Mới cập nhật

Tổng bí thư Trường Chinh

 
1. Năm 2007, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách có giá trị: “Tổng Bí thư Trường Chính” của PGS,TS Đức Vượng (Đàm Đức Vượng).

Cuốn sách chia làm 15 chương:

  • Chương 1: Một con người, một cuộc đời, một tầm vóc lịch sử. 
  • Chương 2: Khói lửa chiến tranh và làn sóng chính trị mới. 
  • Chương 3: Những ngày ở ấp Tả Hành. 
  • Chương 4: Những vấn đề đặt ra tại Hội nghị Trung ương, tháng 11-1940. 
  • Chương 5: Dự Hội nghị Trung ương, tháng 5-1941, gặp Nguyễn Ái Quốc. 
  • Chương 6: Một cuộc vận động cách mạng rộng lớn. 
  • Chương 7: Chiến dịch khủng bố của địch và cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng. 
  • Chương 8: “Chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương”. Chương 9: An toàn khu. 
  • Chương 10: Bước đệm. 
  • Chương 11: Phải tiến gấp. 
  • Chương 12: “Nhật, Pháp bán nhau và hành động của chúng ta”. 
  • Chương 13: Nhằm trúng kẻ thù mà đánh. 
  • Chương 14: Một trang lịch sử hào hùng. 
  • Chương 15: Khi vận nước treo trên sợi tóc. 

Những chương trên đã phản ánh nội dung của cuốn sách: “Tổng Bí thư Trường Chinh”.

Đây là cuốn sách được biên soạn rất nghiêm túc và công phu. Sự kiện lịch sử được trình bày chính xác; phân tích lý luận mạch lạc, rõ ràng. Với 428 trang sách khổ giấy lớn, văn chính luận, nhưng lại được thể hiện dưới dạng văn học, tránh được lối viết khô khan sử chay. Với bút pháp lịch sử kết hợp với lôgích, nên cuốn sách thu hút bạn đọc từ đầu đến cuối. Tác giả Đức Vượng đã trình bày một cách có hệ thống về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh từ khi ra đời đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vì chưa có điều kiện và thời gian viết về toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh, cuốn sách mới chỉ viết hoạt động của Tổng Bí thư Trường Chinh trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đức Vượng có lần tâm sự với chúng tôi là sau này, nếu có điều kiện, Ông sẽ viết tiếp về cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc đổi mới đất nước.

Tổng Bí thư Trường Chinh tên khai sinh là Đặng Xuân Khu (từ năm 1941, lấy tên là Trường Chinh), sinh ngày 9-2-1907 (tức ngày 27 tháng chạp năm Bính Ngọ), tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình trí thức khoa bảng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, còn mang các bí danh, bút danh Qua Ninh, T.C, CGP, Tân Trào, XXX, Sóng Hồng, Nhân, Thận, Năm,…). Ông nội Đặng Xuân Khu là Đặng Xuân Bảng, tự Thiếu Khanh (1827-1910), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856), từng làm Giám sát Ngự sử dưới Triều Vua Tự Đức và được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ, từ Tri huyện, Án sát, Bố chánh, Tuần phủ, Đốc học ở nhiều địa phương khác nhau; là Tác giả của nhiều cuốn sách quý như “Sử học bị khảo” và “Việt Nam cương mục tất yếu”, “Cư gia khuyến giới tắc”… Thân phụ Đặng Xuân Khu là Đặng Xuân Viện (Thiện Đình – 1880-1958), thuộc làu kinh sử, bốn lần vào trường thi, nhưng chỉ đỗ tam trường, tức là đỗ trong vòng thi thứ ba kỳ thi hương dưới chế độ phong kiến. Thời niên thiếu, Đặng Xuân Khu học trường Thành Chung, Nam Định, sau đó lên Hà Nội, học trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Ông hoạt động yêu nước và cách mạng rất sớm, là một trong những người tham gia vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và là đảng viên của tổ chức này ngay sau khi Đảng thành lập vào ngày 17-6-1929. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 3-2-1930, Đặng Xuân Khu đã gia nhập Đảng. Ngày 14-11-1931, Đặng Xuân Khu bị mật thám Pháp bắt tại chân Cột Cờ, Hà Nội, trong lúc đang đợi một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tên là Lơcom để lấy cuốn sách “Chúng chuẩn bị chiến tranh như thế nào”, từ Pháp gửi sang. Sau khi bị bắt, Ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ngày 28-9-1931, Tòa án thực dân Pháp mở phiên tòa xử Đặng Xuân Khu và 40 chiến sĩ cách mạng khác. Phiên xử ngày 29-9-1931, Tòa án thực dân tuyên bố: “Đặng Xuân Khu phải mang án 12 năm cấm cố, vì tội làm truyền đơn cổ động phong trào cách mạng và vận động binh lính Pháp làm sách cấm, nhận sách cấm”. Tuyên án xong, Ông bị tiếp tục giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, mang số tù 98280. Tháng 2-1933, Đặng Xuân Khu cùng hơn 200 tù cộng sản và tù Quốc dân Đảng ở nhà tù Hỏa Lò bị đày lên giam tại nhà tù Sơn La (còn gọi là ngục Sơn La). Cuộc sống của tù nhân ở ngục Sơn La vô cùng khắc nghiệt, bị cai ngục quản thúc rất chặt chẽ và bắt lao dịch rất nặng nhọc. Hằng ngày, người tù phải vào rừng đốn củi, có lính canh đi kèm đốc thúc. Sự kiện này đã được Sóng Hồng (Trường Chinh) mô tả trong bài thơ “Lấy củi”: “Rủ nhau lấy củi sườn non, Vượn kêu, chim hót bồn chồn ruột gan. Đồng bào đau xót lầm than, Mà ai nắng xế, sương tan qua ngày. Đốt cho tiêu kiếp tù đày, Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng. Có về không, có về không? Bước mau, mau bước non sông đợi chờ”. Trước sự đấu tranh của nhân dân ta và được sự ủng hộ của Mặt trận Nhân dân Pháp, năm 1936, nhiều tù chính trị bị giam ở các nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La,… được ân xá.

Ngày 29-9-1936, Đặng Xuân Khu ra tù, trở về tiếp tục hoạt động, làm báo cách mạng, tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 11-1940, họp tại Bắc Ninh, Đặng Xuân Khu được bầu làm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (lúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị Pháp bắt, sau đó xử bắn). Hội nghị Trung ương, tháng 5-1941, họp tại Cao Bằng, đề ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc và chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, dẫn đến Cách mạng tháng 8-1945.

Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước, đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì Hội nghị này. Hội nghị nhất trí bầu Trung ương mới, vì Trung ương cũ hầu hết đã bị Pháp bắt và hy sinh. Thường vụ Trung ương cũng được bầu ra gồm Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và Trường Chinh được Hội nghị bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), Ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho đến năm 1956, tại một  Hội nghị Trung ương, Ông tự xin miễn nhiệm chức Tổng Bí thư, xin tự chịu trách nhiệm về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và là người đứng ra chỉ đạo sửa sai trong cải cách ruộng đất. Sau đó, Ông tiếp tục được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội.

Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, từ tháng 7-1986 đến tháng 12-1986, Ông lại được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách phân tích hoạt động nổi bật của Tổng Bí thư Trường Chinh là bắt đầu từ Hội nghị Trung ương, tháng 11-1940, khi ông được bầu làm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tại Hội nghị này, Trường Chinh xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng Đông Dương vừa là phản đế, vừa là thổ địa, tức là chống đế quốc và chống phong kiến, gọi là cách mạng tư sản dân quyền. Từ cách mạng tư sản dân quyền, sau đó, Đảng đã phát triển lý luận thành cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trường Chinh đã từng làm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1940), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941-1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-1956), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 7-1986 đến tháng 12-1986; là nhà lý luận nổi tiếng của Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới sau khi đất nước thống nhất. Ngoài ra, ông còn giữ các chức vụ: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam và nhiều chức vụ khác.

Tổng Bí thư Trường Chinh qua đời ngày 30-9-1988, thọ 81 tuổi. Có thể nói, cuộc đời của Tổng Bí thư Trường Chinh là cuộc đời bão táp cách mạng, không lúc nào ngừng hoạt động, nổi lên phẩm chất của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, kiên trung, bất khuất.

2. Cuốn sách “Tổng Bí thư Trường Chinh” của PGS,TS Đức Vượng, phản ánh Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà lý luận tầm cỡ của Đảng. Lý luận của Ông là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; lý luận theo dòng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuốn sách “Tổng Bí thư Trường Chinh” của PGS,TS Đức Vượng đã nhận định Trường Chinh là một nhà tổng kết cách mạng tầm cỡ. Ông đã tổng kết Cách mạng tháng Tám năm 1945, nói rõ đây là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong cuốn sách “Tổng Bí thư Trường Chinh”, PGS,TS Đức Vượng phân tích ưu điểm cơ bản của Cách mạng tháng Tám mà Tổng Bí thư Trường Chinh đã tổng kết, đó là sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là sự chuẩn bị về đường lối, nghệ thuật, xác định kẻ thù chính cần phải đánh đổ, sự chuẩn bị về tổ chức đều chính xác. “Khởi nghĩa thắng lợi không phải chỉ ở chỗ chuẩn bị chu đáo, mà còn ở chỗ nổ ra đúng lúc phải nổ”2. Theo Tổng Bí thư Trường Chinh đã được PGS,TS Đức Vượng phân tích trong cuốn sách, Cách mạng tháng Tám thể hiện sự huy động cao độ sức mạnh của toàn dân, mà nòng cốt là công nhân và nông dân. Toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh là một trong những ưu điểm nổi bật của Cách mạng tháng Tám. Theo Tổng Bí thư Trường Chinh đã được PGS,TS Đức Vượng phân tích sâu sắc trong cuốn sách của Ông, thì Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng được thiết kế theo mô hình chính quyền mới, chính quyền của nhân dân.

Để có được chính quyền này, cuộc cách mạng đã nổ ra lần lượt khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến rừng núi. Những ủy ban nhân dân cách mạng lần lượt ra đời đã thay thế cho bộ máy quan lại và kỳ hào mục nát. Nét đặc sắc của cách mạng là chỉ trong vòng nửa tháng, bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân đã được thành lập từ trung ương đến địa phương. Lựa theo hoàn cảnh, Đảng khéo vận dụng những hình thức quá độ, như ủy ban nhân dân cách mạng và ủy ban công nhân cách mạng, ủy ban giải phóng địa phương và ủy ban giải phóng dân tộc, có tác dụng lấn át đi tới chỗ làm tê liệt bộ máy hành chính của chúng. Sự chuyển tiếp các ủy ban nhân dân cách mạng và ủy ban giải phóng lên chính thể cộng hòa dân chủ là bước phát triển mới về chất. Theo Tổng Bí thư Trường Chinh, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, cuộc cách mạng dân chủ, mang tính chất dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nó thể hiện ở chính quyền thuộc về nhân dân, nhân dân đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, được tự do, học hành, đi lại, sinh hoạt. Quyền tự do, dân chủ được ban bố cho toàn dân. Chế độ cộng hòa dân chủ có tính chất dân chủ nhân dân, dân chủ mới, đã thành lập. Các dân tộc lớn nhỏ ở Việt Nam đều được bình đẳng; nam nữ bình quyền. Thuế thân được bãi bỏ; chế độ thuế khóa cũ được sửa đổi dân. Địa tô được tuyên bố giảm 25%. Ruộng công được chia lại một cách công bằng và hợp lý.

Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ quy luật của Cách mạng tháng Tám là từ nông thôn về thành thị, lấy nông thôn làm căn cứ địa, nhưng thành thị cũng đóng vai trò quan trọng. Tổng Bí thư Trường Chinh tổng kết Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng do giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể nhân dân lao động tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. “Nếu không có Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, thì cách mạng sẽ chuyển sang một tình thế khác”1. Đảng biết lợi dụng triệt để và kịp thời những khả năng sau ngày Nhật, Pháp bắn nhau (9-3-1945) mà lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa. Trong một tình thế nhất định, Đảng biết tìm ra những việc mấu chốt cần làm ngay, đem hết tâm sức làm cho bằng được nhằm đẩy mạnh phong trào tiến lên. Việc đánh phá các kho thóc và các đồn điền của địch chia cho dân nghèo, đẩy phong trào cứu quốc phát triển rầm rộ và nhanh chóng. Bên cạnh những thành tựu mà nhân dân ta đã giành được trong Cách mạng tháng Tám,

Tổng Bí thư Trường Chinh cũng thẳng thắn nêu 4 nhược điểm của Cách mạng tháng Tám mà PGS,TS Đức Vượng đã trình bày trong cuốn sách “Tổng Bí thư Trường Chinh”: Cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra không được quyết liệt khắp ba kỳ; không thực hiện đầy đủ việc tước vũ khí của quân Nhật khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương; không kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng; quân khởi nghĩa không chiếm được nhà băng (ngân hàng). Tổng Bí thư Trường Chinh kết luận: “Cách mạng tháng Tám Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”3. Cuốn sách “Tổng Bí thư Trường Chinh” của PGS,TS Đức Vượng được xuất bản cách đây đã 10 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về một nhân vật lịch sử tầm cỡ: Tổng Bí thư Trường Chinh.

Quỳnh Nga - Quỳnh Anh

------

  1. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Sự thật Hà Nội, tập 1, tr. 159.

  2. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Sự thật Hà Nội, tập 1, tr. 156.

  3. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Sự thật Hà Nội, tập 1, tr. 169.