Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 17): CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT CHIẾM HỮU NÔ LỆ

PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH)       



Sau phương thức sản xuất công xã nguyên thủy, loài người bước vào phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ. Phương thức này và nhà nước này  xuất hiện cách đây khoàng 5 nghìn năm trước Công nguyên ở châu Ấ, châu Phi. Có thể nói đây là phương thức sản xuất xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người dựa trên sự đối kháng của các giai cấp và tình trạng người bóc lột người hình thành sau khi phương thức sản xuất công xã nguyên thủy tan rã. Khi phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ ra đời, thì cũng bắt đầu hình thành nhà nước, gọi là nhà nước chiếm hữu nô lệ hoặc nhà nước chủ nô.
Phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ là phương thức sản xuất thứ hai sau phương thức sản xuất công xã nguyên thủy; đồng thời, cũng là nhà nước đầu tiên xuất hiện trên thế giới, vì công xã nguyên thủy không có nhà nước. Nhà nước chủ nô ra đời gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và từ sự xuất hiện chế độ tư hữu, xã hội cũng phân chia thành các giai cấp đối kháng.
Phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ gồm các giai cấp: chủ nô, nô lệ, nông dân tự do, thợ thủ công, thương nhân, trong đó, chủ nô và nô lệ là hai giai cấp chính. Chủ nô là hạng người rất tàn ác, đánh đập nô lệ và tù binh không nới tay. Sử sách chép lại rằng, vua Átxiry đã từng móc mắt tù binh, móc mắt nô lệ, làm cho những người tù binh và nô lệ phải mù lòa cả đời. Làn sóng nô lệ được di chuyển từ các nước nhược tiểu ở châu Phi sang châu Âu và các nước Mỹ La tinh.  Sự xuất hiện  của chế độ nô lệ có những tiền đề bắt rễ sâu trong sự phát triển của lực lượng sản xuất phát sinh từ trong phương thức sản xuất của xã hội nguyên thủy. Năng suất lao động của con người đã tăng lên đến mức bắt đầu tạo ra sản phẩm thặng dư. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự bất bình đẳng về tài sản được duy trì và củng cố. Phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ dần dần được hình thành ngay trong lòng chế độ nô lệ, trong thời kỳ mà nền sản xuất vật chất đã bắt đầu sử dụng nô lệ làm lực lượng sản xuất chủ yếu, đông đảo. Xã hội đã phân chia thành giai cấp nô lệ và giai cấp chủ nô. Nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời với tư cách là cơ quan quyền lực của chủ nô. Phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã đạt tới mức phát triển cao nhất ở cổ Hy Lạp và cổ La Mã.
Cơ sở kinh tế của nhà nước chủ nô được quy định bởi chế độ chiếm hữu tư nhân đối với nô lệ và tư liệu sản xuất. Chính vì chiếm hữu tư nhân đối với nô lệ và tư liệu sản xuất đã tạo nên một xã hội bất bình đẳng trên mọi phương diện của đời sống xã hội, dẫn tới mâu thuẫn giữa chủ nô với nô lệ. Mâu thuẫn này ngày càng phát sinh từ chế độ nô lệ qua chế đô phong kiến, rồi qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Nhà nước chiếm hữu nô lệ thực hiện chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Chức năng đối nội là quản lý và đàn áp nô lệ; chức năng đối ngoại là tiến hành chiến tranh xâm lược ngoại bang, xem đây là biện pháp làm giàu nhanh nhất và có hiệu quả nhất.
Sự ra đời của nhà nước chiếm hữu nô lệ, đồng thời với sự ra đời của bộ máy của nhà nước đó. Quân đội cũng được thành lập trong xã hội chiếm hữu nô lệ.
Quan hệ sản xuất của phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã được xây dựng dựa trên cơ sở chiếm hữu của các chủ nô về tư liệu sản xuất và những người lao động chủ yếu, tức là nô lệ. Nô lệ là sở hữu của một chủ nô. Họ bị bóc lột tàn nhẫn bằng sự cưỡng bức siêu kinh tế. Chủ nô chi phối và quyết định sinh mệnh của nô lệ, chiếm đoạt của họ chủ yếu bằng sản phẩm thặng dư. Hàng ngũ nô lệ được bổ sung chủ yếu nhờ vào những tù binh và một phần nhờ vào những nông dân và thợ thủ công bị phá sản. Nền kinh tế của phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, về cơ bản mang tính tự nhiên và khép kín. Phân công lao động bắt đầu phát triển và sự trao đổi trong phương thức chiếm hữu nô lệ dẫn đến sự ra đời của nền sản xuất hàng hóa, bên cạnh đó là sản phẩm thặng dư do từng người tạo ta. Hàng hóa là sản phẩm lao động được bắt đầu sản xuất ra với tư cách là hàng hóa. Hàng hóa trong xã hội chiếm hữu nô lệ do chủ nô trao đổi với chủ nô thông qua mua bán, kể cả mua bán về nô lệ giữa chủ nô với chủ nô. Những người sản xuất ra hàng hóa trong xã hội chiếm hữu nô lệ là chính những người nô lệ và những tù binh biến thành nô lệ cùng với những người thợ thủ công và nông dân tự do. Tuy nhiên, đại bộ phận của cải vật chất trong các hình thái của xã hội chiếm hữu nô lệ chưa hẳn đã là hàng hóa, mà chúng do nền kinh tế tự nhiên sản xuất ra với tư cách là sản phẩm đi vào tiêu dùng trực tiếp, không qua trao đổi, vì nô lệ chiếm đa số dân cư mà không có hàng hóa trong tay, không phổ biên, cho nên không có thể trao đổi được. Chỉ dưới chủ nghĩa tư bản, khi sản xuất hàng hóa có tính chất phổ biến và giữ địa vị thống trị, thì không chỉ tất cả các loại sản phẩm lao động của con người mà cả sức lao động cũng trở thành hàng hóa như C.Mác đã nói. Tổng khối lượng sản phẩm thặng dư với việc bóc lột một số lớn nô lệ và với giá cả lao động cực kỳ rẻ mạt thì lại tương đối lớn. Chủ nô là người chỉ huy lao động, không trực tiếp tham gia lao động sản xuất mà ăn bám vào những sản phẩm do nô lệ làm ra. Dù sao, so với sản xuất công xã nguyên thủy, thì phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ là một bước tiến trong sự phát triển của xã hội loài người, vì nó có sự phân công lao động và sản xuất ra công cụ lao động mới và trong phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, sự hợp tác lao động được mở rộng, lực lượng sản xuất bắt đầu phát triển, Về sau, phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ dần dần trở thành chướng ngại kìm hãm sự phát triển của xã hội. Phương thức sản xuất phong kiến thay cho phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ.
Trong lịch sử loài người, nhiều dân tộc đã bỏ qua phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, mà từ phương thức nguyên thủy tiến thẳng lên phương thức sản xuất phong kiến. Việt Nam cũng nằm trong tình trạng này.