Mới cập nhật

CẦN CÓ QUAN ĐIỂM RÕ RÀNG VÀ NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VỀ LỊCH SỬ

PGS, TS Đàm Đức Vượng

 


Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh  Phúc


1.Hiện nay, có một số người viết sử thường mang ý nghĩ chủ quan của mình vào những trang sử Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, gây ra những chệch choạc và thiếu tính khách quan, trung thực trong khi trình bày lịch sử, nhất là lịch sử cách mạng Việt Nam.

Khi viết về lịch sử cách mạng Việt Nam, có người hạ thấp hoặc trình bày một cách hời hợt vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam; không phản ánh được những vấn đề cốt lõi trong đường lối của Đảng là lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, dân tộc gắn với giai cấp, dân tộc gắn chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại đều là những vấn đề cốt lõi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Khi viết về Cách mạng tháng Tám năm 1945, có người chỉ dừng lại ở cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà không nói đến sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thì tiến lên thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu chỉ dừng lại ở cách mạng dân tộc dân chủ, thì có khác gì các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở các nước khác. Cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề này đã được nêu trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp vào đầu năm 1930, thông qua: Đảng chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Cơ sở lý luận này đã làm tiền đề để phát triển lý luận của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa là nét đặc sắc của cách mạng Việt Nam.

Có người lý giải rằng, Việt Nam nếu đi theo con đường cải lương cũng sẽ giành được độc lập dân tộc mà không cần phải đổ máu qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược? Sự thực thì chủ nghĩa cải lương là thứ chủ nghĩa cải cách xã hội trong khuôn khổ của chế độ thực dân, cho nên làm gì có chuyện giành độc lập dân tộc trong khuôn khổ của chế độ thực dân theo con đường cải lương. Rõ ràng là ảo tưởng và mơ hồ.

Khi viết và giảng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người cho rằng, Người theo chủ nghĩa dân tộc? Không hiểu nhà sử học này vô tình hay cố ý khi nói Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc? Chủ nghĩa dân tộc (dân tộc chủ nghĩa) là hệ tư tưởng và chính sách về vấn đề dân tộc của giai cấp tư sản. Nó gắn bó chặt chẽ với giai cấp tư sản. Hệ tư tưởng này nảy sinh từ châu Âu. Trong thời kỳ các nước châu Âu chuyển từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc đã giúp cho việc thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa tiến bộ đối với thời đại lúc bấy giờ. Nhưng với việc chủ nghĩa tư bản lũng đoạn chuyển thành chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc trong tay giai cấp tư sản phản động đã trở thành hệ tư tưởng và chính sách nhằm củng cố sự thống trị của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, gieo rắc sự bất hòa dân tộc và thù hằn dân tộc, chủng tộc. Trong khi gieo rắc hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, giai cấp tư sản mong muốn lôi kéo những người lao động ra khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, đi vào con đường thù hằn dân tộc, gieo rắc sự bất hòa trong nội bộ nhân dân. Chủ nghĩa dân tộc đối địch với chủ nghĩa xã hội và lợi ích dân tộc. Nó còn đối địch với phong trào giải phóng dân tộc phát triển ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Cao trào dân tộc của nhân dân nhiều nước nhằm chống áp bức dân tộc, vì thế, nó có tính chất tiến bộ. Trong khi phân biệt sự khác nhau giữa cao trào dân tộc của nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân với chủ nghĩa dân tộc phản động, các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản cho rằng, cần phải tính đến xây dựng một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có người viết sử đã láu cá, dựa vào thuật ngữ “dân chủ” để tuyên truyền cho một nền dân chủ tư sản, mà bỏ qua nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Một trong những hình thức của chủ nghĩa dân tộc là “chủ nghĩa cộng sản dân tộc”, phủ nhận công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản dân tộc mâu thuẫn với các lực lượng xã hội chủ nghĩa, và vì thế, nó được những người cơ hội chính trị ủng hộ bằng mọi cách và lợi dụng nó để tấn công chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Trong một số cuốn sách và bài viết của người nước ngoài, tôi thấy người ta đều có chung một nhận định là Ngô Đình Diệm theo chủ nghĩa dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không dính dáng gì đến chủ nghĩa dân tộc. Người là một nhà yêu nước và cách mạng chân chính, chủ trương thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cần lao, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là bản chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khi trình bày về thể chế chính trị, nhất là khi trình bày về chính quyền Sài Gòn với chính quyền cách mạng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có nhà viết sử làm lẫn lộn giữa thể chế chính trị này với thể chế chính trị khác.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 14, khóa III, ngày 30-1-1968, quyết định thành lập Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương tại miền Nam Việt Nam, bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính phủ Trung ương khi thành lập gọi là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Như vậy, tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ có chính quyền Sài Gòn (ngụy thể) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (chính thể). Gọi là ngụy thể, vì chính quyền Sài Gòn làm tay sai cho ngoại bang xâm lược miền Nam Việt Nam, phản bội lại lợi ích của dân tộc Việt Nam, đi ngược lại sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Gọi là chính thể, vì Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là đại biểu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam thoát khỏi sự xâm lược, thống nhất đất nước.

Có thể nói Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một tổ chức chính quyền và mặt trận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại miền Nam Việt Nam.

Nguyên nhân của những sai lầm nghiêm trọng trên đây trong khi trình bày lịch sử cách mạng Việt Nam là do quan điểm của người viết sử không rõ ràng, nhận thức không đúng đắn về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử cách mạng Việt Nam.

2. Để viết lịch sử Việt Nam, trong đó có lịch sử cách mạng Việt Nam, được trung thực, chính xác, nghiêm túc, người viết sử phải có quan điểm rõ ràng với nhận thức đúng đắn. Quan điểm lịch sử đúng đắn chính là nguyên tắc nhận thức các sự vật và hiện tượng trong sự phát triển, sự hình thành và trong mối liên hệ ràng buộc với những điều kiện lịch sử cụ thể. Quan điểm lịch sử là cách xem xét hiện tượng như là sản phẩm của sự phát triển lịch sử nhất định, theo quan điểm lịch sử diễn ra như thế nào, thì người viết sử phải thể hiện ra những trang viết như thế. Tuy nhiên, thông qua sự kiện lịch sử mà khái quát lên thành những nhận định, đánh giá sự kiện lịch sử, bảo đảm tính trung thực của lịch sử. Quan điểm lịch sử đòi hỏi phải thừa nhận tính chất kế thừa và không thể đảo ngược của những biến đổi của sự kiện lịch sử. Vì vậy, quan điểm lịch sử đã trở thành những nguyên tắc quan trọng nhất của khoa học, cho phép khoa học vẽ nên bức tranh khoa học về tự nhiên và phát hiện ra những quy luật phát triển của nó (như thuyết tiến hóa của Đácuyn chẳng hạn). Nguyên tắc này đã trở thành mặt quan trọng và không thể tách rời của phương pháp biện chứng. Sẽ là sai lầm nếu phân tích lịch sử theo tinh thần thực chứng chủ nghĩa, kinh nghiệm chủ nghĩa.

Phương pháp nghiên cứu lịch sử đúng đắn nhất là bao giờ cũng phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lịch sử và lôgích. Lịch sử và lôgích phản ánh mối tương quan giữa sự phát triển lôgích của tư tưởng với lịch sử và của lịch sử của quá trình xảy ra. Lịch sử thể hiện quá trình hiện thực của sự xuất hiện và hình thành một sự kiện nào đó; lôgích thể hiện mối tương quan, sự liên hệ và tác động lẫn nhau giữa các mặt của sự kiện nào đó, đang tồn tại trong trạng thái phát triển của nó. Lịch sử quan hệ với lô gích (lý luận) như là một quá trình phát triển quan hệ với kết quả của nó, trong đó, những mối liên hệ đã được hình thành một cách tuần tự trong tiến trình của lịch sử hiện thực đã đạt tới độ chín. Cả lịch sử và lôgích đều nằm trong sự thống nhất biện chứng. Tính thống nhất của nó được biểu hiện ở chỗ trong yếu tổ lịch sử có chứa đựng yếu tố lôgích ở mức độ mà mọi quá trình phát triển đều mang tính khách quan và tính tất yếu của nó. Tính thống nhất của lịch sử và lô gích còn thể hiện ở mối tương quan và sự lệ thuộc lẫn nhau của các mặt của cái toàn thể đã phát triển, mang tính đặc thù của nó. Vì vậy, lôgích bao hàm lịch sử và lịch sử được phân tích trên cơ sở lôgích. Tuy nhiên, hai cặp phạm trù này tuy thống nhất, nhưng không hẳn đồng nhất, vì mỗi cái có đặc thù riêng. Chính vì trong bản thân hiện thực, quá trình và kết quả phát triển không trùng hợp, tuy ở trong một sự thống nhất, cho nên sự khác nhau về nội dung của phương pháp nghiên cứu lịch sử và phương pháp nghiên cứu lôgích là điều không tránh khỏi. Nhiệm vụ của nghiên cứu lịch sử là phát hiện những điều kiện và những tiền đề phát triển cụ thể của những hiện tượng này hay hiện tượng khác, phát hiện tính chất tuần tự lịch sử của những bước quá độ, từ những giai đoạn tất yếu lịch sử này sang những giai đoạn tất yếu lịch sử khác. Nhiệm vụ của nghiên cứu lôgích là phát hiện vai trò của từng yếu tố riêng biệt của hệ thống trong thành phần của cái toàn thể đã phát triển. Việc tái tạo cái lôgích đã phát triển là chiếc chìa khóa để phát hiện lịch sử hiện thực của nó. Cũng như C.Mác nói: “Giải phẫu con người là chiếc chìa khóa để giải phẫu con vượn”.

Những ranh giới phân biệt giữa lịch sử và lôgích cũng có tính chất ước định, linh hoạt, tùy theo những diễn biến của lịch sử, bởi vì cái lôgích, xét cho cùng, cũng là cái lịch sử, chỉ có điều là không còn cái hình thức cụ thể của nó và được trình bày dưới hình thức lý luận, khái quát; ngược lại, cái lịch sử cũng là cái lôgích, chỉ có điều là mang tính cụ thể của sự phát triển lịch sử. Phép biện chứng của lịch sử và lôgích có ý nghĩa to lớn đối với lôgích biện chứng, trong đó, dùng lịch sử để chứng minh và dùng lôgích để tổng kết lịch sử.

Chốt lại của vấn đề là viết lịch sử phải xuất phát từ hiện thực khách quan, phải hết sức trung thực. Mang nhận thức chủ quan của mình để trình bày lịch sử sẽ dẫn đến sự tùy tiện và làm sai lệch, bóp méo lịch sử.