Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Văn hóa và phẩm giá


Trong một vài bài viết trước đây, chúng tôi đã nhận định rằng thủy chuẩn văn hóa chúng ta hiện đang ở mức thấp, rất thấp so với các nước trong khu vực lân cận khi so sánh những mối quan tâm hàng ngày của người dân qua những chủ đề search trên Internet, qua những sự kiện thu hút chú ý của công luận. Nhận định thế nào đây khi quần chúng vẫn ca ngợi những người nổi tiếng dưới nhiều góc nhìn khác nhau: giàu có, tài năng… Nói chung là chúng ta đang hướng sự chú ý đến một nền văn hóa ngợi ca “danh vọng” (fame), thành công, dù bằng cách nào cũng được. Người ta hướng đến danh vọng như cứu cánh của đời sống nên xã hội chúng ta ngày nay thần tượng ai? Những đại gia “giàu có” bất thường vênh váo vì được xem là “danh giá” (?); những anh công tử con nhà giàu khoe “mẽ” bằng những chiếc Rolls Royce bóng lộn; hay một anh ca sĩ biến thái, mang tiếng “đạo nhạc” với những giai điệu cóp nhặt vẫn là thần tượng của giới trẻ? Một vài nghệ sĩ hài lên lớp dạy bảo quần chúng về thị hiếu…

Danh vọng vốn đi kèm theo khoái cảm khi thấy mình thắng cuộc, còn kẻ khác thua cuộc. Chúng ta vẫn nghe nói rằng con người cần được kích thích bởi lòng tham danh vọng quyền lực và tiền bạc để tạo ra những khám phá mới, sản xuất được nhiều của cải vật chất, Nhưng rồi chính cái lòng tham không được chế ngự ấy khiến chúng ta mất kiểm soát, hủy hoại lẫn nhau. Làm kinh tế vì phong trào, lấy “tiếng vang” nên bất chấp thế mạnh thế yếu của địa phương, hễ tỉnh khác có nhà máy gì thì tỉnh mình phải có nhà máy đó; hễ họ có festival du lịch thì mình cũng phải làm, bất chấp ngân sách. Đó là nguyên nhân của những nhà máy phân bón thua lỗ nghìn tỷ, những khu chế xuất hoang vắng cứ mọc ra và…!


.
Nói như tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung, “… sống giữa một cộng đồng mà danh vọng là mục đích duy nhất phấn đấu, họ có quá ít lựa chọn”. Có thể họ chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu nổi danh, “… Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt…” (Huy Cận) hay họ mưu đồ kiếm chác?'

Về giáo dục, hiện tượng người đi học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thậm chí sử dụng bằng cấp rởm, nhằm làm tăng giá trị cho mình, chứ không quan tâm đến năng lực thực tế cũng là một hiện tượng lệch lạc đáng buồn! Các ông tiến sĩ vào các trung tâm nghiên cứu, các viện, để kiếm chức danh, địa vị hơn là thực sự lao tâm khổ tứ làm “khoa học”. Chúng ta thử hỏi hàng chục ngàn tiến sĩ trong đó riêng Viện Nông nghiệp cũng phải đến mấy trăm ông làm gì mà cứ để dành việc sáng chế các loại nông cơ cho các anh nông dân? Cụ thể, anh Trần Đại Nghĩa, ở xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã chế tạo thành công máy cấy không cần động cơ, anh Tạ Đình Huy, xã Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội đã chế tạo ra chiếc máy nông nghiệp có 15 tính năng, giúp bà con giảm sức lao động trên cánh đồng và mang lại năng suất cao. Anh Lâm Văn Liêm, diaan tộc Cao Lan ở thôn Ruồng, Lục Ngạn – Bắc Giang đã chế tạo thành công chiếc máy tróc vỏ và thái sắn, một ngày có thể làm bằng cả 100 người lao động thủ công. Họ làm việc mà họ yêu thích, phục vụ cộng đồng, chứ không phải vì những cái bằng sáng chế được tuyên dương ầm ĩ nhưng không có hiệu quả thực tiễn. Tương tự, người ta huấn luyện học sinh đi thi Olympic hay các kỳ thi quốc tế theo kiểu gà chọi, để rồi khoe khoang Việt Nam luôn đứng thứ hạng cao trong khi những chỉ số thông thường như số lượng sách đọc trong một năm thì rất thấp. Học sinh sau 12 năm học không thể tự trình bày suy nghĩ của mình vì quen học gạo, học tủ, nói bằng miệng kẻ khác, thiếu tư duy độc lập sáng tạo. Trình độ ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh đứng thứ 9/11 ở Đông nam Á. Học sinh không được dạy về kỹ năng sống nên các em không biết vào đời xoay xở ra sao, cả những việc nhỏ như kỹ năng bơi lội, cắm trại, sống cộng đồng, cũng thiếu đào tạo nên các em không biết cách hòa nhập khi chuyển sang một môi trường mới, còn đuối nước năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ. Có phải quá đáng nếu phải chia sẻ quan điểm của Krishnamurti, rằng “… Giáo dục hiện nay hoàn toàn suy đồi vì người ta dạy chúng ta yêu thích sự thành công chứ không dạy ta yêu thích việc mình làm”. Các quầy sách chỉ bày bán sách công cụ dạy thành công. Người ta khen những tấm gương từ nghèo khổ vươn lên giàu có, từ địa vị thấp lên địa vị cao…

Krishnamurti kịch liệt lên án những mẩu chuyện nổi tiếng như chuyện cậu bé học hành cần mẫn trở thành quan tòa hay cậu bé bán dạo trở thành triệu phú. Ngoài ra, sống trong một xã hội trọng “danh vọng”, sẽ có người dù nỗ lực tối đa cũng chẳng thể đạt được sự tôn trọng khi người ta đánh giá không qua bản thân mình mà qua những giá trị quanh mình như giá thế, dòng dõi, lý lịch…, nghĩa là cái xã hội ấy, nói theo tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung “… xã hội trọng tài ấy cũng tồi tệ chẳng kém xã hội trọng chủng tộc, trọng dòng dõi, bởi vì nó dựa theo những đặc điểm không thể thay đổi của con người. Một người lười lao động nên không có tiền là điều hợp lý. Tuy nhiên nếu người đó cố gắng hết mức nhưng vì tài năng có hạn, hoặc vì người đó là người da đen, hoặc có bố mẹ là nô lệ nên người đó không được tôn trọng tối đa, thì lại không hợp lý chút nào… Hậu quả của bất bình đẳng đạo đức là tạo ra một xã hội thiếu nhân văn. (1) Đa số công dân trong xã hội ít nhiều đều bị tổn thương về mặt tinh thần, bởi họ không được tôn trọng cao như mong muốn. Cùng một kiếp người, kẻ thì được sùng bái như thánh thần, kẻ bị coi như rơm rác; (2) Sinh ra những con người thoái hóa nhân cách, luồn cúi kẻ trên, nạt nộ kẻ dưới, không từ những thủ đoạn xấu để giành được tiền bạc, địa vị xã hội, bằng cấp, giải thưởng… để được coi là tài năng”. (Nguyễn Kiều Dung – Mặt trái của danh vọng – 2016). Bạn có đồng ý hay không với nhận định trên của tác giả, vốn là một tiến sĩ kinh tế tại Đại học New York? Chúng ta phải nhìn nhận rằng người Việt rất bất lịch sự ở nơi công cộng, ít khi nói “xin lỗi”, “cảm ơn” với những người gặp thường ngày, trong khi rất giỏi xu nịnh những kẻ chức quyền. Ngoài ra, tiếng nói của đa số công dân không được trân trọng cho nên họ không tích cực tham gia ý kiến vào các công việc cộng đồng, không đấu tranh chống tiêu cực mà chỉ lên tiếng khi lợi ích bản thân bị xâm hại.
Ngoài ra xã hội trọng danh vọng còn tỏ ra độc đoán, thiếu tôn trọng ý kiến người khác, thể hiện ở chỗ kẻ có chức quyền không chấp nhận ý kiến khác biệt, vô tư can thiệp, khăng khăng áp đặt quan niệm của mình lên người khác và cho mình là “chuẩn”.

Danh vọng khiến ai cũng muốn lao mình vào chốn quan trường sau đó mới đến thương trường và ai cũng nghĩ đó là cầu nối để vươn tới giàu sang, đúng hơn là mong nhận được sự công nhận của xã hội. Họ muốn vươn ngay đến bậc 4 và 5 trong Tháp Maslow về nhu cầu con người”: Sự tôn vinh và tự thực hiện ước mơ của mình. Điều này không có gì mới vì từ ngàn xưa, từ Đông sang Tây, Đức Phật thuyết giảng và tam độc, trong đó tâm tham là đầu dây mối nhợ của những bất hạnh, tranh chấp trên thế gian này, còn theo Aristotle tham danh và tham lợi là động lực đưa đến tội ác hơn bất kỳ cái tham nào khác của con người. Có người phản bác lại cho rằng danh vọng có khi là chất xúc tác cho con người nỗ lực vươn đến thành công, nhưng khi lao mình dấn thân truy tìm danh vọng, người ta dễ rơi vào thói háo anh phù phiếm thì kẻ đó bất chấp thủ đoạn dễ phạm tội ác, hại người, hoặc tham nhũng quyền lực, tiền bạc nhằm thỏa mãn những dục vọng của mình. Không dễ giữ mình!

Theo Thế Tôn, tám ngọn gió chướng khiến tâm chúng ta dao động là “lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc”. Người con Phật sống ở đời phải tìm cách để an trụ, bình tâm không lay chuyển trước tám ngọn gió này. Lưu ý hai ngọn gió “hủy” và “dự”. Hủy là hủy nhục, bị làm nhục, bị hạ thấp phẩm giá. Dự là được tôn vinh, danh dự vẻ vang. Người con Phật nguyện giữ tâm mình khi được tôn vinh cũng không tự mãn mà khi bị hủy cũng không quá tự ti. “Xưng” và “cơ” cũng vậy. Xưng là xưng tán, khen ngợi, những lời có cánh đưa chúng ta lên mây. Cơ là chê bai, dè bỉu, cơ hiềm, dìm đạp mình xuống bùn nhơ. Khi được khen cũng không quá mừng và khi bị chê cũng không quá buồn.
Hãy nhìn thẳng vào chính mình để hiểu rõ bản chất của mình, đã làm gì, có xứng đáng để được khen hay có thích đáng để bị chê, và phải tin vào phẩm giá “con người” trong mình.

Xây dựng một nền văn hóa trọng phẩm giá

Làm thế nào xây dựng một nền văn hóa mà trong đó con người tự tôn trọng phẩm giá của mình? Kẻ trọng phẩm giá ấy không hẳn là mẫu người quân tử ngày xưa mà chỉ cần là kẻ biết tôn trọng lẽ phải, biết cư xử bình đẳng với người khác, tuân thủ luật pháp tự giác. Kẻ ấy không thể đổ rác sang nhà hàng xóm vào ban đêm, chạy xe vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát, không thể thâm lạm công quỹ, bỏ chất độc vào thực phẩm để bán… lại càng không thể là những kẻ phạm tội ác như ấu dâm hay sử dụng bạo lực mà đang là hiện tượng báo động trên đất nước ta gần đây. Con người có phẩm giá sống trong sáng, không suy tính chuyện đối phó với tha nhân và cơ quan công quyền trong bất kỳ tình huống nào. Đơn giản chỉ là như thế, nhưng sao hình ảnh ấy dường như vẫn còn xa vời trong cuộc sống hôm nay?

Kant được coi là cha đẻ của hệ thống chuyển đổi cơ sở của hệ thống chính trị và xã hội từ danh dự sang phẩm giá, trong đó danh dự được hiểu là hệ thống có thức bậc các giá trị xã hội, còn “phẩm giá” được hiểu là giá trị ngang bằng vốn có của mọi cá nhân. Trong triết học của ông, nhân phẩm con người được đề cao, ông đề cao giá trị con người, ông gọi những hữu thể có lý trí là những nhân vị bởi vì bản tính con người phân biệt họ khỏi những sự vật và làm thành những cứu cánh tự thân. Phẩm giá không phụ thuộc và sự công nhận hay địa vị xã hội của người ấy. Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Điều này có nghĩa hễ là người, bất cứ ai, bất cứ ở đâu, dưới bất cứ ý thức hệ nào, không phân biệt da màu, phái tính, giàu có hay bần cùng, học thức hay dốt nát, theo tôn giáo này hay theo tôn giáo khác, ý thức chính trị nầy hay ý thức chính trị khác, hễ là người đều có nhân phẩm bất khả xâm phạm. Người tài được xã hội tri ân không phải vì họ tài năng hơn người mà vì họ góp phần tạo ra của cải vật chất cho cộng đồng. Thiền sư Nhất Hạnh nói ta phải cảm ơn người nông dân khi ăn cơm mỗi ngày vì bất kỳ ai trong xã hội cũng đều có liên đới gián tiếp hay trực tiếp đến cuộc sống ta, từ anh đổ rác cho đến người công nhân sửa điện… sau cùng đến những kẻ lãnh đạo xã hội. Phải xây dựng hình tượng những con người sống có phẩm giá cho trẻ em noi theo, cụ thể như những bài học mà người cha khuyên con phải tôn trọng thầy cô, những người khai sáng tâm hồn hay những người phu quét đường vì họ làm thành phố chúng ta sạch đẹp. Không phải vì nghèo nên tính nhân văn và cộng đồng yếu kém. Ta nhớ Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi “… Lúc vị ngộ hối táng nơi bồng tất” mà vẫn “… Phù thế giáo một vài câu thanh nghị” vì ông luôn tin “… Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường” (Kẻ sĩ); hay như Cao Bá Quát trong hoàn cảnh khốn khó với “cơm Phiếu Mẫu hẩm xì” và “áo Trọng Do bạc phếch” mả vẫn hào sảng đầy khí phách “Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng, Chí xông pha nào quản chông gai! Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình, Chu, Tài bay nhảy ngại gì lao khổ!” (Tài tử đa cùng phú). Vẫn hẹn với đời đóng góp tài sức một ngày mai. Tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung có nêu một ví dụ “Cuối thế kỷ XIX, mức sống trung bình của người dân Mỹ cũng rất thấp. Điều tra xã hội thời đó cho thấy trong số 10 người được trẻ em mong muốn trở thành và phấn đấu noi theo có Clara Barton, nữ giáo viên, hộ lý và người sáng lập Hội Chữ thập đỏ Mỹ, và Anne Sullivan, nữ giáo viên dành cả đời để giáo dục người khuyết tật”. Điều đó chứng minh tính nhân văn luôn tồn tại, không kể xã hội giàu hay nghèo. Chúng ta không nên đổ lỗi cho “kinh tế thị trường” những thói xấu như thực dụng, vụ lợi, hám danh, cửa quyền… mà phải xét lại những bệnh thái nội tại trong xã hội chúng ta.

Sống và giữ gìn phẩm giá như lời cụ Tú Lãm dặn con trước lúc lâm chung “Hãy giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và mang hết nghị lực ra làm việc” (Khái Hưng – Nửa chừng xuân – 1934). Ý nghĩa cuộc sống không nằm ở thu nhập hay địa vị mà ở niềm vui được đóng góp cho cộng đồng, không trở thành kẻ ăn bám. Đọc một bài viết về cuộc sống ở những dân tộc Bắc Âu hiện nay, chúng ta thấy “Cứ sau 7 giờ tối, gần như trên các ngã đường đều rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa trụy lạc” vào ban đêm, cũng không có những dịch vụ cao cấp xa xỉ, kích thích thần kinh con người. Vậy, hạnh phúc của những người dân Bắc Âu đến đâu? Người Bắc Âu thường xuyên nhắc đến cụm từ “Chất lượng cuộc sống”. Người Thụy Điển có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của cuộc đời bạn”. Giữa “Cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng” và “Cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái, sân vườn”. người Bắc Âu sẽ lựa chọn cái vế thứ hai bởi vì thứ mà họ muốn là “phẩm chất” (chất lượng) chứ không phải là “vật chất”.


Các nước vùng Scandinavia luôn lọt top những quốc gia sống thọ nhất thế giới bởi người dân ở đây sở hữu những thói quen sống cực kỳ lành mạnh.
.
Điều kiện tiên quyết là để họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc là từ một thể chế phúc lợi do chính thái độ và hiệu suất làm việc của họ đem lại. “Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích hay không thích, bởi vì công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó”, đây là quan niệm của người Bắc Âu. Vì đề cao năng suất nên người Bắc Âu nghĩ mọi cách để sáng tạo, như vậy để họ có nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và cho gia đình. Có nhiều thời gian hơn, người Bắc Âu sẽ tận hưởng cuộc sống bằng các kỳ nghỉ. Người Bắc Âu nổi tiếng là những người yêu du lịch. Họ thường xuyên đi hưởng thụ, ngắm cảnh đẹp trong nước cũng như trên toàn thế giới” (An Hòa – Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn vật chất để tâm linh an bình – Tri thức Việt Nam 19/3/2017).

Nếu bạn đến nhiều nước khác ngoài Việt Nam, không cứ là Bắc Âu, bạn sẽ thấy họ rất tôn trọng tha nhân và cộng đồng, vì họ quan niệm đó là họ tôn trọng chính họ. Họ không thể gây mất trật tự khu phố vì tang lễ hay hôn lễ trong nhà mình, không gây cản trở giao thông bì đi xe ngược chiều, lấn lề… họ luôn xếp hàng trong mọi tình huống.

Người Bắc Âu sống đơn giản để tâm an bình
.
Chúng ta muốn hạnh phúc, phải tự mình sống theo phẩm giá làm người. Không thể tách rời mối liên hệ giữa hạnh phúc của chúng ta và cộng đồng. Đó là ý nghĩa của tương tức tương sinh trong nhà Phật (interbeing). Dù có theo hay không theo một tôn giáo nào, người ta vẫn phải tôn trọng nhân phẩm. Bất cứ một nền văn hóa nào không lấy yếu tố con người làm trọng tâm sẽ thất bại. Đã có lần chúng tôi viết “Tại sao chúng ta không phát huy cái đẹp văn hóa vốn có của người Việt Nam: lạc quan, chân thực, kiên trung, cần mẫn, thông minh, vị tha, bao dung… mà để những phẩm chất ấy phai mờ trở thành những kẻ giả dối, gian trá, độc ác, vị lợi, chấp nhất, hẹp hòi?”.

Giáo sư Cao Huy Thuần, trong một bài trả lời phỏng vấn trên Tuần Việt Nam có nhấn mạnh “… một dân tộc văn minh là một dân tộc có văn hóa cao, nghĩa là năng động, nghĩa là không trì trệ, trên mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, đầu óc cá nhân cũng như tổ chức xã hội, quyền lực, tiến bộ cùng với xu hướng của thế giới, nhưng không quên rằng mỗi người đều là con cháu thừa tự”.
Riêng về mối tương quan giữa tập thế và cá nhân, phải nhấn mạnh rằng một tập thể không thể văn minh nếu con người trong đó không văn minh. Giáo dục chính là để đào tạo nên những con người văn minh. Và thế nào là con người văn minh? Là biết yêu Chân, Thiện, Mỹ. Yêu sự thật, yêu cái tốt, cái đẹp.
Đó chính là thước đo phẩm giá hôm nay!

Nguyên Cẩn