Mới cập nhật

Ứng xử ngày xuân

Mỗi người sống trong cộng đồng ắt là phải ứng xử. Đó là việc xử trí mọi việc, mọi điều thích ứng với từng thời gian, không gian, đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Quanh năm ngày tháng, có người bên cạnh là ta đã phải ứng xử.





Những dịp lễ, tết đặc biệt là Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, lại càng phải quan tâm đến ứng xử. Con cháu ở mọi nơi tìm về ông bà, cha mẹ, kính dâng món quà thể hiện tấm lòng thành kính của mình, quây quần trong gia đình, nói chuyện vui vẻ, đầm ấm, thắp nén nhang khấn tổ tiên; người trên độ lượng với người dưới, bỏ qua những điều không hài lòng trong năm; người dưới hết lòng kính yêu, quan tâm đến người trên. Đó là ứng xử vậy!

Xưa nay các cụ vẫn dùng hai từ nôm na dễ hiểu: ăn, ở. Trong suy nghĩ truyền thống của ông cha ta ứng xử đẹp, có văn hóa là phải hết mọi nhẽ ăn, nhẽ ở; là có trước, có sau. Kho tàng văn hóa dân gian có rất nhiều câu thành ngữ, ngạn ngữ đúc kết kinh nghiệm ứng xử của ông cha. Đó là thứ văn hóa cao nhất, hơn tất cả mọi văn hóa, bởi nó là sự biểu hiện thái độ, quan niệm sống của người với người trong cộng đồng.

Ngày Tết, người Việt Nam có thói quen nhớ về tổ tiên, cội nguồn, bộc lộ lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ, tạo thuận lợi cho mình. Chút quà về quê hương dâng lên bàn thờ Tổ, mang lễ vật đến tạ ơn người đã giúp mình, chính là biểu hiện của một tập quán rất đẹp ấy. Đó thực sự là ứng xử có văn hóa. Nhưng, nếu ai đó lợi dụng điều này biến thành chuyện mua bán nhằm trục lợi, thì thực sự đã đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Không phải vô cớ mà Tết năm nào Chính phủ cũng ra chỉ thị, thông tư nghiêm cấm việc lấy tiền công làm quà cáp đi biếu xén. Đó thực chất là hành vi hối lộ nhằm vào mưu tính cá nhân. Đó không phải là ứng xử đẹp vì nó trái đạo lý. Ở đây không có tình cảm chân thành, lòng biết ơn thực sự mà là cuộc mua bán giữa kẻ trao và người nhận, đôi bên cùng có lợi. Tất nhiên không phải mọi việc tặng quà cấp trên đều như vậy mà thực tế cũng có mối quan hệ chân thành. Nhưng ở đây rất dễ có sự ngộ nhận và sự cố tình ngụy biện cho những hành vi ngoài tình cảm thực của con tim.

Ứng xử đâu có là chuyện lớn lao, to tát gì mà là những biểu hiện thường ngày có khi rất nhỏ, từ lời ăn tiếng nói đến mọi cử chỉ, hành vi. Lời nói dễ lọt tai người khác, một hành động khiến người khác có thiện cảm, quí trọng ta. Đó là nghệ thuật ứng xử. Đầu năm, một lời chúc ân tình, một sự lui tới thăm nhau và sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần. Đó là nghệ thuật ứng xử. Rủi ro thế nào đó, bên hàng xóm có chuyện buồn đúng ngày Tết (có người phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, có người qua đời) hàng xóm sang thăm hỏi hay chia buồn sẵn sàng trợ giúp những việc cần thiết. Nhà hàng xóm có việc buồn ta nên yên lặng, không tiệc tùng huyên náo. Đó là mình biết ứng xử.

Các bạn đang yêu, hay có vợ có chồng đầm ấm không khoe hạnh phúc của mình bên cạnh người cô đơn, bất hạnh. Ngày đầu năm đến cơ quan, hãy đừng bao giờ nhắc lại những chuyện không hay năm cũ, hân hoan với mọi người, chứ đừng chỉ săn đón riêng cấp trên. Đó cũng là văn hóa ứng xử.

Xã hội ta đang phát triển mạnh trên con đường hội nhập và tăng trưởng kinh tế, văn hóa. Các thuần phong mỹ tục thì vẫn luôn phải quan tâm duy trì, giữ nếp tốt đẹp. Chỉ cần xao nhãng, dễ có nguy cơ suy thoái. Ứng xử tốt là một nét đẹp, làm thăng hoa các mối quan hệ trong sáng giữa người và người, xuất phát từ lòng chân thành kết hợp với sự khéo léo, thông minh, tế nhị.

Quỳnh Liên/VTOTO