Mới cập nhật

Đêm Praha Đọc triết học Hêghen










Georg Wilhelm Friedrich Hegel

Tác giả: PGS -TS Đức Vượng
Đêm dài nằm đọc Hêghen

Nhà triết học Đức chất men tinh thần.

Đã từng giảng dạy nhiều năm

Tại trường đại học Béclanh lẫy lừng.

Một nhà triết học tinh thông

Bản nguyên tích cực nhất đồng một khi.

Cả đời ông đã nghĩ suy

Con người hoạt động tư duy rành rành.

“Ý niệm tuyệt đối” của Ông

Dồi dào không khí mông lung đất trời.

Mác nêu đặc tính của người

Có ăn có ở mọi điều mới nên.

Hêghen lại coi tinh thần

Là cái có trước các phần có sau.

“Lôgích học” phép nhiệm màu

Để mà chuyển hóa lẫn nhau đồng thời.

“Tinh thần tuyệt đối” ở đời

Trở về với chính những nơi đời cần.

Giáp ranh duy vật duy tâm

Đâu là lý trí khó phân rõ ràng.

Nhiều khi đời vẫn mơ màng

Quan niệm “tuyệt đối” tinh thần bấy
lâu.

Xảy ra bao nỗi vui sầu

Chỉ vì nhận thức trong màu sắc chung.

Rồi đem quy kết lung tung

Nâng thành quan điểm coi chừng có phen.

Nghĩ suy triết học Hêghen

Một mình cùng với ngọn đèn đêm nay.

Những nhà triết học bậc thầy

Các ngài có biết đời là gì không?

Đêm nay đang giữa mùa đông

Đọc Hêghen thấy mông lung khôn cùng.


Praha,
Séc, Đêm 20 - 1 - 2002


------

Lời Tác giả: Vào một ngày
của tháng 1-2002, tôi đi lang thang trên đường phố thủ đô Praha, Cộng hòa Séc.
Đến một hiệu sách, tôi rẽ vào xem và mua sách. Tại đây, tôi thấy có một người
đàn ông, người Séc, trạc 60 tuổi, đứng ở một góc của hiệu sách, rất chăm chú
đọc một cuốn sách. Tôi hỏi ông ta đọc sách gì vậy? Ông nói: “Sách viết về
Hêghen”. Tôi nhận ra rằng, người Séc họ cũng thích đọc Hêghen. Tôi liền tìm mua
một cuốn sách này về đọc. Tôi suy ngẫm nhiều về triết học Hêghen và làm được
bài thơ Đêm Praha đọc triết học Hêghen.

Hêghen Gioócgiơ Vinhem Phriđrích (1770 -1831), nhà triết học Đức, đại
diện của nền triết học cổ điển Đức. Ông đã từng giảng dạy tại trường đại học
Iêna, rồi trường đại học Béclanh trong nhiều năm. Triết học của Hêghen đã phản
ánh một cách độc đáo tính chất mâu thuẫn của sự phát triển xã hội Đức ngay
trước khi có cuộc cách mạng tư sản, trong đó, thể hiện tính chất hai mặt của
giai cấp tư sản Đức, mà chính Hêghen là đại diện tư tưởng.

Người ta thường nói Hêghen là nhà triết học duy tâm. Tôi lại không
nghĩ như vậy. Ở Ông, vừa có những yếu tố duy tâm, lại vừa có những yếu tố duy
vật. Hai yếu tố này luôn đan xen nhau. Hơn nữa, thế nào là duy tâm, thế nào là
duy vật, cũng rất khó xác định, cũng như bây giờ, có người nói tâm linh là duy
tâm, có phải đúng thế không? Qua nghiên cứu, tôi thấy tư tưởng của Hêghen, vừa
là tiến bộ, vừa là bảo thủ. Hai mặt này đã tạo nên triết học Hêghen. Luận
thuyết “ý niệm tuyệt đối” của Hêghen cũng chưa chắc đã phải duy tâm. Ngay như
quan điểm triết học của Ông là “tinh thần đi trước”, cũng chưa hẳn là duy tâm.
Hêghen cho rằng, luận thuyết “ý niệm tuyệt đối” được phát triển qua 3 giai
đoạn: (1) Sự phát triển của ý niệm ở ngay trong lòng nó, chuyển hóa lẫn nhau, đó
là lôgích học (2) Sự phát triển của ý niệm không chỉ ở dưới hình thức xã hội,
triết học xã hội, mà còn thể hiện dưới hình thức tự nhiên, triết học tự nhiên.
(3) Sự phát triển của ý niệm còn được thể hiện trong tư duy và lịch sử, trong
tinh thần, triết học tinh thần. Thành quả quan trọng nhất của triết học Hêghen
là phép biện chứng đã được Ông trình bày khá rõ trong tác phẩm “Khoa học lô
gích” (1812-1816). Trong tác phẩm này, Ông phân tích những quy luật và phạm trù
quan trọng nhất của phép biện chứng, phân tích về tính thống nhất giữa biện
chứng học, lôgích học và nhận thức luận.

Các nhà khoa học của Liên Xô trước đây nói rất đúng rằng, triết học
Hêghen đã đóng vai trò to lớn trong việc hình thành chủ nghĩa Mác. C.Mác đánh
giá cao triết học Hêghen, đồng thời, cũng vạch ra những hạn chế trong triết học
Hêghen. Có điều là đọc sách của Hêghen rất khó hiểu, thấy nó mông lung. Cũng có
thể là do hạn chế về ngoại ngữ, nên chưa hiểu được thật sự cái tư duy của
Hêghen và ngòi bút triết học sắc bén của Hêghen. Điều này, phải mất thêm nhiều
năm nghiên cứu nữa, may ra mới có thể hiểu được tư duy triết học của Hêghen.