Mới cập nhật

Mô hình khởi nghiệp của Singapore: ứng dụng giúp người già tìm việc

Người cao tuổi ở Singapore nay đã có thể tìm việc làm mình thích tại nơi mình sinh sống, với quá trình xin việc qua tin nhắn dễ dàng
.

Singapore hiện là đất nước có dân số già nhất trong số 10 thành viên khối ASEAN, với độ tuổi bình quân là 40,5. Trong khi đó, độ tuổi bình quân chung của ASEAN vào năm 2020 dự kiến là 29,8.
 
Ngã rẽ quan trọng
Năm 2018 sẽ chứng kiến ngã rẽ quan trọng của dân số Singapore, khi lần đầu tiên trong lịch sử số người trên 65 tuổi bằng số người dưới 15 tuổi, theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Francis Tan thuộc Ngân hàng United Overseas (UOB).

Trong báo cáo được công bố vào cuối năm 2017 này, ông Tan cảnh báo đây sẽ là “quả bom nhân khẩu học hẹn giờ” của Singapore, với những ảnh hưởng tiềm tàng lên chi phí, thuế, lực lượng lao động và năng suất. Đến năm 2030, khoảng cách già – trẻ ở Singapore mở rộng trông thấy; tỉ lệ người già sẽ tăng lên mốc 27%, còn tỉ lệ người trẻ giảm xuống 10,8%. Singapore khi ấy đi vào vết xe đổ của Nhật Bản hiện nay – xã hội già cỗi nhất thế giới với 26,6% dân số trên 65 tuổi.

Có thể dễ dàng nhận thấy những chi phí khổng lồ ngày càng tăng để chăm sóc một dân số già cả, nhất là trong các lĩnh vực y tế và dịch vụ xã hội. Để bổ sung hao hụt của lực lượng lao động cũng như chống đỡ kinh tế, Singapore sẽ phải mở rộng cửa hơn cho người nhập cư, tăng thuế… Một trong số các giải pháp khác được khuyến khích là tận dụng chính lực lượng lao động cao tuổi.
Mới đây, cổng dịch vụ việc làm di động FastJobs vừa khai trương ki-ốt đầu tiên ở câu lạc bộ cộng đồng Radin Mas – một khu vực có khoảng 1/3 số dân cư trên 50 tuổi, với mục đích cố gắng kết nối người lớn tuổi với các cơ hội nghề nghiệp ngay gần nơi mình sinh sống.
Để sử dụng ki-ốt này, người dân chọn sẵn công việc mình ưa thích rồi gửi tin nhắn chứa mã việc đến số điện thoại di động được cung cấp và trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng – cũng thông qua tin nhắn. Sau đó, các công ty có thể liên lạc trực tiếp với các ứng viên.

“Giao diện của FastKiosk được thiết kế đơn giản để người lớn tuổi dễ sử dụng. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng mô hình này tới nhiều cộng đồng dân cư hơn nữa và đưa cả vào các trường dạy nghề, trung tâm mua sắm…” – bà Joelle Pang, giám đốc phát triển kinh doanh vùng của công ty FastJobs, nói với báo Straits Times. Bà Pang cho biết thêm thêm sẽ có tổng cộng khoảng 20 FastKiosk được lắp đặt từ đây tới cuối năm, với nhiều ngôn ngữ được cài đặt hơn.

Mô hình tìm việc thông minh

Là công ty khởi nghiệp của Singapore, FastJobs tập trung vào nhóm lao động phổ thông. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 5.000 việc làm được đăng tải trên web công ty và ứng dụng di động của họ hiện có hơn một triệu lượt tải về kể từ khi được khởi động vào năm 2015.
Trước mắt, FastKiosk đầu tiên sẽ mang lại các cơ hội việc làm như nhân viên bán lẻ, chăm sóc khách hàng… từ 10 nhà tuyển dụng trong và xung quanh khu Radin Mas (bao gồm công ty thực phẩm Cheers, chuỗi thức ăn nhanh KFC, tập đoàn mỹ phẩm Sasa…). Cơ hội sẽ nhiều lên theo thời gian, theo bà Pang.

Có mặt tại buổi lễ khai trương FastKiosk ở Radin Mas đúng vào ngày quốc khánh Singapore năm nay (9-8), nghị sĩ đại diện cho khu vực này, ông Sam Tan, khen ngợi mô hình “góp phần tạo cơ hội cho cộng đồng, đặc biệt là người lao động lớn tuổi, bằng cách áp dụng các kỹ năng số – phù hợp với sáng kiến Quốc gia Thông minh Singapore”.

Ông Tan, đồng thời giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách Bộ Ngoại giao và Bộ Phát triển Xã hội và gia đình, bày tỏ hy vọng mô hình này đem lại việc làm linh hoạt cho những người lớn tuổi chỉ muốn làm bán thời gian cũng như bù đắp nhu cầu nhân lực cho các công ty địa phương.
Cũng tham gia lễ khai trương, cụ Tan Kheng Hoe, 72 tuổi, ngỏ ý sẽ dùng ki-ốt để tìm việc làm bán thời gian trong mảng chăm sóc khách hàng, bởi cụ có lợi thế nói được tiếng Anh, Quan Thoại, Malay và phương ngữ. Đã từng làm qua việc giám sát an ninh, công nhân xưởng tàu và tài xế taxi, cụ Tan than thở khó tìm việc do tuổi tác đã cao và chỉ có bằng tốt nghiệp cấp hai.

“Tôi muốn làm việc tiếp vì nghỉ hưu ở nhà chán lắm. Nhưng mỗi lần nộp đơn hay để lại số điện thoại, chẳng ai gọi cho tôi cả. Mô hình này tiện dụng hơn nhiều, có điều nên bổ sung ngôn ngữ hoặc có ai đó hướng dẫn bởi một số người lớn tuổi không biết cách sử dụng” – cụ Tan chia sẻ.
 
Theo Sài Gòn tiếp thị