Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Đầu tuần


Về hưu được mấy tuần, bà vợ tôi tủm tỉm cười bảo:
– Ông quen biết phường nên nhờ ông đi xin công chứng cho cháu bản sao giấy khai sinh để nộp xin đi học. Ông đừng có sốt ruột nếu phải chờ đợi đấy.
Tôi hăng hái nhận việc và phản bác:
– Bà nói thế nào. Cải cách hành chính rồi. Việc gì chẳng nhanh chóng. Tôi đến sớm đúng giờ rồi về ngay cho bà xem.

Qua phòng thường trực thấy có tiếng cười, tiếng nói tôi gõ cửa. Phía trong ba cháu gái đang ngồi nói chuyện như pháo rang. Trên bàn có lê, táo đã gọt vỏ để lổng chổng trên tờ báo. Một cháu thản nhiên kéo ghế mời tôi:
– Ông ngồi chơi, ăn quả cho vui.

Rồi các cháu lại tiếp tục:
– Hôm thứ bẩy, anh ấy về muộn hơn tuần trước. Hỏi lý do, anh không thèm nói mới tức chứ. Mình giận cho ăn cơm nhạt. Tối mình phạt cho nằm một mình. Quá nửa đêm mới nói thật là có bà chị ốm đi viện nên về thăm, thấy chị đỡ rồi nên không cần thiết nói ra, sợ mình lo lắng. Hấp thế. Thế là cả ngày chủ nhật và đêm qua mình bù cho phát sợ. Hôm nay đến cơ quan còn ngủ gật là cái chắc hí…hí…
– Gớm, thô bỏ mẹ. Chuyện chăn gối kín đáo một chút, có khách đấy… Chuyện tớ lại khác. Thứ bẩy tớ được đón tiếp quí mẫu nương nương. Bà mẹ chồng tớ hiền lắm lại chăm chỉ. Chính cái quá chăm chỉ ấy mà tớ không thích. Được tin bà lên đã dọn dẹp rất sạch sẽ, thế mà đến một lúc bà ấy đã cầm chổi lia khắp gầm giường, góc bếp, đáy tủ lôi ra một lô giấy gói kẹo, có cả vỏ hộp sữa. Ngượng hết cả mặt. Bà còn nói mát “Xem bói ra ma, quét nhà ra rác”. Tức quá.
– Còn tớ thì lại khác hẳn. Chồng tớ vừa được một món thanh toán công trình. Anh ấy nói cần sắm gì cứ yêu cầu. Cả nhà tua mấy siêu thị. Siêu thị thời trang chỉ có mấy mẫu áo váy, chẳng có bộ nào hợp. Ra hiệu vàng thì sao đợt này không có cái dây chuyền hay lắc nào đáng diện. Ôi dào, có tiền mà tiêu cũng khó
– Tớ thì…

Đến đó không chịu nổi, tôi ngắt lời:
– Thôi thế này các cháu nhé. Chuyện đầu tuần các cháu chắc nhiều lắm. Bác xin công chứng bản sao giấy khai sinh, giúp bác xong lại chuyện có được không. Về muộn bà ấy cằn nhằn.
Im lặng một phút. Một cháu chắc là phụ trách cười nhe nhởn đưa cho tôi miếng táo, một cách mời bất đắc dĩ, rồi phân bua:
– Bác ơi, đâu phải chúng cháu lắm chuyện. Bây giờ các sếp đang giao ban đầu tuần. Chúng cháu có làm cũng không có ai ký đâu. Bác chờ một chút nữa nhé.
Nhìn lên đồng hồ đã gần 8h30′. Tôi đành ngồi im. Chờ khoảng hơn nửa tiếng sau, bộ phận một cửa bắt đầu tiếp khách. Tôi nộp giấy chờ. Đến lượt, cô nhân viên thường trực hỏi vọng ra:
– Ai xin cấp bản sao giấy khai sinh đấy.?
– Dạ, tôi xin cho cháu nội…

Chưa trả lời đủ câu, bị phê bình ngay:
– Cụ không đọc thông báo trên tường à. Hiện nay mẫu bản sao đã hết. Chờ trên in xong gửi về mới có. Cụ cứ về chờ nhé.
Lủi thủi ra về, lòng buồn vì “vạn sự khởi đầu nan” không thành. Lần đầu tiên bà vợ nhờ lại không được việc. Hóa ra bà ấy nói đúng. “Nếu có phải chờ cũng là chuyện bình thường”. Mỗi ngành nghề mỗi cấp, mỗi nơi có nếp sống riêng biệt. Cơ quan văn hóa ở đâu cũng treo một cái bảng to tướng ở cầu thang tầng một. Nơi tôi đang ngồi đây tấm bảng còn được trang trí hoa văn đẹp hơn ở những nơi khác nhiều.

Nguyễn Đình Tân