Mới cập nhật

CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG VỚI PHONG TRÀO THI ĐUA ÁI QUỐC*

PGS,TS Đàm Đức Vượng


Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm một cơ sở sản xuất công nghiệp

1.Ngày 11-6-1948, tại núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Thấm thoát đến nay đã được 70 năm.
Trong Lời kêu gọi thi đưa ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ mục đích của thi đua là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.  Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Người kêu gọi ai cũng nêu cao thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi:
      “Người người thi đua,
Ngành ngành thi đưa.
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiệt liệt hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay trong năm 1948, Tôn Đức Thắng được Đảng và Chính phủ cử làm Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương. Nhận trọng trách nặng nề này, ông đã hưởng ứng cuộc vận động “Kháng chiến và kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã cùng với các ngành, các ban thi đua địa phương động viên, hưởng ứng, hướng dẫn toàn dân và toàn quân sôi nổi thi đua “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, thúc đẩy guồng máy kháng chiến và kiến quốc ầm ầm chuyển động mạnh và đều về phía trước. Sống những ngày gian khổ trên núi rừng Việt Bắc, ông đã hòa mình trong cảnh “vừa đánh giặc vừa trồng rau, nuôi gà”. Người ta thấy, cứ chiều chiều, một cụ già mặc quần nâu xắn đến tận đầu gối, áo nâu cùng mọi người vác cuốc đi tăng gia. Hồi ấy, phong trào thi đua ái quốc (mà ngày nay gọi là phong trào thi đua yêu nước) lan tỏa khắp các nẻo đường đất nước, đặc biệt là ở núi rừng Việt Bắc. Hai ông Tôn Đức Thắng và Hoàng Quốc Việt giao ước với nhau thi đua trồng rau xanh, quả xanh. Tôn Đức Thắng trồng được những luống rau xanh vội hái mang đến biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy bó rau muống xanh, gọi cũng là để “báo cáo thành tích” trong phong trào thi đua với Bác Hồ. Hoàng Quốc Việt thì trồng được mấy giàn bí. Ông hái mấy quả đem đến biếu Bác Hồ. Nhận bí, Bác Hồ liền viết hai câu thơ gửi đồng chí thư ký mang đến cho ông Hoàng Quốc Việt. Thơ rằng:
      “Ăn quả nhớ người trồng cây
      Cảm ơn chú Việt - Bí này còn non!”.
Bác Hồ “nhắc khéo” mọi cái phải đợi đến “độ chín” mới có giá trị; không nên hái quả non trong khi quả non đang còn phát triển.
Nhận rau xanh, quả xanh của những người đến biếu, Bác Hồ cho người mang rau, mang bí đến biếu lại các gia đình cán bộ và bà con nông dân ở gần khu vực đóng quân. Rõ ràng, không khí thi đua trên núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp lúc ấy thật là vui vẻ. Tất cả đều sống trong tình cảm mến thương, chan hòa, trong bầu không khí thi đua ái quốc sôi nổi, dưới làn bom đạn của quân xâm lược.
 Phong trào thi đua ái quốc rộ lên trong những ngày sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bởi được ngọn lửa của Cách mạng tháng Tám thổi vào, bừng cháy trong lòng những người công nhân, nông dân, chiến sĩ, trí thức, thương gia…. Đồng chí Tôn Đức Thắng nhiệt liệt hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Phong trào diệt giặc đói được giai cấp công nhân thực hiện bằng khẩu hiệu “Hãy cùng nông dân tăng gia sản xuất”. Phong trào diệt giặc dốt được chứng minh bằng kết quả thanh toàn nạn mù chữ cho hơn một triệu rưỡi người. Công nhân Việt Nam biết rằng, sự tăm tối không thể mở đường tiến lên. Vì vậy, họ lao vào chiến dịch thanh toán nạn mù chữ như người lính chiến lao vào nơi lửa đạn, phong ba bão táp trước quân thù. Phong trào “Giờ làm cứu nước” dấy lên mạnh mẽ trong đội ngũ thợ thuyền  Những cuộc biểu dương lực lượng tượng trưng cho sức mạnh của công nhân diễn ra khắp nơi trong các năm 1946, 1947, 1948, 1949, 1950 trong những ngày vượt qua giai đoạn phòng ngự, cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Họ vừa đi vừa hô vàng khẩu hiệu thi đua sản xuất và tiết kiệm để xây dựng nước Việt Nam mới, dân chủ, cộng hòa. Công nhân ngành đường sắt đẩy đầu tầu xe lửa, tượng trưng cho sức mạnh của ngành mình. Họ vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu: “Tất cả những đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam phải thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Những người thợ điện và thợ cơ khí nâng cao mô hình máy phát điện. Những người thợ thủ công trương tấm thảm có hình chữ “S”, tượng trưng cho sự thống nhất đất nước. Trong xưởng máy, tiếng búa, tiếng đe vang vọng suốt ngày đêm. Trên ruộng đồng, nông dân hăng hái sản xuất nông nghiệp. Có thể nói phong trào công nhân trong kháng chiến chống Pháp, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Ban Thi đua ái quốc Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tôn Đức Thắng, đã thể hiện khí thế thi đua hào hùng trước vận mệnh của đất nước.
Trưởng Ban Thi đưa ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng nhận thức rằng, đẩy mạnh phong trào thi đua là để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công, góp sức vào sự nghiệp kiến thiết trong hoàn cảnh đất nước đang còn chiến tranh.
Làm Trưởng Ban thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng kêu gọi công nhân hãy đi đầu chống giặc ngoại xâm và hăng hái sản xuất, hậu phương thi đua với tiền phương; kêu gọi bà con nông dân tỏ rõ lòng trung kiên với nước, tỏ rõ lực lượng cách mạng hùng hậu, kề vai sát cánh cùng với công nhân chiến đấu. Bản hợp xướng cách mạng do Tôn Đức Thắng thổi tiếng kèn còn có thêm nhân dân lao động, trí thức, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên,… Trong tiếng súng nơi chiến trường, còn có tiếng mõ của người tụng kinh và tiếng chuông của nhà thờ rung, tất cả đều tạo thành sức mạnh vô địch, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thể hiện hào khí “Đông A” trong thời đại mới.
Trên cương vị Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có công đào tạo những hạt nhân của phong trào. Những người này, không những gương mẫu trong lao động sản xuất, mà còn có khả năng làm “ngòi nổ” trong phong trào đấu tranh ở các thành thị, trong đó có các nhà máy, công trường ở giữa phố phường như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định,… Một số cuộc biểu dương sức mạnh của công nhân ở các thành thị là do đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp chỉ đạo.
Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất khai mạc tại một địa điểm trên núi rừng Việt Bắc vào tối  30-4-1952, Về dự Đại hội có 154 đại biểu đại diện cho công, nông, binh, thương gia, trí thức trong cả nước. Trường Ban Thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng và một số vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ chủ trì Đại hội. Phiên họp sáng 1-5-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện với Đại hội. Người nói rằng, “trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi. Vì vậy, mức thi đua không thể giới hạn, nó cứ tiến mãi. Thi đua là một biểu hiện của yêu nước một cách thiết thực nhất. Đánh giá lòng yêu nước thi đua là chính xác nhất. Những người thi đua là những người yêu nước nhất, những người tôi trung của nhân dân, người con hiếu của Tổ quốc” (Dẫn theo “Đường Bác Hồ chúng ta đi” (Con đương theo Bác), Hoàng Quốc Việt kể, Đức Vượng ghi, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2008, tr. 302).
Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng phát biểu nhấn mạnh đến vai trò của công nhân, nông dân, chiến sĩ trong phong trào thi đua ái quốc; biểu dương những chiến công mà nhân dân ta đã giành được trong công cuộc thi đua kháng chiến, kiến quốc.
Sau Lời phát biểu của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng, nhiều đồng chí lần lượt đọc báo cáo điển hình. Đồng chí Ngô Gia Khảm, một công nhân chế tạo vũ khi được mời lên đọc báo cáo đầu tiên. Nhìn khuôn mặt anh với những nét nhăn nheo, vá víu, hậu quả của những đợt thí điểm sản xuất thuốc nổ, làm mọi người không cầm được nước mắt. Gương mặt anh là sự tái hiện của những ngày của năm 1944 lầm lũi, âm thầm cùng vài anh em sản xuất vũ khí. Lúc ấy, Công binh xưởng của các anh nghèo lắm, thô sơ lắm. Một chiếc máy tiện cũ, bộ chày cối để tán thuốc, chiếc lò nấu gang bên chiếc bễ thụt, một gian nhà cát làm khuôn đúc. Phương tiện thiếu thốn, lại phải ăn cơm nắm, muối vừng để “thụt thịt kéo bễ” nấu gang đúc vỏ lựu đạn. Vất vả, thiếu thốn, đói khổ là thế, nhưng người chiến sĩ – công nhân ấy không một lời phàn nàn, trái lại, càng gian khổ càng phấn đấu. Cần mẫn làm việc như con ong, cái kiến. Thất bại một lần, làm lại một lần, thất bại hai lần, làm lại hai lần, thất bại ba lần, làm lại ba lần, quyết không lùi bước. Sự kiên nhẫn đã đưa người anh hùng thợ đến thành công. Quả lựu đạn đầu tiên do Ngô Gia Khảm sản xuất tại Việt Nam đã được trao cho bộ đội và các chiến sĩ ta đã dùng nó giết được 11 tên giặc ngoại xâm tại Chiến khu Hoàng Hoa Thám. Từ đấy, Ngô Gia Khảm càng say sưa sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến. Quá trình thử nghiệm, nhiều lần bị thương, máu mồm, máu mũi ộc ra, mắt mờ, da mặt trên má, trên tay bị cháy xém loang lổ, nhưng tinh thần thì không bao giờ phai nhạt.
Sau Ngô Gia Khảm, các đồng chí Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh, La Văn Cầu,… lần lượt báo cáo. Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng đã biểu dương tinh thần thi đua ái quốc của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, xem họ đẹp như những bông hoa đẹp trong rừng hoa tươi thơm ngát. Đại hội đã bầu ra ba anh hùng lao động: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và bốn anh hùng quân đội Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị và trên 100 chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đồng chí Tôn Đức Thắng nói rằng, con số này rồi đây sẽ con tăng nhanh trong cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng chí mong các anh hùng và chiến sĩ thi đua hãy phát huy hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, xông lên trong bão táp của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đặng mang về độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng, ngày 13-8-1952, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định phát động phong trào thi đua lao động với tinh thần Ngô Gia Khảm. Khi hiệu lệnh thi đua phát ra, phong trào được triển khai nhanh chóng xuống các cơ sở sản xuất. Qua phong trào thi đua Ngô Gia Khảm, công đoàn đã tập hợp được đông đào lực lượng công nhân làm việc có năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Công nhân ngành giao thông thi đua bảo đảm giao thông thông suốt, làm mới hàng trăm cây số đường bộ, bắc trên 1000 chiếc cầu qua sông để các chiến sĩ vượt sang đánh giặc và cũng là để nhân dân đi lại được dễ dàng. Trong chiến dịch Tây Bắc, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã huy động gần 20 vạn công nhân làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Hàng nghìn tấn hàng được vận chuyển ra chiến trường, phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Hằng ngày, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng nhận được nhiều thư, báo cáo từ các nơi gửi về, thông báo về thành tích thi đưa từ các đơn vị, cá nhân. Thật là rầm rộ.
Làm Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng  rất sâu sát phong trào, nắm bắt tình hình nhanh nhạy, đặc biệt, rất chú ý đào tạo cán bộ cho phong trào. Những lớp học bồi dưỡng cán bộ làm công tác thi đua đã được tổ chức trong vùng giải phóng. Có lớp học được tổ chức bí mật ngay trong các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất hoặc công trường xây dựng. Có lớp học chỉ diễn ra trong một ngày, một buổi Trụ sở của Ban Thi đua ái quốc Trung ương lúc bấy giờ đóng ở Việt Bắc, thường nhận được những đề nghị từ các địa phương gửi đến, xin phong tặng danh hiệu thi đua. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã trực tiếp đọc các báo cáo đó và cùng lãnh đạo Ban Thi đua ái quốc Trung ương xem xét cẩn thận và giải quyết kịp thời.
Từ năm 1949 đến năm 1951, ngoài chức Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng còn được cử giữ các chức vụ quan trọng khác như Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,… Trong những ngày hòa bình lao động ở miền Bắc và những ngày cả nước thống nhất, khi đồng chí Tôn Đức Thắng lúc ấy trên cương vị Chủ tịch Nước, vẫn hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, vẫn chú ý chỉ đạo phong trào. Bác Tôn thường nhắc nhở mọi người là phải dấy lên mạnh mẽ trong trào thi đua yêu nước trong hoàn cảnh mới; khắc phục khó khăn, thiếu thốn bằng cách đẩy mạnh phong trào thi đua. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí đều mang hết tinh thần và nghị lực ra làm việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thể hiện bản lĩnh của người công nhân thợ máy năm xưa. Chính vì vậy, đồng chí được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao. Trong lời chúc nhân dịp đồng chí Tôn Đức Thắng được trao tặng Huân chương Sao Vàng, ngày 20-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
 “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
(Dẫn theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách “Đồng chí Tôn Đức Thắng người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực” của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.6).

2. Qua tấm gương thi đua ái quốc mẫu mực của đồng chí Tôn Đức Thắng, có thể rút ra những vấn đề sau:
Một là: Cần phải xác định chức năng chủ yếu của phong trào thi đua yêu nước là chức năng kinh tế và chức năng nghiên cứu khoa học; nâng cao sản phẩm xã hội và hiệu suất công tác, đạt những kết quả cuối cùng của sự phát triển của nền kinh tế và tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đạt năng suất lao động cao hơn, tổ chức lao động một cách khoa học hơn, bài bản hơn.
Hai là: Thi đua là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một tình cảm đặc sắc nhất. Nó đã tồn tại trong lòng dân tộc ta hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhiều khi nó đã trở thành linh hồn của dân tộc, sẵn sàng đè bẹp ý chí của những kẻ xâm lược và những kẻ tay sai bán nước. Nó đã trở thành bản anh hùng ca của mọi thời đại và của mọi chân giá trị cuộc sống.
Khi chủ nghĩa yêu nước được ngọn gió cách mạng thổi vào, thì biến hành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam là đỉnh cao của tình thần thi đua yêu nước Việt Nam.
Ba là: Thi đua ái quốc là một trong những hình thức biểu hiện và phát triển của tính chủ động, sáng tạo của nhân dân lao động và của chế độ dân chủ trong xã hội Việt Nam. Thi đua thể hiện cuộc đấu tranh của những người lao động để hoàn thành những giao ước đã đăng ký nhằm đạt được những kết quả sản xuất và nghiên cứu cao hơn, nâng cao trình độ văn hóa và trình độ sinh hoạt tinh thần của nhân dân lao động. Thi đua còn là quan hệ xã hội, quan hệ thi tài, người lao động biểu lộ nghị lực của mình, những khả năng sáng tạo của mình.
Thi đua là vốn có của bất kỳ một hình thức hoạt động chung nào của con người. Bất kỳ một hình thức thi đua nào cũng phản ánh các quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình lao động của người công nhân, nông dân, trí thức.
Bốn là: Hình thức thi đua rất đa dạng: thi đua nhằm nâng cao tay nghề, thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, thi đua giành danh hiệu thợ cả ưu tú, thi đua sản xuất, thi đua nghiên cứu khoa học, thi đua lập công trên các chiến trường chống giặc ngoại xâm. Thi đua là đòn bẩy mạnh mẽ của tiến bộ kinh tế, của các phong trào xã hội; là trường học giáo dục chính trị, lao động và đạo đức cho nhân dân lao động.
Năm là: Thi đua là phải có tổ chức nào đó đứng ra để phát động. Việc tổ chức thi đua yêu nước phải xét đến đặc điểm các loại lao động, lợi ích của người lao động, nhu cầu, nguyện vọng, trình độ nghề nghiệp, phải có chỉ tiêu cụ thể rõ ràng và phải có sự giao ước với nhau.
Trong tổ chức thi đua, phải đặc biệt chú ý đến tác nhân kích thích tinh thần. Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ như hiện nay, tỷ trọng của những tác nhân kích thích ấy ngày càng tăng.
Việc cải tiến tổ chức thi đua phải hướng vào củng cố những nguyên tác dân chủ, phát triển tính công khai của nó, thu hút hơn nữa đông đảo số người tham gia vào phong trào, nhưng phải có sự kiểm tra chặt chẽ, không làm bừa, làm ẩu.
Đã 38 năm (1980) trôi qua kể từ khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, phong trào thi đua yêu nước do đồng chí phát động theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang còn vang vọng trong lòng chúng ta.
Sinh thời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường nhắc nhở mọi người là thi đua phải mang tính điển hình và tính mở rộng. Các tổ chức, đoàn thể nhân dân, cơ quan, đơn vị sự nghiệp đều có thể phát động phong trào thi đua yêu nước. Muốn phát triển tốt phong trào, thì phải gạt bỏ được89  tính độc quyền trong thi đua.
Nói đến thi đua phải nói đến khen thưởng, động viên, không có khen thưởng, động viên thì không phát động được phong trào. Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường xuyên nhắc nhở những người làm công tác thi đua là phải khen thưởng, động viên cho đúng mức, đúng người, đúng việc. Ai đạt được đúng tiêu chuẩn do tổ chức đề ra, thì khen thưởng, ai chưa đạt được  thì phấn đấu, tuyệt đối không được khen thưởng tràn lan. Rất tiếc là liên hệ với tình hình thi đua khen thưởng hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều sơ suất, khen thưởng tràn lan. Chúng tôi được biết hiện nay, ít nhất cũng có hai trí thức không xứng đáng, nhưng vẫn được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, bị dư luận xã hội phàn nàn.
Noi gương đồng chí Tôn Đức Thắng, chúng ta quyết tâm thi đua giành nhiều thành tích, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
 ------
* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18-8-2018; Tạp chí Lao động và Công đoàn, số 634, tháng 8-2018.