Mới cập nhật

“CHÚNG TA PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI CUỘC SỐNG XUNG QUANH CHÚNG TA”


Image result for hình ảnh cô gái tưới cây

Có hai từ trong cuộc sống khiến không ít người sợ hãi lảng tránh, đó chính là Trách Nhiệm. Trách nhiệm với cuộc sống của mình, với những người thân bạn bè và trong cả những mối quan hệ. Trong cuộc sống, nếu thiếu đi hai chữ “trách nhiệm” thì rất nhiều việc sai lầm cứ nối tiếp diễn ra mà không cần biết người khác sẽ tổn thương như thế nào. Có một câu nói rất hay: dù nấu ăn hay trong tình yêu bạn cũng cần dùng đến 100% trách nhiệm. Không chỉ là nấu ăn hay tình yêu mà trong cả cuộc sống thường nhật cũng cần đến 100% trách nhiệm. Nếu không bạn sẽ không bao giờ được người khác yêu mến và không còn đáng để người khác tôn trọng nữa.
Chúng ta kết nối với nhau bằng những mối quan hệ và thứ ràng buộc lẫn nhau đó chính là trách nhiệm. Trách nhiệm là điều nặng nề nhất mà con người chúng ta ai cũng phải gánh vác trên người. Nếu không gánh lấy trách nhiệm thì chúng ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc, mà chỉ còn ân hận và day dứt. Khi có ý thức phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân, ta sẽ mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn cũng như kiên cường hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trách nhiệm với bản thân chưa đủ mà chúng ta cần phải có trách nhiệm với cả những người xung quanh mình, với cộng đồng, nhất là khi chúng ta đang sống trong một thế giới được tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia.
Một câu chuyện thú vị sau đây của Ấn Độ sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về trách nhiệm với người xung quanh mình.
 Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupi. Trong lời bào chữa của bà, lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói. Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.
Thẩm phán thở dài và nói:
– Xin lỗi, thưa bà… - Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ – nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupi cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.
Bà cụ run run, rớm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp:
– Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupi  vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.
Nói xong, ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký :
– Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo.
Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupi tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupi từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupi tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.”
Đó là một câu chuyện rất xúc động và là một phiên tòa xử nghiêm minh, cảm động. Vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét. Chính ông cũng thấu hiểu được rằng: tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải biết chia sẻ và yêu thương.
Sẽ không bao giờ thiệt thòi nếu ta cho đi yêu thương của chính mình. Và để sống có trách nhiệm với những người xung quanh ta, dù làm gì thì cũng đừng làm qua loa, đã làm hãy làm thật tốt. Khi ta làm công việc của mình với tinh thần trách nhiệm cao, ta sẽ khiến cho những người xung quanh cũng làm được như thế. Đừng quên rằng, bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm mới làm tốt được. Hãy thử nghĩ, một tập thể mà ai cũng thiếu trách nhiệm với công việc thì công việc sẽ ra sao, tập thể đó sẽ ra sao? Hơn nữa, cũng đừng bao giờ cho mình cái quyền được “vùi dập” người khác. Dù đặt vào bao nhiêu tâm huyết, tình cảm thì bạn hãy nhớ đặt 100% trách nhiệm vào trong đó.
Sống có trách nhiệm với những người xung quanh cũng buộc ta phải thận trọng với lời ăn tiếng nói của mình, bởi lời nói có sức mạnh cực kỳ to lớn, nó giống như một mũi dao vô hình đâm thẳng vào tâm hồn con người và nằm mãi trong đó. Lời nói khiếm nhã sẽ luôn khiến người khác cảm thấy nhức nhối và vĩnh viễn không thể quên được. Vậy nên nếu khi nói chuyện với một người nào đó, bạn không chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói chắc chắn sẽ có ngày bạn phải ân hận. Người xưa nói “uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói”, đó là khuyên chúng ta nên cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp để không làm tổn thương lẫn nhau. Nếu bạn không tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, thích gì nói nấy thì những người xung quanh sẽ chẳng bao giờ xem trọng lời nói của bạn đâu. Vậy nên, trước khi nói cho “thỏa miệng” bạn hãy học cách chịu trách nhiệm lời nói của mình, những gì bạn nói ra hãy ghi nhớ chúng để tự vấn lại chính mình khi cần thiết.
Với trách nhiệm đóng góp cho xã hội của chúng ta ngày càng phát triển thì trước hết chúng ta phải có trách nhiệm với nơi chúng ta đang sinh sống. Chỉ cần những hành động nhỏ nhặt trong đời sống, hay thói quen hàng ngày như không xả rác, không hút thuốc, giữ gìn vệ sinh chung... cũng là đóng góp cho xã hội, cho môi trường. Rồi mỗi khi bắt gặp màu áo xanh của thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tiếp sức mùa thi, hay đi về vùng sâu vùng xa giúp đỡ người già neo đơn, sửa lại cây cầu, lợp lại mái lá... tất cả những nghĩa cử đó đều thể hiện những cống hiến của họ với xã hội.
Sống có trách nhiệm còn là sống trọn vẹn mỗi ngày, không lãng phí từng phút từng giây. Tức là ta phải sống sao cho ý nghĩa với mọi việc, mọi người mà ta trách nhiệm. Ta sẽ phải dành thời gian cho người thân, bạn bè và những người quanh mình theo cách này hay cách khác. Tất nhiên sẽ không dễ dàng gì làm được tất cả mọi việc một cách trọn vẹn, nhưng làm tốt được một trong những việc ta phải làm mỗi ngày sẽ mang lại cho ta một niềm phấn khởi, vui vẻ và tận hưởng cuộc sống một cách nhiệt thành hơn./.

Quỳnh Nga tổng hợp