Mới cập nhật

Một cuốn sách viết về một dòng họ gắn liền với lịch sử dân tộc

 Tam môn di tích quốc gia đền thờ cụ Đàm Thận Huy. Hình ảnh được chụp lại trong cuốn Kỷ yếu hội thảo "Họ Đàm trong lịch sử dân tộc và thân thế sự nghiệp quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy".


1. Cuốn sách "Lịch sử họ Đàm Việt Nam" là một công trình nghiên cứu rất công phu và nghiêm túc về lịch sử họ Đàm Việt Nam của PGS,TS sử học Đàm Đức Vượng. Từ nhân vật mà Ông cho là vị thủy tổ của họ Đàm, nữ tướng Đàm Ngọc Nga, Triều Trưng Nữ Vương, cách đây gần 2 nghìn năm, đến quan Thượng thư Đàm Thận Huy, cách đây (2016) 553 năm và cho đến tận ngày hôm nay. Với biểu tượng ngòi bút và thanh gươm, thể hiện truyền thống họ Đàm Việt Nam là văn võ song toàn.

Qua cuốn Lịch sử họ Đàm Việt Nam, PGS, TS Đàm Đức Vượng đã làm sống dậy truyền thống họ Đàm Việt Nam qua các triều đại. Cuốn sách thể hiện bức tranh hoành tráng của lịch sử dân tộc và lịch sử một dòng họ: Họ Đàm Việt Nam. Với bút pháp diễn dịch và quy nạp, quy nạp và diễn dịch, viết sâu và đầy cảm hứng, những trang viết của Ông rất có trí tuệ. Văn sử được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, đọc lên có sức cuốn hút từ đầu đến cuối. Mọi sự kiện, mọi nhân vật đều được thể hiện một cách chính xác, rõ ràng, minh bạch, khách quan, cụ thể. Tài liệu thì đầy ắp những gia phả họ Đàm Việt Nam cùng với những tài liệu thành văn đã làm cho những trang viết thêm phong phú. Họ Đàm Việt Nam tuy về số lượng người không đông bằng họ Nguyễn, họ Lê, họ Phạm, họ Trần, họ Vũ, họ Võ, họ Đặng, họ Phan, họ Ngô, họ Hoàng, họ Huỳnh, họ Đinh, họ Đỗ, họ Đoàn, họ Đào, họ Dương, họ Trương, nhưng cũng không phải ít, có khoảng 2 triệu người họ Đàm đang sống trên đất nước Việt Nam.

2.Cuốn sách không chỉ dừng lại ở dòng họ Đàm mà đã diễn giải một cách sinh động về các triều đại Việt Nam (kể cả chính triều và ngụy triều) từ khi dựng nước đến nay. Tác giả quan niệm rằng, lịch sử của một dòng họ luôn luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc. Lịch sử dân tộc chi phối lịch sử dòng họ và lịch sử dòng họ có tác động làm phong phú lịch sử dân tộc. Muốn phân tích về một dòng họ cho có lịch sử - lôgích, trước hết phải phân tích về lịch sử của triều đại đó. Bỏ qua yếu tố lịch sử dân tộc mà bập ngay vào phân tích một dòng họ sẽ dẫn đến tình trạng lịch sử của một dòng họ chay. Vì vậy, gắn lịch sử dân tộc với lịch sử dòng họ là phương pháp của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Các nhân vật từ Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân, Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Bà Triệu khởi nghĩa, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, những ông vua thời Hậu Trần, Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Nhà Lê Trung hưng, các vua chúa thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Triều vua Quang Trung, các ông vua Triều Nguyễn Gia Long, rồi đến chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến ngày nay.

Cuốn sách có sự phân tích khách quan về các nhân vật Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, có cái nhìn tích cực đối với một số nhân vật Triều Nguyễn Gia Long như các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và có sự phân tích đúng đắn về nhân vật cải cách của vua Minh Mạng... Như vậy, rõ ràng các triều đại đã chi phối, quyết định số phận các dòng họ ở Việt Nam, trong đó có dòng họ Đàm Việt Nam.

3. Về dòng họ Đàm Việt Nam, PGS,TS Đàm Đức Vượng đã trình bày một cách có hệ thống về phát sinh, phát triển và hoạt động của dòng họ Đàm Việt Nam qua các triều đại cho đến nay. Như vậy, cuốn sách này viết về 2 nghìn năm của dòng họ Đàm trên đất Việt Nam. Thời nào cũng có những nhân vật tiêu biểu của họ Đàm xuất hiện: Triều Trưng Nữ Vương có nữ tướng Đàm Ngọc Nga. Triều Lý có quốc sư Đàm Thiên, một nhà sư thuộc làu kinh sử. Triều Đinh Tiên Hoàng có Hoàng Thái hậu Đàm Thị Thiềm Nương, mẹ đẻ ra Vua Đinh Tiên Hoàng. Triều Lý có Đàm Thì Phụng, thân phụ của Đàm Thị An Toàn. Đàm Thị An Toàn được Vua Lý Cao Tông phong làm An Toàn Đàm Hoàng hậu. Bà sinh ra Vua Lý Huệ Tông, được Vua Lý Huệ Tông phong làm Đàm Hoàng Thái hậu. Triều Lý còn có quan Thái úy Đàm Dĩ Mông mà cho đến nay, sử sách vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Các quan triều Lý còn có Đàm Kinh Bang, Đàm Toái Trạng. Các học giả Triều Lý có Đàm Cửu Chỉ, Đàm Khí. Triều Lê Sơ - Hậu Lê có quan Thượng thư Đàm Thận Huy, Thượng thư Đàm Thận Giản, Thượng thư Đàm Đình Cư, Thượng thư Đàm Công Hiệu, các học giả Đàm Văn Lễ, Đàm Tung, Đàm Thận Liêm, Đàm Cử, v.v.. Có thể nói họ Đàm Việt Nam phát triển rực rỡ nhất dưới triều Lê Sơ - Hậu Lê, mà cái nôi là ở Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh. Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Thượng tướng, Phó Chủ tịch nước Đàm Quang Trung và nhiều học giả, nhà khoa học, nghệ sĩ xuất thân từ dòng họ Đàm Việt Nam. Có thể nói, dòng họ Đàm Việt Nam xưa nhất là dòng họ của nữ tướng Đàm Ngọc Nga và dòng họ Đàm Việt Nam lớn nhất là dòng họ Đàm Thận Huy ở Bắc Ninh. Có hai nhân vật tiêu biểu nhất của dòng họ Đàm Việt Nam là nữ tướng Đàm Ngọc Nga và Thượng thư Đàm Thận Huy mà PGS,TS Đàm Đức Vượng đã phân tích rất kỹ trong cuốn sách "Lịch sử họ Đàm Việt Nam".

Nữ tướng Đàm Ngọc Nga Nữ tướng Đàm Ngọc Nga là một trong số 20 nữ tướng xuất sắc nhất Triều Trưng Nữ Vương. Bà sinh ra tại Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phú Thọ, Việt Nam, sinh vào ngày 15 tháng 2 năm 2 (nay là năm 2016, tính ra đã là 2014 năm) và mất vào ngày 5 tháng 5 năm 43, thọ 41 tuổi, nay là năm 2016, tính ra đã là 1973 năm). Thân phụ của Bà là Đàm Thự, quan lang ở động Đà Hoa, thuộc châu Thanh Hoa, một chức quan ở địa phương. Ông rất giỏi nghề săn bắn. Thân mẫu của Bà là Hồ Thị, chuyên làm nghề hái lượm, tính tình hiền lành, chất phác. Như vậy, dòng họ Đàm xuất hiện rất sớm ở Việt Nam. Truyện kể rằng, thời niên thiếu, Bà đã có sức khỏe phi thường, võ nghệ cao cường, đặc biệt là rất giỏi về môn phóng lao và bắn tên. Bà thường vào rừng săn thú. Bà đã từng bắn chết cọp và trăn rừng. Cuộc chiến của Bà là cuộc chiến với giặc giã và thú dữ; cuộc vật lộn với thú dữ, vắt và muỗi độc diễn ra triền miên hằng ngày đối với Bà. Với tài phóng lao và tài bắn cung tên, Đàm Ngọc Nga đã từng hạ gục nhiều thứ dữ như hổ, báo, sói rừng, trăn tinh,... Một hôm, bà Trưng Trắc đi qua một địa phận Thanh Hoa, thấy Đàm Ngọc Nga đang tập võ, phóng lao và bắn cung tên ở bên sườn núi. Trưng Trắc dừng chân, hỏi Đàm Ngọc Nga: - Chẳng hay muội tập phóng lao và bắn cung tên từ bao giờ? Đàm Ngọc Nga trả lời: - Tôi đã tập từ thuở bé, cha tôi dạy đó. Thấy khí phách toát lên trong con người Đàm Ngọc Nga, Trưng Trắc mừng lắm, bảo Đàm Ngọc Nga: - Quân Hán sang cướp nước ta, giết hại dân lành, cướp bóc của cải mang về nước Hán, đẩy dân ta vào tình cảnh lầm than khốn khổ, làm mọi người oán giận, nên cần phải vùng lên khởi nghĩa. Đàm Ngọc Nga nghe vậy, giận lắm. Bà hứa với Trưng Trắc là quyết vùng lên khởi nghĩa chống quân xâm lược Hán. Được tin Trưng Nữ Vương dựng cờ khởi nghĩa, Đàm Ngọc Nga cùng hai trăm tráng sĩ và hàng nghìn quân lính cũng đồng lòng phất cờ khởi nghĩa. Họ hội tụ ở cửa sông Hát, ngay bên cạnh  quê hương của Bà ở Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phú Thọ. Trưng Nữ Vương (Trưng Trắc) phong cho Đàm Ngọc Nga là "Điện tế thế công chúa giữ chức Tiền đạo Tả tướng quân", đặt tên hiệu cho Đàm Ngọc Nga là Nguyệt Điện. Tiền đạo Tả tướng quân là nữ tướng đi tiên phong trong các trận đánh quân Hán; phong Mạnh Đạo làm Phó tướng của Đàm Ngọc Nga. Trưng Nữ Vương giao cho chủ tướng Đàm Ngọc Nga và Phó tướng Mạnh Đạt dẫn hai nghìn quân lên vùng đầu sông Chảy lập đồn trại, mai phục quân Hán. Đàm Ngọc Nga và Mạnh Đạt vâng lệnh Trưng Nữ Vương, kéo quân đi, sẵn sàng đánh quân Hán. Họ đến vùng đất phía Bắc, nằm sát ven sông. Đây là vùng đất và nước hoang vu, dân bản rất ít, lưa thưa mấy túp nhà sàn. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng hổ gầm, vượn hú. Đến nơi, nữ tướng Đàm Ngọc Nga cho phát nương rẫy, đào giếng lấy nước uống, chặt gỗ, tre xây dựng dinh lũy, đồn trại. Có đồn trại xây bằng đá. Theo lệnh của Trưng Nữ Vương, Bà cho xây dựng dinh lũy ở khu vực sông Chảy thuộc xã Tây Cốc và xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ và khu vực xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay và chiến đấu chống quân Hán tại đây. Được tin quân của Triều đình Trưng Nữ Vương đã phá được thành Luy Lâu, nữ tướng Đàm Ngọc Nga rất phấn khởi, liền mở tiệc ăn mừng. Số phận rủi ro, trong lúc vừa dựng được cơ nghiệp, chẳng may sức khỏe của nữ tướng Đàm Ngọc Nga bị giảm sút đột ngột. Mặc dù đã được chạy chữa thuốc men, nhưng bệnh không thuyên giảm. Bà nằm liệt giường. Thấy bệnh tật khó lòng qua khỏi, Bà cho vời các nam, nữ tướng lại, nói rằng: - Chúng ta đều là những người không muốn sống nhục nhã, khổ cực dưới gót giày kẻ thống trị ngoại tộc, nên đồng lòng theo Trưng Nữ Vương mà đuổi giặc. Các ngươi phải luôn luôn ghi nhớ lời của Trưng Nữ Vương đã dạy. Nói xong, nữ tướng Đàm Ngọc Nga trao thanh kiếm gia truyền cho Mạnh Đạo và dặn rằng: - Chàng hãy nhận lấy thanh kiếm này mà theo Trưng chủ soái một lòng đuổi giặc cứu dân. Kiếm ở bên chàng ra vào nơi trận mạc cũng được xem như tôi đang ở bên chàng mà cùng với ba quân rửa thù cho nước vậy. Nói xong, nữ tướng Đàm Ngọc Nga trút hơi thở cuối cùng, để lại sự thương tiếc của ba quân. Nữ tướng Đàm Ngọc Nga là người con gái bất khuất của vùng sông Đà, đã cùng với nghĩa quân khởi nghĩa ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và một phần huyện Thanh Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Các xã Tu Vũ, Yến Mao thuộc huyện Thanh Thủy và Yên Sơn, Yên Lương thuộc huyện Thanh Sơn. Tên tuổi của Bà gắn liền với những trang sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của dân tộc. Họ Đàm Việt Nam vô cùng tự hào về nữ tướng Đàm Ngọc Nga. Để tưởng nhớ công lao của nữ tướng Đàm Ngọc Nga, các triều vua đã phong tước cho nữ tướng Đàm Ngọc Nga: Triều Trưng Nữ Vương phong Bà là "Điện tế thế công chúa giữ chức Tiền đạo Tả tướng quân". Triều vua Trần Nhân Tôn (Tông), phong Bà là "Nguyệt Điện Tiên Nga công chúa. Huệ hòa gia hạnh uyển mị phu nhân". Triều vua Lê Thái Tổ phong Bà là: "Nguyệt Điện Nga Hoàng công chúa. Anh linh sắc chỉ trình nhất từ đường phu nhân". Những người họ Đàm Việt Nam mãi mãi tự hào về nữ tướng Đàm Ngọc Nga. Bà là hiện thân của lương tâm, danh dự của họ Đàm Việt Nam. Từ thời Trưng Nữ Vương, dòng họ Đàm Việt Nam bắt đầu phát triển. Nhiều chi, nhánh hình thành. Con cháu họ Đàm Việt Nam bắt đầu tản đi các nơi, từ miền Bắc, dần dần vào đến phía bắc miền Trung. Họ lấy vợ, lấy chồng, sinh con để cái, dần dần họ Đàm ngày càng phát triển, tuy so với họ Lê, họ Trần, thì họ Đàm lúc bấy giờ vẫn còn ít hơn nhiều.     

Thượng thư Đàm Thận Huy Triều vua Lê Thánh Tông có ông Đàm Thận Huy, hiệu Mặc Trai, chữ là Mặc Hiên, tên húy là Trung Hiến, sinh năm 1463 (Quý Mùi); người thôn Ngô Tiền, xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Hương Mạc (làng Me), xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Họ Đàm ở Ông Mặc, Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh vốn vẫn được nhiều người gọi là dòng họ “Thi, thư, lễ nghĩa”. Từ thời Lê Thánh Tông (1442-1497), thì dòng họ này đã có hai anh em ruột là Đàm Thận Huy, Đàm Thận Giản đỗ đại khoa. Cụ Đàm Thận Huy đỗ tiến sĩ năm 1490, làm quan Lễ Bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm Viện sự. Ông phò vua Lê Chiêu Tông cử binh chống lại nhà Mạc, được vua Mạc truy phong Tước hầu, vua Lê cho lập đền thờ “Tiết nghĩa từ” ở quê. Xã Ông Mặc là đất khoa cử, phát quan. Trong lịch sử khoa cử của Việt Nam dưới chế độ phong kiến, xã Ông Mặc (Hương Mạc), Từ Sơn, Bắc Ninh có 19 vị đỗ đại khoa, trong đó, bao gồm cả trạng nguyên, thám hoa, tiến sĩ và hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài. Phu nhân Đàm Thận Huy là người họ Nghiêm, con gái quan Tri phủ Nghiêm Khắc Nhượng, người cùng huyện với Đàm Thận Huy. Bà sinh được tất cả 8 người con, bốn trai, bốn gái. Theo sử sách, dòng họ Đàm tại xã Ông Mặc bắt đầu từ Đàm công, tên hiệu là Vô Tâm; tiếp theo là cụ Khải tổ Đàm Minh Đạo con trai thứ của cụ Đàm Vô Tâm. Cụ Khải tổ Đàm Minh Đạo sinh ra Tiến sĩ, Thượng thư, Tiết nghĩa Đại vương Đàm Thận Huy. Đàm Thận Huy là con trai trưởng của cụ Khải tổ Đàm Minh Đạo. Từ thuở thiếu niên, Đàm Thận Huy đã bộc lộ rõ tư chất thông minh, chăm chỉ học hành, đào sâu suy nghĩ trong học tập, làm sáng tỏ vấn đề đức văn, một nhà Hán - Nôm, nhà Nho rất uyên bác. Năm 1490 (Canh Tuất - năm này, Ông 27 (28?) tuổi), Đàm Thận Huy đỗ tam giáp đồng tiến sĩ; làm việc tại Hàn lâm Viện thị độc, làm quan đến Thượng thư Hình Bộ, Thượng thư Lại Bộ, Thượng thư Lễ Bộ. Sách "Đại Việt Sử ký toàn thư" (tập 2, trang 576), viết: "Lấy Đàm Thận Huy làm Thiếu bảo Lễ Bộ Thượng thư nhập thị kinh diên". Mùa đông năm Ất Mão (1495, có tài liệu viết năm 1494), Vua Lê Thánh Tông sáng lập ra Hội Tao đàn. Đàm Thận Huy là một trong số 28 thành viên của Hội Tao Đàn. Ông đã có một số bài thơ đóng góp cho Hội Tao đàn. Năm 1510 (Canh Ngọ), Thượng thư Đàm Thận Huy được cử làm Chánh sứ  sang Triều Minh. Tại Triều Minh, Ông đã bày tỏ lòng trung quân ái quốc với Triều Lê Sơ và lên án việc làm phản tặc của Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên, những thỉnh cầu của Ông không được Vua Nhà Minh chấp nhận. Trong khoảng 36 năm làm quan, Đàm Thận Huy đã trải qua 6 triều vua: Triều Vua Lê Thánh Tông (8 năm), Triều Vua Lê Hiến Tông (6 năm), Triều Vua Lê Túc Tông và Lê Uy Mục (5 năm), Triều Vua Lê Tương Dực (7 năm), Triều Vua Lê Chiêu Tông (5 năm)... Khi Mạc Đăng Dung lúc ấy làm trấn thủ Sơn Nam với chức Phó tướng Tả đô đốc, lợi dụng lúc Triều Lê đang có vấn đề, đem quân về Kinh thành Thăng Long ép Vua nhường ngôi, tự đặt làm Vua, đặt niên hiệu là Minh Đức, thì Đàm Thận Huy đã cùng với các đại thần Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Hữu Nghiêm, Hà Phi Chuẩn vâng mật chiếu của vua Lê Chiêu Tông đem quân từ Bắc Giang về Kinh thành Thăng Long, đánh nhau với quân của Mạc Đăng Dung. Nhưng thế của cánh quân Đàm Thận Huy yếu, không địch nổi với với cánh quân thiện chiến của Mạc Đăng Dung, đã bị Mạc Đăng Dung đánh bại ở sông Tây Kiều, Bắc Ninh. Cuộc chiến không cân sức, ngày 3 tháng 8 năm 1526 (năm này, Ông đã 65 tuổi), Đàm Thận Huy chạy vào núi An Sơn, miền thượng xứ Kinh Bắc để đánh nhau với quân của Mạc Đăng Dung. Đây là khu căn cứ đã được xây dựng từ năm 1522, do các ông Đàm Thận Huy, Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí,... xây dựng theo chỉ thị của Vua Lê Chiêu Tông, vì ngay từ khi ấy, các ông đã biết âm mưu của Mạc Đăng Dung, nên phải xây dựng căn cứ để phòng ngừa. Khi quân của Mạc Đăng Dung tiến đến đây, một viên sứ của Mạc Đăng Dung dụ Đàm Thận Huy ra đầu hàng sẽ được ban thưởng bổng lộc và phong quan chức cao. Đàm Thận Huy khảng khái nói: "Bề tôi không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng. Hãy về nói với chủ của nhà người, chí ta đã quyết, chớ có nhiều lời". Sau đó, Đàm Thận Huy sang nước Minh dể nói rõ sự việc, nhưng không được người Minh giúp, lại quy về Yên Thế. Tại Yên Thế, Ông gửi thư về cho gia đình, viết rằng: "Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền, phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thỏa vậy". Ngày 3 tháng 8 năm Mậu Tý (1528), vào nửa đêm, Đàm Thận Huy cùng một số nghĩa sĩ nhìn về Lam Sơn xa xôi (nơi Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược) khấn vái tỏ lòng thành với Triều Lê Sơ, rồi uống thuộc độc tự vẫn, thọ 65 tuổi. Người nhà và người làng đi theo đem thi hài Ông chôn ở núi Đại (núi Cóc) ở Thọ Thành, Bắc Giang. Họ xếp đá làm dấu. Sách "Khâm định Việt sử thông giám Cương mục" (Chính biên quyển 27), viết: "Ất Dậu, năm thứ 10 (1525), (Hoàng Đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ 4- Minh năm Gia Tĩnh thứ tư). Tháng 12, Đăng Dung giết Phúc lương hầu Hà Phi Chuẩn. Phi Chuẩn đóng quân ở Bắc Giang. Nghe tin Đăng Dung đã bức hiếp đem Nhà Vua về rồi, quân của Phi Chuẩn đều giải tán. Phi Chuẩn bị môn đồ bắt đem đến Kinh đô. Đăng Dung sai thắt cổ giết chết Phi Chuẩn. Bấy giờ, Hàn lâm hiệu lý Nguyễn Thái Bạt bị Đăng Dung cưỡng ép vời đến. Ông giả vờ thong manh, được đến gần, nhân đó, Ông nhổ vào mặt Đăng Dung và mắng chửi ầm ỹ. Lễ Bộ Thượng thư Lê Tuấn Mậu bị Đăng Dung cưỡng ép vào chầu, Ông giấu hòn đá trong tay áo, ném Đăng Dung, không trúng. Cả hai đều bị Đăng Dung giết chết. Lại Bộ Thượng thư Đàm Thận Huy, Kinh Bắc Tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Hiến sát sứ Nguyễn Tự Cường và Bình hồ bá Nghiêm Bá Ký đều thống suất hương binh chống đánh với Đăng Dung; không thắng, được đều tự tử chết". Hai người con gái Đàm Thận Huy là Đàm Thị Dung Hoa và Đàm Thị Quế Hoa noi gương tiên liệt của Cha, không chịu theo Nhà Mạc, chạy lên vùng Yên Thế, tự vẫn ở Cầu Khoai, xã Tam Hiệp, huyện Yên thế, tỉnh Bắc Giang. Tương truyền rằng, ở vùng Cầu Khoai, một hôm, dân bản đi làm nương rẫy, bỗng thấy có xác hai người con gái nằm chết ở đây. Trông sắc mặt và trang phục bà con đoán đó không phải là người địa phương. Vì vậy, họ báo với già bản, khi trở lại thì họ rất ngạc nhiên là không thấy thi hài hai cô đâu nữa, mà chỉ có một đống mối to tướng vừa mới đùn lên đêm qua. Dân làng biết hai cô đã hóa, hiển linh. Từ đó về sau, dân bản thấy nơi này ngày một linh thiêng, nên đã lập bàn thờ cúng. Hai Bà xứng đáng được xếp vào hạng liệt nữ, thật xứng danh cho những người con gái họ Đàm. Cảm động về nghĩa cử của hai Bà, trong sách, PGS,TS Đàm Đức Vượng làm bài thơ tưởng nhớ hai Bà: "Kính gửi hai Bà Hoa nơi chín suối": "Đàm Thị Dung Hoa - Đàm Thị Quế Hoa Con quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy. Liệt nữ linh thiêng nơi chín suối Tinh thần bất khuất chốn lâm nguy". Đến nay, tại Bắc Giang, vẫn còn một số di tích thờ danh thần Đàm Thận Huy, Phu nhân và hai người con gái của Ông, Bà, hai trang liệt nữ, như đền Quan Lớn, xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế; đền Cầu Khoai, Tam Hiệp, Yên Thế; đền Thác Thần, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế; đền làng Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế. Tại Cầu Khoai, hằng năm, vào ngày 23,24,25 tháng Giêng âm lịch, dân làng mở hội đền để tưởng nhớ đến vị quan trung quân báo quốc Đàm Thận Huy và hai người con gái yêu dấu của Ông là Đàm Thị Dung Hoa và Đàm Thị Quế Hoa. Sau khi mất, Ông được Triều đình Lê Sơ phong “Thượng đẳng phúc thần” (một vị thần cao quý), lập đền thờ tại làng Ông Mặc (tức làng Me, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Mạc Đăng Dung sau khi nghe tin Đàm Thận Huy tử tiết, cũng tỏ lòng kính trọng Ông và truy tặng Ông tước hầu. Trong cuộc đời làm quan lại cao cấp, Đàm Thận Huy đã có tới 7 sắc phong (đạo sắc) của Triều đình. Sắc phong nào, Nhà Vua cũng đánh giá cao  công lao của Đàm Thận Huy đối với dân với nước.

4.Qua hoạt động của họ Đàm Việt Nam qua các triều đại, trong sách "Lịch sử họ Đàm Việt Nam", PGS,TS Đàm Đức Vượng đã rút ra mấy vấn đề về họ Đàm Việt Nam:

Một là: Họ Đàm Việt Nam là một trong những dòng họ sống lâu đời nhất ở Việt Nam, đã trên dưới 2.000 năm, cùng với các dòng họ khác hình thành nên dân tộc Việt Nam và tinh thần dân tộc Việt Nam; gắn bó với dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Hai là: Cùng với các dòng họ khác, chủ nghĩa yêu nước của những người họ Đàm Việt Nam thật là cao cả, trở thành tình cảm sâu sắc nhất, đã được củng cố qua hàng trăm, hàng nghìn năm tồn tại trong lòng dân tộc. Nó được chứng minh trong những trận chiến chống quân xâm lược từ phương Bắc, phương Tây, bảo vệ nền độc lập dân tộc và được biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong lao động hằng ngày, trong cuộc đấu tranh cho tiến bộ kỹ thuật, cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động xã hội khác. Ba là: Dòng họ Đàm Việt Nam rất hiếu học. Rất nhiều người gắng sức học tập để vươn lên trong mọi hoàn cảnh, tiêu biểu là Thượng thư Đàm Thận Huy và Thượng thư Đàm Công Hiệu. Nhiều người đã đỗ đầu trong các kỳ thi, trở thành các nhà khoa học, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ,... Số có học vị tiến sĩ, thạc sĩ trong dòng họ Đàm ở cả trong nước và ngoài nước, đến nay đã có gần 1.000 người. Số giáo sư, phó giáo sư, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân cũng có khoảng vài chục người. Một số người đã trở thành nhà khoa học, có những công trình nghiên cứu khoa học, những phát minh lớn, những tác phẩm lịch sử - lý luận - thực tiễn, những tác phẩm văn, thơ có giá trị, được dư luận đương thời đánh giá cao. Bốn là: Trong lãnh đạo, quản lý và trong công vụ, nhiều người họ Đàm Việt Nam tỏ rõ năng lực. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ phó phòng, trưởng phòng đến vụ phó, vụ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội, tổng biên tập báo, chuyên gia cao cấp, chuyên viên cao cấp, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, cử nhân,... đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Nhà nước khen thưởng; có người đã được giải thưởng Hồ Chí Minh; nhiều người được thưởng huân chương, huy chương các hạng. Nhiều nhà khoa học họ Đàm đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Nhiều tiến sĩ họ Đàm đã và đang công tác tại các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan hành chính, từ trung ương đến địa phương.      Năm là: Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, số đông con em họ Đàm đã vào quân đội, chiến đấu dưới lá cờ đại nghĩa của dân tộc; nhiều người đã được phong quân hàm đại tá, thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng. Nhiều người đã trở thành liệt sĩ và thương binh. Sáu là: Trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nhiều người họ Đàm là cán bộ, công chức, viên chức, đã thành đạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.   Bảy là: Trong kinh doanh, nhiều người thành đạt do chăm chỉ làm ăn, biết tổ chức tốt công việc, có sáng kiến trong quản lý, trở thành những giám đốc công ty, nhà máy, xí nghiệp, được các tổ chức vinh danh. Tám là: Nhiều người họ Đàm - Việt Nam không chỉ vươn lên ở trong nước, mà còn vươn ra lập nghiệp ở nước ngoài, trở thành giáo sư, tiến sĩ, chủ xưởng sản xuất. Đến nay, bước đầu điều tra, khảo sát, chúng tôi đã thống kê được có khoảng gần 30 chi họ đàm ở 20 nước trên thế giới. Chín là: Ngoài những người trong họ Đàm Việt Nam, còn có những người con gái, con dâu, con rể họ Đàm, bên ngoại là họ Đàm. Nhiều người con gái họ Đàm thành đạt trong công vụ và trong kinh doanh. Một số con dâu họ Đàm thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Nhiều con dâu họ Đàm tuy nghèo, trình độ văn hóa không cao, nhưng được cái làm ăn chăm chỉ, nuôi con khôn lớn, sống có tình có nghĩa với gia đình nhà chồng là người họ Đàm.     Mười là: Dòng họ Đàm Việt Nam rất gắn bó với các dòng họ khác, tôn trọng các dòng họ khác, cùng với các dòng họ khác chăm chỉ lao động, sáng tạo trong hòa bình xây dựng và trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong một làng quê, có nhiều dòng họ, trong đó có dòng họ Đàm sống chung đùm bọc bởi lũy tre làng; tắt lửa tối đèn có nhau. Đó là tình làng nghĩa xóm của những người họ Đàm với những người trong dòng họ khác.Cuốn sách đã thống kê những di tích lịch sử họ Đàm Việt Nam, chủ yếu là các từ đường, nhà thờ.

Cuốn sách đã ghi lại những chi, nhánh của dòng họ Đàm Việt Nam.

5.PGS,TS Đàm Đức Vượng đã ghi vào sách hàng trăm chú thích, giải nghĩa cặn kẽ những sự kiện, những thuật ngữ cổ viết bằng chữ Nôm, chữ Hán nhằm làm rõ những vấn đề lịch sử họ Đàm Việt Nam.

Cuốn sách "Lịch sử họ Đàm Việt Nam" đánh dấu mốc son về những đóng góp lớn của PGS,TS Đàm Đức Vượng đối với dòng họ Đàm Việt Nam, đồng thời, cũng góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh Đàm Quỳnh Anh.