Mới cập nhật

HỌ ĐOÀN VIỆT NAM NHỮNG TRANG SỬ VẺ VANG

PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng

(
Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản cuốn sách quý:
“Sử họ Đoàn Việt Nam”, viết về những nhân tài họ Đoàn Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài “Họ Đoàn Việt Nam – Những trang sử vẻ vang”của PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, in trong cuốn sách này).
 BBS
  
   
      Tôi rất hứng thú và vinh dự được viết bài cho cuốn sách “Sử họ Đoàn Việt Nam”. Bởi lẽ, tính sinh động, tính hệ thống, tính bao quát, tính trung thực của của cuốn sách đã được thể hiện tương đối đầy đủ. Đây là một cuốn sách viết tốt trên cơ sở một nền tảng biên soạn đầy tâm huyết và sự cẩn trọng.
       Trong bài viết này, trên cơ sở khái quát lại Lịch sử họ Đoàn Việt Nam, tôi có những nhận định với góc nhìn của một nhà nghiên cứu sử học.
      1. Khi tìm cội nguồn của dòng họ Đoàn Việt Nam vẫn phải căn cứ vào các tài liệu tổng hợp, chính sử, từ các bộ gia phả, tộc phả, hoành phi, câu đối ở các đền, chùa, miếu mạo, từ đường họ Đoàn, các di tích văn hóa có liên quan đến họ Đoàn, tiểu sử các nhân vật họ Đoàn,... Cách làm đó đã được những người biên soạn thực hiện chu đáo và thận trọng. Nguồn tài liệu để đưa vào cuốn sách này đều là những tư liệu chính thống, có sự đối chiếu, xác minh cẩn thận. Quan điểm lịch sử đòi hỏi phải thừa nhận tính kế thừa và không thể đảo ngược của những biến đổi của sự vật. Quan điểm lịch sử đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của khoa học, cho phép khoa học vẽ được bức tranh về quá khứ, hiện tại và tiên đoán sự phát triển của tương lai. Muốn làm được điều đó, người viết sử phải có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lịch sử với lôgích, trong đó, lịch sử làm nền để chứng minh, còn lôgích để đánh giá, phân tích, bình luận.
      Một cuốn sách sử viết tốt sẽ có sức lôi cuốn mạnh người đọc qua các thế hệ, cùng như sẽ tồn tại lâu dài và ngược lại.
      Vấn đề “chính sử” và “không chính sử” cũng cần có quan niệm cho đúng. Nhiều sách sử của một cá nhân viết rất chính sử, vậy có được xem là chính sử hay không? Hay là chỉ có những sách sử của một số cơ quan công quyền viết theo đơn đặt hàng, gọi là đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ,… mới được xem là chính sử? Lịch sử sử học cho thấy có một số sách sử do một cá nhân viết tồn tại lâu dài. Đây là sự thật. Tất nhiên, chẳng ai dám phủ nhận những cuốn sách sử do một tập thể tác giả viết, nếu những cuốn sách đó viết đúng với lịch sử. Theo tôi, cái cốt lõi vẫn là ở chất lượng và sự trung thực của những cuốn sách sử đó. Lịch sử là một khoa học, rất công bằng và quang minh chính đại. Người viết sử là một nhà khoa học, mà một khi đã nói đến khoa học thì nó phải được đối xử như một khoa học.
      Tổ tiên ông cha ta đã để lại cho chúng ta những bộ sách sử quý để rồi chúng ta viết tiếp những trang sử thời cận, hiện đại và cho đến ngày nay. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng: Tài liệu về lịch sử Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa điền vào được, đúng như lời quan Tham tụng Bùi Huy Bích đã nhận định: “Nước ta về môn sử ký rất là sơ lược”. Vì vậy, những người viết sử sau này, là viết sử một quốc gia hay sử một dòng họ, cần phải cố gắng nhiều hơn để điền vào những chỗ trống mà các thế hệ viết sử lớp trước chưa điền vào được.
      Về phương pháp biên soạn, cuốn sách này là sự gắn kết giữa lịch sử họ Đoàn Việt Nam với lịch sử Việt Nam. Lịch sử dân tộc chi phối lịch sử của một dòng họ. Lịch sử của một dòng họ góp phần làm phong phú lịch sử dân tộc. Lịch sử các dòng họ cấu thành lịch sử dân tộc. Vì vậy, khi viết về lịch sử của một dòng họ, không thể không gắn liền với lịch sử dân tộc. Điều tối kỵ của những người viết sử là bóc tách lịch sử của một dòng họ ra khỏi lịch sử dân tộc. Cuốn sách này đã thể hiện được sự gắn kết thiêng liêng ấy.
      Cuốn sách “Sử họ Đoàn Việt Nam” đã tổng kết và rút ra được những vấn đề cốt lõi về họ Đoàn Việt Nam. Việc tổng kết này là rất quan trọng, vì thông qua tổng kết mà rút ra được một số kinh nghiệm quý, tốt thì phát huy, chưa tốt thì khắc phục và cũng để cho các thế hệ họ Đoàn Việt Nam học tập và tiếp tục kế thừa, hoàn thiện để cho các dòng họ Đoàn Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh. Tôi xem việc xuất bản cuốn sách “Sử họ Đoàn Việt Nam” là một đóng góp cho kho tàng lịch sử Việt Nam.
      Mục đích của việc biên soạn cuốn sách lịch sử về một dòng họ - họ Đoàn Việt Nam là để ôn lại truyền thống của dòng họ Đoàn Việt Nam, qua đó mà giáo dục cho con cháu noi gương các vị tiên liệt mà ra sức phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, chăm chỉ lao động, siêng năng học tập, trở thành những nhân tài - người thành công, người thành danh của đại gia đình họ Đoàn và cũng là những công dân Việt Nam có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.
      Với lịch sử họ Đoàn Việt Nam, theo công trình nghiên cứu của nhà giáo Đỗ Văn Xuyền cùng các công trình nghiên cứu của một số nhà khoa học, một số người trong họ Đoàn Việt Nam, thì họ Đoàn Việt Nam đã có từ lâu đời trên đất nước Việt Nam, họ Đoàn Việt Nam gắn liền với lịch sử Việt Nam, cùng chung một dòng chảy với lịch sử Việt Nam, cùng chiến đấu trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, thì họ Đoàn Việt Nam  là một trong các dòng họ có mặt trên đất Việt từ thời Hùng Vương dựng nước.
      Ngay từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang, họ Đoàn đã có sự hiện diện của Đoàn Lân, hậu duệ bên ngoại của Thái thượng Quốc tổ họ Hồng Bàng –  Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân, người sinh ra Triều đại Hùng Vương. Có tài liệu viết rằng, tổ tiên họ Đoàn phát tích từ Sơn Lĩnh trước khi xuất hiện tại một địa danh có tên là Lai Cáo (Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Người họ Đoàn đã từng làm ăn sinh sống, dần dần sinh ra những chi họ Đoàn ở nhiều nơi. Như vậy, dòng họ Đoàn là một trong những dòng họ lâu đời nhất trên đất nước Việt Nam, đã tồn tại hàng nghìn năm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay và mai sau. Đến khoảng thế kỷ 5, thì những thông tin về dòng họ Đoàn Việt Nam được ghi lại qua các văn tự, văn chỉ, gia phả, ngọc phả, ghi trên các từ đường họ Đoàn,…
      Cho đến nay, cả nước có khoảng vài triệu người họ Đoàn Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất là ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh.
      Họ Đoàn là một dòng họ vẻ vang, có nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, nhiều bậc tài cao học rộng, văn võ song toàn, được lịch sử ghi nhận và đánh giá cao. Trong bài viết này, chỉ xin được nhắc tới một số vị có tính chất đại diện.
      Triều Trưng Nữ Vương có nhiều người họ Đoàn tham gia lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống quân Đông Hán xâm lược. Điển hình là họ Đoàn ở Thiểm Khê (còn gọi là Thiểm Sơn, trước năm 1945 là xã Thiểm Khê, tổng Trúc Động, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên, nay là thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).
      Triều Tiền Lý (544-602) có cụ Đoàn Danh Tích về An Mai khai hoang, lập ra làng Bệ (nay là thôn An Bài) đã được 12 dòng họ khác trong làng ghi công trong gia phả. Cụ còn là thầy thuốc giỏi, có sắc phong “Lương ý viện dược thạch tổ lưu truyền tại miếu Thụy”.
      Triều Lý Nam Đế có cụ Đoàn Liêm Duy (đời 1), người làng Lai Cáo (nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội), từng là Thủ lĩnh nghĩa quân, có công giúp Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa tấn công thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), đánh đuổi quân xâm lược Đường, khôi phục quyền tự chủ, mở nền độc lập cho nước nhà. được Ngô Quyền tặng danh hiệu: “Hữu công hộ quốc”.         
      Triều Ngô có Đoàn Duy Thượng (đời 2), một viên tướng giỏi của Ngô Quyền, đánh quân Nam Hán năm 939 trên sông Bạch Đằng.
      Triều Đinh có vị Đại tướng quân Đoàn Văn Lan, người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, xây dựng nước Đại Cồ Việt anh hùng. Đời tiếp sau đó có cụ Đoàn Văn Liễn là vị tướng của Nhà Đinh, làm quan dưới Triều Lê, có công giúp Lê Hoàn (Vua Lê Đại Hành) đánh giặc Tống, được Vua ban 10 chữ: “Bình Tống huân danh tại, phù Lê sử sách tồn”. Đời kế tiếp có các cụ Đoàn Văn Khâm và Đoàn Duy Hải đều là những người có công trong cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc lúc bấy giờ... Trong đó, cụ Đoàn Văn Khâm đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), rồi Bảng nhãn, trở thành danh thần, nhà thơ và là người có công với Triều Lý.
      Triều Vua Lý Thái Tông (1028-1054) có cụ Đoàn Nghi Ảm, văn võ song toàn, được Vua Lý Thánh Tông phong là “Đô hộ Bá sứ”, có nhiều công lao trong cuộc chống giặc ngoại xâm. Đời vua Lý Nhân Tông có cụ Đoàn Thiện Hồng đỗ khoa thi năm Bính Dần (1086), làm Đại tướng quân Triều Lý. Đời sau đó có cụ Đoàn Quang Giao làm Đại tướng, Thái sư, Tể tướng Triều vua Lý Cao Tông. Rồi có các cụ Đoàn Trọng, Đoàn Thiện Hổ, Đoàn Đại,… đều có công với Triều Lý. 
      Triều Trần, thế ký XIII, có Đại liêu ban Đoàn Thai và thủ lĩnh nghĩa quân Đoàn Đức có công đánh giặc Nguyên – Mông. Lại có cụ Đoàn Nhữ Hài (Canh Thìn 1280 – Bính Tý 1336), quê làng Trường Tân, huyện Gia Lộc (Hồng Châu), tỉnh Hải Dương, nổi tiếng thần đồng và khi được bổ làm tướng đã có công lớn với dân với nước. Sau khi mất, cụ được truy phong làm “Thượng đẳng phúc thần”, được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ.
      Triều Lê Sơ có cụ Đoàn Phát, danh tướng đời Lê Thái Tổ (Lê Lợi) có công lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh quân Minh xâm lược. Cụ Đoàn Công Uẩn, thủ lĩnh một cánh nghĩa quân của Bình Định Vương Lê Lợi, tham gia đánh quân Minh xâm lược, được Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tặng danh hiệu “Đoàn Mãnh tướng danh luân”. Đời Lê Tương Dực, năm Canh Ngọ (1510) có nhiều người đỗ tiến sĩ, cử nhân, được bổ nhiệm làm quan, làm tướng quận công và cũng có công với nước, như các cụ Đoàn Doãn Nghi, Đoàn Doãn Luân, Đoàn Nguyễn Thục,…
      Triều Tây Sơn, có cụ Đoàn Nguyễn Tuấn (là con Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục) là bậc văn thần, học giỏi, tài cao, giúp Nhà Tây Sơn, làm quan đến Tả thị lang Bộ Lại, tước Hải Phái Hầu, được sĩ phu đương thời rất trọng vọng. Có cụ Đoàn Văn Cát (     - Kỷ Mùi 1799), cũng là võ tướng Triều Tây Sơn, có công giúp anh em Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung) gây dựng đại nghiệp, được Nguyễn Huệ trao chức Đô đốc.
      Triều Nguyễn có bà Đoàn Thị Ngọc – Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi (1601-1661), là con gái của Thạch Quận công Đoàn Công Nhạn và thứ thất phu nhân Võ Thị Thành. Bà sinh tại thôn Điện Châu, châu Đông Yên, nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Sau bà trở thành Chánh phu nhân của chúa Nguyễn Phúc Lan. Bà nổi danh ở Đàng Trong với biệt hiệu Bà chúa Tầm Tang, giúp dân chúng phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa. Triều Nguyễn còn có cụ Đoàn Công Bửu, lãnh tụ nhóm khởi nghĩa chống thực dân Pháp tại Trà Vinh (nay thuộc tỉnh Cửu Long). Có cụ Đoàn Chí Tuân, danh sĩ đời Vua Tự Đức, có tài văn võ, chí lớn, đi khắp thiên hạ để tìm ra những người tài giúp nước, đánh Pháp xâm lược, cùng một số người lập Hội cứu quốc, mang tên “Nam Thiên hiệp khách cứu quốc Hội”. Cụ Đoàn Hữu Trưng (Giáp Thìn 1844 – Bính Dần – 1866), đời Vua Tự Đức, có tư tưởng chống Pháp xâm lược. Cụ Đoàn Minh Huyên (Đinh Mão 1807 – Bính Thìn 1856), quê Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), chuyên làm nghề thầy thuốc, chữa bệnh cho nhân dân khắp vùng. Cụ được mệnh danh là nhà yêu nước, nhà dinh điền lớn, có công khai hoang miền đất Hậu Giang. Lại có cụ Đoàn Tử Quang (Kỷ Mão 1819 - Ất Sửu 1925), người làng Phụng Công, Hà Tĩnh, một người ham học, thi nhiều khoa, nhưng chỉ đỗ tú tài, được Nhà vua phong làm “Hàn lâm viện thị độc”....
      Thời cận, hiện đại có ông Đoàn Kiểm Điểm, thuộc một dòng tộc họ Đoàn ở Lạng Sơn, một bậc văn tài, thông thạo Hán văn và Pháp văn, một người có tư tưởng và hành động chống Pháp xâm lược Việt Nam, bị Pháp bắt và đày giam tại Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả lại tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng, sau bị Pháp bắt lại và tra tấn cho đến chết. Ông Đoàn Thế Hối (Giáp Tuất 1934 - Đinh Mùi 1967), quê làng Mỹ Hiệp, quận Phú Mỹ, tỉnh Bình Định; nhà văn hiện đại, thường ký bút danh Lê Vĩnh Hòa; hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, viết sách, báo, ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân ta, trong đó, có tác phẩm “Người tị nạn”, “Mái nhà thơ”. Ông hy sinh trong một trận chống càn tại Long Mỹ, Xẻo Giá (Rạch Giá) ngày 7 Tết Đinh Mùi (1967). Ông Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con, Sĩ Hiệp - Mậu Thân 1908 – Canh Ngọ 1930), quê làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), một người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng, có tư tưởng yêu nước, chống Pháp xâm lược. Sau ông bị giặc bắt và hành quyết cùng 8 chiến sĩ thân cận.
      Thời hiện đại, còn có Đoàn Khuê (1923-1998), người được Nhà nước phong Đại tướng vào năm 1990, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, người có công lao xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Có ông Đoàn Duy Thành, sinh năm 1929 (hậu duệ của ông Đoàn Duy Hiền), một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản, đã bị nhà cầm quyền Đông Pháp bắt giam, đày đi Côn Đảo; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Hội đồng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, có nhiều gắn bó với mảnh đất Hải Dương trên mặt trận Đường 5,…; người có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được mệnh danh là người “xé rào” mở đường tiến lên trong thời kỳ đổi mới
      Các ông Đoàn Như Khuê (1883-1957), nhà báo, nhà thơ hiện đại Việt Nam; Đoàn Trung Côn (1908-1988), một nhà nghiên cứu Đạo Phật nổi tiếng ở Việt Nam; nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004); Đoàn Trọng Truyến (1922-2009), Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001); Thiếu tướng Đoàn Huyên (1925-2002); Nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989); Đoàn Văn Luyện, người có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Đoàn Thúy Ba, Bác sĩ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân; Nhạc sĩ Thuận Yến (Đoàn Hữu Công); Đoàn Thị Liên, Anh hùng liệt sĩ; Nữ văn sĩ Đoàn Lê và chị em Nhà họ Đoàn; Đoàn Thị Nghiệp (Tám Nghiệp), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Đoàn Mạnh Giao là con trai Giáo sư Đoàn Trọng Truyến, nguyên Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ; Đoàn Xuân Hưng, Nhà ngoại giao chuyên nghiệp; Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng; Đoàn Văn Thắng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Đoàn Hoàng Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đoàn Thị Liên; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Thanh Cẩn; Anh hùng lao động, nhà khoa học Đoàn Triệu Nhạn; Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn; Nhà thơ Đoàn Phú Tứ; Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến; Nhà thơ – Nhà báo Đoàn Mạnh Phương; Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Lê Dung; Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thanh Lam; Đoàn Anh Tuấn, người lo giữ đồ cổ cho mọi người; Võ sư Đoàn Đình Long… đều là những người họ Đoàn có tâm đức, tài năng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
      Lực lượng doanh nhân của họ Đoàn cũng rất mạnh, tiêu biểu là doanh nhân Đoàn Nguyên Đức; Anh hùng lao động, doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp; Đoàn Quốc Việt; Đoàn Thị Kim Hồng…
      Lực lượng trẻ của họ Đoàn Việt Nam hiện nay khá sung mãn, có nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đã và đang viết tiếp truyền thống của họ Đoàn Việt Nam trong thời kỳ hội nhập của đất nước.
     Họ Đoàn Việt Nam còn có nhiều tên tuổi, có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội và đất nước, nhưng vì chưa có tài liệu, chưa khai thác hết, cho nên chưa thể đưa hết vào trong sách. Mong rằng, sau này sẽ tiếp tục khai thác những người họ Đoàn Việt Nam có nhiều công lao đối với đất nước để bỏ sung vào sách khi tái bản.
      Họ Đoàn như một rừng hoa đẹp, ngát hương, trong đó, có rất nhiều bông hoa đẹp nhất, tượng trưng cho sức sống, sức bền, vẻ đẹp thuần khiết, tính thanh nhã, tao nhã của họ Đoàn Việt Nam. Họ Đoàn có nhiều nhân vật tài ba xuất chúng, được nhân dân qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ngưỡng mộ.
      Thật vinh dự và niềm tự hào cho họ Đoàn Việt Nam trong các dòng họ Việt Nam!
      2. Khi nói đến lịch sử là nói đến các nguyên tắc nhận thức các sự vật và hiện tượng trong sự phát sinh, phát triển và sự hình thành của chúng, trong mối liên hệ của chúng với những điều kiện lịch sử cụ thể quy định chúng. Quan điểm lịch sử là cách xem xét hiện tượng như là sản phẩm của sự phát triển lịch sử nhất định, theo quan điểm cho rằng, những hiện tượng đó phát sinh như thế nào, phát triển như thế nào và đã đi tới tình trạng hiện nay ra sao. Quan điểm lịch sử đòi hỏi phải thừa nhận tính chất kế thừa và không thể đảo ngược của những sự kiện. Quan điểm lịch sử đã trở thành một trong những nguyên tác quan trọng nhất của khoa học, phản ánh bức tranh khoa học về tự nhiên, xã hội, con người và tư duy; đồng thời, phát hiện những quy luật phát sinh, phát triển của nó. Xác định rõ quan điểm lịch sử để có phương hướng nghiên cứu đúng về lịch sử khi trình bày về lịch sử.
      Đem những quan điểm về lịch sử soi vào những trang sử vẻ vang của dòng họ Đoàn Việt Nam, thấy nổi lên những vấn đề sau đây:
      Thứ nhất: Dòng họ Đoàn Việt Nam là một trong những dòng họ hình thành sớm trong lòng dân tộc Việt Nam; sinh ra và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cái thuở “mang gươm đi mở nước” đã có những người họ Đoàn trong đó. Họ Đoàn Việt Nam lớn mạnh và phát triển cùng với sự lớn mạnh và phát triển của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy, ngày càng tô thắm cho dòng tộc Đoàn Việt Nam cho tới ngày nay.
      Thứ hai: Họ Đoàn Việt Nam là dòng họ có nhiều người tài giỏi trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời nào cũng có những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và những người tài giỏi xuất hiện. Điều đó, phản ánh trí tuệ của những người trong dòng tộc Đoàn Việt Nam. Những người tài giỏi trong họ Đoàn Việt Nam là những người có nhiều đóng góp trong quá trịnh dựng nước và giữ nước. Họ biết rèn luyện phẩm chất, rèn luyện bản lĩnh, sẵn sàng xông trận tiêu diệt kẻ thù xâm lược và cũng sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Cho dù hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, trên mảnh đất của tổ tiên Đại Việt đều có mặt của những người họ Đoàn Việt Nam, sát cánh cùng với những người trong các dòng họ khác chiến đấu và xây dựng. Chúng ta trân trọng những nhân tài trong dòng họ Đoàn Việt Nam.
      Thứ ba: Họ Đoàn Việt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn. Chủ nghĩa yêu nước là tình cảm đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam, được củng cố và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thể hiện lòng trung thành của nhân dân lao động đối với chế độ xã hội. Người họ Đoàn Việt Nam cảm nhận rằng, đất nước và dân tộc là một môi trường kinh tế - xã hội, chính trị văn hóa thay đổi theo dòng chảy của lịch sử, cho nên chủ nghĩa yêu nước ở những thời đại khác nhau cũng có những nội dung khác nhau, được quy định không chỉ bởi một tinh thần dân tộc hoặc chủng tộc thần bí nào đó như một số nhà tư tưởng tư sản khẳng định, mà bởi những điều kiện kinh tế - xã hội quyết định. Chủ nghĩa yêu nước có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ hình thành dân tộc, khi đã trở thành ngọn cờ đấu tranh chống lại tình trạng cát cứ phong kiến và áp bức dân tộc. Nhân dân lao động, trong đó có những người họ Đoàn, là những người yêu nước chân chính, biểu hiện lợi ích dân tộc thật sự. Họ thà chịu đói, chịu khát, chịu khổ chứ không bao giờ trao đất nước cho kẻ xâm lược và chống kẻ xâm lược đến cùng. Chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta nói chung và những người họ Đoàn nói riêng, đó là lòng tự hào dân tộc và lòng tự hào về những thành tựu của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, bảo vệ Tổ quốc và lối sống xã hội, về những giá trị đạo đức và những ý tưởng mới. Chủ nghĩa yêu nước của những người họ Đoàn Việt Nam  thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong lao động sản xuất, trong phong trào thi đua yêu nước, trong cuộc đấu tranh cho tiến bộ kỹ thuật, cho sự phát triển văn hóa, cho việc tổ chức lao động một cách khoa học. Sức mạnh đó được thể hiện trong ý thức của những người họ Đoàn Việt Nam.
      Thứ tư: Những người trong dòng tộc Đoàn Việt Nam là những người cần mẫn lao động và lao động sáng tạo. Họ làm việc chuyên cần trong công tác chuyên môn, làm việc có trách nhiệm và với lương tâm, danh dự của một người lao động chân chính. Những lao động trí óc và lao động chân tay đều hoàn thành công việc của mình. Lao động trí óc và lao động chân tay kết hợp với nhau, không có sự đối lập giữa hai loại lao động này. Trình độ phát triển ngày nay của lực lượng sản xuất đã tạo điều kiện cho sự xích lại gần nhau giữa lao động trí óc và lao động chân tay của những người họ Đoàn Việt Nam, chung sức chung lòng cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi hoàn cảnh.
      Thứ năm: Cũng như các dòng họ khác, họ Đoàn Việt Nam là dòng họ rất hiếu học. Nhiều người ra công “dùi mài kinh sử” để vươn lên trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh mới. Nhiều người đã đỗ đầu trong các kỳ thi, trở thành những nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sĩ có tài. Số có học hàm, học vị trong họ Đoàn Việt Nam kể có tới hàng trăm người. Một số người đã trở thành nhà khoa học, có nhiều đóng góp trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho đất nước.
      Thứ sáu: Cũng như các dòng họ khác, trong hoạt động khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nhiều người họ Đoàn là cán bộ, công chức, viên chức thành đạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
      Thứ bảy: Cũng như các dòng họ khác, trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý và trong công vụ, nhiều người họ Đoàn Việt Nam tỏ rõ năng lực vượt trội. Nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, bác sĩ họ Đoàn Việt Nam đã và đang công tác tại các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, người họ Đoàn Việt Nam đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
      Thứ tám: Cũng như các dòng họ khác, dòng họ Đoàn Việt Nam có vai trò to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, chiến đấu dưới lá cờ đại nghĩa của dân tộc. Nhiều con em họ Đoàn đã nhập ngũ chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Một số người đã được phong hàm cấp tướng, cấp tá, cấp úy. Nhiều con em họ Đoàn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến này, mà chúng ta chưa biết hết. Vì vậy, vấn đề tiếp tục sưu tầm tài liệu về những người trong họ Đoàn Việt Nam là liệt sĩ là vấn đề vừa lâu dài, vừa cấp bách hiện nay.
      Thứ chín: Trong kinh doanh, nhiều người họ Đoàn Việt Nam khởi nghiệp thành đạt do chăm chỉ làm ăn, biết tổ chức công việc, có năng khiếu kinh doanh, có sáng kiến trong quản lý, kiên trì phấn đấu, kiên trì vươn lên trở thành những người quản lý doanh nghiệp tài giỏi.
      Thứ mười: Nhiều người họ Đoàn Việt Nam không chỉ vươn lên ở trong nước, mà còn vươn ra nước ngoài lập nghiệp, trở thành nhà quản lý, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp, làm ăn phát đạt ở nước ngoài và đã có những đóng góp nhất định cho quê hương, xứ sở.
      Thứ mười một: Dòng họ Đoàn Việt Nam là một trong những dòng họ có tuổi thọ cao mà nguyên nhân chủ yếu là do biết giữ gìn sức khỏe, ăn uống, làm việc điều độ, sống chân phương, lạc quan, yêu đời.
      Thứ mười hai: Dòng họ Đoàn Việt Nam là dòng họ có ý thức xây dựng và giữ gìn gia phả, tộc phả, cho nên đã lưu giữ được nhiều tài liệu quý. Nhà thờ, từ đường họ Đoàn được phát triển, giữ gìn và tu bổ. Hằng năm, các chi đều có tổ chức giỗ Tổ họ Đoàn tại làng, xã gốc của mình.
      Thứ mười ba: Dòng họ Đoàn Việt Nam rất gắn bó với các dòng họ khác, tôn trọng và đoàn kết với các dòng họ khác, cùng với các dòng họ khác chung sức xây dựng quê hương, đất nước. Dưới mái đình làng, có nhiều dòng họ, trong đó có dòng họ Đoàn sống chung bởi lũy tre làng và dưới bóng cây bàng rợp mát, tượng trưng cho sự bình an và hạnh phúc.
      Thứ mười bốn: Người họ Đoàn sống cương trực, thẳng thắn. Có tinh thần và tư duy dám nghĩ dám làm, dám đột phá để khẳng định giá trị của những cái mới. Cho nên người họ Đoàn luôn được lưu danh trong những khám phá, đổi mới… Điều này thể hiện rất rõ trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật,…
      Thứ mười lăm: Họ Đoàn Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng họ trường tồn, đầy tiềm năng phát triển theo dòng chảy của lịch sử, một dòng họ đã và đang có những đóng góp rất xứng đáng trong hàng ngũ các dân tộc và dòng họ Việt Nam.
      Để hình thành nên cuốn sách này, tôi được biết các vị trong họ Đoàn đã bao năm thực hiện một công việc lớn là đi tìm gốc tích tổ tiên. Công việc đạo hiếu này đã thôi thúc nhiều người tự nguyện bỏ ra nhiều công sức, thời gian…, là những người vốn có tâm huyết với dòng họ, với tiên tổ, những nhà nghiên cứu, những vị tinh thông Hán học, những nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo,… đã làm việc bền bỉ, lặng lẽ để mong khám phá, phát hiện và khai thác được những tư liệu về dòng họ trong nền văn hóa Việt Nam và truyền thống dòng tộc.
      Chính vì vậy, cuốn sách “Sử họ Đoàn Việt Nam” đã phản ánh trung thực về lịch sử họ Đoàn Việt Nam bằng tình cảm và đạo hiếu thiêng liêng của con cháu họ Đoàn Việt Nam.