Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: “Ảo” như nhau


Sáng ra bên chén trà pha đặc vàng ệch, Thanh vắt chân chữ ngũ đủng đỉnh thưởng thức từng hớp một, tay nhăm nhăm chiếc Smartphone để “chếch phây”. Rồi Thanh chép miệng thở dài: “Đúng là cái bọn trẻ bây giờ chỉ thích khoe khoang sống ảo. Là cán bộ huyện bao năm sơn hào hải vị, bao cảnh đẹp cũng đã qua mà chả bao giờ mình thèm khoe khoang gì trên phây. Ấy vậy mà đi đâu ai cũng kính trọng gọi là cán bộ Thanh”.

Đang nghĩ vẩn vơ, chợt có tiếng còi xe kêu inh ỏi ngoài ngõ. Đứng phắt dậy Thanh ngóng ra hiên xem ai. Thì ra tay Trung hàng xóm mới từ Hà Nội về:
– Lâu lắm rồi không gặp chú… Thế nào, vẫn khỏe chứ? – Thanh hỏi Trung bằng giọng tưng tửng.
– Em thì lúc nào chả khỏe… Chỉ thiếu tiền thôi – Trung vui vẻ đáp lại.
Thanh cười lớn:
– Chú chỉ được cái khiêm tốn… Dân Hà Nội thiếu đếch gì tiền. Thôi vào anh làm chén trà.
Vào đến nơi, Thanh vội với lấy ấm trà vừa rót vừa quảng cáo:
– Trà đặc sản Thái Nguyên, trước đi công tác trên ấy được mấy doanh nghiệp biếu. Anh nói với chú nhé, hàng hiếm đấy… Mấy ông sếp ở huyện cứ gạ bán mà anh không chịu. Nói thật, tiền thì anh cũng chẳng thiếu.
Chẳng để ý lời Thanh, Trung đảo mắt nhìn quanh ngôi nhà, thầm nghĩ: “Mẹ cái giống sĩ đời. Cán bộ huyện mà nhà chả có đếch gì, tivi thì từ đời nào, tủ thì mọt, bàn ghế thì mốc meo… Đúng cái loại nhà quê”.
– Ô tô chú mua à? Làm ăn trên đấy kiếm được lắm đấy nhỉ? – Câu hỏi của Thanh cắt ngang suy nghĩ, khiến Trung phải chú ý.

Trung lâng lâng như tỉnh hẳn người, vì có người khác khen mình nhưng vẫn giả bộ khiêm tốn:
– À dạ vâng… Cũng may mắn thôi ạ. Chứ trước em sống trên đấy cũng cực lắm. Nhờ mấy năm chăm chỉ làm ăn em cũng có chút đồng ra đồng vào. À mà nghe nói bác mới được thăng chức, sau này về quê làm ăn em phải nhờ đến bác nhiều rồi…
Thanh ra oai:
– Là cán bộ cũng chả lắm tiền được như chú. Gọi là đủ ăn đủ tiêu thôi… Được cái quen biết rộng.
Chủ tịch huyện với phó chủ tịch vào nhà anh uống rượu suốt… Nhà mấy tay đấy ở ngay chỗ ngã ba đường lớn ý, giàu lắm…
Thấy Trung không nói gì Thanh chốt thêm câu nữa:
– Anh cũng định năm sau phá cái nhà cũ này đi xây cái mới. Đời cha mình đã khổ rồi, đời mình làm sao nó phải rực rỡ… Chú có công nhận không? Tiền không tiêu để một chỗ nó cũng mất giá chứ được cái khỉ gì.
Trung tức ra mặt nhưng vẫn cố tỏ vẻ hưởng ứng:
– Nhất bác rồi còn gì! Cái số em nó khổ, trước ông già cho đi học, nghịch ngợm quá không chịu học, chứ không giờ cũng sướng như bác…
Trung vừa dứt câu, đúng lúc vợ Thanh từ đâu đi vào. Không quan tâm nhà có khách, giọng vợ Thanh đay nghiến:
– Tôi đưa tiền anh đi đóng học cho con. Mà bây giờ cô giáo lại đòi tiếp… anh tiêu đi đâu hả…?
Thanh cúi gầm mặt, bối rối như gà mắc tóc. Té ra tiền đóng học phí cho con, Thanh đã đem đi trả nợ miệng, rượu, bia hết. Trung biết ý lặng lẽ chuồn về.

Mấy ngày liền Thanh không ló ra khỏi nhà vì sợ chạm mặt Trung. Nghe tin Trung lên Hà Nội, Thanh mới lân la sang hỏi chuyện. Nhưng vừa đến cổng đã thấy tiếng mẹ đẻ Trung nói lớn:
– Con với chả cái! Lên trên ấy làm thuê được mấy đồng mà sĩ diện đi thuê xe ôtô. Vợ con thì, ăn không có ăn, mặc không có mặc. Ông điện ngay lên cho vợ nó đi…
Nghe thấy vậy, Thanh cũng chả vào nữa, thủng thẳng đút tay túi quần ra về, bụng cười thầm: “Tưởng cái dân thành thị thế nào… Hóa ra cũng ảo cả thôi”.

Nguyễn Văn Vượng