Mới cập nhật

NHÌN LẠI GIAI ĐOẠN 1: 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC NGHIÊN CỨU NHÂN TÀI NHÂN LỰC (2006-2016) VÀ 10 NĂM HOẠT ĐỘNG TIẾP THEO CỦA GIAI ĐOẠN 2 (2018-2028)

 PGS,TS Đàm Đức Vượng,Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực



Nhìn lại chặng đường 10 năm đã qua:

Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (Institute of Science Studies for Talents Human Resources - ISSTH) được thành lập đầu tiên theo Giấy Đăng ký chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ, số A.579, ngày 17-11-2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đến ngày 2-8-2010, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp lại Đăng ký mới cho Viện theo chủ trương chung lúc bấy giờ sau khi Viện đã làm đầy đủ thủ tục để xin đăng ký lại. Đăng ký mới vẫn là số A.579.
Từ năm thành lập 2006 đến năm 2010, Viện trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Từ năm 2010 đến năm 2016, Viện chuyển sang trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam theo Quyết định số 427/QĐ/LHH, ngày 16-7-2010 của Liên hiệp Hội. Kèm theo Quyết định thành lập Viện là Quyết định số 428-QĐ/LHH, ngày 16-7-2010 của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phê duyệt bản Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện.
Đến năm 2016, Viện đã hoạt động được 10 năm. Từ năm 2016-2017, Viện tạm ngừng hoạt động, đi vào tổng kết 10 năm hoạt động và viết cuốn sách “Lịch sử Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực – Mười năm hoạt động” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016).
Từ năm 2018, Viện chuyển sang hoạt động giai đoạn 2 (10 năm tiếp theo, từ năm 2018 đến năm 2028).
Ngày 23-3-2018, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ra Quyết định số 137/QĐ-LHH, về việc tái thành lập Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực.
Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp lại Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, vẫn số A.579, ngày 23-3-2018 và Bộ Công an cấp mẫu dấu mới.
Trong 10 năm hoạt động của giai đoạn 1, Viện đã “tả xung hữu đột”, xông vào nghiên cứu những vấn đề gai góc nhất của đề tài con người, một đề tài cũ nhất, cổ xưa nhất, để rồi tìm ra những vấn đề mới của một đề tài cũ; viết và xuất bản được hơn 20 cuốn sách chung quanh vấn đề con người, nhân tài nhân lực; thực hiện xuất sắc chức năng tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để thực hiện nghiên cứu những vấn đề cơ bản về con người, xây dựng và cung cấp những luận cứ khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tài năng sáng tạo của trí thức vào hoạt động nghiên cứu và thực tiễn sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Viện đã nghiên cứu ứng dụng, thực hiện các đề tài, đè án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, những vấn đề về nhân lực và nhân tài,…
Trong 10 năm qua, Viện đã thực hiện thành công 2 đề tài cấp quốc tế, 2 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài cấp Ban Đảng Trung ương (cấp Bộ), trong đó có đề tài cấp nhà nước: “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (Mã số: KX.04.16/06-10) do Viện trưởng trực tiếp làm Chủ nhiệm đề tài. Đề tài này đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc (96/100 điểm) và cũng đã xã hội hóa bằng việc xuất bản thành sách.                                      
Trong 10 năm qua, các nhà khoa học của Viện đã viết được 252 chuyên đề cho các dự án, dự thảo nghị quyết của Đảng và cho các đề tài cấp nhà nước và cấp Ban Đảng Trung ương, trong đó, có nhiều
chuyên đề về xây dựng con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, về nhân tài, hiền tài, về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Mỗi chuyên đề bình quân là 20 trang khổ giấy A4, tổng cộng khoảng 5 nghìn trang in; viết được 700 bài nghiên cứu đã được đăng trên các báo, tạp chí trong nước và ngoài nước, góp phần phục vụ cho công tác tuyên truyền về nhân tài, nhân lực. Đó là một con số rất lớn, rất đáng khích lệ.
Cũng trong 10 năm qua, theo nguyện vọng của các cá nhân nghiên cứu sinh, các nhà khoa học của Viện đã hướng dẫn thành công, bảo vệ luận án cho 31 tiến sĩ, 38 thạc sĩ, giới thiệu được 26 người đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài,… Đã giới thiệu được một số nhân tài tới các cơ quan chức năng và các tập đoàn doanh nghiệp lớn để tham khảo và sử dụng.
Trang tin Điện tử tổng hợp của Viện hoạt động trên phạm vi toàn thế giới bằng 5 thứ tiếng, theo giấy phép số 115/GP-BC, ngày 20-3-2007 của Cục Báo chí Bộ Văn hóa – Thông tin và Quyết định số 04/GP-TTĐT, ngày 13-1-2016 của Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin Điện tử trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, được xếp vào hàng 10 trang wesite nổi tiếng  của mạng thế giới, trong đó, đã có hơn 7.500 trang tin, bài chọn lọc, được đưa lên Trang tin Điện tử. Nội dung của Trang tin Điện tử cũng nghiên cứu về những vấn đề mới của con người trong một đề tài cũ.                                                                         
Có thể nói thành tích tích lớn nhất mà Viện đã đạt được trong 10 năm qua là đã tổng kết được một số vấn đề về nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa ra được những khái niệm, định nghĩa khoa học về trí thức, nhân tài, hiền tài, thiên tài.
Qua 10 năm hoạt động, Viện đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị,  có cả một hệ thống chuyên đề về trí thức và nhân tài, trong đó có khái niệm về trí thức và nhân tài. Lý luận về trí thức và nhân tài cũng đã được định hình một cách cơ bản qua kết quả nghiên cứu của Viện. Lý luận về trí thức và nhân tài cũng đã được rút ra qua những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện. Đó là lý luận về một nhóm xã hội đặc biệt gắn liền với việc phân công xã hội giữa lao động trí óc và lao động chân tay; những người chuyên làm nghề lao động trí óc phức tạp và có học vấn chuyên môn cần thiết cho ngành lao động đó. Qua nghiên cứu, thấy rằng, trí thức và nhân tài không phải là một giai cấp, mà là một tầng lớp, một đội ngũ, không có quan hệ riêng, đặc biệt đối với tư liệu sản xuất, nhưng lại có gắn bó mật thiệt với các giai cấp đang tồn tại trong xã hội đó và phục vụ nhu cầu của các giai cấp đó. Trí thức và nhân tài có vai trò to lớn về chính trị, xã hội, khoa học trong một xã hội nhất định.
Ở những nước đang phát triển, trí thức và nhân tài là những người có lập trường dân chủ - cách mạng. Nơi nào giai cấp công nhân và nông dân còn yếu và chưa giành được vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội, thì ở đó, bộ phận trí thức và nhân tài thường đóng vai trò lực lượng lãnh đạo quá trình phát triển tiến bộ xã hội. Họ thể hiện lợi ích cơ bản của những người lao động.
Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, những trí thức và nhân tài có sự thay đổi về ý thức hệ, bản chất xã hội của trí thức và nhân tài biến đổi về căn bản. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, việc đào tạo tầng lớp trí thức và bồi dưỡng nhân tài gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động, phục vụ trung thành lợi ích của nhân dân, là sự thể hiện tiến bộ mới của trí thức và nhân tài.
Cuộc đấu tranh giải phóng trí thức và phát hiện nhân tài được nảy sinh từ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh nhằm giải phóng trí thức và nhân tài thoát khỏi sự ràng buộc, tập quán của chế độ cũ để tiến lên xây dựng một chế độ xã hội mới.
Trong cách mạng xã hội, trí thức là một bộ phận cấu thành quan trọng của cách mạng khoa học, cách mạng văn hóa và cách mạng tư tưởng.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trí thức và nhân tài vẫn còn những khoảng cách nhất định với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân với các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là sự khác biệt về vị trí trong quá trình phân công lao động xã hội; về vai trò trong tổ chức lao động xã hội, về tính chất và nội dung của hoạt động lao động và về trình độ văn hóa - kỹ thuật. Tình hình của một nhóm những trí thức và nhân tài làm nghề tự do, một bộ phận các nhà văn, họa sĩ, điêu khắc, nhạc sĩ, luật gia,... không phải là công chức, viên chức nhà nước phải sống bằng thu nhập do thù lao, đó là nét đặc thù hiện nay của tầng lớp "có học".Trong điều kiện phát triển kinh tế và những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, số lượng trí thức tiếp tục tăng và nhân tài tiếp tục nảy sinh và phát triển.
Dưới chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức và nhân dân lao động nói chung đều là những "tinh hoa trí tuệ", một khi họ có những phát minh, sáng kiến, phục vụ cho quốc kế dân sinh.
Trong thời kỳ phát triển và đổi mới, chủ nghĩa yêu nước và tính tích cực, sáng tạo của trí thức và nhân tài trở nên đặc biệt quan trọng.
Qua nghiên cứu và tổng kết, Viện đã rút ra những khái niệm về trí thức như sau:
(1). Trí thức là người lao động trí óc.
(2) Trí thức là người có trình độ học vấn cao.
(3) Trí thức là người có cống hiến "chất xám" cho xã hội.
(4) Trí thức là người có những sáng kiến, phát minh, có những công trình nghiên cứu khoa học.
(5) Trí thức là người sống có nhân cách, gọi là "nhân cách trí thức", trung thực trong công vụ và trong nghiên cứu, giảng dạy.
(6) Trí thức là người không cơ hội trong chính trị và trong nghiên cứu khoa học.
(7) Trí thức là người biết đào tạo, giúp đỡ, nâng đỡ đồng nghiệp vươn lên trong nghiên cứu khoa học và trong công vụ.
(8) Trí thức là người biết gắn lý luận với thực tế đời sống xã hội.
(9) Trí thức là người có tư duy độc lập, có chính kiến rõ ràng.
(10) Trí thức là người biết hòa đồng đời sống riêng tư của mình vào đời sống cộng đồng xã hội. Trí thức xã hội chủ nghĩa là người yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, gắn bó với nhân dân nói chung xây dựng xã hội phát triển lành mạnh.
Cũng qua nghiên cứu và tổng kết, Viện đã rút ra những khái niệm về nhân tài như sau:
"Nhân tài là một bộ phận ưu tú của trí thức. Họ là những người tài giỏi, có những cống hiến, những công trình về lý luận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục; có khả năng lãnh đạo, quản lý, được nhận những giải thưởng quốc tế và quốc gia. Đó là những con người học rộng, học sâu, giàu óc sáng tạo, tư duy sắc sảo, có khả năng phán đoán, dự báo tốt, làm việc độc lập, tự chủ. Đó là các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhà toán học, nhà hóa học, nhà vật lý học, nhà bác học, nhà văn, nhà thiết kế, tổng công trình sư, thầy thuốc, nghệ nhân, nghệ sĩ,... thật sự có tài năng và cống hiến cho đất nước và cho nhân loại.
Bộ phận ưu tú của nhân tài là hiền tài. Hiền tài là người có tài năng vượt trội và có nhân cách đặc biệt; là người hội đủ yếu tố tài và đức ở trình độ rất cao.
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế, các bậc thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp. Bởi vì, kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết nhường nào"1.
Bộ phận ưu tú của hiền tài là thiên tài. Thiên tài là những tài năng siêu việt, kiệt xuất, vượt trội hơn hẳn nhân tài, hiền tài, dường như cái tài đó được trời phú cho"2.  
Viện cũng đã bỏ nhiều công sức vào việc nghiên cứu và viết sách về các nhân vật đạo đức và tài năng cách mạng siêu việt như Hồ Chí Minh, các Tổng Bí thư của Đảng: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và các chiến sĩ cách mạng thời kỳ tiền bối có nhiều cống hiến về lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam; nghiên cứu về đội ngũ trí thức; nghiên cứu về các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đất nước; nghiên cứu và đề xuất về hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, về nhân tài, nhân lực. Kết quả của những nghiên cứu này đã được xã hội hóa, bằng việc xuất bản thành sách.
Về nghiên cứu nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy vấn đề này chưa có đề tài riêng, chuyên sâu, nhưng Viện lại có nhiều chuyên đề, nhiều bài viết, báo cáo khoa học đã được đăng tải trên các báo, tạp chí ở trong nước và ngoài nước. Qua các cuộc hội thảo chuyên sâu, Viện đã tổng kết rút ra những vấn đề thiết thực về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài:
Một là: Phải xác định cho rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên nhiên như ở Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm nguồn tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người. Muốn vậy, phải làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức và chất lượng nhân lực thành lợi thế cạnh tranh trên phương diện toàn cầu. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội; là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, của nhà trường, của doanh nghiệp, của gia đình cũng như của bản thân mỗi người lao động. "Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững".
Hai là: Mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn xã hội về nhân lực Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát động phong trào thi đua yêu nước tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực. Vận động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.
Ba là: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ; chính sách trọng dụng chuyên gia, tham mưu, kỹ sư, tổng công trình sư, nhà thiết kế, tạo mẫu, phát minh, gọi chung là nhân tài; chính sách về môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc; chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội; chính sách cho các cơ quan khoa học bán công lập, ngoài công lập. Tổ chức tốt việc thực hiện các chính sách đó. Cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, có chế độ ưu đãi cho người học.
Bốn là: Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhân lực; đổi mới phương pháp giáo dục, quản lý nhân lực, thấu tình đạt lý, nhìn rõ đúng, sai, kịp thời rút kinh nghiệm về quản lý nhân lực. Tổ chức bộ máy quản lý nhân lực từ trung ương đến địa phương. Nhân sự cho bộ máy này phải là những chuyên gia giỏi về nghiên cứu nhân tài, nhân lực trong và ngoài biên chế nhà nước. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy này là tư vấn, tham mưu, đề xuất, thu thập, phân tích các số liệu về nguồn lực ở tất cả các ngành, các cấp.
Năm là: Tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương và cả nước; bảo đảm cân đối cung cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và trong từng ngành, từng cấp.
Sáu là: Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, chủ yếu là hội nhập kinh tế quốc tế.
Bảy là: Đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề từ trung ương đến địa phương; tổ chức hợp lý hệ thống cấp bậc đào tạo; thực hiện phân cấp quản lý đào tạo giữa bộ, ngành, địa phương; quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề. Khuyến khích thành lập các trường đại học, cao đẳng, tư thục tại các nơi có điều kiện, góp phần đẩy nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.
Tám là: Đổi mới cách xây dựng nền giáo dục, đào tạo, phục vụ nhu cầu xã hội; thực hiện đúng yêu cầu học để làm việc, giúp nước, giúp dân; xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng đào tạo đến đâu sử dụng đến đó; đào tạo theo chiều sâu thay cho đào tạo dàn trải.
Chín là: Xây dựng hệ thống quốc gia để kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; xử lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước, bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối.
Mười là: Bảo đảm và huy động nguồn vốn cho phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường các nguồn vốn cho phát triển nhân lực.
Mười một là: Phải xây dựng con người toàn diện. Con người là một đề tài cũ, vấn đề đặt ra là phải biết khai thác những vấn đề mới trong một đề tài cũ. Con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay là con người của phẩm chất, lương tâm, danh dự, con người đầy ắp tình thương và vì tình thương.
Nâng cao hơn nữa đến chất lượng con người. Chất lượng con người, trước hết, phải tính đến chất lượng sinh con. Ngành y tế phải có những quy định cụ thể về chất lượng sinh con như kiểm tra sức khỏe, bệnh tật, tính di truyền và vợ chồng quan hệ để sinh con,... trước khi chính quyền cấp giấy đăng ký giá thú. Hiện nay, tại Việt Nam, đang có tình trạng đẻ vô tội vạ, đẻ không tính toán, cân nhắc, nhất là ở nông thôn, làm cho những đứa con sinh ra bị còi cọc, không phát triển được trí tuệ. Thậm chí có những người bị nhiễm chất độc da cam mà vẫn đẻ ra những đứa con dị tật. Có người tính rằng, tại Việt Nam, cứ 10 đứa trẻ sinh ra, có 1 đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, phải tăng cường chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng. Khi có chất lượng con người, phải tính đến chất lượng cuộc sống, có nghĩa là phải nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần của con người sinh ra, bảo đảm cho họ có thể lực dồi dào, trí tuệ minh mẫn.
Xây dựng chất lượng con người phải có sự gắn kết với chất lượng cuộc sống xã hội; có sự gắn kết chặt chẽ giữa xã hội - nhà trường - gia đình để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Mười hai là: Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp. .    
Mười ba là: Phải có cả một hệ thống cơ chế thật thông thoáng để khai thác, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Nếu chúng ta cứ bằng lòng với cơ chế hiện nay, thì không bao giờ có những nhân tài xuất hiện, vì mọi cái đều ràng buộc như "vòng kim cô", người tài không thoát ra được. Vì vậy, phải có cơ chế tự chủ, tự hành động, vượt qua tất cả rào cản để tiến nhanh trên con đường nhân tài.
Mười bốn là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ hiện đại về Việt Nam. Chọn ra những người có thiên hướng bác học, gửi đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của nhà nước.
Mười năm là: Sau mỗi một giai đoạn triển khai, Nhà nước cần tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực ở Việt Nam, đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút ra những kinh nghiệm, trên cơ sở đó mà phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt.Chính phủ và các cơ quan chức năng phải có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.          Muốn thu hút được những nhân tài, qua kết quả nghiên cứu, Viện đã có kiến nghị với cấp có thẩm quyền:
1. Có chính sách cụ thể, rõ ràng cho từng loại đối tượng nhân tài, nhất là đối với những nhân tài thuộc các lĩnh vực công tác đặc thù; bảo đảm đúng lợi ích vật chất và tinh thần cho họ, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng và các trang bị vật chất khác. Làm được như vậy, chắc chắn họ sẽ xin gia nhập vào "đội quân của những người tài giỏi".
2. Định rõ tiêu chuẩn của nhân tài trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những người phải đạt tiêu chuẩn "4 S": sức khỏe; sức học tập, nghiên cứu; sức chịu đựng; sức làm việc. Người đó phải là người "3 giỏi":  trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thật giỏi; tin học thật giỏi; ngoại ngữ thật giỏi (phải thông thạo nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh).
3. Phải có đội ngũ những người có trình độ, kiến thức để đi tìm hiểu, nghiên cứu, xem xét những ai đủ tiêu chuẩn để bổ sung vào đội ngũ những người tài giỏi. Về vấn đề này, có nước họ lập hẳn công ty gọi là công ty tuyển dụng nhân sự đặc biệt. Không có những người đủ trình độ để tuyển dụng vào lĩnh vực đặc biệt này sẽ không thể tìm ra những người đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng cho đúng với yêu cầu đề ra.
4. Vấn đề huấn luyện sau khi đã tuyển dụng là rất quan trọng. Vì vậy, cần mở những lớp học đặc biệt để bồi dưỡng nhân tài.

Hướng tới tương lai, chặng đường 10 năm tới: 

Nay, căn cứ vào Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam và các văn bản khác của Chính phủ về việc phát triển nhân lực chất lượng cao; căn cứ vào Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện; căn cứ vào thực lực khả năng đội ngũ các nhà khoa học, Viện xây dựng Chương trình hành động 10 năm của Viện trong giai đoạn 2 (2018-2028) với những nội dung như sau:
1. Tập trung thực hiện nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng: thực hiện các đề tài, đề án, dự án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tôn vinh nhân tài trong cả nước; những vấn đề về nhân tài nhân lực.
Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; tư vấn, thông tin, tuyên truyền về nhân tài nhân lực; biên soạn các ấn phẩm về nhân tài nhân lực; biên dịch các ấn phẩm của nước ngoài về nhân tài nhân lực.
Liên kết, hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ của Viện.Tập trung lực lượng khoa học nghiên cứu về những vấn đề mới về con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước;     
2. Tập trung nghiên cứu về nhân tài Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước; khai thác, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và đề nghị các cơ quan chức năng, các công ty, tập đoàn doanh nghiệp sử dụng nhân tài do Viện đề xuất.
3. Tập trung nghiên cứu về nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đạt chuẩn quốc tế.
Đến năm 2028 có báo cáo tổng kết về vấn đề này.
4. Tổ chức các hình thức đào tạo ngắn ngày nhằm bổ sung kiến thức chuyên ngành cho những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy viện chưa có chức năng đào tạo tiến sĩ, nhưng đối với cá nhân nhà khoa học trong Viện có thể nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, thạc sĩ theo yêu cầu của tổ chức và nguyện vọng của nghiên cứu sinh; lựa chọn những sinh viên, cử nhân thật sự học giỏi gửi đi học tại các trường đại học ở nước ngoài.
5. Tổ chức những cuộc hội thảo, giao lưu, tôn vinh nhân tài trong các ngành.
6. Xây dựng xưởng (hoặc trung tâm) sáng chế phát minh trực thuộc Viện nhằm tập hợp những nhà sáng chế, phát minh thực sự có tài vào làm việc tại Viện để có nhiều sáng chế, phát minh ở tầm quốc gia và quốc tế.
7. Có mối liên kết quốc tế đào tạo và nghiên cứu nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Viện cần có sự đầu tư, tài trợ của các chính khách, các nhà  quản lý, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để xây dựng và vươn lên trở thành Học viện nghiên cứu khoa học Nhân tài Nhân lực trong tương lai.
 ------                                                                      
 1 Lời Thân Nhân Trung ghi trong "Văn bia Văn miếu Quốc Tử Giám", Thăng Long (Hà Nội) năm 1442.
  2 PGS,TS Đức Vượng: Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 26-27.