Mới cập nhật

Nhiều học sinh THCS có biểu hiện tự hủy hoại bản thân

Từ 1.000 học sinh ngẫu nhiên, nhóm nghiên cứu Đại học Sư phạm TP HCM sàng lọc được 280 em có hành vi tự đầu độc; tự cắn, cào, đánh mình...

Chiều 12/11, Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ mang tên Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa. Đề tài do PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng đại học này, làm chủ nhiệm.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Sơn nói "tự hủy hoại bản thân" là những hành vi tự làm tổn thương, làm mình đau đớn, mệt mỏi với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng. Nhiều khi chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể.

Học sinh TP HCM ôn bài trước kỳ thi. Ảnh: Mạnh Tùng.
Học sinh TP HCM ôn bài trước kỳ thi. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nhóm thực hiện đã tiến hành điều tra hơn 1.000 học sinh tại 7 trường THCS ở TP HCM và Bình Dương trong hai năm (6/2016-6/2018), từ đó sàng lọc được 280 trường hợp có biểu hiện tự hành hạ bản thân. Nhóm còn phỏng vấn cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh của các trường có học sinh được khảo sát để bổ trợ thông tin.

Các hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh lứa tuổi này như tự cắt xén, bứt tóc; tự khắc lên da thịt; tự đầu độc; tự cắn, cào, đánh đấm mình... Trong sinh hoạt hằng ngày, học sinh thường không quan tâm đến sức khỏe bản thân bởi không cảm thấy mình có giá trị. Ngoài ra, họ có thể ăn quá nhiều để an ủi chính bản thân, chán ăn hoặc bỏ bữa, tuyệt thực, thức khuya, lạm dụng chất kích thích, lạm dụng thuốc ngủ.

Về nhận thức, những biểu hiện hành vi tự hủy hoại bản thân đáng lưu ý như: "với tôi cuộc sống rất khắc nghiệt, khó khăn"; "nghi ngờ bản thân và khả năng mặc dù biết bản thân là người có năng lực"; "tôi nghĩ mình không đáng để sống; tôi ước rằng mình không bao giờ được sinh ra".

Về biểu hiện hành vi trên trong thái độ, một số biểu hiện thường có như "tôi đau khổ trong im lặng"; "cảm thấy căng thẳng, lo lắng và thất vọng mà không hiểu lý do khi cố gắng làm điều quan trọng nhất với bản thân"; "tôi cảm thấy ray rứt sau khi thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân".

Đánh giá chung mức độ hành vi tự hủy hoại bản thân, mức độ có dấu hiệu, mức độ nhẹ và trung bình chiếm phần lớn các trường hợp được điều tra, song có hai người ở mức độ nặng và rất nặng. "Với 280 em có biểu hiện mà có hai em ở mức độ nghiêm trọng là đáng báo động", ông Sơn đánh giá
Về nguyên nhân, nghiên cứu cho thấy không phải các em bị sức ép từ gia đình, xã hội mà chính các em kỳ vọng quá cao về mình. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.

Chủ nhiệm đề tài này cho rằng, hiện tỷ lệ gặp phải những rối loạn tâm thần học đường ngày càng cao. 
"Học sinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tâm lý trong việc lựa chọn những giá trị của thời đại. Vì vậy, học sinh tuổi dậy thì có những hành động tự tổn hại, tự hành hạ mình trở thành một biểu hiện đáng xem xét", ông Sơn cho hay.
 
Mạnh Tùng