Mới cập nhật

CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI

anh-dep-gio-to-hung-vuong-14-1024x792

PGS,TS Đàm Đức Vượng

Cũng như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử có liên quan đến việc xem vận nước, vận nhà, vận người. Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử để xem vận nước, vận nhà, vận người cũng có tác dụng nhất định.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử là sự mở rộng những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nghiên cứu hoạt động xã hội và hoạt động của con người; là khoa học của những quy luật chung của sự phát triển của xã hội và các hoạt động của con người, rằng, con người trước hết phải có ăn, uống, ở, mặc, rồi mới có thể nghĩ đến làm chính trị, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo,... Việc sản xuất ra những của cải thiết yếu nhất, và do đó, mỗi trình độ nhất định trong sự phát triển kinh tế của xã hội hay một thời đại, đều là cơ sở phát triển của những cơ cấu chính trị, của những quan điểm pháp luật, của nghệ thuật và thậm chí của những tư tưởng tôn giáo của người ta. Không sản xuất ra của cải vật chất, thì bất cứ một xã hội nào, một con người nào cũng đều không thể tồn tại được. Nhờ công cụ lao động, người ta tác động đến tự nhiên và tự cung cấp những thứ cần dùng. Sự tiến bộ của xã hội phụ thuộc vào bước tiến hóa của sự sản xuất vật chất. Lịch sử của xã hội chỉ bắt đầu từ khi con người chế tạo được công cụ sản xuất. Lực lượng sản xuất tiến bộ, thì mặt thứ hai của sản xuất vật chất, tức quan hệ sản xuất, chế độ kinh tế cũng biến đổi theo. Vấn đề này, có sự tác động đến các thành viên trong xã hội, tác động vào số mệnh con người. Nắm được những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử, chúng ta sẽ khắc phục được sự võ đoán, chủ quan duy ý chí trong việc xem xét xã hội, xem xét con người và cuộc đời; qua đó, người ta có thể phát hiện ra những quy luật, tiềm năng cùng những bí mật của con người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng, lịch sử xã hội và hoạt động của con người không phải là kết quả của ý chí và nguyện vọng của người ta. Ý nghĩa rộng lớn của chủ nghĩa duy vật lịch sử là ở chỗ nó đã phát hiện và giải thích các quy luật phát triển xã hội và tương lai của con người; nó đã đem những hành động của cá nhân quy vào các hoạt động của xã hội; rằng, lịch sử phát triển của xã hội là lịch sử của ngay bản thân con người, lực lượng lao động sản xuất ra những của cải vật chất cũng như tạo ra giá trị tinh thần cho xã hội.

Nhờ có chủ nghĩa duy vật lịch sử, khoa học xã hội và khoa học về con người trở thành một khoa học tinh túy ngang với sinh vật học.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử là cơ sở lý luận và phương pháp luận của khoa học xã hội, khoa học tâm lý, khoa học nghiên cứu về con người. Việc sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử là một bước ngoặt căn bản trong sự phát triển của tư tưởng xã hội. Việc đó, một mặt, đã cho phép đề ra quan điểm duy vật về thế giới, xã hội, con người; xác định mối quan hệ mà con người tham gia trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất và tạo ra những giá trị tinh thần phục vụ cho đời sống của cộng đồng mình và cho chính bản thân mình. Chủ nghĩa duy vật lịch sử nhấn mạnh ảnh hưởng tích cực trở lại của tư tưởng con người. Có ý kiến cho rằng, chủ nghĩa duy vật lịch sử thù địch với thuyết định mệnh, thuyết duy ý chí. Ở đây, chúng ta không nói đến thuyết định mệnh, thuyết duy ý chí, mà chỉ nói đến việc vận dụng những điểm hợp lý trong chủ nghĩa duy vật lịch sử để xem xét xã hội, xem xét con người. Vẫn biết bản thân con người sáng tạo ra lịch sử của mình, nhưng không thể “sáng tạo” ra lịch sử một cách tùy tiện, bởi vì, mỗi thế hệ mới hoạt động trong những điều kiện khách quan nhất định đã được tạo ra trước nó. Những điều kiện ấy và những quy luật hoạt động đã mở ra những khả năng muôn màu, muôn vẻ cho hoạt động của con người. Việc thực hiện những khả năng ấy, cũng tức là tiến trình hiện thực của lịch sử, lệ thuộc vào con người, vào tính tích cực và tính chủ động của con người.

Tóm lại, chủ nghĩa duy vật là quan niệm triết học cho rằng, bản chất của vũ trụ là vật chất, có vật chất rồi mới nảy sinh ý thức; vật chất là một sự thực khách quan ở ngoài ý thức con người; vật chất quyết định ý thức và ý thức lại ảnh hưởng trở lại đối với vật chất.

Trong chủ nghĩa duy vật nói chung, có chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đều do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng tạo ra.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng gồm ba đặc điểm: (1) Thế giới là vật chất, phát triển theo những quy luật của vật chất vận động. (2) Vật chất, giới tự nhiên và sự tồn tại là sự thực khách quan ở ngoài ý thức của con người; tinh thần, tư tưởng là sản phẩm của vật chất phát triển đến một trình độ cao, tức là bộ óc. (3) Con người có thể nhận thức được thế giới và quy luật vận động của thế giới. Trong thế giới không có những cái không thể biết, mà chỉ có những cái chưa biết.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử gồm ba đặc điểm: (1) Sự phát triển của lịch sử là hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động những người lao động, đến những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội và con người. (2) Phương thức sản xuất là tổ chức cơ sở của xã hội, là hạ tầng (hạ tằng) cơ sở. (3) Hình thức tổ chức nhà nước, chế độ chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo,... là thượng tầng (thượng tằng) kiến trúc phục vụ hạ tầng cơ sở; hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc.

Vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử để đánh gia, nhận xét con người, xem quá khứ, hiện tại để rồi đoán định tương lai của họ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng, khách quan về thực trạng xã hội và con người