Mới cập nhật

Đì tìm bí ẩn những giấc mơ

Khoa học nghiên cứu về giấc mơ là một trong những ngành trẻ nhất, chỉ được coi như một bộ môn độc lập vào những năm 60 của thế kỷ 20. Tuy thế khoa học này phát triển khá nhanh: Hiện nay chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 600 trung tâm nghiên cứu giấc mơ. Còn tại Nga có 25 trung tâm tương tự như ở Mỹ.

Các nhà khoa học hy vọng, nếu khám phá được những bí ẩn của giấc mơ thì có thể sẽ giúp cho ngành Y học chẩn đoán được bệnh tật sớm. Họ cũng hy vọng cơ chế của bộ não trong thời gian mơ có mối liên hệ với khả năng sáng tạo của con người. Mà cũng có thể, giấc mơ sẽ tiên đoán được điều gì đấy với con người.
Sau mỗi 90 phút
Những người cổ xưa gọi giấc mơ là “giấc chết ngắn ngủi”, linh hồn của con người trong thời gian diễn ra giấc mơ tách rời thân thể để đến với “vương quốc mơ”. Cũng chính vì thế, họ cho rằng sẽ là tội lỗi lớn nếu đánh thức những người đang ngủ, bởi như thế thì linh hồn có thể không trở về với thân thể của họ được.
Với một số nhà khoa học, giấc mơ của mỗi người đều có hai giai đoạn mơ nhanh và mơ chậm. Những giấc mơ của chúng ta phần lớn diễn ra nhanh , chúng chủ yếu gắn liền với những chuyện mang tính kỳ diệu, hay không tưởng. Theo một số nhà khoa học khác, giấc mơ của con người diễn ra trong suốt thời gian ngủ đêm, nhưng nó không được ghi lại trong não bộ. Một số người khác lại bảo vệ quan điểm rằng, não bộ điều hành các giấc mơ theo những khoản thời gian nhất định, trong từng khoản thời gian sau 90 phút lại có một lần mơ. Tóm lại, trong mỗi một đêm con người có thể có từ 4-5 giấc mơ.

Các nhà khoa học điều thống nhất ở luận điểm: giấc mơ đã giải phóng những tế bào thần kinh của vỏ đại não. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra giấc mơ nơtron của các tế bào não bộ đã bao vây những xung động điều khiển các hoạt động của cơ thể. Nói cách khác, đơn giản là chúng đã “khóa” cơ chế điều khiển cơ bắp. Nếu không có cơ chế bảo vệ này, thì con người sẽ hành động theo những gì mà anh ta đang thấy trong giấc mơ của mình.

Những giấc mơ rất hữu ích cho con người, chúng có thể trở thành liệu pháp tâm lý tốt, là cơ sở để chẩn đoán trạng thái sức khỏe. Và nếu phát triển, ứng dụng đúng giấc mơ này hay giấc mơ khác, có thể sẽ làm nên những phát minh khoa học hay tiên đoán về tương lai.

Mơ là hiện thực

Những giấc mơ là chỉ báo tình trạng sức khỏe của chúng ta. Giấc mơ có thể sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh tật đã được Aristote (384 – 322 trước công nguyên) đề cập đến. Ông khẳng định rằng, trong giấc mơ con người có thể sẽ nhận tín hiệu về bệnh tật chớm có, thậm chí còn chữa lành khỏi bệnh tật.

Các nhà chuyên môn ngày nay phần lớn đồng tình với luận thuyết này. Phó tiến sĩ y học Elena Korabelnikova (Viện Hàn lâm Y học Moscow, Nga) phát biểu: ”Nếu như con người nhìn thấy trong giấc mơ là anh ta đau ốm, thì điều này là tín hiệu rất nghiêm túc báo rằng trong cơ thể của anh ta đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật mà các chẩn đoán thông thường chưa thể xác định được. Rất có thể vào buổi sáng hôm sau anh ta sẽ bị ốm”.

Bà thường khuyên phải đến các bác sĩ ngay nếu họ liên tục mơ thấy những điều không lành. Bà nói, điều nay cho thấy trạng thái tinh thần trong giai đoạn mơ đã đụng phải những vấn đề bên trong mà nó không thể giải quyết được, hoặc con người đang ở trong giai đoạn tiền bệnh tật.

Phân tích được ý nghĩa của những giấc mơ và hiểu được sơ đồ cấu tạo của chúng sẽ là con đường trực diện để chữa những chứng bệnh tâm lý đầy hiệu quả. Ví dụ ở bán đảo Malacca có một tộc người rất nổi tiếng bởi cách ứng xử đặc biệt với những giấc mơ. Trong tộc người này không có các hiện tượng như tự tử hay các hành động bạo lực khác, họ không bao giờ bị bệnh tâm lý hay những căn bệnh tương tự. Vấn đề là ở chỗ, mỗi một buổi sáng, từng người trong bộ tộc này kể lại cho các tù trưởng về những giấc mơ của mình. Sau đó các tù trưởng sẽ mổ xẻ, phân tích những giấc mơ này trong vai trò là người tư vấn.

Những lời khuyên của tù trưởng vào những lúc như thế là cực kỳ hiệu quả. Các tù trưởng cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải phân tích và đẩy giấc mơ đến tận cùng cho dù đó là hạnh phúc hay tai ương. Ví dụ nếu bạn mơ thấy mình rơi xuống vực sâu, thì bạn cần phải tưởng tượng tiếp mình sẽ rơi xuống đáy vực ra sao. Còn nếu bạn gặp thú dữ, thì phải tiếp tục vào cuộc chiến với nó như thế nào. Cách tiếp cận và xử lý các giấc mơ như thế giải phóng con người khỏi nỗi sợ và củng cố trạng thái tâm lý mà con người có thể bắt buộc phải mang nó, thậm chí nó còn mang chức năng thức tỉnh.

Giấc mơ – đó là kết quả thuộc hoạt động tâm lý của con người, bất kỳ giấc mơ nào, cho dù là ngắn ngủi nhưng trong nó chứa đựng nhiều thông tin khác nhau. Những thông tin này được mã hóa dưới dạng những biểu tượng khác nhau. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà chuyên môn là giúp những người bệnh phát triển, nhận biết các thông tin ấy một cách đúng đắn để có thể nắm bắt chính xác những tín hiệu chỉ rõ bản chất của sự việc bên trong nó.

Phát triển các giấc mơ, giải mã được bản chất của nó, giúp cũng cố tình trạng tâm lý của con người. Ngoài ra, nghiên cứu được kịch bản của giấc mơ và nhắc lại các biểu tượng trong nó, con người bắt đầu hiểu chính mình hơn, còn kể lại giấc mơ giúp chúng ta tìm thấy được nguyên nhân những sợ hãi của mình và hàng loạt những vấn đề khác.

Những giấc mơ giúp cho con người thích nghi với các tình huống khó khăn. Ví dụ, nhà nghiên cứu giấc mơ Maria Volochenko từ Hiệp hội quốc tế Nghiên cứu về giấc mơ khi làm việc với những người bệnh thường hay bị mơ trong lúc ngủ, kể lại: Trong bất kỳ giấc mơ nào của họ, dù ở hình thức nào bao giờ cũng có sự hiện diện của cái chết.

Maria Volochenko kể: ”Những giấc mơ như thế được họ nhớ lại rất rõ ràng và rất tỷ mỉ, kể cả với những người mà bình thường khi khỏe mạnh họ chẳng bao giờ để ý đến việc mình mơ về cái gì. Đấy là cuộc gặp gỡ của người chết với những người thân, rồi kịch bản về cái chết hay lễ tang, rồi những người thân thiết còn sống đã trải nghiệm cái chết ấy ra sao”.

Giấc mơ - sự linh cảm?
Trong lịch sử, nhiều chuyện đã được biết đến khi tác giả đã tìm được quyết định giải quyết các nghiên cứu của mình trong giấc mơ. Nhà phát minh Helias Haw tốn rất nhiều thời gian để chế tạo ra một thiết bị có thể khâu hai mảnh vải với nhau. Trên chiếc bàn làm việc của vị kỹ sư này có đến bốn phương án cho thiết bị này. Nhưng không có phương án nào mang tính khả thi. Thế nhưng vào một lần, khi Haw ngủ thiếp trong giá lạnh, trong giấc mơ ông thấy những con thú dữ của Châu Phi truy đuổi mình. Lúc ấy ông thấy rõ ràng trên phần đầu chiếc sừng của con thú rất giống chiếc tuốc-nơ-vít. Tỉnh giấc, Haw liền biến những gì mình nhìn thấy để sáng tạo ra chiếc kim khâu, mà cho đến nay chúng được sử dụng rộng rãi cho các máy may.

Còn Albert Einstein thì kể lại, trong giấc mơ ông trượt tuyết, vận tốc tăng dần cho đến khi đạt tốc độ ánh sáng, lúc ấy các vì sao thay đổi hình dạng và chuyển thành các vết sáng. Giấc mơ này được Albert Einstein ghi nhớ, tư duy của ông thường quay lại với “bức tranh” này. Và nó đã giúp ông tạo ra những nền tảng cho công việc khoa học của mình.

“Khả năng sáng tạo và những phát minh khoa học hoàn toàn có thể có được nhờ những giấc mơ – Elena Korabelnikova khẳng định – Vấn đề là ở chỗ, bộ não của chúng ta giống như chiếc computer, nó sẽ sàng lọc lại các thông tin mà chúng ta có được trong lúc mơ ngủ”. Kết quả là con người thu nhận những thông tin hoàn toàn từ một hướng khác, bằng một cách độc đáo dưới hình thức biểu tượng, hình tượng nào đó. Chính những thông tin ấy giúp con người đi đến những quyết định mà anh ta tìm kiếm lâu trong giấc mơ của mình.

Điều này cũng minh chứng rằng, trong giấc mơ, một số cơ quan của cơ thể không nghỉ mà tích cực hoạt động. Não bộ hệ thống hóa trong ngày những thông tin, sắp đặt chúng trong trí nhớ, phân loại các thông tin không mấy có ý nghĩa và tập trung vào những thông tin quan trọng. Chính trong giấc mơ, sự hoạt động tích cực của não bộ đã tạo ra những khả năng nhen nhóm những phát triển khao học.


Sức nặng của giấc mơ
Một nhà khoa học phát biểu: ”Cho đến nay, khoa học chưa thể chứng minh được giấc mơ có sức nặng hay không”. Trong lúc đó các nhà nghiên cứu giấc mơ và các nhà khoa học đã đưa ra những giả thuyết khác nhau. Ví dụ, trong cuộc sống con người xuất hiện một tình huống nào đó đòi hỏi anh ta phải giải quyết. Khi anh ta ngủ, thì não bộ vẫn tiếp tục làm việc. Và trong thời gian mơ, anh ta đưa ra các phương cách, các mối liên kết khả dĩ cho sự phát triển của tình huống. Như vậy “tính hợp lý” đã được vận dụng chính xác, để khi con người tỉnh giấc anh ta sẽ hiện thực hóa những gì đã diễn ra trong mơ.

Cũng có thể có cách giải thích khác về đặc điểm sức nặng của giấc mơ. Con người gặp những giấc mơ không dễ chịu. Ý thức của anh ta đã được xác định theo một sơ đồ hành động trong tình huống này hay tình huống khác của cuộc sống , nhưng giấc mơ lại chuyển hóa thành hiện thực. Ví dụ, trong giấc mơ con người có thể thấy mình cãi nhau với bạn. Đến sáng ra anh ta cảm thấy người bạn nhìn mình có vẻ khác, có vẻ không trung thực. Lúc đó anh ta bắt đầu gây ra mâu thuẫn một cách không tự nguyện. Chỉ sau một thời gian, anh ta mới nhận ra rằng, hóa ra trong mơ mình đã cãi nhau với người bạn. Thế nhưng cách giải thích này đối với các nhà nghiên cứu giấc mơ là chưa thuyết phục cho việc nhận dạng đặc điểm sức nặng của giấc mơ.

Vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với khoa học nghiên cứu về giấc mơ. Cơ chế vận hành, rồi cấu tạo của giấc mơ vẫn chưa được khám phá hết. Nhưng người ta hy vọng, trong một thời gian không lâu nữa, khi người ta giải mã được bí ẩn của giấc mơ thì rất có thể khoa học sẽ kết hợp giữa phần thực và phần mơ của con người có lợi nhất cho sức khỏe, tâm lý, sáng tạo của chúng ta. Nhưng trước hết, lời khuyên của những người này đối với bạn là :Hãy ngủ cho ngon giấc.

 

Theo Tạp chí hoạt động khoa học