Mới cập nhật

PGS,TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA PHÓNG VIÊN TRUYỀN HÌNH NHÂN DÂN, BÁO NHÂN DÂN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT

  PGS,TS Đàm Đức Vượng

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực

Công bố tiêu chuẩn mới về chức danh giáo sư, phó giáo sư

      Một buổi lễ trao Quyết định công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư của Hôi đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

      Ngày 7-12-2020, phóng viên Truyền hình Nhân dân Nguyễn Quỳnh Hoa có cuộc phỏng vấn PGS,TS Đàm Đức Vượng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, về vấn đề nhân tài đất Việt.

      Sau đây là những câu hỏi và trả lời:

      P.V Nguyễn Quỳnh Hoa:

      Xin ông cho biết thực trạng và giải pháp về vấn đề nhân tài đất Việt hiện nay?

      PGS,TS Đàm Đức Vượng:

      Về thực trạng nhân tài đất Việt: Năm 2010, tôi có làm Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước: Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (KX.04/16/06.10). Đề tài này đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc và được xã hội hóa bằng việc xuất bản thành sách vào năm 2014. Trong đó, tôi có phân tích nhiều đến việc phát hiện, khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

      Phải nói rằng, trong 10 năm qua, từ năm 2011 đến năm 2020, nhân tài đất Việt nở rộ như hoa mùa xuân. Theo thống kê gần đây, cả nước hiện có khoảng 1.600 giáo sư, và hơn 10 nghìn phó giáo sư, 24 nghìn tiến sĩ, 36 nghìn thạc sĩ, 7,3% dân số của cả nước có trình độ đại học trở lên; cả nước có khoảng 237 trường đại học và học viện. Việt Nam đang từng bước tiến gần đến các nước đã và đang phát triển về giáo dục. Trong các kỳ thi toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học và thi tay nghề, Việt Nam đều có mặt và có nhiều người đạt huy chương vàng, bạc, đồng. Các lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, xây dựng, y tế xuất hiện nhiều người tài giỏi. Phong trào cả nước học tập đang hình thành và từng bước phát triển. Đó là những thành tựu đáng khích lệ, là cơ sở để phát triển tài năng.

      Tuy nhiên, nhân tài đất Việt chưa vươn tới được trình độ phát minh, mà mới dừng lại ở trình độ phát kiến. Trong số các giáo sư và phó giáo sư, hiện mới chỉ có khoảng 25% là nghiên cứu khoa học thật sự.

      Nhân tài đất Việt trong 10 năm qua nảy nở phần lớn là do tự phấn đấu, tự vươn lên và nương tựa nơi gia đình, rất ít có sự tác động của Đảng và Chính phủ. Rất nhiều gia đình phải tự bươn chải để cho con em mình vào đại học mà không có sự trợ giúp nào của Chính phủ. Không ít người bị bỏ rơi trong quá trình phấn đấu để trở thành nhân tài.

      Các chính sách về trọng dụng nhân tài còn chắp vá và chưa rõ ràng.

      Chúng ta đang thiếu hẳn những nhân tài về quản lý đất nước.

      Hiện nay, dường như chúng ta đang bị nghẽn trong thu hút và trọng dụng nhân tài.

      Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên có nhiều, nhưng trong đó có một nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu hẳn một đội ngũ chuyên gia giỏi để giúp Đảng và Chính phủ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân  tài.

      Nguyên nhân về chưa xây dựng được cơ chế đạo tạo và trọng dụng nhân tài đã dẫn đến sự bập bõm trong quá trình vận hành..

      Về phương hướng và giải pháp xây dựng nhân tài đất Việt giai đoạn 2021-2030: Trước hết, chúng ta cần xác định lại khái niệm về nhân tài. Cũng không nên cứng nhắc chốt đinh khái niệm về nhân tài, mà tùy theo hoàn cảnh, tùy theo từng ngành, từng lĩnh vực mà đưa ra những khái niệm cho phù hợp với ngành và lĩnh vực của mình.

      Qua nghiên cứu, tôi thấy rắng, nhân tài là một bộ phận ưu tú của trí thức. Họ là những người tài giỏi, có những cống hiến, những công trình về lý luận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục; có khả năng lãnh đạo, quản lý, được nhận những giải thưởng quốc tế và quốc gia. Đó là những con người học rộng, học sâu, giàu óc sáng tạo, tư duy sắc sảo, có khả năng phán đoán, dự báo tốt, làm việc độc lập, tự chủ. Đó là các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhà toán học, nhà hóa học, nhà vật lý học, nhà bác học, nhà văn, nhà thiết kế, tổng công trình sư, thầy thuốc, nghệ nhân, nghệ sĩ,… thật sự có tài năng và cống hiến cho đất nước và cho nhân loại.

         Thuật ngữ “nhân tài” không phải trong đổi mới mới xuất hiện mà nó đã có từ năm 1931. Trong Án nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (tháng 3-1931) nhận định: “Hiện nay, nhân tài trong Đảng còn rất hiếm và phần nhiều thì trình độ lý luận còn rất thấp. Điều đó ảnh hưởng rất mạnh đến sự chỉ huy và công việc hằng ngày của Đảng”. Vì vậy, “việc đào tạo nhân tài là một vấn đề rất cần kíp”.

      Bộ phận ưu tú của nhân tài là hiền tài. Hiền tài là người có tài năng vượt trội và có nhân cách đặc biệt; là người hội đủ yếu tố tài và đức ở trình độ cao.

     Thân Nhân Trung đời xưa đã nhận định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế, các bậc thánh nhân chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp. Bởi lẽ, kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng biết nhường nào”.

      Bộ phận ưu tú của hiền tài là thiên tài. Thiên tài là những tài năng siêu việt, kiệt xuất, vượt trội hơn hẳn nhân tài, hiền tài, dường như cái tài đó đã được trời phú cho.

      Đó là những nghiên cứu bước đầu về khái niệm nhân tài, hiện tài, thiên tài.

      Trong giai đoạn 2021-2030, dân số nước ta sẽ có khoảng trên dưới 100 triệu người, trong đó, có khoảng 4 triệu người là trí thức (tính từ tốt nghiệp đại học trở lên), chiếm khoảng 4% dân số của cả nước.

      Phương hướng gắn liện với giải pháp trọng dụng nhân tài là cần đổi mới tư duy và phương pháp thu hút nhân tài, sao cho người tài ngày càng phát triển; cần có một hệ thống chính sách về nhân tài nói chung và nhân tài của từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng; cải thiện môi trường làm việc và có chế độ cụ thể, rõ ràng đối với các hạng nhân tài.

      Giải pháp đột phá là tiến hành một cuộc đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ những kết quả đạt được, vạch rõ những yếu kém, bất cấp, nguyên nhân của những yếu kém, bất cập, từ đó, đề ra chủ trương đổi mới và tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục phát triển; khẳng định lại giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thay đổi một cách cơ bản nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” giáo dục; xây dựng mô hình giáo dục mở, một mô hình toàn xã hội học tập, mô hình xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nguồn trí tuệ của xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam, khắc phục mạnh tiêu cực trong giáo dục và đào tạo, “nói không với tiêu cực trong giáo dục”, bảo đảm công bằng cho giáo dục; tạo khả năng, cơ hội khác nhau cho cả người dạy và người học; xây dựng đội ngũ những người giảng dạy đạt chuẩn quốc tế theo từng bộ môn. Trong giáo dục, lấy nhân cách người thầy làm tiêu chí và nhân cách người học làm hoạt chí.

      Một giải pháp đột phá nữa là lãnh đạo phải thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần và lợi ích vật chất của những trí thức và nhân tài. Trong lúc đất nước còn đang khó khăn về mọi mặt, việc động viên tinh thần đối với trí thức và nhân tài là rất quan trọng.

      Một giải pháp đột phá nữa là Đảng và Nhà nước cần phát động phong trào thi đưa sâu rộng trong toàn dân tìm kiếm nhân tài, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945. Qua phong trào này, nhân tài nhất định sẽ nảy nở như hoa mùa xuân.

      Nhớ lại năm xưa, trong lúc vận mệnh của đất nước “nghìn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thu hút được nhiều nhân tài làm việc ích quốc lợi dân, vì Người khéo động viện tinh thân đối với nhân tài. Ngày 14-11-1945, Người viết bài “Nhân tài và kiến quốc”, kêu gọi nhân tài hãy mau mau ra giúp nước. Người nói rằng, tuy nhân tài nước ta chưa có nhiều, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều. Tiếp đó, ngày 20-11-1946, Người ra lời kêu gọi đi tìm người tài đức để giúp cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc của nước nhà mau đến thắng lợi.

      P.V Nguyễn Quỳnh Hoa:

      Xây dựng cơ chế để khuyến khích cán bộ đi tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dà. Câu chuyện về ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (*) là một điển hình, thưa ông?

      PGS,TS Đàm Đức Vượng:

      Đúng vậy, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện để cán bộ đi tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám xông vào để giải quyết những vấn đề gai góc về kinh tế, vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc, qua đó mà nảy nở nhân tài.

      Chúng ta còn nhớ thời kỳ bao cấp, vì chưa có kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên thời kỳ này, việc định chính sách có phần không thực tế với hoàn cảnh nông thôn Việt Nam. Trước tình hình đó, có một số người muốn cho sản xuất “bung ra” để phát triển kinh tế nông nghiệp. Một trong những người đó là ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (*) từ năm 1968 đến năm 1977. Thấy cách làm việc “cha chung không ai khóc” trên ruộng đồng trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lúc ấy. Kim Ngọc trăn trở, nghĩ suy về phương thức sản xuất của người nông dân đã mạng dạn thay đổi phương thức “khoán chung” thành “khoán hộ” để cho từng người nông dân có trách nhiệm nhiều hơn với đồng ruộng của mình. Khoán hộ được mở ra và áp dụng vào ngay trên đồng ruộng của quê hương ông. Từ đó, khoán hộ trở thành hình thức khoán nông nghiệp phổ biến ở Vĩnh Phú. Sau một năm thực hiện khoán hộ đã có trên 100 hợp tác xã nông nghiệp của Vĩnh Phú đạt năng suất lúa từ 6-7 tấn/ha. Sản lượng thóc tăng tới 22 vạn tấn, điều chưa từng thấy ở Vĩnh Phú trước đó.

      Trong thời kỳ bao cấp, tư duy chưa được đổi mới, cho nên việc Bí thư Kim Ngọc đề xuất thực hiện khoán hộ đã không được một số người lãnh đạo cấp cao chấp nhận, cho đây là điều bất thường, cần phải phanh lại. Thế là khoán hộ không được thực hiện. Bí thư Kim Ngọc bị kiểm điểm về vấn đè khoán hộ. Địa phương nào thực hiện khoán hộ lập tức bị phê bình, kiểm điểm. Tuy không được tiếp tục khoán hộ, nhưng họ vẫn âm thầm làm việc theo kiểu “khoán chui”. Người nông dân Vĩnh Phú thương ông Kim Ngọc lắm. Khi được tin ông mất, họ rủ nhau đi đưa tang ông rất đông. Những giọt nước mắt trào ra, vình biệt “một nhà khoán hộ” đã làm cho đời sống của người nông dân Vĩnh Phú được khá lên. Dần dân, vấn đề được làm sáng tỏ, người ta lại thấy khoán hộ là hợp lý và hình ảnh Bí thư Kim Ngọc lại lấp lánh trên bầu trời Vĩnh Phú trong những đêm trăng sao vằng vặc. Việc làm của Bí thư Kim Ngọc đã trở thành cơ sở để dẫn đến nghị quyết 10 và chỉ thị 100 của Đảng về khoán trong hợp tác xã nông nghiệp.

      Câu chuyện của Bí thư Kim Ngọc đã để lại cho chúng ta bài học dám nghĩ dám làm về quá trình đổi mới.

      Qua việc làm của Bí thư Kim Ngọc cho hay đã đến lúc phải cạnh tranh lành mạnh, qua đó mà nảy nở nhân tài. Phải động viên những người dám nghĩ, dám làm, động viên những nhân tài nảy nở từ những gai góc của công việc và cuộc sống, có thế đất nước mới tiến lên được.

------------

(*) Vĩnh Phú là một tỉnh của Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1996. Tỉnh này bao gồm hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay.