Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 10): CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN


PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)       


Nói đến “môi trường” là nói đến hoàn cảnh tự nhiên tác động đến mọi điều kiện sống bên ngoài của mọi sinh vật, trong đó có con người. Từ môi trường tự nhiên, ngôn ngữ được lan tỏa ra môi trường xã hội, môi trường kinh tế, môi trường văn hóa,…, biểu hiện toàn thể hoàn cảnh xã hội như phong tục, tín ngưỡng, gia đình đến con người. Môi trường có khả năng chuyển tác dụng của một hiện tượng và sự vật. Trong phạm vi bài này, tôi xin trình bày về tác động của môi trường tự nhiên đối với những con người hiện đang sống trên Trái Đất này. Đó là đất, nước, sông, biển, núi, quặng,… cùng Âm Dương Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Không khí cũng là một dạng của môi trường tự nhiên.
Thiên nhiên có lúc hiền hòa, dịu êm, đó là những đêm trăng thanh gió mát, không gian êm đềm, nhưng cũng nhiều lúc tỏ ra hung dữ như núi lửa phun trào, sóng thần, động đất, bão lớn, nước dâng. Loài người trên Trái Đất này thật khó tránh những cơn giận dữ của thiên nhiên.
Hiện nay, vấn đề môi trường đang đặt ra rất gay gắt trước cuộc sống của loài người. Nền công nghiệp càng phát triển thì yếu tố môi trường càng nặng nề.
Có người từ xưa tới nay đã cố sức chinh phục tự nhiên (thiên nhiên), chiến thắng thiên nhiên, nhưng đã không chính phục nổi. Con người ta có thể làm chủ được xã hội, làm chủ bản thân, những không thể làm chủ được thiên nhiên. Ai đó nói con người làm chủ được thiên nhiên, người đó không hiểu gì về sức mạnh của thiên nhiên. Ph.Ăngghen nói: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta,, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên biểu hiện ở chỗ là chúng ta có ưu thế hơn tất cả các sinh vật khác, nghĩa là chúng ta nhận thức được quy luật của tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác”1. Như vậy, Ph.Ăngghen khẳng định con người chỉ có thể sử dụng được tự nhiên, chứ không thể làm chủ được tự nhiên. Tôi xin nói thêm là con người có thể lợi dụng được tự nhiên và hạn chế được sự tàn phá của tự nhiên, chứ không thể làm chủ được tự nhiên, bởi con người cũng là một thành tố của tự nhiên, là sản phẩm đặc sắc của tự nhiên. Vấn đề mà Ph.Ăngghen đặt ra là “chúng ta học hỏi để ngày càng hiểu được một cách chính xác hơn những quy luật đó, và biết được những hậu quả gần gũi cũng như xa xôi của những sự can thiệp tích cực của chúng ta vào trong tiến trình bình thường của các sự vật trong tự nhiên”2. Có điều là “trong phương thức sản xuất hiện nay, người ta chỉ chú trọng chủ yếu đến việc làm thế nào cho tự nhiên và xã hội đem lại cho người ta những kết quả gần gũi nhất, rõ ràng nhất; nhưng rồi sau đó, người ta lại ngạc nhiên, không hiểu tại sao những hậu quả xa xôi của những hành động nhằm đạt được kết quả trước mắt đó lại hoàn toàn khác hẳn đi, và trong rất nhiều trường hợp, lại hoàn toàn trái ngược lại”3. Câu nói này của Ph.Ăngghen nói lên hậu quả của thiên nhiên “trả đũa” khi sức tàn phá của con người đối với tự nhiên. Câu nói của Ph.Ăngghen diễn ra cách đây đã một trăm năm, hình như vẫn đang là mới mẻ đối với các cuộc thảo luận về khủng hoảng môi trường tự nhiên do hành đồng sản xuất và hành động phá hoại của con người gây ra đối với tự nhiên. Sự phát triển ngày càng tăng của lực lượng sản xuất đã đưa đến những hình thức khai thác mới và có hiệu quả từ của cải của các nguồn tự nhiên và các điều kiện của môi trường. Từ khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời, lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh chóng, khiến cho môi trường tự nhiên càng phải gánh chịu nhu cầu to lớn về vật chất và nhu cầu ấy đã phát triển đến đỉnh cao tới mức đe dọa khả năng tự điều chỉnh của các nhân tố trong tự nhiên. Việc khai thác môi trường tự nhiên trở thành một đối tượng gay gắt. Với mục tiêu kiếm lợi nhuận, trong hàng trăm năm qua, các nhà khai thác chỉ nhằm cướp bóc tự nhiên, khai thác, vắt kiệt mọi nguồn tài nguyên trong tự nhiên, làm cạn nguồn năng lượng, làm ô nhiễm môi trường và làm gia tăng rác rưởi. Môi trường bị ô nhiễm nặng, gây không khí ô nhiễm, làm cho môi trường ngày càng xấu đi, từ đó mà phát sinh bệnh tật, làm cho con người chết dần chết mòn; và từ đó, nó cũng nảy sinh mâu thuẫn ngày càng trầm trọng giữa xã hội và tự nhiên. Mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở thiết lập quan hệ sở hữu mới và trên cơ sở những hiểu biết về quy luật đó, gọi là quy luật sinh thái. Ph.Ăngghen viết: “Nhất là từ khi khoa học tự nhiên đã thu được những tiến bộ vĩ đại trong thế kỷ hiện thời, thì chúng ta lại ngày càng đi đến chỗ hiểu biết được những hậu quả tự nhiên xa xôi, ít nhất là của những hành động thông thường nhất của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất, và do đó, có thể chi phối được những hậu quả đó. Nhưng điều đó càng trở thành sự thật, thì con người không những càng cảm thấy được, mà lại càng hiểu biết thêm rằng mình với tự nhiên chỉ là một”4. Qua nhận định của Ph.Ăngghen, thấy rằng, trình độ kỹ thuật mới của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất mới và sự nhận thức đầy đủ để điều chỉnh những ảnh hưởng của sản xuất đối với tự nhiên, là lời giải đáp của lý luận đối với vấn đề sinh thái (môi trường).
Một giải pháp triệt để về vấn đề môi trường, đòi hỏi phải có quan hệ sản xuất tiến bộ, một chất lượng kỹ thuật mới của lực lượng sản xuất và sự hiểu biết tường tận về sinh thái. Trong những yếu tố đó, lực lượng sản xuất đã sản sinh ra sự ô nhiễm môi trường, và khi con người tác động vào, thì chính con người cũng sinh ra sự ô nhiễm môi trường. Chừng nào trình độ kỹ thuật chủ đạo của lực lượng sản xuất còn tác động mạnh vào môi trường, thì chừng đó sẽ còn tạo thêm gánh nặng cho môi trường. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dù có tốt mấy cũng không thể giải quyết được vấn đề môi trường. Nhưng có một vấn đề đặt ra là nếu có khoa học sinh thái tác động vào, thì có thể phần nào cải tạo được môi trường. Quan niệm về duy vật lịch sử cho rằng, vấn đề sinh thái là hiện tượng đi kèm theo các giai đoạn phát triển của kỹ thuật trong tiến trình lịch sử của lực lượng sản xuất; đồng thời, quan niệm  duy vật lịch sử cũng chỉ ra khả năng tất yếu để giải quyết vấn đề sinh thái.Vấn đề sinh thái đã trở thành nội dung thảo luận về mô hình môi trường thế giới trong phạm vi toàn cầu. Qua thảo luận, đã hé mở tiềm năng sản xuất của nó, như nguyên liệu, năng lượng, lương thực, tăng trưởng sản xuất, những tác động của sản xuất ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường, mối nguy cơ của bầu khí quyển bay quanh Trái Đất bị ô nhiễm và tình trạng hủy hoại ghê gớm trữ lượng tài nguyên thiên nhiên; tình trạng tăng trưởng dân số và biến động dân cư, cùng những quan hệ biến động về quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế. Từ đó, cũng cho chúng ta thấy các mô hình môi trường thế giới thường biến động. Theo sách “Con người – những ý kiến mới của một đề tài cũ” của các nhà khoa học Liên Xô và Cộng hòa Đức trước đây biên soạn, đã dẫn lời trong Báo cáo về tình hình loài người trên Trái Đất do Mêadốp soạn thảo năm 1971 và theo ý kiến của Câu lạc bộ Rôm (Ytaly) đã được công bố tại nhiều nước, kèm theo những số liệu thông báo về nguồn tài nguyên trên Trái Đất đã gửi đến chính phủ các nước, kêu gọi lương tri hãy xem xét một cách nghiêm túc vấn đề tài nguyên và môi trường. Báo cáo của Mêadốp của Câu lạc bộ Rôm chuyên bàn về vấn đề con người và môi trường tự nhiên, nhận định rằng, trong khoảng thời gian từ 80 đến 100 năm nữa (Ông tính từ năm công bố Báo cáo 1986 – ĐĐV), mức độ tăng trưởng như hiện nay, trong việc khai thác nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất, với mức tiếp tục phát triển số dân trong điều kiện môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng và không bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu lương thực, cũng như không thể chặn đứng sự thiếu hụt năng lượng, cho nên loài người đang đứng trước một thảm họa. Báo cáo phân tích vấn đề sinh thái và đi đến dự báo một mô hình thế giới, một tương lai thế giới chắc chắn đang tiến gần đến chỗ suy sụp5. Chưa biết dự báo của Mêadốp chính xác đến mức nào, nhưng rõ ràng nguồn tài nguyên trên Trái Đất đã, đang và sẽ bị loài người vắt kiệt, gây nên tình tình trạng khủng hoảng trong tự nhiên. Tinbécghen, một nhà khoa học và một nhà chính trị xã hội dân chủ có tiếng tăm, người lãnh đạo  Hội đồng Kế hoạch phát triển quốc tế xã hội chủ nghĩa, trong một bản báo cáo của mình, đã không tính đến sự hạn chế của nguồn tài nguyên, và đã đề ra một giải pháp về các vẫn đề sinh thái gồm từ 6 – 10 loại vấn đề thuộc về sinh thái tự nhiên, kể cả việc tổ chức lại các quan hệ kinh tế quốc tế. Theo Tinbécghen, một giải pháp hợp lý cho một nền kinh tế thế giới sẽ làm hạn chế đến tác động của môi trường tự nhiên đối với con người. Dự án “Tương lai toàn cầu” của nhóm nghiên cứu Cannơ, Lêônchép và Tinbécvan về “Màu xanh Trái Đất” đã kêu gọi lương tri loài người hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường tự nhiên trên Trái Đất, biểu hiện sự lo lắng chính đáng của hàng triệu con người của các nước trước tình hình quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên ngày càng xấu đi và đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo quan niệm của những người theo “Màu xanh Trái Đất”, thì vấn đề sinh thái rất khó giải quyết, nếu khoa học và kỹ thuật vẫn cứ  tiếp tục được phát triển và sự khai thác bừa bãi môi trường tự nhiên như tình hình hiện nay. Một số quan niệm khác lên án cả ngành công nghiệp hóa chất, gây tai nạn nhiễm khí độc kinh hoàng tại một nhà máy hóa chất ở phía Bắc nước Ytaly đã xảy ra vào giữa những năm 70, thế kỷ XX và kết luận rằng, con đường phát triển khoa học hóa chất là con đường nguy hại đối với con người. Nếu con người theo chủ nghĩa nhân đạo, thì không nên phát triển công nghiệp hóa chất. Chủ nghĩa nhân đạo mong muốn là hướng mọi tiềm năng của nền văn minh hiện đại phục vụ việc làm lành mạnh toàn thế giới.
Để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, hiện nay, người ta đang xem xét ý nghĩa triết học của vấn đề cùng “tồn tại thống nhất” của con người với tự nhiên, bảo đảm cho sự khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên, nhưng không ảnh hưởng đến sự phá hoại của tự nhiên đối với con người. Ý nghĩa triết học lịch sử của vấn đề này chính là trách nhiệm của con người trong mối quan hệ qua lại giữa con người với tự nhiên. Trong quá trình lịch sử, mâu thuẫn giữa tự nhiên và xã hội thể hiện những đặc thù đối với từng hình thái xã hội. Từ lâu, vấn đề nghiên cứu sự tác động qua lại giữa con người và tự nhiên đã được giới lý luận chú ý. Song, ngày nay, những vấn đề đó càng trở nên thiết thực, thậm chí còn là vấn đề sống còn nữa. Nó đã trở thành những vấn đề thực tế mang tính toàn cầu, ngày càng lan tỏa. Người ta đã thảo luận nhiều về vấn đề “khủng hoảng sinh thái”, nhưng lại được hiểu một cách khác nhau. Nếu như một số người hiểu đó là mâu thuẫn gay gắt giữa yếu tố xã hội với yếu tố tự nhiên, thì một số người khác dùng khái niệm ấy để chỉ sự tàn phá tự nhiên do những hoạt động không hợp lý của con người gây ra. Dù sao, vấn đề ô nhiễm môi trường đang tăng nhanh ở một số khu vực, vùng, nhất là những khu vực, vùng phát triển công nghiệp. Có thể rút ra kết luận là ô nhiễm và phá hoại môi trường tự nhiên tỷ lệ nghịch với phát triển công nghiệp. Chỉ riêng sự khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường ở những khu vực, vùng công nghiệp đã đưa tới những kết luận chứng tỏ rằng, điều kiện làm việc và sinh hoạt của những người lao động ngày nay đang gặp khó khăn về sinh thái. Chẳng hạn, trong khu vực thuộc thành phố công nghiệp Halê (Halle – Saale)6, các nhà quan tắc đã ghi nhận được 1 năm có 1522 giờ Mặt Trời7 chiếu nắng. Những người ở khu vực ngoại ô trung tâm công nghiệp Halle tiếp nhận được 1570 giờ có ánh nắng Mặt Trời. Tại Thorcau thuộc ngoại vi khu vực Laipxích, Đức, và Halle mỗi năm tiếp nhận được 1648 giờ nắng. Tại Cáp Áccôna tiếp nhận được 1836 giờ nắng mỗi năm. Tại Việt Nam, số giờ nắng trong năm ở miền Bắc là vào khoảng từ 1500 – 1700 giờ nắng, trong khi tại miền Trung và miền Nam Việt Nam, mỗi năm có khoảng từ 2000 – 2600 giờ nắng. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình được xem là những vùng có nắng nhiều, trong khi khu vực miền Bắc thì lượng bức xạ Mặt Trời nhận được ít hơn. Những ngày có sương mù ở thành phố Halle cũng rất đáng chú ý. Người ta tính rằng, trong thời gian từ năm 1891 đến năm 1900, trung bình hằng năm có có 135 ngày sương mù. Trong những năm từ 1921 đến 1930 đã có 34,1 ngày sương mù; số lượng tăng lên đáng kể còn ghi nhận được ở vùng công nghiệp hóa chất phía Nam Halle, Đức: Từ năm 1941-1950, số lượng ngày sương mù trong một năm tại Halle là 37,9 ngày; và chỉ trong 10 năm sau đã lên đến 57,3 ngày. Cho đến năm 1968, đã lên tới 64 ngày sương mù8. Tại Việt Nam, hình như chưa thống kê được mỗi năm có bao nhiêu ngày sương mù? Nhưng có xu hướng phát triển mỗi năm thêm dày đặc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, miền Trung, miền Bắc đều có xu hướng sương mù ngày một dày lên. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti, như mây, nhưng hiện ra sát mặt đất, thay vì mây ở trên cao. Sương mù tạo nên từ hơi ấm bốc hơi trên Trái Đất. Khi bốc hơi, hơi ấm chuyển động lên cao, lạnh dân và ngưng tụ, rơi nhẹ xuống mặt đất, tạo thành hiện tượng sương mù. Sương mù có thể giống mây, nhưng mây thường ở trên cao, còn sương mù thì ở dưới thấp. Vì vậy, có thể xem sương mù như một dạng mây thấp. Nhìn chung, sương mù không có lợi cho con người, nó làm cản trở việc đi lại của con người và gây bệnh tật cho con người. Sương mù có liên quan đến công nghiệp và tự nhiên. Việc khôi phục bình thường giữa công nghiệp và tự nhiên, chẳng những đòi hỏi thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, mà từng bước phải có một trình độ chất lượng hoàn toàn mới của lực lượng sản xuất vật chất. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xử lý hài hòa giữa con người và môi trường, theo nguyên tắc khai thác tự nhiên phải có sự tính toán cẩn thận. Con người phải có ý thức quý trọng vẻ đẹp của thiên nhiên. Ý thức trách nhiệm của con người đối với môi trường thường biểu hiện rất cụ thể tùy theo từng môi trường mà con người đang sống, như trồng cây, vun trồng bãi cỏ xanh, chăm sóc vườn cây, vườn trường, xây dựng khu sinh thái, khu nghỉ ngơi là nội dung quan trọng trong giáo dục con người trước viễn cảnh của thiên nhiên. Đối với nền văn hóa tinh thần của một xã hội, vấn đề môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với chúng ta là phải xây dựng đạo đức học về môi trường. Việc tồn tại thống nhất giữa con người với tự nhiên không phải là vấn đề diễn ra một cách tự phát. Đó là mục tiêu của nền sản xuất hợp lý và bền văn hóa cao của những con người trong xã hội văn mình.
Trên các trang mạng liên tục đăng tải tình trạng môi trường đang bị đe dọa trầm trọng vì tình hình thế giới phát triển càng lúc càng cao các nhà máy, công trình, xưởng sản xuất mỗi ngày thải ra ngoài trời rất nhiều khí thải, chất thải độc nguy hại, dẫn đến môi trường bị đe dọa ô nhiễm. Môi trường toàn cầu hiện nay đầy những yếu tố, nào là hạn hán, đói kém, thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần.
Nguồn nước đang bị khan hiếm và cạn kiệt dần. Hiện nay, diện tích nước  chiếm tới khoảng 70% bề mặt Trái Đất. Tuy nhiên, chỉ có khoảng từ 2 đến 3% là nước phù hợp cho tiêu dùng, được coi là nước tinh khiết. Nước được xem là một dạng tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Vấn đề nhắc tới là lượng nước sạch đến với mọi người trên thế giới là không đều. Ngoài ra, một trong những mối quan tâm lớn về y tế liên quan trực tiếp với vấn đề môi trường này là việc tiếp cận với nước sạch. Rất ít người trên toàn thế giới có thể truy cập nguồn nước uống. Điều này gây ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người dân sống ở khu vực đó. Nhiều khu vực vẫn phụ thuộc vào lượng nước mưa dự trữ. Khi không có mưa, họ sẽ chịu cảnh chết đói, chết khát. Tuy nhiên, nếu khí hậu biến đổi thì nguồn nước cung cấp từ thiên nhiên là vô cùng khan hiếm, dẫn đến khan hiếm nước cho sinh hoạt, trong khi đó, có nơi lại lũ lụt thiên tai, lũ quét làm phá hủy hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo trong khu vực.
Nạn phá rừng đang đe dọa và tàn phá thiên nhiên một cách ghê gớm. Ngày nay, thiên tai lũ lụt, hạn hán ngày càng nặng nề, đáng cảnh bảo mà nguyên nhân sâu xa là do phần rừng bị khai thác một cách vô tội vạ. Nạn phá rừng hầu như xảy ra trên toàn thế giới. Các tổ chức cây xanh trên thế giới đã cảnh báo rất nhiều về việc tàn phá hệ sinh thái cây xanh sẽ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Phá rừng làm biến đổi khí hậu.
Cuộc sống phát triển, nhu cầu tiêu thụ nhu yếu phẩm, thực phẩm tăng lên, dẫn đến con người phải phá bỏ nhiều diện tích rừng cho việc trồng trọt. Xã hội phát triển, các đô thị, thành phố lớn mọc ra khiến các cánh rừng bị thay thế bới các tòa cao ốc. Khai thác khoáng sản, dầu và các tài nguyên khác cũng dẫn đến nạn phá rừng. Nạn phá rừng làm cho nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Xói lở đất, biến đổi khí hậu đáng kể và trong một số trường hợp thiên tai như sạt lở đất và lũ quét có thể là do trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng.
 Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở thành mối đe dọa kinh hoàng đối với loài người. Sự tăng nhiệt độ của Trái Đất trong những năm vừa qua đang làm cho thế giới nóng như lửa. Biến đổi khí hậu trên thế giới dẫn đến thiên tai, động đất, sóng thần, lũ lụt ngày càng xuất hiện với mật độ ngày càng gia tăng và nặng nề hơn. Những trận động đất 6-7 ríchte đủ để làm sập nhà đang có chiều hướng gia tăng, rằng, sức nóng không chỉ ở bề mặt đất mà con ở sâu trong lòng đất. Những cảnh báo về tăng nhiệt độ trong mùa hè, mùa đông không đủ lạnh và khối lượng đất đóng băng cũng giảm. Ảnh hưởng của nó không chỉ gây tử vong cho con người mà còn cho các loài khác sống ở hành tinh này.
 Chất thải ra từ một nền công nghiệp khai thác cũng đang là mối nguy hại đối với loài người. Quản lý chất thải nguy hại liên kết chặt chẽ với phát triển dân số nhanh chóng trên toàn thế giới và tỷ lệ tiêu thụ, chất thải, và quản lý của nó đã trở thành một vấn đề lớn trên thế giới. Việc xử lý chất thải được tạo ra tại nhiều khu công nghiệp với nhiều hình thức. Một số chất thải phân hủy sinh học và một số không như vậy.
Vấn đề mất gốc trong lối sống của chúng ta, đó là chuyển động nhanh và nhẫn tâm trong suy nghĩ và hành động đối với thiên nhiên. Vấn đề này thể hiện rõ ràng hơn chung quanh các vùng đô thị của thế giới. Các giải pháp sửa chữa nhanh chóng của các bãi chôn lấp và các trung tâm tái chế không được chứng minh. Trong thực tế, tràn đầy các bãi chôn lấp, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới, đang gây ra sức khỏe nghiêm trọng hơn và các vấn đề môi trường trong khu vực, khi nó thấm vào đất và thấm vào nước trong đất, rồi con người lại ăn uống thứ nước đó.
Đa dạng sinh học và sử dụng đất cũng đang là mối nguy đối với loài người. Đa dạng sinh học có nghĩa là sự đa dạng của cuộc sống tồn tại trong bất kỳ khu vực nhất định. Với dân số ngày càng tăng làm cho đất canh tác nông nghiệp đang cạn dần, cộng với nhiều vùng miền đang thiếu nước canh tác, hoặc nước nhiễm mặn không thể canh tác. Nhiều đất canh tác có thể dẫn đến các vấn đề về tình trạng thiếu nước và xâm nhập nước mặn vào đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác và đời sống của con người.
Hóa chất, chất thải độc hại và kim loại nặng cũng đang là mối nguy đối với môi trường và loài người. Nhiều chất thải được tạo ra bởi con người có chứa một lượng cao các hóa chất và các chất độc. Chúng có tác động xấu đến môi trường. Các vấn đề của mưa axít là một thí dụ. Một số hóa chất và kim loại nặng có một hiệu ứng có thể gây tử vong trên con người cũng như đời sống động vật. Cần được chăm sóc thực hiện để ngăn chặn điều này xảy ra. Định mức phát thải nghiêm ngặt kiểm soát và các quy định cần phải được thực hiện để bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe của con người từ vấn đề chết người này.
Chúng ta chỉ có một hành tinh Trái Đất, mà trong Trái Đất thì “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, chỉ có một mái nhà là Trái Đất chung, cho nên chúng ta không thể mất nó vì sự thỏa mãn lòng tham không đáy của chính chúng ta!
Nói tóm lại: Con người không làm chủ được thiên nhiên, mà chỉ có thể lợi dụng được thiên nhiên và hạn chế được sự phá hoại của nó. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với con người là phải sống chung với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên và cũng phải cảnh giác, đề phòng, sẵn sàng đối phó với thiên nhiên khi thiên nhiên nổi trận lôi đình.
Xin loài người hãy gọi thiên nhiên là thiên thần!
-------
1 Ph.Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.271,272.
2 Ph.Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.272.
3 Ph.Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.276.
4 Ph.Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 272.
5 Nhiều tác giả: Con người - Những ý kiến mới về một đề tài cũ, bản dịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tập1,  tr. 267-268.
6 Halle là một thành phố ở miền Trung nước Đức, có khoảng 236 nghìn dân cư; là thành phó đông dân nhất của Tiểu bang Sáchsen – Alphalt. Halle còn là một phần của vùng đô thị tam giác Sáchsen. Các thành phố gần Halle là Leipzig (khoảng 30 km về phía Đông nam), Berlin (khoảng 130 km về phía Đông bắc) và Dresden (khoảng 150 km về phía Đông Nam).
7 Mặt Trời, Trái Đất đều là danh từ riêng, cho nên phải viết hoa.
8 Xem K.Hămgiơ và K.auơ: Tình trạng trong các vùng của Cộng hòa Dân chủ Đức, in trong tạp chí “Môi trường chung và khu vực giới hạn của nó”, số 17, 1971, tr. 648.