Mới cập nhật

LÝ LUẬN VỀ NGŨ HÀNH

cach-chua-benh-tinh-chi-1420514940396

PGS,TS Đàm Đức Vượng

Lý luận về Ngũ Hành là lý luận nghiên cứu, quan sát, phân tích về kim loại, cây, nước, lửa, đất. Nó là vật chất trong muôn nghìn biểu hiện và hình thức vận động của nó. Tính thống nhất của tự nhiên thể hiện ở tính vật chất của nó. Khi nghiên cứu về Ngũ Hành không phải là cái gì khác, mà là sự hiểu biết tự nhiên theo bộ mặt vốn có của nó, không thêm không bớt. Hiện tại, đang có những nhận định khác nhau về tự nhiên (Ngũ Hành). Nhà triết học Đức Hêghen cho rằng, tự nhiên chỉ là một hình thức tồn tại của tinh thần. Nhà nghiên cứu Makhơ lại cho rằng, tự nhiên chỉ là sự phức hợp của những cảm giác chủ quan... Kỳ thực, tự nhiên là một thực tại khách quan tồn tại bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức. Tự nhiên phát triển vĩnh viễn, không có bắt đầu, không có kết thúc trong thời gian và không gian. Chúng ta nghiên cứu, xem xét Ngũ Hành trong sự vận động và phát triển của nó.

“Ngũ Hành” là tên gọi của người phương Đông, còn người phương Tây gọi là “Nguyên tố”. Đó là “5 hành” (5 loại vật chất cơ bản, 5 nguyên tố): Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Trong sách "Thuật tướng số cổ đại Trung Quốc" của Hồng Phi Mô và Khương Ngọc Trân viết: “Ngũ Hành gồm Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ”. Sự vận động, biến hóa của 5 loại vật chất này đã tạo nên thế giới muôn màu, muôn vẻ. Con người và vạn vật nảy sinh ra cũng từ 5 nguyên tố này + “nguyên tố không khí” mà người đời xưa không nhìn thấy, cho nên không tổng kết. Đây là lý luận trong quá trình nhận thức về thế giới vật chất của con người từ trước đến nay. Ngũ Hành là sự vận động của thế giới vật chất gồm Kim (kim loại, đá, quặng), Mộc là cây cối, Thủy là nước, Hỏa là lửa, Thổ là đất. Người đời xưa quan niệm trong thế giới tự nhiên, thế giới con người và thế giới động vật đều do 5 nguyên tố này tác thành. Nó không ngừng biến đổi, vận động biến hóa. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Nếu không có nó, con người không thể duy trì sự sống, bởi vì chính nó sinh ra sự sống. Sự tuần hoàn liên tục của vũ trụ và Trái Đất cũng nhờ có 5 nguyên tố này.

Thuyết Ngũ Hành nhấn mạnh đến chỉnh thể. Nó giải thích về mối quan hệ và các hình thức vận động của trời đất. Thuyết Ngũ hành liên quan mật thiết đến vũ trụ và thiên văn học. Ngũ hành tạo ra năng lượng, cái để đo sự vận động của vật chất. Thực ra, khái niệm “năng lượng” và khái niệm “vận động” đều có giá trị như nhau. Khi nói đến năng lượng là nói đến vận động và khi nói đến vận động là nói đến năng lượng. Vận động tạo ra năng lượng. Ph.Ăngghen cho rằng, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng là định luật cơ bản của sự vận động, quy luật tuyệt đối của tự nhiên. Năng lượng không thể có nếu không có những vật thể vật chất như nước, lửa, đất, cây cối, kim loại,... Năng lượng gắn với vật chất. Định luật về sự liên hệ phổ biến giữa khối lượng và năng lượng là một trong những định luật cơ bản của vật lý học hiện đại.
Một trong 5 Ngũ Hành được xác định là rất quan trọng là Thổ (đất đai). Nhà tự nhiên học lớn của nước Nga Đacútsaiép Vaxiliêvích, người sáng tạo ra thổ nhưỡng học đã dày công nghiên cứu về đất đai. Ông coi Ngũ Hành là một chỉnh thể, coi những hiện tượng và quá trình diễn biến của tự nhiên như là có liên hệ hữu cơ với nhau, và cái nọ do cái kia sinh ra. Ông chứng minh đất đai (Thổ) có thể nói là đại diện cho giới thứ tư của tự nhiên, rằng, sự hình thành của đất đai là do kết quả của sự tác động lẫn nhau của những thứ đá đầu tiên và của nhiều nhân tố khác nhau tạo thành. Ông nhận định một cách biện chứng về quá trình hình thành của đất đai, xem đó như là "những cơ năng luôn luôn biến đổi trong không gian và thời gian".
Trong quá trình vận động của Ngũ hành có sự gắn kết với nhau, như có nước thì phải có lửa, có đất thì phải có cây, cây mọc từ đất và đất, nước, không khí làm cho cây xanh tươi,... Đó là quy luật tuần hoàn của trời đất.

Người xưa còn tổng kết, tìm ra nguyên lý Ngũ Hành có “tương sinh và tương khắc”. Tương sinh là loại vật chất này thuận với loại vật chất khác, thúc đẩy loại vật chất khác sinh sôi, nảy nở. Còn tương khắc là loại vật chất này ức chế, kìm hãm vật chất khác, không cho nó sinh sôi, nảy nở. Ngày xưa, trong các triều đình phong kiến, nhiều quan chọn người tương sinh để quan hệ với nhau và né tránh những người tương khắc trong quan hệ công việc của triều đình. Nhiều khi vua phải đứng ra dàn xếp.

Tương sinh: Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc.
Có nhiều sách giải thích về Ngũ Hành tương sinh, đại thể là chúng hóa sinh lẫn nhau, tác động vào nhau, như gỗ cháy sinh ra lửa (tất nhiên, lúc đầu phải là lửa đốt vào gỗ); lửa cháy xong, gỗ hóa thành tro bụi và cuối cùng thì thành đất; khí tụ của hơi đất, tạo thành nước, nước tưới cho cây cối sinh sôi cũng là hóa sinh ra cây cối; trong đất chứa khoáng vật (quặng), khoáng vật nhờ than lửa mà luyện thành kim loại, kim loại đưa vào nung sẽ nóng chảy và kết thành hình thù của vật chất...

Tương khắc: Mộc khắc Thổ; Thổ khắc Thủy; Thủy khắc Hỏa; Hỏa khắc Kim; Kim khắc Mộc.
Cũng đã có nhiều sách giải thích về Ngũ Hành tương khắc, đại thể là ngoài cái tương sinh còn có cái tương khắc, tức là khắc chế lẫn nhau, như cây (Mộc) mọc khiến đất (Thổ) bị cằn cỗi, vì cây đã hút hết chất của đất, thành khắc nhau; đất có thể ngăn không cho nước chảy, cho nên Thổ khắc Thủy; nước (Thủy) có thể dập tắt lửa (Hỏa), cho nên Thủy khắc Hỏa; lửa (Hỏa) có thể nung cháy kim loại (Kim), cho nên Hỏa khắc Kim; dao, cưa của kim loại (Kim) có thể dùng để chặt cây (Mộc), cho nên Kim khắc Mộc.
Trong lý số, người ta liên tưởng Kim đối ứng với quẻ Càn và quẻ Đoài trong Bát Quái, Càn là Trời, Đoài là Ao đầm; Hỏa đối ứng với quẻ Ly trong Bát Quái, Ly đại diện cho Lửa; Mộc đối ứng với quẻ Chấn và quẻ Tốn trong Bát Quái, Chấn là tiếng Sấm, Tốn là Gió; Thủy đối ứng với quẻ Khảm, Khảm là Nước; Thổ đối ứng với quẻ Cấn và quẻ Khôn, Cấn là Núi, Khôn là Đất.

Có điều là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ bao giờ cũng gắn kết với nhau, không tách rời nhau khi “hành”. Nó vận hành theo quy luật của tự nhiên, cũng là biện chứng của tự nhiên mà Ph.Ăngghen đã tổng kết.