Mới cập nhật

Tâm sự của tác giả Đức Vượng về thơ và tập thơ Tâm tình



1. Tôi sang công tác ở Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia từ ngày 1-12-1999, trong thời hạn là ba năm. Đến Cộng hòa Séc, tôi nhận ra ngay một điều là cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slôvakia nói riêng và châu Âu nói chung, rất yêu thích thơ, nhất là những bài thơ về quê hương, đất nước, tình yêu, cuộc sống. Những con người xa xứ thường khát khao về một cái gì đó được thể hiện trong văn thơ. Chính vì vậy mà phong trào sáng tác thơ, ngâm thơ, bình thơ của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu rộ lên như một rừng hoa mới nở đầu hè. Họ làm thơ không phải để trở thành nhà thơ, mà để phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng.

Sống vui bởi những ước mơ
Đời vui bởi những vần thơ cộng đồng.

Hòa cùng với phong trào thơ của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu, tôi cũng “xông vào” làm thơ. Những bài thơ trong tập thơ Tâm tình, hầu hết tôi sáng tác trong những ngày công tác ở châu Âu. Trong năm 2002, tạp chí Quê hương tại Cộng hòa Séc xuất bản những bài thơ của tôi thành 2 tập: Quê hươngtình yêu; Nhân tình thế thái, cùng với cuốn sách chuyên khảo: Những ngày ở Séc. Về nước, tôi in tiếp hai tập thơ là Tình đời; Con người và cuộc đời. Lần này là tập thơ Tâm tình.

2. Thơ Tâm tình, tập trung vào ba mảng chủ đề chính là thơ triết lý; thơ tự sự; thơ trữ tình.  Thơ Tâm tình thổ lộ tình cảm của những người xa xứ; về nơi đất khách, quê người; về tâm  tình; tình yêu quê hương, đất nước; về những nhà cách mạng; nhà văn hóa; về thế sự, nhất  là những bài thơ triết lý về con người và cuộc đời.

Triết lý là lý luận của triết học. Bản thân nó là triết học. Triết học (do chữ Hy Lạp "philos", nghĩa là "bạn" và chữ "sophia", nghĩa là "trí tuệ" tạo thành; tiếng Anh viết là (philosophi"), trước hết là khoa học, "khoa học của các khoa học", bao gồm toàn bộ các trí tuệ của loài người gom lại, là cơ sở phát triển của các khoa học. Bên cạnh khoa học, triết lý còn là vấn đề nhạy cảm. Tôi muốn đem cái nhạy cảm của thơ triết lý để bình luận về những con người và bình luận về cuộc đời, sự đời, nhân tình thế thái. Vấn đề đặt ra đối với tôi là con người và cuộc đời phải luôn luôn gắn liền với đời sống. Dòng thơ chảy vào đời sống là dòng thơ phong phú nhất, có sức lay động lòng người nhất.

Thơ triết lý đang là thơ được trọng dụng ở phương Tây. Ở phương Đông, người ta ít làm thơ  triết lý, nhưng không phải không có. Tại Việt Nam, thơ triết lý, tôi thấy tiêu biểu có Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi rất thích thơ triết lý và cũng rất thích làm thơ triết lý, vì đây là nguồn cảm hứng được kích động mạnh trong tư duy, bật ra trong sáng tác. Ngày 10-6-2011, giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), gửi thư cho tôi. Thư viết:“Tôi đi công tác ở các tỉnh phía Nam về, tôi rất vui mừng và cảm động nhận được hai quyển sách của Anh gửi tặng. Tôi đặc biệt thích đọc những bài trong tập thơ triết lý “Con người và cuộc đời”.

Xin chân thành cảm ơn Anh và gửi đến Anh những lời chúc tốt đẹp nhất. Mong Anh luôn vui mạnh và thành công”.

Thơ viết về các nhân vật lịch sử, những chính khách, nhà văn hóa lớn trên thế giới và Việt Nam đã chiếm vị trí trang trọng trong thơ Tâm Tình, như Thích Ca Mâu Ni, Giêsu, Lão Tử, Khổng Tử, Hàn Phi Tử, Tư Mã Thiên, Ganđi, Hêghen, Lép Tônxtôi, Puskin, Môda, Lécmôntốp, Henrích Hainơ, Môngtexkiơ, Rútxô, Xâyphớt, Picátxô,...Tại Việt Nam, tôi làm thơ về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh,...

Thơ viết về tình yêu quê hương, đất nước thường lắng đọng trong tâm hồn; tình người chứa chan hiện lên trong cuộc sống và lao động.

3. Những bài trong tập thơ Tâm tình thường gắn với hoàn cảnh, xã hội, con người, thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng, chỉ có hiểu được con người, tình người một cách thấu đáo, sâu sắc, đằm thắm, thì mới thành thơ. Thơ phải thể hiện rõ tình cảm quan điểm của mình đối với vận mệnh của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông.
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Người dạy chúng ta làm thơ phải biết gắn với hoàn cảnh, xã hội, gắn với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

4. Tôi nhận thức rằng, đã gọi là thơ, thì trong thơ phải có tứ thơ, hồn thơ. Nhà thơ Nguyễn Bính có nhiều bài thơ, câu thơ mang tứ thơ, hồn thơ rất sâu sắc. Thí dụ, trong bài thơ “Chân
quê” mà Nhà thơ viết năm 1936, có những câu thơ tràn đầy tứ thơ, hồn thơ:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm nay em đi tỉnh về 
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), một nhà thơ lớn của Việt Nam, vang dội trên thi đàn Việt Nam suốt nhiều thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Ông có những bài thơ làm rung động biết bao trái tim, dồn dập hơi thở, sôi sục tâm hồn, dạt dào tình cảm. Sức lay động của thơ Tản Đà đối với xã hội và con người thật là “thơ”, bộc lộ tâm sự u hoài bằng thơ, cái “ngông” bằng thơ, cái tế nhị, hài hước, cái lắng đọng tâm hồn, dằn vặt tư duy, tất cả đều chứa đựng trong thơ:

“Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”.

Bốn câu thơ trên nằm trong bài “Thề non nước” của Tản Đà. Ở đây, tứ thơ rất tuyệt mỹ, phản ánh đúng một con người và một thời đáng nhớ.  Nguyễn Gia Thiều, một nhà thơ lớn của dân tộc, có nhiều câu thơ chứa đựng hàm lượng tứ thơ, hồn thơ rất thâm thúy:

“Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Màn đêm tịch mịch bóng đèn thâm u”.
(Cung oán ngâm khúc)

Ở đây, Nguyễn Gia Thiều không dùng từ “màn đêm tĩnh mịch”, mà dùng từ “màn đêm tịch mịch”, điều đó nói lên rằng, màn đêm đã chết và con người cung nữ sống cũng như chết ở nơi cung cấm. Ông cũng không dùng từ “bóng đèn âm u”, mà dùng từ “bóng đèn thâm u”.  Thâm” ở đây có nghĩa là “thâm cung bí sử” mà đời nào cũng có. Ở Việt Nam, có mấy ai làm
được thơ cung đình như Nguyễn Gia Thiều.

5. Thơ phải mang tính mỹ học. Mỹ học, xét về mặt triết học, là khoa học về các tính quy luật của việc con người cảm thụ thế giới một cách thẩm mỹ, về bản chất và các hình thức sáng tạo theo các quy luật về cái đẹp, trong đó có cả cái đẹp thần linh, tâm linh. Điều quý giá nhất trong quan niệm thẩm mỹ là cách nhìn về nghệ thuật, sự phân tích biện chứng về các hình thức và phạm trù của nghệ thuật, sự hiểu biết mối liên hệ thực thể giữa nghệ thuật và cuộc sống. Đó là cái đẹp, cái giá trị trong đời sống xã hội, trong cách ứng xử, trong giao tiếp và cả trong ngôn ngữ. Đó là sự phân biệt giữa cái đẹp và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp hèn, cái bi và cái hài, cái văn hóa và không văn hóa. Nó thể hiện trong lao động, trong cách
ứng xử khi giao tiếp và cách đối xử giữa con người với con người, trong sinh hoạt xã hội và thái độ đối xử với thiên nhiên. Mỹ học làm sáng tỏ những mặt khác nhau của bản chất nghệ thuật và của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nhiệm vụ của mỹ học là tích cực tham gia vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện và hài hòa, “con người đẹp”. Mỹ học ra đời vào khoảng 2.500 về trước, trong thời xã hội chiếm hữu nô lệ ở Ai Cập, Babilon, Ấn Độ, Trung Quốc. Mỹ học rất được phát triển ở Hy Lạp thời cổ đại, nhất là trong các tác phẩm của Platôn, Arixtốt.

Mỹ học trong thơ là cái đẹp, cái giá trị trong nội tâm con người được thể hiện thành thơ. Nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) viết: “Thơ là viên ngọc long lanh dưới ánh sáng mặt trời”. Nhận định này của nhà thơ Sóng Hồng chính là nói đến cái mỹ học trong thơ. Nguyễn  Du, một nhà thơ lớn của Việt Nam, có nhiều câu thơ trong “Truyện Kiều” đã đạt đến trình độ mỹ học rất cao:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”.
 
“Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.

Thơ Đường cũng mang tính mỹ học rất cao. Công bằng mà nói, nếu ở phương Tây, người ta tự hào về nền văn học Hy - La cổ đại với những thi phẩm đặc sắc, đượm chất anh hùng ca, như Iliade, Odyssée, Ênide,… thì người phương Đông chúng ta cũng tự hào về thơ Đường. Có người nói: “Thơ Đường chính là một sản phẩm vô giá của nền văn hóa phương Đông”. Lại có người nói: “Thơ đường là thơ “ngọt”, cứ muốn “uống mãi” và “càng uống càng khát”. Đúng vậy! Thơ Tống cũng hay, nhưng không thể bằng thơ Đường. Đọc những câu thơ sau đây, chúng ta thấy rất rõ chất mỹ học của thơ Đường:

“Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe vẳng chuông chùa Hàn Sơn”.
Trương Kế

“Sông dài nước chảy lênh đênh
Dặm nghìn đất khách mối tình mênh mông”.
Vi Thừa Khanh

“Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm”.
Trương Cửu Linh

Những câu thơ rất đẹp trên đây đã lột tả hết cái lẻ loi, lạnh lẽo, u buồn của những đêm sương bao phủ, vây quanh lấy số phận con người. Suy rộng ra, đó là sự cô đơn của con người.

6. Một trong những đặc trưng của thơ là ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ phải là ngôn ngữ đậm đặc, trong vắt, với những từ thật “đắt giá”, chọn lọc tinh khiết từ kho tàng ngôn ngữ của dân tộc. Ngôn ngữ trong ca dao, phong dao, tục ngữ có nhiều từ bình dị, mộc mạc, nhưng lại chứa đựng thứ ngôn ngữ trong sáng. Nếu biết chọn lọc từ những ngôn ngữ ca dao, phong dao, tục ngữ để đưa vào thơ thì thật là tuyệt.

7. Nhận thức về thơ cũng không giống nhau, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, trình độ, khiếu thẩm mỹ, tình cảm của người đọc thơ, tác giả thơ và quan điểm của mỗi người. Có bài thơ, người này khen hay, người khác chê dở. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là cái chất trữ tình của thơ và ngôn ngữ ngọc ngà của thơ. Tôi nhận thức rằng, không nên dựa hẳn vào nội dung để đánh giá bài thơ, mà còn phải dựa vào nghệ thuật để đánh giá. Sự kết hợp giữa nội dung và nghệ thuật để đánh giá thơ ca là quan điểm đúng đắn. Cũng không nên dùng uy thế của chính trị để đánh giá thơ và nhà thơ. Sự áp đặt chủ quan từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác thường là khiên cưỡng. Cái không hiểu biết của lĩnh vực này, đem ban phát cho lĩnh vực đó như một chỉ thị thường mang lại hậu quả. Sự áp đặt về tư tưởng là sự không lành mạnh về tư tưởng. Với các nhà văn hóa (trong đó có nhà văn, nhà thơ, nhà khoa
học) có thể trong đời thường, họ phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng trong đời sáng tác thơ văn và cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, họ lại có rất nhiều đóng góp phong phú. Sự phong phú đó đã làm cho các công trình của họ tồn tại lâu dài cùng với lịch sử và thời gian, qua đó, cũng dẫn đến sự phong phú về tinh thần. Người đời sau sẽ nhớ mãi đến họ.Có thể chốt lại trong thơ chính là cái tâm, cái trí của người làm thơ. Tâm, trí thường đan dệt với nhau, cân đối với nhau sẽ thành nội dung và nghệ thuật thơ. Trong cuốn sách “Hành trình về phương Đông” của giáo sư Blair T.Spalding, viết: “Có “trí” mà thiếu “tâm” chỉ là mớ kiến thức vô dụng, một cái xác không hồn. Có “tâm” mà thiếu “trí” cũng không được, vì sẽ dễ sa ngã, đi lầm vào tà đạo”.

Thơ Tâm tình gồm 9 chương và Phụ lục. Mỗi chương theo một chủ đề. Nhìn chung, các bài đều được sắp xếp theo thời gian sáng tác của từng chương. Mỗi tập thơ gồm những bài đã được in trong tập thơ trước và bổ sung những bài thơ mới, mà những tập trước, mặc dù vẫn sáng tác ở nước ngoài, nhưng tôi chưa có điều kiện đưa vào. Còn một số bài nữa, tôi cũng sáng tác ở nước ngoài, nhưng chưa thể đưa vào những tập thơ đã xuất bản, vì những lý do khác nhau.Trên đây là một vài lời bộc bạch của tôi về thơ. Nhận thức của tôi về thơ có thể là chưa hoàn hảo. Có điều gì không đúng, mong được bạn đọc lượng thứ.