Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Biết ơn




Con người ta sống phải biết ơn, đó là một phần của đạo lý. Các cụ thường dạy: Ơn ai một chút cũng không quên; Ơn đền, nghĩa trả. Câu chuyện của chú Sỹ vẫn làm tôi nhớ mãi.
Dạo tôi còn công tác ở Phòng Giáo dục, chú Sỹ làm Thư ký của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Chú tuổi cũng đã cao. Do công việc nên tôi và chú thi thoảng gặp nhau. Chú hồ hởi, nhiệt tình, bao giờ cũng giúp tôi giải quyết công việc nhanh chóng. Một hôm sau khi xong việc, chú bất ngờ hỏi thăm về gia đình về sức khỏe của mẹ tôi rồi tới công việc của tôi có gì khó khăn không.
Tôi không hiểu hết lời hỏi han, săn sóc của chú nên chỉ trả lời chung chung.

Cuối năm đó, mẹ tôi bị ngã khá đau, điều trị trong viện cả tháng. Một số bạn bè của mẹ tôi đến thăm, chú Sỹ cũng đến. Tôi ngạc nhiên. Chú vỗ vai tôi, kể:
– Mẹ cháu là ân nhân của chú. Hồi chú còn làm liên lạc cho cụ Việt trong thời kỳ bí mật, chú lúc đó còn ít tuổi, thi thoảng qua lại chuyển thông tin cho bố cháu. Mẹ cháu tốt lắm, vẫn thường xuyên che giấu và nấu cơm cho chú ăn. Có đêm mẹ cháu còn canh gác cho chú ngủ dưới nhà ngang, chú được an toàn. Bởi vậy chú rất nhớ ơn mẹ cháu. Nay mẹ cháu đau ốm, chú đến thăm một chút là lẽ đương nhiên.
Giờ tôi đã vỡ nhẽ, thảo nào mà chú hỏi han tôi kỹ thế.

Lại một lần khác chú đến tận cơ quan tôi và động viên:
– Chú biết cơ quan dự kiến đề bạt cháu. Danh sách đưa lên hai người. Đây là dịp lựa chọn, ý cháu thế nào. Hai người ngang tài, ngang đức. Nếu cháu cần, chú có thể đề nghị cấp trên quan tâm.
Tôi biết chú nói thật lòng nhưng điều tôi mong muốn không phải là quyền chức mà tôi chỉ muốn làm tốt công tác chuyên môn, nên thưa:
– Cháu cảm ơn chú nhưng cứ để các anh ấy lựa chọn. Cháu thấy mình cần thời gian để phấn đấu thêm, vả lại việc làm cán bộ quản lý cháu thấy không hợp.

Năm sau, người cùng danh sách với tôi lên chức, tôi vẫn làm cán bộ chuyên môn. Vui vẻ, vô tư.
Rồi chú Sỹ về hưu. Chú vẫn thi thoảng qua lại thăm nhà tôi. Mẹ tôi do tuổi đã cao và bị bệnh, ít lâu sau thì qua đời. Chú Sỹ đến viếng, đứng trước linh cữu, chú kể lại điều mẹ tôi đã làm cho chú năm xưa trong nghẹn ngào. Chú bảo: Muốn trả ơn mẹ tôi mà không có dịp nào, chú ân hận lắm.
Mấy đứa con tôi lớn lên, học hết cấp ba. Theo nguyện vọng chúng thi, học chuyên nghiệp rồi ra trường, đi làm. Chú Sỹ dặn:
– Có đứa nào xin việc gặp khó khăn thì cứ bảo chú. Chú tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn có thể giúp cháu được chút ít.
Tôi cảm ơn nhưng không phải phiền chú vì các con tôi đều năng động, chúng tự lo được cho bản thân.

Cách đây mấy năm, chú già yếu. Tuổi đã ngoài 90 mà chú vẫn chống gậy đến nhà tôi, cầm một cuốn sách nhan đề: Lịch sử Đảng bộ thị trấn H. Chú giở một trang, chỉ vào mấy dòng và bảo tôi đọc. Đó là danh sách những cán bộ trung kiên của Đảng trong cuộc họp bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa, trong đó có tên bố tôi. Tôi rất xúc động, chú Sỹ tặng tôi cuốn sách và dặn: Cháu qua Đảng bộ tỉnh làm thủ tục đề nghị công nhận bố cháu là lão thành cách mạng. Chú sẽ hỗ trợ xác nhận việc này.
Tuy vậy, do không đủ điều kiện theo quy định nên bố tôi không được công nhận là lão thành cách mạng.

Tôi thấy gia đình mình có chút thiệt thòi, nhưng chẳng sao. Xã hội ngày càng nhiều người sống thực dụng, chạy theo những lợi ích vật chất mà quên hết cả luân thường đạo lý. Trong trái tim tôi, những người như chú Sỹ luôn làm tôi cảm phục vì lòng biết ơn sâu nặng của chú. Chú đúng là một cán bộ cách mạng chân chính.

Nguyễn Đình Tân