Mới cập nhật

“Thần khúc”


Tác giả: PGS, TS Đức Vượng
Thần khúc 1:

Tác giả Đantê:

Ôi! Địa ngục trần gian!

Ông bước vào một khu rừng rậm.

Một bầy chó sói, báo, sư tử xông ra,

(tượng trưng cho “kiêu căng”, “keo kiệt”, “ghen tỵ” ba tính xấu xa)

muốn ăn thịt những con người làm ra những khúc ca.

Đantê định nghĩa địa ngục là một cái vực thẳm khổng lồ.

Nó cắm sâu vào tận lòng đất và lòng người.

Ri rỉ ra những giọt máu ở đời.

Địa ngục có chín khu.

Khu dành cho lũ người xa hoa, lãng phí và keo kiệt.

Khu dành cho những quan chức hư hỏng và cơ hội

Tất cả đều là những kẻ có tội.

Chúng sống trong nhung lụa, còn thường dân phải sống trong lầy lội,

trên máu và nước mắt của những con người

lao động nhọc nhằn, ướt đẫm mồ hôi.

Thần khúc 2:

Tác giả Đantê:

Hỡi những kẻ kiêu căng:

Thần bắt y phải chịu hình phạt vác một khối đồ vật trên người,

mặt phải cúi gầm xuống không được nhìn thấy đời.

Hỡi những kẻ ghen tỵ,

Thần bắt y phải nhắm nghiền mắt lại,

cả cuộc đời không được mở ra,

không được nhìn thấy nụ cười cùng những nụ hoa,

để cho đời y phải tàn tạ trong cái thế giới mù lòa.


Thần khúc 3:


Tác giả Đantê:

Hỡi thiên đường với chín tầng cao.

Cũng như địa ngục đau xót làm sao!

Một chiếc thang vàng đưa con người lên bầu trời lấp lánh ánh sao.

Cảm thấy mình lâng lâng bay bổng đón chào.

Nhìn xuống trần gian mà lòng cảm thấy nao nao.

Vừa chát chúa đắng cay vừa cảm thấy hương vị của ngọt ngào.

Đantê ơi!

“Thần khúc” của ông mơ tưởng đến một thế giới xanh, sạch, đẹp

ngay tại cõi trần gian, chứ không phải thiên đường.

Ông quan tâm đến chính trị, đạo đức, tư cách của con người.

Nhưng ông phải biết rằng, thế giới vẫn đang còn chém giết nhau,

loài người vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau.

Mơ ước của ông cũng chỉ là “mơ ước”.

Cho đến bao giờ con người mới được yêu thương nhau!

Praha, Séc, 29-4-2000

------

Lời Tác giả: Những năm, tháng sống tại Cộng hòa Séc, tôi nhận ra một điều là nhiều trí thức Séc tìm đọc tác phẩm “Thần khúc” của tác giả Dante (1265-1321), một nhà văn kiệt xuất người Ytali, tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị trường tồn. Có người bảo tôi, “Thần khúc” được dùng làm giáo trình giảng dạy ở một số bộ môn về khoa học xã hội, nhân văn của một số trường đại học ở Séc.

“Thần khúc” là một bản trường ca, lúc đầu viết bằng tiếng Ytali, sau được dịch ra nhiều thứ tiếng; gồm 100 khúc ca với 14.226 câu thơ, mô tả và lên án những tính xấu của con người, như ghen tị, kiêu căng, keo kiệt, ức hiếp người lương thiện và mơ ước cuộc sống tốt lành trên thế gian.

Nhân loại đánh giá cao “Thần khúc” bởi tính nhân văn, nhân đạo cao cả của nó. Qua “Thần khúc”, Dante muốn nói đến cái “địa ngục trần gian”, cần phải loại nó ra trong cái thế giới này để con người sống với nhau có hạnh phúc hơn, tình yêu thương hơn, người với người là bạn, chứ không phải là đồ lang sói.

Hòa cùng với giới trí thức Séc, tôi vào một thư viện ở Praha tìm đọc “Thần khúc” và làm được bài thơ “Thần khúc” để minh họa, khái quát nội dung trong “Thần khúc” góp phần vào việc tuyên truyền cho “Thần khúc” ở Việt Nam.