Mới cập nhật

Câu chuyện xã hội: Việt Nam có thừa robot làm việc để làm CMCN 4.0?


Đã có những thời đất nước chúng ta nhiều mộng mơ. Đầu tiên là ngày xưa mơ về nước Nga trong những vần thơ tráng lệ của thi sĩ Tố Hữu lúc còn Pháp thuộc. Rồi khi giành độc lập xong và thống nhất đất nước, chúng ta mơ xây dựng nền công nghiệp nặng cùng CNXH. Đổi mới bắt đầu, chúng ta mơ có nền công nghiệp ô tô và công nghiệp điện tử để biến Việt Nam thành quốc gia công nghiệp hoá và hiện đại hoá sánh cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành những nhiệm vụ đó vào năm 2020. Và cứ như thế và năm tháng trôi đi...

Nhìn lại mới thấy mong ước có nhiều nhưng làm được chưa bao nhiêu: Việt Nam chỉ bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp mới được có dăm năm với năng suất lao động vẫn còn thua xa các nước lân bang, có chăng mới chỉ còn hơn được Myanma, Lào và Campuchia, nhưng cũng không rõ sẽ duy trì vị thế đó được bao lâu nữa.


Bất ngờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 rơi xuống nước ta như một cứu cánh rực rỡ cho định hướng phát triển: giúp bỏ qua những tranh luận sôi nổi lâu nay về cải cách thể chế kinh tế cùng việc xác định nội hàm cụ thể cho khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ đâu ra thì không ai rõ lắm nhưng xem ra thuật ngữ này đang là thuật ngữ phổ biến nhất trên truyền thông đại chúng nước nhà lúc này.Và cùng với nó là hy vọng về một quốc gia khởi nghiệp sẽ tới. Nhưng cuộc cách mạng 4.0 này thực sự là cái gì?


Về cơ bản, có thể hiểu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là sự xuất hiện và phổ biến một loạt công nghệ mới có tính tương tác và tích hợp cao trên nền tảng công nghệ thông tin. Nhờ việc số hóa hoạt động kiểm soát và truyền thông, các quy trình sản xuất mới xuất hiện trong đó trí thông minh nhân tạo và robot hóa sẽ đóng vai trò chủ chốt giúp thay thế những lao động giản đơn trong quy trình sản xuất. Do đó, năng suất lao động được đẩy lên rất cao: một bước nhảy vọt kể từ thời Ford đưa dây chuyền sản xuất ô tô vào đời sống hơn 100 năm về trước, khởi đầu cho cách mạng công nghiệp lần thứ 2.0.


Có điều, đây là sản phẩm của những xã hội đã đạt trình độ phát triển và để có thể triển khai được nó, cần có những điều kiện nhát định, cả về kinh tế lẫn xã hội. Cho nên, cũng đến lúc cần tư duy lại một cách thực tế xem nên làm gì để khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 rất vĩ đại này của loài người trong điều kiện cụ thể nước ta. Xem ra, cơ sở xã hội là những điều kiện cần được tính tới trước hết để cách mạng 4.0 có cơ đi vào cuộc sống.


Có ít nhất 3 yếu điểm về mặt xã hội cần được lưu ý tới ở đây.




 Đầu tiên là sự băn khoăn về việc liệu cuộc Cách mạng 4.0 có được xã hội nước nhà chấp nhận không với câu hỏi cụ thể: triển khai nó để làm gì khi lao động đang còn dư thừa ở quy mô rất lớn và giá nhân công Việt còn rất rẻ, nhất là ở nông thôn và vùng sâu vùng xa.


Cuộc cách mạng 4.0, như chúng ta biết, xuất hiện ở các nước tiên tiến dưới áp lực các nguồn lao động bị khan hiếm và đẩy chi phí tiền lương lên rất cao, như trường hợp của Nhật Bản nơi có tỷ lệ người già cao nhất thế giới và số lượng robot đang đứng đầu thế giới.


Đây cũng là câu chuyện đã xảy ra ở nước Anh khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 đưa máy hơi nước vào để giải quyết bài toán tiền công của công nhân tăng cao.


Trong khi ở nước ta hiện nay thì khoảng 70% dân số vẫn ở nông thôn, mức sinh thấp 2 con cho mỗi gia đình vẫn chưa vững khi ngay ở Thủ đô Hà Nội số sinh con thứ 3 đã vọt tăng trong năm 2016, và năng suất lao động thấp nên tiền công còn lâu mới cao đến mức các nhà đầu tư phải cân nhắc để lựa chọn việc đưa máy móc công nghệ cao vào sản xuất, chưa nói đến robot, trí tuệ nhân tạo hay internet kết nối vạn vật.


Đây là một tiền đề rất quan trọng mà các nhà lập chính sách nước ta hình như chưa từng đặt đúng tầm vóc của nó: làm thế nào để đảm bảo công ăn việc làm cho một khối lượng lớn người tay nghề chưa cao và vẫn đang chủ yếu sản xuất nông nghiệp? Cứ xem việc dư thừa thịt lợn hiện nay, một lĩnh vực mới chỉ áp dụng không nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật, đang làm chao đảo nền kinh tế là đủ rõ!


Còn nếu nhìn đàn cá sấu hàng vạn con đang bị bỏ đói do không có thị trường tiêu thụ thì càng thấy rõ hơn quy mô của vấn đề việc làm cho số đông người lao động. Mục đích của cách mạng 4.0 nếu đưa vào cuộc sống chưa rõ có được sự đồng thuận của xã hội hay không.


Chương trình giáo dục luôn đổi mới


Tiếp đó, sự đào tạo chuẩn bị cho nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của đời sống và sản xuất đang còn yếu kém, nếu không muốn nói là thụt lùi so với các quốc gia láng giềng: sau nhiều lần thay đổi, đến nay một chương trình giáo dục phổ thông mới do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ trì lại đang được bắt đầu đưa vào thử nghiệm.


Phạm Bích San