Mới cập nhật

NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN CỦA NGƯỜI THƯ KÝ (PHẦN 3)

PGS.TS Đức Vượng



Những trào lưu lý luận lớn trên thế giới hiện nay (tiếp theo)

Chủ nghĩa Mác – Lênin và sự thành lập Quốc tế Cộng sản:

Nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin trong tình hình hiện nay, hoàn toàn không phải đã lỗi thời như một số người đã nêu trên mạng, mà là nghiên cứu những tinh hoa của chủ nghĩa Mác – Lênin, lọc ra những nhân tố hợp lý nhất, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và xu thế phát triển của dân tộc mình là sự nghiên cứu nghiêm túc và có cơ sở khoa học.

Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40, thế kỷ XIX, do những nhu cầu của sự phát triển xã hội, biểu lộ những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản, của toàn bộ hệ thống bóc lột; sự thức tỉnh của giai cấp công nhân với ý thức chính trị; những phát minh vĩ đại của khoa học tự nhiên; trình độ nghiên cứu khoa học xã hội và lịch sử, tất cả những cái đó đặt ra cho tư tưởng xã hội nhiệm vụ xây dựng một lý luận mới, khoa học. Đó là lý do ra đời của chủ nghĩa Mác. C.Mác và Ph.Ăngghen đã giải quyết nhiệm vụ lịch sử này. Kế tục sự nghiệp lý luận khoa học và cách mạng của C.Mác và Ph Ăngghen là V.I.Lênin. Các tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã hình thành và phát triển trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản nắm độc quyền về kinh tế, văn hóa, giáo dục và các hoạt động khác.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã bảo vệ chủ nghĩa Mác, ra sức chống trả có hiệu quả sự tấn công trên mặt trận tư tưởng lý luận, khi chủ nghĩa tư bản bước sang chủ nghĩa đế quốc. Đây cũng là thời điểm hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học trên thực tế khi Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lênin khởi xướng và lãnh đạo thành công vào năm 1917. V.I.Lênin đã tổng kết về mặt lý luận các thành tựu mới nhất của khoa học xã hội, khoa học chính trị và rút ra những kinh nghiệm của cuộc đấu tranh giai cấp, đã nâng lý luận mácxít lên một trình độ phát triển mới về chất. Những kết quả này đã dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự hình thành chủ nghĩa Mác - Lênin là bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng xã hội. Đồng thời, chủ nghĩa Mác - Lênin chính là sự tiếp tục và phát triển những thành tựu của tư tưởng xã hội trong lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, làm phong phú các khoa học xã hội khác bằng những tư tưởng mới. Về triết học là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Về kinh tế chính trị học là học thuyết về giá trị thặng dư và bóc lột thặng dư; chế độ sở hữu tư liệu sản xuất; về một nền đại công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; về mối tương quan giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất; chính sách kinh tế mới. Về chủ nghĩa xã hội khoa học là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; vấn đề chuyên chính vô sản; đảng chính trị, đảng cộng sản, đảng công nhân; dân chủ xã hội chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội; cơ cấu xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và phân phối dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa mà đương thời, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin vẫn gọi là chủ nghĩa quốc tế và vấn đề thời đại mới. Mỗi bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin lại chia ra thành nhiều bộ phận hoặc các môn độc lập. Một loạt những tư tưởng chính có tính chất chỉ đạo đã xuyên qua tất cả các bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong số những hệ tư tưởng này có chủ nghĩa duy vật nâng cao, tức là quan điểm duy vật đối với mọi hiện tượng của hiện thực (kể cả đối với xã hội), là phương pháp biện chứng để nhận thức các hiện tượng đó. Chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện tính phê phán, tính sáng tạo, tính phát triển. Với tư cách là học thuyết cách mạng và khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin đối lập với chủ nghĩa cải lương. Chủ nghĩa Mác - Lênin trưởng thành trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc và mọi hình thức.

Chủ nghĩa cơ hội che giấu sự xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin bằng việc công nhận nó trên lời nói, bằng những lời kêu gọi “phát triển” nó bằng cách vứt bỏ những nguyên lý chủ yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin, viện cớ là đã “lỗi thời, cũ kỹ”. Đọc trên mạng, thấy nhan nhản những bài viết mang tính cơ hội, phê phán một cách vô căn cứ chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học. Ở đây, lịch sử lý luận diễn ra như thế nào, thì người nghiên cứu nó phải phản ánh đúng với lịch sử lý luận đó; đồng thời, có tính đến xu thế phát triển của thời đại. Đó là phương pháp nghiên cứu đúng đắn nhất.

Chủ nghĩa Mác đã trải qua một chặng đường phát triển lâu dài hơn một thế kỷ rưỡi.Thời kỳ thứ nhất là đánh dấu sự hình thành và trưởng thành của giai cấp công nhân ở các nước phát triển, thời kỳ bắt đầu có sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Thời kỳ thứ hai là lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học được kiểm nghiệm trên thực tế bằng cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc ở nhiều nước và sự ra đời của một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Thời kỳ thứ ba là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhưng chủ nghĩa xã hội ở một số nước châu Á và châu Mỹ vẫn đứng vững và phát triển; phong trào cánh tả ở các nước Mỹ latinh có cảm tình với chủ nghĩa xã hội bắt đầu trỗi dậy, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn và đang có nguy cơ chững lại và “phá sản”. Đây là sự thật mà những người cánh tả ở các nước Mỹ latinh sẽ phải đối mặt với nó.

Trong điều kiện hiện nay, ở một số nước xã hội chủ nghĩa có đảng cộng sản lãnh đạo, việc tiếp tục phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin, cũng như nghiên cứu những vấn đề chính trị - xã hội và lý luận - tư tưởng trong viêc quản lý xã hội một cách khoa học, vấn đề lý luận trong công tác tư tưởng có một ý nghĩa đặc biệt. Việc áp dụng lý luận Mác - Lênin trong tình hình hiện nay của mỗi đảng cộng sản và mỗi nước phải trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển. Nếu không vận dụng sáng tạo và phát triển, lý luận Mác - Lênin rất khó đứng vững được ở chính nước mình. Việc làm cho những luận điểm này hay những luận điểm khác phù hợp với những điều kiện đã thay đổi, với những dữ kiện mới nhất mà các khoa học khác đã đạt được, bảo đảm khả năng phát triển hơn nữa lý luận Mác - Lênin và duy trì nó với tư cách là một khoa học, nhìn thấy trước được tương lai và tiếp tục mở đường để đi đến đó. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin là không ngừng phát triển sáng tạo và ở phương pháp tiếp cận và nghiên cứu. Lý luận Mác - Lênin đã đem lại cho nhân dân lao động sự giải phóng, từ người làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, giúp con người một phương hướng hành động đúng, xây dựng niềm tin về mặt tư tưởng, kiên định về mặt chính trị, tính nguyên tắc, tính nhân đạo, tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học tuyết mang tính quốc tế, phạm vi phổ biến lý luận Mác - Lênin là toàn thế giới. Các luận điểm mang ý nghĩa phổ biến, nhưng không thể áp dụng môt cách máy móc ở bất cứ nước nào và trong khi áp dụng lý luận Mác - Lênin phải tính kỹ các đăc điểm lịch sử, dân tộc,…, phải phân tích hoàn cảnh cụ thể trong một quốc gia cụ thể. Lý luận Mác - Lênin không khoan nhượng với bất kỳ chủ nghĩa giáo điều nào.

Sinh thời, C.Mác và Ph.Ăngghen nói học thuyết của các ông không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động; là lý luận phát triển, chứ không phải lý luận “tầm chương trích cú”, đóng chốt tại chỗ.

Chủ nghĩa xã hội khoa học:

Hiện nay, quan điểm và phương pháp nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội khoa học đang còn rất khác nhau. Có người nghiên cứu theo lối minh họa. Có người nghiên cứu theo lối phụ họa. Tôi nghĩ rằng, phương pháp luận đúng đắn nhất vẫn là cách tiếp cận lịch sử và lý luận.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học. Về mặt nhận thức, phải hiểu rằng, lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học là một bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời gắn liền với lý luận của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin,…, gắn liền với Quốc tế 1, Quốc tế 2, đặc biệt là Quốc tế 3 (Quốc tế Cộng sản). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mốc ghi nhận sự ra đời của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học được tính từ năm 1848, khi C.Mác và Ph.Ăngghen viết và công bố “Tuyên ngôn của đảng cộng sản”. Trong tác phẩm này và các tác phẩm khác tiếp theo, các ông gọi là “chủ nghĩa cộng sản khoa học”.

Quá trình hình thành và phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học gặp nhiều sóng gió bởi những luồng tư tưởng đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội khoa học, thổi vào; hơn nữa, cơ sở lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ gắn liền với Quốc tế hai (giai đoạn sau), rồi Quốc tế xã hội chủ nghĩa cho đến nay, tổ chức này vẫn đang còn hoạt động và phát triển, lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ liên tục được bổ sung tại các đại hội của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, trong khi đó, Quốc tế Cộng sản đã tự giải tán vào năm 1943, cho nên cơ sở để phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học chung trên thế giới hiện nay không có sự tập hợp lý luận, chỉ có lý luận riêng lẻ của một số đảng cộng sản cầm quyền. Đây cũng là sự thiệt thòi của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Khi lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, C.Mác và Ph Ăngghen đã phải vật lộn bao phen đấu tranh quyết liệt với những trường phái tư tưởng khác nhau, ngay cả trong nội bộ của Liên đoàn những người cộng sản. Năm 1850, trong Liên đoàn những người cộng sản hình thành một nhóm biệt phái “tả khuynh”, đứng đầu là Augustơ, Vinlích và Cáclơ Sáppơ. Trong một bài giảng về ”Tuyên ngôn của đảng cộng sản” tại Hội khai sáng công nhân Đức ở Luân Đôn, C.Mác xác định tính tất yếu của cách mạng, nhưng do hoàn cảnh thay đổi, nên phải có giai đoạn tạm thời không cách mạng ở châu Âu và chỉnh lý lại sách lược của Liên đoàn những người cộng sản, rằng, “không thể đạt đến chủ nghĩa cộng sản ngay lập tức, mà chỉ có thể đạt tới chủ nghĩa đó qua mấy giai đoạn phát triển cách mạng, rằng, trước khi bắt tay vào những công cuộc cải tạo cộng sản chủ nghĩa, thì cần phải giải quyết những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ tư sản”(6). Đây là quan điểm lý luận rất quan trọng mà ít người chú ý tới hoặc đã lãng quên. Augustơ Vinlích kịch liệt phản đối lập luận này của C. Mác. Ông “phủ nhận tính tất yếu của nhũng tiền đề vật chất nhất định để xác lập chủ nghĩa cộng sản và có ý đồ xác lập chủ nghĩa đó ngay lập tức, bằng ý chí của một số ít người” (7). Augustơ Vinlích và Cáclơ Sáppơ kiên quyết chống lại sách lược mới của Liên đoàn những người cộng sản do C.Mác và Ph Ăngghen đề xuất. Họ đẩy Liên đoàn những người cộng sản vào con đường phiêu lưu, gây ra ngay cuộc cách mạng ở Đức. C.Mác gọi hành động đó là “chơi trò cách mạng”, phiêu lưu, có hại, chứ không phải là một sự chuẩn bị nghiêm túc cho những trận chiến đấu cách mạng trong tương lai. Đấu tranh chống những người biệt phái, C.Mác chỉ ra rằng, cơ sở lý luận, tư tưởng của chủ nghĩa phiêu lưu trong chính trị của họ là sự tách rời cuộc sống, biểu hiện của sự chủ quan, duy ý chí. C.Mác kiên quyết bác bỏ lập luận của nhóm Vinlích - Sáppơ áp đặt cho Liên đoàn là giai cấp công nhân cướp chính quyền ngay ở Đức. Cuộc đấu trí tư tưởng lý luận này, phần thắng đã thuộc về C.Mác, vì đa số những người trong Liên đoàn những người cộng sản ủng hộ quan điểm tư tưởng lý luận của C.Mác.

Sau khi đánh bại nhóm Vinlích - Sáppơ về quan điểm tư tưởng lý luận, C.Mác và Ph.Ăngghen lại tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống Pruđông cũng trên phương diện quan điểm tư tưởng lý luận. Tháng 7-1851, C.Mác đọc cuốn sách của P.C.Pruđông mới xuất bản ở Pari: “Tư tưởng chung của cách mạng trong thế kỷ XIX”. Trong cuốn sách này, Pruđông tuyên truyền lý luận không tưởng về việc thực hiện cuộc cách mạng xã hội bằng con đường hòa bình, thuần túy “kinh tế”, bằng cách tổ chức việc giúp đỡ lẫn nhau và tín dụng, thành lập ngân hàng trao đổi, giảm lợi tức cho vay và những cải cách khác; không cần chính phủ, không cần cơ cấu nhà nước, không cần một nền dân chủ. Quan điểm của Pruđông là làm theo cách đó, dần dần, chủ nghĩa tư bản sẽ biến thành chủ nghĩa xã hội. Cái mà Pruđông không tính đến là liệu chủ nghĩa tư bản có để cho Ông làm như vậy không?

Sau khi đọc xong cuốn sách của Pruđông, C.Mác quyết định phê phán quan điểm sai trái của Pruđông trên báo chí. Theo C.Mác, đây thực chất là quan điểm của những phần tử cơ hội, cải lương. Những lời Pruđông kêu gọi thực hiện hòa bình giai cấp và phải giải quyết vấn đề xã hội bằng con đường cải cách là vô chính trị, không thể chấp nhận được.

Trong thư gửi Ph.Ăngghen ngày 8 và 14-8-1851, C.Mác đánh giá cuốn sách của Pruđông là “một cuộc bút chiến chống chủ nghĩa cộng sản” (8). Ph.Ăngghen tán thành nhận xét này của C.Mác.

Ngoài ra, thời C.Mác và Ph.Ăngghen còn đương đầu với nhiều cuộc đấu tranh khác quyết liệt về quan điểm tư tưởng lý luận chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội khoa học. Nhiều khi các ông bị đơn độc bởi có quá nhiều phần tử cơ hội chen vào chọc phá lý luận của các ông. Đến thời V.I.Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học cũng liên tiếp bị những quan điểm cơ hội tấn công. Quan điểm của những người chống lại quan điểm tư tưởng lý luận của V.I.Lênin là chỉ có vấn đề giai cấp, chứ không thể có vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong khi đó, quan điểm của V.I.Lênin là rất rõ ràng: giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại cùng tiến hành cách mạng. Cuộc đấu tranh về quan điểm tư tưởng lý luận thời V.I.Lênin kéo dài nhiều năm, tháng, vật vã để chiến thắng những quan điểm tư tưởng lý luận sai trái của Causky và các phần tử cơ hội, cải lương. Sau khi V.I.Lênin mất vào năm 1924, sự khác nhau về quan điểm tư tưởng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn tiếp tục diễn ra và cho đến ngày nay vẫn chưa chấm dứt.

Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học:

Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là hiện thân của chủ nghĩa xã hội khoa học, đã được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học bổ sung và được các nhà chính trị, nhà khoa học kế tiếp phát triển. Đó là lý luận khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân đại công nghiệp, giải phóng người lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, giải phóng các dân tộc bị áp bức giành quyền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội:

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đều khẳng định thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh giải nghĩa rất mộc mạc, dễ hiểu về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Người giải nghĩa “quá độ” là qua đò. Bên này bờ sông là chủ nghĩa tư bản, bên kia bờ sông là chủ nghĩa xã hội, muốn sang bên kia bờ sông, thì phải qua đò, đó là “quá độ” (“quá” là “qua”, “độ” là “đò”). Đây chính là thời kỳ cải tạo xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội xã hội chủ nghĩa, bằng cách mạng và thực hiện chuyên chính vô sản. Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học thực hiện chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì sau khi cách mạng giành được chính quyền về tay nhân dân, nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng không thể áp dụng ngay chủ nghĩa xã hội vào nước mình được, cho nên phải có “quá độ” thực hiện “chuyên chính vô sản”. V.I.Lênin viết: “Mục đích đó, người ta không thể đạt ngay tức khắc được; muốn thế, cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, nên cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, và vì phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu cũ. Vì vậy, C.Mác có nói đến cả một thời kỳ chuyên chính vô sản, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” (9). Vì theo giải thích của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, thì trong quá trình phát triển của lịch sử, chủ nghĩa xã hội trực tiếp kế tiếp chủ nghĩa tư bản, cho nên nó còn mang trên mình các dấu vết của xã hội cũ và còn sử dụng một số hình thức kinh tế - xã hội đã được hình thành trong các giai đoạn trước của quá trình phát triển xã hội loài người. Dưới chủ nghĩa xã hội, vẫn còn tồn tại các quan hệ hàng hóa, tiền tệ, vẫn còn những sự khác biệt nhất định về mặt xã hội giữa công nhân, nông dân, trí thức, còn trong lĩnh vực chính trị, nhà nước vẫn được duy trì. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chủ trương thực hiện “chuyên chính vô sản” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các ông xem đó là công cụ chủ yếu để giải quyết những nhiệm vụ của bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Những nhiệm vụ đó là xóa bỏ các giai cấp bóc lột, nạn người bóc lột người và những nguyên nhân đẻ ra bóc lột; xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bằng cách công nghiệp hóa đất nước và cải tổ về mặt kỹ thuật toàn bộ nền kinh tế quốc dân; xây dựng cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội; cải tạo dần dần nền sản xuất hàng hóa nhỏ thành nền sản xuất lớn, xã hội chủ nghĩa; tập thể hóa nông nghiệp; thực hiện cách mạng văn hóa. Với nội dung trên đây, rõ ràng, chuyên chính vô sản không phải là sự trấn áp, “tắm máu” như một số người đã xuyên tạc.

Áp dụng học thuyết chuyên chính vô sản vào mỗi nước đều có sự vận dụng khác nhau, như có nước gọi là “chuyên chính nhân dân”, có nước gọi là “quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, có nước gọi là “hệ thống chính trị”,…

Các giai đoạn của thời kỳ quá độ:

Thời kỳ quá độ của chủ nghĩa xã hội có thể trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước mà ấn định cho phù hợp. Liên Xô trước đây chia thời kỳ quá độ làm nhiều giai đoạn: giai đoạn 1, từ năm 1917 đến năm 1920, gọi là giai đoạn tước đoạt của giai cấp đi tước đoạt; giai đoạn 2, từ năm 1921 đến năm 1921 đến năm 1925, gọi là giai đoạn nền kinh tế quốc dân; giai đoạn 3 từ năm 1926 đến năm 1937, gọi là giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa,…Trung Quốc công bố thời kỳ quá độ ở Trung Quốc là 100 năm. Việt Nam công bố đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội:

Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội đã được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội đề ra là “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”; có sức lao động mà lười biếng không làm, thì không được hưởng lợi ích. Nguyên tắc này vạch rõ bản chất, mối quan hệ và phân phối dưới chế độ xã hôị chủ nghĩa. Với nguyên tắc này, mọi thành viên trong xã hội đều có nghĩa vụ như nhau là lao động, làm cho tài sản xã hội phong phú thêm và đều được quyền nhận của xã hội sự thù lao và chất lượng lao động đã bỏ ra. Mục đích của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa là thỏa mãn ngày càng đầy đủ hơn các nhu cầu vật chất và văn hóa của những người lao động. Có điều là nền sản xuất đó vẫn chưa thể thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu của các thành viên. Dưới chủ nghĩa xã hội, số lượng và chất lượng lao động như thế nào, thì mức độ thỏa mãn các nhu cầu của mỗi người lao động tương xứng với kết qủa lao động của họ, với sự đóng góp của họ vào tài sản chung của xã hội; ai làm việc nhiều hơn và tốt hơn, người đó nhận được nhiều tiền lương hơn do kết quả lao động của họ mang lại. Chế độ này làm cho người lao động vì lợi ích vật chất của cá nhân mà quan tâm nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình, phát huy năng lực, tham gia tích cực vào quá trình sản xuất và cống hiến, tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra.

Sự lao động của mỗi con người sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa còn phụ thuộc vào sự đóng góp lao động của cả một tập thể sản xuất nói chung. Như vậy, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội bảo đảm không chỉ sự khuyến khích lợi ích vật chất đối với cá nhân, mà còn có cả sự khuyến khích vật chất đối với tập thể nữa, Nó là cơ sở để thống nhất giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích của tập thể và lợi ích của toàn bộ xã hội nói chung. Nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” còn là sự giáo dục nghĩa vụ lao động và rèn luyện tính tổ chức và tính kỷ luật, là phương tiện quan trọng để đấu tranh chống tệ ăn bám.

Mâu thuẫn dưới chủ nghĩa xã hội:

Một câu hỏi đặt ra là dưới chủ nghĩa xã hội có mâu thuẫn không? Câu trả lời là “có”. Nhưng đây là mâu thuẫn không đối kháng. Từ xã hội có đối kháng, xã hội xã hội chủ nghĩa biến thành xã hội không có đối kháng, vì vấn đề giai cấp cơ bản đã được giải quyết, tuy vẫn còn mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong nội bộ xã hội xã hội chủ nghĩa là mâu thuẫn không đối kháng, vì nó không còn các giai cấp đối kháng. Vì vậy, xã hội ấy đã thiết lập được sự thống nhất về chính trị - xã hội và tư tưởng và từng bước xó bỏ sự khác biệt về giai cấp và xã hội. Trong số những mâu thuẫn bên trong của xã hội xã hội chủ nghĩa, trước hết, có mâu thuẫn giữa quan hệ xã hội và quan hệ sản xuất tiên tiến với trình độ sản xuất vật chất và trình độ nhận thức của nhân dân chưa cao, do quá khứ để lại. Mâu thuẫn này ở một số nước xã hội chủ nghĩa riêng lẻ lại trở nên trầm trọng do những khó khăn xuất phát từ điều kiện lịch sử của quá trình hình thành và phát triển của các nước ấy. Khắc phục mâu thuẫn này, chủ nghĩa xã hội phải trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trước khi đến giai đoạn của chủ nghĩa xã hội trưởng thành. Loại mâu thuẫn bên ngoài của chủ nghĩa xã hội là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản và mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghia xã hội dân chủ. Thực ra, lý luận giữa chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa xã hội dân chủ đều từ Quốc tế một và Quốc tế hai mà ra, nhưng dần dần lại tách thành hai nhánh, một nhánh chấp nhận xã hội tư bản và nhà nước tư bản (chủ nghĩa xã hội dân chủ) và một nhánh xây dựng xã hội mới, nhà nước mới, đó là xã hội xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Đặc điểm của chủ nghĩa xã hội:

Đặc điểm của chủ nghĩa xã hội là từ một xã hội thoát thai trong lòng chủ nghĩa tư bản, trong đó, những cái thừa kế của quá khứ lại quyện với những cái mới nảy sinh, trở thành cuộc đấu tranh giữa cái cũ với cái mới; là nhịp độ phát triển nhanh về kinh tế, chính trị, xã hội, tinh thần. Cái quyết định điều đó trước hết là những quan hệ xã hội, những quan hệ sản xuất mới đang tạo điều kiện phát triển những lực lượng sản xuất hiện đại.

Về mặt xã hội, chủ nghĩa xã hội là xã hội của mối quan hệ các giai cấp. giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động tạo ra các giá trị vật chất trong công nghiệp và nông nghiệp. Số lượng tầng lớp trí thức thường xuyên tăng lên. Đây là tầng lớp xã hội lao động trí óc chuyên nghiệp, phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa. Thanh niên dưới chủ nghĩa xã hội là lực lượng hùng hậu, xung kích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về măt chính trị, là việc củng cố nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế của nhà nước. Phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa là yếu tố có tính quyết định thể hiện bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trình độ văn hóa và chính trị của nhân dân được nâng cao, ý thức tư tưởng và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân sẽ làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm lành mạnh. Hoạt động của đảng cộng sản và hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội là những yếu tố quyết định bảo đảm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

Về mặt vật chất, chủ nghĩa xã hội bảo đảm cho mỗi người dân có nhà ở, cơm no, áo đẹp, học tập, đi lại thuận tiên, vui chơi giải trí, có chế độ bảo hiểm xã hội, người già, trẻ em, phụ nữ đươc chăm sóc chu đáo, mọi người dân được điều trị khi ốm đau.

Về mặt tinh thần, chủ nghĩa xã hội tạo ra một quá trình dân chủ hóa nền văn hóa, nâng cao dân trí, dân sinh, truyền thống văn hóa được phát huy, nét đẹp văn hóa được phát triển hài hòa với đời sống xã hội; giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật phát triển với tinh thần xây dựng một xã hội phát triển toàn diện và đồng thuận.

Về quan hệ dân tộc dưới chủ nghĩa xã hội là những quan hệ hình thành và phát triển trên cơ sở tình hữu nghị giữa các dân tộc, sắc tộc trong cộng đồng xã hội; sự hợp tác toàn diện; sự tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau phát triển. Các dân tộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bao gồm các giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động; có chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự thống nhất của xã hội về chính trị, tư tưởng, ý thức dân tộc xã hội chủ nghĩa, hành vi xã hội chủ nghĩa, sự kết hợp hài hòa giữa các lợi ích xã hội. Các quan hệ dân tộc được xây dựng trên cơ sở liên kết kinh tế - xã hội. Các quan hệ dân tộc dưới chủ nghĩa xã hội sẽ làm phong phú cho nhau về văn hóa giữa các dân tộc và sắc tộc; phát triển giáo dục tới trình độ cao.

Chủ nghĩa quốc tế dưới chủ nghĩa xã hội:

Chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa (trong một số bài viết, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin gọi là “chủ nghĩa quốc tế”), là một trong những bộ phận quan trọng nhất của lý luận Mác - Lênin về địa vị quốc tế của chủ nghĩa xã hội. Các quan hệ về đảng, nhà nước, nhân dân giữa nước này với nước khác hợp thành chủ nghĩa quốc tế. Với tư cách này, chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa được thể hiện bằng những nguyên tắc hợp tác cục bộ và hợp tác toàn diện, viện trợ không hoàn lại, ủng hộ lẫn nhau, các bên cùng có lợi. Theo sự giải thích của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, thì chủ nghĩa quốc tế là sự thực hiện chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa quốc tế là khái niệm để chỉ mối quan hệ chung của nước xã hội chủ nghĩa với các nước khác, có chế độ chính trị khác nhau.

Ngày nay, khi không còn tiếng nói chung của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng cách mạng, thì lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học được phát triển ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa riêng lẻ, làm cơ sở để nếu có điều kiện sẽ phát triển sang các quốc gia khác.

(Bài đăng trong sách “Làm thư ký công việc nghiêm túc và đáng quý” của Việt Phương và Đức Vượng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007)

---------------------------------------------
(6). Dẫn theo “C.Mác Tiểu sử”, tập 1, do Viện Mác – Lênin, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô biên soạn, NXB Chính trị quốc gia Mátxcơva, 1968, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1975, tr 446.
(7). Xem “C.Mác Tiểu sử”, đã dẫn, tr 446, 447.
(8). C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 27, tr 279.
(9). V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 464