Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (BÀI 20) CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực                  


Phần 3 

Con người trong phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa    

Con người trong sự hình thành phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa là con người thích nghi với phương thức sản xuất đó. Chế độ ai làm việc nhiều hơn và tốt hơn, người đó nhận được nhiều hơn. Chế độ này làm cho người lao động vì lợi ích vật chất của cá nhân mà quan tâm nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình, phát triển năng lực, tham gia tích cực vào sản xuất, làm việc có năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Bởi vì con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa không phải lao động đơn độc, mà phải lao động trong một tổ chức, tập thể, như trong xí nghiệp và trong hợp tác xã nông nghiệp. Con người sản xuất riêng lẻ cũng có, nhưng không nhiều so với tỷ trọng con người làm việc trong mọt tổ chức, tập thể. Cả con người lao động riêng lẻ lẫn con người làm việc trong một tổ chức, tập thể đều thể hiện sự đóng góp lao động của họ để tạo ra sản phẩm, và do đó, cả mức độ thỏa mãn các nhu cầu của họ phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp lao động của cả một tổ chức, tập thể và cá nhân lao động riêng lẻ. Như vậy, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội bảo đảm không chỉ sự khuyến khích lợi ích vật chất của xã hội, tập thể, mà còn khuyến khích lợi ích vật chất của từng cá nhân. Bằng cách tạo ra những cơ sở để thống nhất lợi ích cá nhân, lợi ích của tập thể và của xã hội, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội làm nảy sinh không chỉ những tác nhân kích thích vật chất mà cả những tác nhân kích thích tinh thần đối với lao động, như nghĩa vụ đối với tập thể, thể hiện việc xã hội quý trọng công lao động của những người cống hiến cho xã hội. Tác nhân là những nhân tố nào đó gây ra một tác động nào đó. Nó kích thích vật chất và tinh thần được thể hiện như những nhân tố xã hội thúc đẩy con người hoạt động, quyết định sự quan tâm của con người đến quá trình và kết quả lao động. Vì hoạt động sản xuất là phương tiện chủ yếu để thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của đời sống con người, cho nên hoạt động ấy xác định những nhân tố quan trọng nhất (các tác nhân kích thích), thúc đẩy con người hoàn thành các loại hoạt động khác nhau và biểu hiện tính tích cực xã hội. Trong hệ thống các tác nhân kích thích ấy, vai trò quan trọng nhất thuộc về các tác nhân kích thích vật chất. Một loạt tác nhân kích thích khác là các tác nhân kích thích tinh thần, nghĩa là đủ mọi tác nhân kích thích tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ,… làm cho con người có một thái độ coi lao động không chỉ đơn thuần là phương tiện để sinh sống, mà còn là nguồn vui, niềm hy vọng, là cái đem lại sự thỏa mãn trước ý nghĩa xã hội của những kết quả.

Dưới chủ nghĩa xã hội, các tác nhân kích thích vật chất, tuy vẫn giữ ý nghĩa to lớn (trước hết là dưới hình thức trả công lao động), nhưng ngày càng được sử dụng với những tác nhân kích thích về tinh thần. Lao động vẫn là nguồn kiếm sống, nhưng dưới chủ nghĩa xã hội, nó còn là phương tiện thỏa mãn các nhu cầu đạo đức, nghiên cứu và thẩm mỹ. Vì vậy, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, lợi ích vật chất của cá nhân, sự quan tâm của tường người đến sự thù lao kết quả cuối cùng của lao động, đến số tiền thù lao kết hợp với sự quan tâm đến sự thừa nhận của xã hội đối với lao động của mình, đến sự đánh giá số lượng và chất lượng lao động của mình. Việc mở rộng phạm vi tác động của những tác nhân kích thích vật chất sẽ tạo ra những điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi để phát triển các tác nhân kích thích tinh thần bắt nguồn từ sự hiểu rõ ý nghĩa xã hội của lao động, tính chất và nội dung của lao động, các mối quan hệ xã hội. Bầu không khí tinh thần lành mạnh trong tập thể, quan hệ đồng chí và giúp đỡ lẫn nhau, dư luận xã hội phát triển, đó là những nguồn dự trữ quan trọng để phát triển tính tích cực sáng tạo của cá nhân. Trong số các tác nhân kích thích tinh thần, cái giữ vị trí ngày càng lớn là sự quan tâm đến chính bản thân lao động, sự thỏa mãn về chính quá trình lao động, trong đó, những năng lực sáng tạo của con người được thực hiện. Tất cả những cái đó phục vụ cho việc phát triển tính tích cực của các thành viên trong xã hội. Kích thích tinh thần và kích thích vật chất bổ sung cho nhau và làm tăng hiệu lực của nhau. Những người nào cống hiến nhiều hơn cho xã hội, người đó được hưởng nhiều phúc lợi vật chất hơn và được xã hội thừa nhận nhiều hơn, có nhiều uy tín tinh thần hơn. Cơ sở của kích thích vật chất và tinh thần dưới chủ nghĩa xã hội cũng gồm cả nguyên tắc kết hợp lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội.

Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội làm theo năng lực, hưởng theo lao động, không những kích thích hoạt động lao động và xã hội của con người, mà còn giáo dục tinh thần xã hội đối với người lao động; củng cố kỷ luật và tính tổ chức là phương tiện quan trọng để đấu tranh chống tệ ăn bám. Mỗi người lao động dưới chủ nghĩa xã hội cống hiến cho xã hội bao nhiêu, thì được hưởng thụ bấy nhiêu của xã hội sau khi đã khấu trừ phần dành cho các nhu cầu chúng của toàn xã hội (như phải dành một khoản để tái sản xuất mở rộng, khoản để xây dựng các công trình công cộng và phòng thủ đất nước,…).

Từ nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội làm theo năng lực, hưởng theo lao động, nó không thể dung hòa được vứi nguyên tắc phân phối bình quân, bởi vì, nếu phân phối bình quân sẽ dẫn đến tình trạng kìm hãm sản xuất đối với người lao động, thiếu hẳn đi yếu tố thi đua của người lao động, tổn hại đến những kích thích vật chất của người lao động, cản trở sự phát triển và trau giồi năng lực của con người dưới chủ nghĩa xã hội, cản trở việc nâng cao trình độ tay nghề của họ, làm nảy sinh hiện tượng ỷ lại vào người khác, làm mất đi cá tính của con người.

Từ nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội làm theo năng lực, hưởng theo lao động sẽ xóa dần đi tình trạng bất công xã hội, không có nạn người bóc lột người, mọi thành viên trong xã hội đều có được khả năng và nghĩa vụ như nhau là lao động và được trả như nhau cho lao động có cống hiến ngang nhau,… Người được bảo đảm về vật chất nhiều hơn sẽ có nhiều khả năng hơn để phát triển mình so với người được bảo đảm vật chất ít hơn.

Người công nhân dưới chủ nghĩa xã hội được xã hội chăm đến đời sống vật chất và tinh thần. Người nông dân và người trí thức cũng vậy. Đó là nét đẹp của chủ nghĩa xã hội. Nhưng làm được điều đó phải có thời gian rất dài, khi xã hội trở nên giàu có thật sự, mới có thể “bao” được. Hiện nay, đất nước vẫn còn trong tình trạng cuộc sống ai nấy lo, việc ai người nấy làm. Đó chưa phải là chủ nghĩa xã hội đích thực. Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cho nên mọi vấn đề chỉ giải quyết được tương đối. Con người của thời kỳ này còn gặp nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho mọi người là phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa cho công cuộc kiến thiết đất nước để dần dần thoát ra khỏi cảnh bần cùng để đi đến viễn cảnh tương lai tươi sáng.

Ta đã có ngựa và thanh kiếm, chỉ việc quất lên vượt qua giông bão sẽ tiến đến bến bờ vinh quang. Tình yêu và hạnh phúc đang chờ tất cả mọi thành viên trong xã hội. Thực ra, mỗi con người của mỗi cuộc đời cũng giống như biển khơi bao la, sóng gió thì nhiều, bình yên thì ít. Ai vượt qua được sóng gió, nhất định sẽ cặp bến vinh quang!