phổi, thanh quản, miệng, thực quản, vòm họng, bàng quang, thận, v.v. Có tới hơn 80% ca ung thư phổi có nguyên nhân từ hút thuốc lá.

Thậm chí, cả những người không hút thuốc lá trực tiếp mà người chịu ảnh hưởng của khói thuốc một cách thụ động cũng có nguy cơ mắc ung thư như người trực tiếp hút thuốc.

Không có biện pháp hút thuốc lá nào là an toàn, nếu bạn hay người thân trong gia đình hút thuốc lá, hãy từ bỏ khoặc khuyên từ bỏ ngay. Theo các nghiên cứu, nguy cơ ung thư sẽ giảm dần từ khi bắt đầu bỏ thuốc.

Với những người đã từng hoặc đang hút thuốc lá, và cả những người hít phải lượng khói thuốc nhiều một cách thụ động, nên thực hiện tầm soát ung thư hàng năm để kiểm soát tình trạng sức khỏe.



Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong do ung thư.


Người uống nhiều rượu, bia




Nam giới, đặc biệt những người làm kinh doanh thường xuyên phải tiếp khách nên không tránh khỏi phải uống bia, rượu rất nhiều. Đây cũng chính là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao, nhất là những người uống rượu, bia nhiều năm, với số lượng lớn. Uống rượu, bia nhiều làm tăng nguy cơ ung thư miệng, gan, vòm họng, thực quản, thanh quản… Nguy cơ ung thư cao hơn gấp bội đối với những người vừa hút thuốc lá, vừa uống nhiều rượu, bia.

Để có sức khỏe tốt và phòng ngừa ung thư, các bác sĩ khuyên chỉ nên uống ở mức vừa phải, không quá 1-2 chén nhỏ mỗi ngày.

Người có chế độ ăn uống không đảm bảo


Thực phẩm chứa nhiều tồn dư hóa chất thực vật, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, hay thực phẩm bị nấm mốc, v.v. đều làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng, v.v. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: ăn nhiều các loại thịt đỏ, chất béo, ít rau xanh cũng làm tăng các loại ung thư, cụ thể như ung thư đại trực tràng.

Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều bệnh ung thư có yếu tố di truyền, đặc biệt là ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng, v.v. Bệnh ung thư vú có liên quan chặt chẽ đến yếu tố di truyền nhất. Theo y khoa thế giới, 45% gia đình bị ung thư vú có yếu tố di truyền liên quan đến đột biến gen BRCA1. Đây là rối loạn di truyền trội trên nhiễm sắc thể, thường hay gặp nhất trong ung thư vú.

Ngoài ra, những ngườibị hội chứng đa polyp có tính gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch cần theo dõi kiểm tra và sàng lọc ung thư đại trực tràng thường xuyên, vì nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Người có hệ miễn dịch kém



Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể không có khả năng chống đỡ với nhiễm trùng, không phát hiện và tiêu diệt được tế bào ung thư.




Người có hệ miễn dịch kém thường hay bị ốm đau, nhiễm trùng và bệnh tật hơn những người khỏe mạnh, trong đó có cả bệnh ung thư. Ngoài ra, người nhiễm HIV/AIDS, người cấy ghép nội tạng cũng là những người có hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể ít có khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư hoặc chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ung thư.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có hệ miễn dịch kém, gia tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan tới nhiễm trùng như ung thư gan (liên quan tới nhiễm virus viêm gan B, C), u lympho không Hodgkin, ung thư vòm họng (liên quan tới virus Epstein-Barr), ung thư cổ tử cung, hậu môn, miệng, thực quản, v.v. (liên quan tới virus HPV) và 1 số bệnh ung thư không liên quan tới nhiễm trùng như ung thư phổi, ung thư thận, v.v.