Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 9): BÀN VỀ BẢN TÍNH CON NGƯỜI


 PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng,
Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)       

      

1.Trong một bài viết trên đây, tôi đã phân ích về bản chất con người. Trong bài này, tôi phân tích về bản tính con người. Giữa bản chất và bản tính có gì khác nhau? Bản chất là cái chất tự nhiên của con người khi mới sinh, chưa bị ảnh hưởng môi trường xã hội bên ngoài. Bản tính là tính chất hay tính tình vốn có khi con người đã bắt đầu biết tư duy. Có thể ví như bản chất là gốc rễ của cây, còn bản tính là hoa lá cành của cây.
Từ trước tới nay, loài người đã có những nhận thức khác nhau về bản tính con người. Hàn Phi Tử, một nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời xưa, cho rằng, bản tính con người là ác, chứ không phải là thiện. Ông phủ nhận mọi lý luận đề cao cái cao quý của con người. Ông đánh giá con người như vậy cũng có lý của Ông. Đó là vì cuộc đời Ông với tư cách con vua. Hằng ngày, tiếp xúc với những bọn nịnh thần, Ông thấy đâu đâu cũng là lừa dối, cơ hội, lợi dụng, tính toán, mưu mô, xảo quyệt, nham hiểm. Hàn Phi rất căm thù những loại người này.
Lần theo lịch sử triết học, chúng ta thấy sách “Tam tự kinh” của Trung Quốc xưa có viết lời của Khổng Tử: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Câu này có nghĩa là con người ta sinh ra bản tính con người vốn thiện và tốt lành. Nhưng khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội, mà bản tính trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, tính thiện có thể phai mờ. Vì vậy, cần phải được luôn luôn giáo dục, giữ gìn và rèn luyện để cho đời sống lành mạnh, sao cho cái thiện trùm lên và bắt cái ác phải rơi rớt xuống địa ngục trần gian. Đây là tư tưởng lớn của Khổng Tử và được Mạnh Tử tiếp thu, trở thành lý luận của Nho giáo; đồng thời, Mạnh Tử cũng phát triển thêm những ý mới, bổ sung vào học thuyết của thầy Khổng Tử. Theo Mạnh Tử, bản tính con người là thiện, vì ai cũng có cái tâm. Theo Mạnh Tử, tâm là là cái chủ đạo để điều khiển mọi hành vi của con người. Kể cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều cho rằng, bản tính của con người đều phải lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm gốc, làm trọng. Những chuẩn mực mực này, các ông gọi là “thiên lương” (Trời cho điều thiện).
 Bên cạnh thuyết “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Khổng Tử, còn có thuyết “Bản tính con người là ác” của Tuân Tử (Tuân Khanh), nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời Chiến quốc. Tuân Tử nói: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã” (Bản tính con người là ác, những điều thiện là do con người đặt ra). Như vậy, học thuyết của thầy Tuân Tử và của học trò Hàn Phi Tử đều cùng chung một dòng: Bản tính con người là ác. Tuy nhiên, Tuân Tử cho rằng, bản tính con người là ác, nhưng con người có thể trở thành thiện một khi được giáo dục tốt, vì cái thiện ấy được tạo ra trong quá trình giáo dục. Ông cho rằng, tác dụng của giáo dục sẽ biến con người từ ác trở thành thiện. Tuy định nghĩa con người sinh ra đã là ác, nhưng Tuân Tử lại không chấp nhận những tội ác mà con người gây ra đối với con người khác.
  Từ quan niệm khác nhau về bản tính con người, Khổng Tử dùng nhân (đức) để trị nước, trị nước bằng cái tình; còn Tuân Tử dùng lễ để trị nước, sau phải đổi sang pháp trị để trị nước. Ở đây, phải nói rằng, nếu trị nước toàn bằng đức, thì nước sẽ không hãm được những kẻ ác có tội; còn nếu trị nước toàn theo pháp trị, mà không tính đến đức trị, thì nước sẽ không hiền hòa, không có lòng thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, phép trị nước, tốt nhất vẫn là sự kết hợp giữa pháp trị với đức trị.
 Tại Việt Nam, cụ Phan Bội Châu cho rằng, chữ “tâm” phải đi đôi với chữ “đồng”, tức là đồng lòng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là bản tính con người. Phan Bội Châu luận rằng, lòng thương yêu con người phải hướng tới lòng yêu nước thương nòi. Lòng yêu nước thương nòi chẳng những là phẩm chất cao quý của con người mà con trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với giống nòi. Phan Bội Châu lấy nhiệt thành làm chính, lấy tinh thần yêu nước làm mục đích, mang lại độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân, nhóm họp đoàn thể, trao đổi tri thức, phục tùng công lý, sửa đạo đức công dân, mang lại quyền lợi cho công dân, giúp đỡ nhau, thương yêu nhau, không ghét nhau, không lừa dối nhau, không khinh bỉ nhau. Ông giải thích nước là họp muôn triệu ức người lại mà thành! Yêu nước tức là yêu nhà. Nước còn, thì nhà còn, nước mất, nhà tan. Theo Phan Bội Châu, yêu nước chính là yêu đồng bào, yêu mình, lợi ích của quốc gia phải gắn liền với lợi ích của đồng bào và bản thân. Coi trọng nhân nghĩa là đạo lý truyền thống Việt Nam. Người có nghĩa lớn là người dám chấp nhận hy sinh cho sự sống còn của dân tộc. Đó là bản tính của con người, cũng là bản tính của dân tộc Việt Nam mà nhà yêu nước Phan Bội Châu đã lý giải.
 Hồ Chí Minh nhận định trên đời này có hai loại người thiện và ác. Người thiện là người có đạo đức cách mạng trong sáng. Người ác là người mang nặng trong mình chủ nghĩa cá nhân. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”1. Đánh giá về người thiện và người ác, Người cho rằng, nhiều người rất chủ quan, đem lòng yêu ghét của mình mà đối với người, không phân biệt được người thiện và người ác, làm cho cái thiện và cái ác bị lẫn lộn, thậm chí cái ác lại lấn lướt cái thiện.
 2.Vậy một câu hỏi đặt ra là “nhân chi sơ tính bản thiện” hay “nhân chi sơ tính bản ác”. Đây là vấn đề cần phải được làm rõ. Muốn làm rõ, trước hết, phải tìm hiểu cặn kẽ về bộ não con người. Đó là bộ phận trung tâm của hệ thần kinh và là cơ quan chủ yếu trong điều hành hệ thần kinh ngoại vi. Hệ thần kinh trung ương và bộ não – bộ phận cao cấp của nó – là cơ quan điều khiển, tức là hệ thống phối hợp hoạt động giữa các cơ quan khác nhau và điều chỉnh quan hệ qua lại của cơ thể với môi trường bên ngoài nhờ có sự phản ánh tâm lý. Bên trong não là một hệ thống mạng nơrôn rất phức tạp và một số tuyến nội tiết. Một số nơrôn tiếp nhận thông tin từ cơ thể, từ giác quan như mắt, mũi, tai, lưỡi, da, từ hệ thần kinh bên ngoài và từ nhiều cơ quan khác trong cơ thẻ con người tùy theo tủy sống lên não. Một số nơrôn khác có thể điều khiển tất cả các cơ quan khác của cơ thể, như nhịp tim, nhịp thở, bắp thịt tạo di sự di chuyển. Các tuyến nội tiết trong não tiếp nhận và phóng thích các hormone tạo liên hệ chặt chẽ với các tuyến nội tiết trong cơ thể. Bộ não con người còn có chức năng tạo ra những hoạt động cao cấp như suy nghĩ, tính toán, phán xét, trừu tượng, tưởng tượng,… Bộ não con người trưởng thành và có trọng lượng trung bình khoảng từ 1,3 đến 1,4 kg, hoặc khoảng 2% tổng trọng lượng cơ thể với khối lượng khoảng 1130 cm3 ở đàn bà và 1260 cmở đàn ông.
 Những tư tưởng và công trình của Xêtsênốp và Páplốp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các ông đã chứng minh bản chất phản xạ của hoạt động tâm lý ở động vật và con người. Ở con người, ngoài hệ thống tín hiệu thứ nhất của hiện thực chung với động vật, đã hình thành tín hiệu thứ hai, tức là hệ thống tín hiệu lời nói gắn liền với tư duy trừu tượng bằng ngôn ngữ. Trong bộ não có những trung tâm chuyển về tri giác (thính giác và thị giác) và về việc phát âm lời nói. Bản chất xã hội sâu sắc của con người đã biểu hiện không những trong sự hình thành những cấu trúc hình thái học mới so với động vật, nhằm bảo đảm sự giao tiếp bằng lời nói và tư duy bằng ngôn ngữ. Qua nghiên cứu, tôi thấy nếu như ở động vật, kinh nghiệm chủng loại được truyền lại theo sự di truyền dưới hình thức bản năng, thì ở con người, sự tiếp thụ những hình thức hoạt động đã hình thành trong lịch sử, lại diễn ra trong tiến trình phát triển cá thể của con người, con người đó có thể là thiện hay là ác. Vì vậy, những khả năng tiêu biểu của con người như thính giác lời nói và thính giác âm nhạc, khả năng tư duy trừu tượng là những chức năng không phải của các cấu trúc hình thái học, mà là của các nhu cầu trúc động học thần kinh của bộ não có độ bền vững tương đối. Sự tiến bộ của hoạt động tâm lý con người là gắn liền không phải với sự tiến hóa hình thái học của bộ não như ở động vật, mà với sự phát triển những hình thức của kinh nghiệm loài người, của việc bảo quản, truyền đạt và xử lý kinh nghiệm đó cho đến cả việc xây dựng người máy nhằm làm giảm nhẹ lao động trí óc và nâng cao năng lực sáng tạo của con người. Quan điểm điều khiển học đã giúp cho bộ não có chí hướng hoạt động theo ý của mình.
 Qua phân tích trên về bộ não con người, thấy rằng, “nhân chi sơ không tính bản thiện và cũng không tính bản ác”, mà phải cho đến khi con người biết nói, lúc đó mới bắt đầu hình thành bản tính thiện hay bản tính ác.  Những cái mà Tuân Tử và Hàn Phi Tử không nhìn ra là Ông đã “vơ đũa cả nắm”. Nếu loài người ai cũng ác độc, thì có lẽ Trái Đất này đến nay đã không còn người nào sống sót, do sự chém giết lẫn nhau. Vì vậy, bên cạnh những kẻ ác, xấu, còn có những người thiện, tốt. Đó mới là cái nhìn biện chứng của một nhà tư tưởng, nhà triết học.
Trong quá trình này, vai trò giáo dục của gia đình và xã hội là rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều người phạm tội là không được giáo dục và không hiểu biết luật pháp.
3. Phân loại người thiện và người ác đang trở thành một môn khoa học cần phải nghiên cứu.
Bản tính con người thiện là con người tốt, sống có đạo đức, có lòng thương yêu người khác, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn triền miên, những người chỉ có một phần sống và chín phần chết, không nơi nương tựa; Những trẻ em mồ côi, tàn tật, sống lang thang trong xã hội. Họ sẵn sàng tạo việc làm cho những người có nghề nghiệp, học vị trong tay, nhưng thất cơ lơ vận. Trong công vụ, họ sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ, cấp dưới để sớm thành đạt. Họ ghét cay ghét đắng những kẻ chỉ biết mình mà không biết người, chỉ chăm chăm cho cuộc sống của mình mà không để ý đến cuộc sống của người khác; những kẻ dùng người theo thân quen, cổ cánh, lo lót, trong khi đó, lại kèn cựa, cay cú với những người thực tài, sẵn sàng vứt những người thực tài vào sọt rác; những người không đếm xỉa gì đến nhân tình thế thái. Những người thiện là những người biết “cần, kiệm, liêm, chính”, biết người, biết ta; biết sống bất biến giữa dòng đời vạn biến; biết rõ sở trường của mình để tự động viên vươn lên…
 Bản tính con người ác là con người xấu, xấu xa, tội lỗi, sống vô đạo đức, không có tình thương yêu đối với mọi người, thiếu nhân cách, tư cách không đàng hoàng; ác khẩu; những người cơ hội, không được giáo dục đến nơi đến chốn, thể hiện là đem cuộc sống của mình chà đạp lên cuộc sống của người khác; ăn nói hàm hồ; sống chỉ biết mình mà không hề biết đến người khác, chỉ vì mình mà không vì xã hội; những kẻ giết người, cướp của; táng tận lương tâm. Trong công vụ, công tác, họ không nhìn ra sở đoản của mình để khắc phục; chuyên đi bới lông tìm vết làm hại người tài đức, dìm người tài đức bằng cách nói xấu người tài đức trước mặt quan trên… Trong đối xử, họ coi khinh mọi người, không kính trên, nhường dưới, thuận hòa với gia đình, đồng nghiệp, đồng đội; xu nịnh, khúm núm, mềm nhũn với cấp trên và cứng rắn với cấp dưới; ở trong nhà, sống lụp chụp, cẩu thả, bừa bãi, khi ra đường thì vi phạm luật lệ giao thông, gây tai nạn giao thông và gây gổ với mọi người. Đó là những loại người rất tầm thường. Có những người ác thuộc loại “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”...
 Vấn đề đặt ra hiện nay là phải biết kết thân với những người thiện, động viên người thiện làm việc tử tế, đứng về phía người thiện, bênh lẽ phải; đồng thời, phải tăng cường giáo dục đối với những kẻ ác, khi không giáo dục được thì phải dùng hình luật để trị những kẻ ác. Sống lương thiện luôn luôn là cuộc sống tốt. Sống bạc ác luôn luôn là cuộc sống xấu, sẽ phải trả giá.
Biết rằng, ngày nay, không có xu hướng triết học nào nghiên cứu về con người, mà lại không biết rằng, tự ý thức của con người xuất hiện trong quá trình tác động qua lại giữa người này với người khác, có tính chất xã hội, tức là quá trình con người giao tiếp với nhau. Thiện và ác xuất hiện do những mâu thuẫn giai cấp còn tồn tại trong xã hội, nó làm nảy sinh những biểu hiện phức tạp của đời sống chính trị xã hội. Vì vậy, cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa nhân đạo đang trở thành vấn đề cuộc sống của con người. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác đã, đang và sẽ diễn ra dai dẳng chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Muốn đè bẹp được cái ác trong mỗi con người, thì phải nhân cái thiện lên để lấn át cái ác.
 Vấn đề đặt ra hiện nay là phải loại trừ mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội; xóa bỏ tất cả những gì xúc phạm và hạ thấp con người để nâng phẩm giá con người lên tầm cao mới.
------
1 Hồ Chí Minh: Toàn tâp, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 292.