Mới cập nhật

Câu chuyện xã hội: Chỉ vì chiếc áo



– Ui hôm nay có cái áo đẹp thế!
– Chuyện áo hàng hiệu mà.
– Ơ thế mua bao nhiêu tiền đấy?
– Có hơn triệu thôi mà.

Trang im lặng, lòng buồn vô hạn. Nhìn chiếc áo mới của Hạnh mà Trang lại thấy tủi khi áo của mình mẹ mua cho chỉ có trăm nghìn. Thế là hôm ấy chờ mẹ tan ca về, Trang phụng phịu:
– Mẹ, áo của con cũ hết rồi.
– Ừ, đợi cuối tháng lĩnh lương mẹ sẽ mua cho con nhé. Mẹ Trang mỏi mệt, vội vã quệt tay áo lau những giọt mồ hôi đang chảy dài trên mặt.
– Cái Hạnh lớp con vừa được mẹ nó mua cho cái áo Levi’s. Mẹ cũng mua cho con cái áo như vậy nhé! Đẹp lắm mẹ ạ.
– Áo đấy bao tiền hả con?
– Có hơn triệu mẹ ạ.
– Trời ạ, sao áo gì đắt thế. Mẹ làm công nhân, đâu có nhiều tiền như vậy?
– Nhưng con thích. Nó đẹp mà. Hay mẹ mua cho con cái áo hàng “phếch” năm, sáu trăm nghìn cũng được. Chứ con không mặc áo rẻ tiền mẹ mua nữa đâu -Trang giãy nảy lên. Đến nước đó mẹ Trang đành im lặng. Trang biết mẹ đã thua.

Câu chuyện trên xảy ra tại nhà chị Sáu – cạnh nhà tôi. Cô bé Trang là con gái chị Sáu. Trang năm ấy mới học lớp 10 nhưng khá phổng phao, xinh xắn. Chị Sáu làm công nhân và là người phụ nữ sống đơn thân duy nhất ở trong khu.
Thực ra những câu chuyện về sự a dua như bé Trang tôi gặp không ít. Và đó là những câu chuyện buồn như đã thành lệ.
“Thấy người ăn khoai vác mai đi đào” – một thói xấu đó vô cùng khó bỏ của người Việt. Lúc trẻ thì a dua bằng bạn bằng bè qua manh quần tấm áo. Khi trưởng thành thì chạy đua nhà, cửa, xe cộ… Kẻ trí thức lại a dua bằng cấp, học vị. Người có quyền thì đua quyền lực. Tệ hơn, nhiều kẻ còn đua theo model có bồ… Thói a dua khiến xã hội cuốn theo vòng xoay xô bồ, hỗn tạp.
Thế nhưng cuộc đời cũng không ít người có chính kiến và bản lĩnh.

Như một doanh nhân mà tôi quen biết. Còn nhớ cách đây gần chục năm trước. Lúc đó ông đã là một người khá thành đạt trong giới kinh doanh. Tuy có tiền nhưng ông lại mua chiếc xe Dream cũ. Vợ ông phản đối kịch liệt vì muốn mua xe máy SH cho thời thượng. Còn bạn bè, hàng xóm thì bĩu môi:
– Mua xế hộp mới chuộng… Xã hội giờ còn mấy thằng đi xe cũ như mày.
Mặc kệ dư luận, ông nghĩ xe máy chỉ là phương tiện di chuyển chứ không phải là đồ trang sức. Hơn thế, chiếc xe Dream ngày trước là chiếc xe ước mơ của bao người, nó gắn với kỷ niệm của một thời kỳ đất nước từ gian khó đi lên. Và cũng lúc đó, ông đã khởi nghiệp bằng đồng vốn bán chiếc Dream – của để dành do bố ông để lại.

Lại nhắc về mẹ con chị Sáu. Bẵng đi vài năm, tôi chuyển công tác lên Hà Nội. Vừa rồi chị Sáu gọi điện giọng buồn buồn thông báo: chủ nhật chú rảnh về ăn cưới cháu Trang, cháu nó sắp lấy chồng. Tôi chỉ làm vài mâm mời những người thân thiết. Thấy tôi ngạc nhiên chị mới thở dài kể sự tình. Thì ra sau khi học hết lớp 10 Trang đã bỏ học. Để có tiền ăn chơi theo bạn Trang đi làm gái mát – xa, rồi cặp kè với một tay già ngang tuổi bố mình. Được một thời gian Trang dính bầu rồi giờ phải chịu làm vợ lẽ tay kia, không danh phận. Sau khi cưới Trang lại về ở nhà chị Sáu để chuẩn bị sinh nở. Gọi là làm vài mâm cho có với xóm giềng chứ cuộc sống vẫn chưa biết thế nào. Hiện chị Sáu lại sắp đến tuổi nghỉ hưu. Thật ái ngại cho gia cảnh nhà chị.
Vậy đấy, thói a dua bình thường tưởng như vô hại nhưng lại dễ khiến con người đánh mất mình, nhất là giới trẻ. Và trong cuộc đời, sống theo thị hiếu đám đông không có chính kiến khác gì không có suy nghĩ. Không suy nghĩ thì làm sao có hoài bão, ước mơ. Giống như Trang, sống như vậy thật uổng phí. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, điều đơn giản nhưng dễ mấy ai hay.

Quang Khải