Mới cập nhật

Tình sử của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái










Chân dung Nguyễn Trãi con của Nguyễn Phi Khanh (Nguyễn Ứng Long) và Trần Thị Thái

Con gái một vị tướng quân1
Là Trần Thị Thái mười phân vẹn mười.

Bén duyên Nàng đã nhận lời

Yêu Phi Khanh2 một con người tài ba.

Được mời đến ở trong nhà

Dạy Trần Thị Thái học mà nên duyên.

Hợp tình Nàng đã có mang

Với Phi Khanh mối lo càng thêm lo.

Chàng Khanh hoảng sợ lần dò

Nửa đêm lén trốn khỏi nhà Tướng công.

Chuyện rồi vỡ lở lung tung

Trần Nguyên Đán cho gọi Khanh trở về.

Cưới xin vui vẻ đề huề

Phi Khanh cảm động lòng thề sắt son.

Hai người đã sinh quý con

Đó là Nguyễn Trãi dấu son ân tình.

Trần Nguyên Đán bậc anh minh

Đối nhân xử thế đàn ông chính Người.

Trăm năm mới có ở đời

Vị Tướng quân một con người nhân văn.


Praha, Séc, Đêm 23-1-2002

PGS,TS Đức Vượng


------

Chú thích:

1. Vị tướng quân đó là Trần Nguyên Đán, Triều Trần.

2. Phi Khanh: Nguyễn Phi Khanh, tên lúc khai sinh là Nguyễn Ứng Long
(Khi làm quan cho Nhà Hồ, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, đỗ Thái học sinh, tức
Tiến sĩ), thân phụ của Nguyễn Trãi (Ức Trai), mà Nguyễn Trãi là một người có
công lớn đã giúp Lê Lợi chiến thắng quân Minh xâm lược, Tác giả của áng thiên
cổ hùng văn: “Bình Ngô Đại cáo”.

Lời Tác giả:  Có một lần, tôi đến thăm và làm việc tại
Trường Đại học Libơréc, Cộng hòa Séc. Trường này có nhiều sinh viên và nghiên
cứu sinh Việt Nam
theo học. Trong lúc trò chuyện với sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại đây, có
sinh viên hỏi tôi: “Chú là một nhà sử học, vậy chú có biết mối tình giữa bố và
mẹ của ông Nguyễn Trãi không”? Tôi trả lời là có biết. Rồi tôi kể cho sinh viên
đó nghe về mối tình này. Khi trở về Praha, tôi làm bài thơ: Tình sử của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị
Thái.

 Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư”
của sử gia Ngô Sĩ Liên, thì tướng quân Triều Trần là Trần Nguyên Đán có hai
người con gái, con gái lớn là Trần Thị Thái và con gái thứ là Trần Thị Thai.
Nguyễn Ứng Long dạy Trần Thị Thái học. Nguyễn Hán Anh dạy Trần Thị Thai học.
Nguyễn Ứng Long làm thơ tình bằng quốc âm, gửi Trần Thị Thái. Đọc thơ, Trần Thị
Thái có cảm tình với Nguyễn Ứng Long, rồi dần dần họ yêu nhau một cách thầm
kín, vụng trộm. Khi biết Trần Thị Thái đã có mang với mình, Nguyễn Ứng Long sợ
bị Trần Nguyên Đán trừng phạt, liền bỏ trốn. Trần Nguyên Đán biết chuyện này.
Đến ngày Trần Thị Thái sinh nở, đẻ ra Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán hỏi: “Ứng
Long đâu rồi”? Người nhà trả lời là Ứng Long sợ tội bỏ đi rồi. Trần Nguyên Đán
thở dài nói: “Vận nước sắp hết rồi, biết đâu không phải là trời xui ra thế, vị
tất không phải là phúc của nhà mình”. Bèn cho gọi Nguyễn Ứng Long đến, nói:
“Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như sao?
Nếu được như Tương Như để tiếng đời sau, thì ta cũng bằng lòng”. Nguyễn Ứng
Long cảm động lắm, quỳ xuống tạ ơn ông bố vợ, hứa sẽ cố sức học hành. Nguyễn
Ứng Long thi đỗ Thái học sinh và làm quan cho Triều Hồ. Cho hay, nhiều khi mối
tình vụng trộm lại đẻ ra anh hùng hào kiệt. Hỡi ôi! Ở đời không nên coi thường
mối tình kiểu này. Nhưng cái người ta phục hơn cả vẫn là cách xử sự rất đàn ông
của tướng quân Trần Nguyên Đán, một vị tướng không chỉ giỏi về cầm quân, mà còn
giỏi về “cầm nhà” (Xem thêm: Lời Tác giả
trong bài thơ: Trước ải Nam Quan).

(Tương Như, người Thành Đô, Triều Hán, tự là Trường Khanh, học giỏi,
văn hay, đời Hán Vũ Đế, vì dâng bài phú, được làm quan, đứng đầu về từ phú của
Triều Hán. Mối tình của Trác Văn Quân và Tương Như cũng tương tự như mối tình
của Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái).