Mới cập nhật

Hình thức và nội dung thể hiện bề ngoài và nội tâm của con người

PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

dung-mao-dep-511x341

 

Hình thức và nội dung có liên quan mật thiết đến tướng - số. Hình thức chính là tướng mạo, còn nội dung chính là tâm, là số. Vì vậy, giải quyết vấn đề tướng - số chính là giải quyết vấn đề hình thức và nội dung. Hình thức và nội dung cũng là hai phạm trù của phép biện chứng duy vật. Nó có một ý nghĩa trọng yếu đối với quan niệm về sự phát triển. Mọi sự vật, mọi hiện tượng của tự nhiên, xã hội, con người đều có nội dung và hình thức của nó. Toàn bộ những yếu tố và quá trình được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cấu thành sự vật hoặc hiện tượng, tức là nội dung, và phương thức tồn tại và biểu hiện ra bên ngoài của nội dung đó, của những biến thể khác nhau của nó, đó là hình thức. Tác động qua lại giữa nội dung và hình thức trong quá trình phát triển, nhất thiết phải bao hàm cả những ảnh hưởng của các bộ phận khác nhau của nội dung đối với hình thức lẫn những ảnh hưởng của các bộ phận kết cấu khác nhau của hình thức đối với kết cấu của nội dung có tính đến sự phụ thuộc khách quan giữa yếu tố nội dung và yếu tố hình thức.

Trong mối quan hệ qua lại giữa nội dung và hình thức, thì nội dung là mặt chủ đạo, mặt phản ánh hình thức (bên ngoài). "Mọi sự vật, mọi hiện tượng của tự nhiên và xã hội đều có nội dung và hình thức cả nó. Hình thức thay đổi tùy theo sự thay đổi của nội dung và của các điều kiện tồn tại cụ thể của nó. Người ta quan niệm nội dung là mặt quan trọng nhất của sự vật, biểu thị bản chất sâu kín của sự vật, biểu thị thực chất căn bản của sự vật, thực chất căn bản này biểu hiện trong tính chất và đặc tính của sự vật" ("Từ điển Triết học", do một tập thể các nhà triết học Liên Xô trước đây biên soạn, Chủ biên là GS M.Rôdentan và GS P.Iudin). Hình thức là tổ chức bên trong của nội dung. Nó phản ánh nội dung một cách sinh động. Do có tính độc lập tương đối, cho nên, đến lượt nó, hình thức lại có tác động tích cực ngược trở lại đối với nội dung. Nội dung thích ứng với hình thức. Thí dụ, một người khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, chứng tỏ bên trong cơ thể (nội dung) không có bệnh. Tuy nhiên, sự thống nhất giữa nội dung và hình thức chỉ là tương đối và mang tính tạm thời. Trong sự phát triển của xã hội, quan hệ qua lại giữa nội dung và hình thức là phức tạp. Nhà lý số phải rất tinh ý mới có thể nhận ra. Người ta quan niệm nội dung là mặt quan trọng nhất của sự vật, biểu thị thực chất căn bản của sự vật, thực chất căn bản này biểu hiện trong tính chất và đặc tính của sự vật, biểu hiện ra bề ngoài (hình thức). Thí dụ, anh có bệnh gan (bên trong), nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài là da vàng, mắt vàng. Anh là một người có tư duy lớn, mưu cầu sự nghiệp lớn, nó sẽ biểu hiện ra tướng mạo bên ngoài, trông khôi ngô, kỳ vĩ và ngược lại. Nhưng cũng không ít trường hợp trông anh ta tai to, mặt lớn, nhưng kỳ thực lại là người rất tầm thường, suốt đời chỉ là anh nhân viên quèn trong một cơ quan công vụ. Người môi thâm, thể hiện nội tâm bên trong là nghèo khổ, nhiều bệnh tật, lại là người nham hiểm, khó chơi. Người có miệng như mỏ chim (như thổi lửa), thường mưu nghiệp lớn cho mình, biết huy động trí lực của người để phục vụ cho mục đích của mình, khi mục đích đạt xong rồi, thì không để ý đến những người đã giúp mình, thậm chí còn quay sang phản bạn, mặc dù người bạn đó đã từng “nằm gai nếm mật” với mình. Chuyện về Phạm Lãi xem tướng Việt Vương Câu Tiễn, rồi than phiền: “Ông ta cổ dài, miệng mỏ chim, có thể ở cùng với nhau khi hoạn nạn, nhưng không thể ở cùng lúc đắc ý”. Bởi thế, diệt xong vua Ngô Phù Sai, Phạm Lãi bỏ Việt Vương Câu Tiễn trốn đi, tránh khỏi cái họa Văn Chủng bị Câu Tiễn giết. Văn Chủng là bậc đại thần, có công rất lớn, cùng với Phạm Lãi, bày mưu tính kế để Việt Vương Câu Tiễn trở về tiếp tục làm vua nước Việt, trong lúc Câu Tiễn đang bị vua Ngô Phù Sai cầm tù. Lại có người trông bé nhỏ (ngũ đoản), nhưng lại làm to, như trường hợp của Án Tử (Án Anh) (cao 1,50 mét, giữ chức Tể tướng), Napônêông Bônapác (cao 1,60 mét, Hoàng đế nước Pháp)... Trong những trường hợp này, nhà lý số lại giải thích ở những mối liên hệ khác, như giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh chẳng hạn. Hình thức bề ngoài liên hệ với những yêu tố của nội dung bên trong, thành một thể thống nhất, mang tính quy luật. Không có nội dung sẽ không có hình thức. Không có hình thức, nội dung cũng không thể có được; không bao giờ có nội dung không hình thức, cũng như không bao giờ có hình thức không nội dung.

Không có hình thức, thì nội dung không còn là nội dung nữa. Một nội dung nhất định, cụ thể, chỉ có thể tồn tại dưới một hình thức nhất định mà thôi. Hình thức tác động đến nội dung bằng cách báo cho người ta biết để khắc phục. Thí dụ, một người tự nhiên da mặt (hình thức) xạm đen lại, rồi người ngứa ngáy toàn thân, càng gãi càng ngứa, báo hiệu là gan bên trong đang có vấn đề, cần phải điều trị. Một người hay ho về đêm, báo hiệu bệnh ung thư họng có thể sẽ đến, cần phải đi gặp bác sĩ. Một người thường xuyên ho tức ngực, có khi khạc ra máu, báo hiệu triệu chứng lao phổi, ung thư phổi, cần phải đi bệnh viện điều trị...

Hình thức và nội dung gắn chặt với nhau và nội dung (bên trong, nội tâm) là nhân tố tác động ra hình thức (bên ngoài). Hình thức không phải như một sự vật tự nó đã đầy đủ rồi, mà như sự biểu hiện nội dung nhất định. C.Mác nói rằng, cối xay chạy bằng sức nước đã đưa đến một xã hội có chúa phong kiến; còn cối xay chạy bằng hơi nước, thì đưa đến một xã hội do nhà tư bản cầm đầu.

Nhà lý số giỏi là người hiểu thấu một cách tường tận về mối tương quan giữa nội dung và hình thức để có thể phán đoán đúng về số mệnh, số phận của mỗi con người, mỗi cuộc đời và lớn hơn nữa là vận mệnh của cả một dân tộc

-------------
(1)Vũ Tài Lục: Tướng mệnh khảo luận, tr. 127. Chuyện này cũng đã chép trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên.
“Lúc đắc ý” là lúc nghiệp lớn đã thành. Lúc này, Việt Vương Câu Tiễn đã trở lại làm vua