Mới cập nhật

BÙI BẰNG ĐOÀN - VỊ QUAN HẾT LÒNG VÌ NHÂN DÂN*

PGS,TS Đàm Đức Vượng

Chí sĩ Bùi Bằng Đoàn (1889-1955) đã từng là Thượng thư Bộ Hình Triều Nguyễn (1933-1945); Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946); Trưởng Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I (1946-1955) và nhiều chức vụ quan trọng khác.   
Cụ Bùi Bằng Đoàn
Ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương
      Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ba lần viết thư mời cụ ra làm việc, giúp nước, vì cụ Hồ thấy rõ cụ Bùi là người có cả tài lẫn đức. Hai lần đầu, cụ Bùi từ chối với lý do tuổi đã cao (56 tuổi), sức  yếu. Nhưng cái chính là cụ Bùi còn nặng quan điểm Nho giáo trung thần một người không thể thờ hai vua, vì lúc ấy, cụ đã là Thượng thư Bộ Hình Triều Nguyễn. Đến lần thứ ba, cụ Hồ khẩn khoản yêu cầu, cụ Bùi lúc đó mới nhận lời. Cụ Bùi rất phục cụ Hồ, cho rằng, cụ Hồ rất tinh tường, rất sáng suốt trong việc dùng người và trong cách đối xử. Lúc đầu, cụ Hồ giao cho cụ Bùi làm Tổng Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Gặp cụ Hồ, cụ Bùi nói đại ý: Cụ đã giao cho tôi công việc trọng đại, nên tôi chỉ có một yêu cầu: Có chức thì phải có quyền. Cụ Hồ đồng ý. Cụ Bùi đã xử lý một cách kiên quyết và công tâm một số vụ tham ô và lợi dụng quyền hành ở Vĩnh Phú và Hà Nam lúc bấy giờ.
      Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I, từ ngày 8-11-1946 đến ngày 13-4-1955, một thời gian khá dài, tới hơn 8 năm, ở giữa khoảng cách người tiền nhiệm là cụ Nguyễn Văn Tố và người kế nhiệm là cụ Tôn Đức Thắng.
      Thời gian làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi và cụ Hồ ở rất gần nhau trên căn cứ địa Việt Bắc. Hai cụ thường xuyên trao đổi với nhau về thời cuộc.
      Thời gian làm Tổng Thanh tra Chính phủ, rồi làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Băng Đoàn thể hiện rõ nét tinh thần vì nước, vì dân, một người thân dân, gần dân, một vị quan hết lòng vì nhân dân, thể hiện ở những mặt sau đây:
       Một là: Trước hết, phải nói rằng, cụ Bùi Bằng Đoàn có tinh thần yêu nước nồng nàn. Từ khi còn là quan lại của Triều Nguyễn đến khi trở thành cán bộ cao cấp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ đều nêu cao tinh thần vì nước vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một trong những tình cảm đặc sắc nhất, đã tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Khi được ngọn gió của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thổi vào, thì chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Cụ Bùi cũng đi từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nó thể hiện ở khí phách, lương tâm, danh dự của một chí sĩ yêu nước tham gia cách mạng và tham gia kháng chiến cứu nước.
      Hai là: Vì nặng lòng với nước với dân, cụ Bùi Bằng Đoàn tỏ rõ lập trường yêu nước, dứt khoát đứng về phía nhân dân mà hành động. Ngày 28-3-1947, cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Triều đình Huế, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, trả lời câu hỏi về những lời tuyên bố của cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) đối với việc nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đương cố lập Chính phủ thân Pháp và có ý mời cụ tham chính cho Chính phủ này. Cụ đã tỏ thái độ dứt khoát. Cụ nói: Ngài cố vấn Vĩnh Thụy được đại diện Pháp vận động đứng ra lập Chính phủ, nhưng với tôi, “chỉ khi nào cụ Hồ Chí Minh yêu cầu tôi về cầm chính quyền thì tôi mới về, vì chỉ có cụ Hồ Chí Minh là tiêu biểu lòng dân Việt Nam mà thôi”1. 
      Ba là: Cụ Bùi Bằng Đoàn có quan điểm quần chúng rất rõ ràng. Đó là mối quan hệ tình sâu nghĩa năng với nhân dân, mối quan hệ xã hội rộng lớn, mối quan hệ cao cả giữa người với người; tỏ rõ lòng thương yêu đối với con người, tôn trọng con người, không bao giờ vác mặt làm quan cách mạng đối với nhân dân. Cụ nói, tôi yêu nhân dân của tôi, vì nhân dân là tất cả; xây dựng, bảo vệ, giải phóng đều do nhân dân tiến hành; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, tôn trọng nhân dân có nghĩa là tôn trọng cách mạng, tôn trọng chính quyền nhân dân và tôn trọng ngay chính bản thân mình. Cử chỉ và hành động của cụ đối với nhân dân còn thể hiện ở tình cảm cách mạng của một chí sĩ yêu nước. Thật hiếm có một ông quan dưới chế độ phong kiến, đế quốc mà lại gắn bó với nhân dân như vậy.
      Có lần, dư luận xã hội lên án cảnh sống cùng cực của dân phu đồn điền cao su Nam Kỳ, Họ bị bóc lột tàn nhẫn. Với cương vị Thượng thư Bộ Hình, Chính phủ Nam Triều đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ để thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Cụ đã đi gần khắp các đồn điền cao su Nam Bộ để thanh tra, xem xét sự việc một cách thấu đáo và viết được một báo cáo chi tiết về những nỗi khổ của công nhân cao su để trình lên Triều đình xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, những kiến nghị của cụ được chấp thuận rất ít, làm cụ thấy buồn bã trong lòng.
      Bốn là: Ở cụ Bùi Bằng Đoàn, người ta dễ nhận thấy tình thương yêu vô bờ bến, thông cảm với nỗi khổ của dân, hết lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân.
      Chuyện kể rằng, khi làm Tri phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thấy nước mặn tràn vào cánh đồng nước ngọt, cụ đã đề xuất và tổ chức thực hiện việc đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn. Từ ngày ngăn được nước mặn đã tạo dựng một vùng lúa mênh mông bát ngát, liên tiếp được mùa mấy năm liền, đời sống nhân dân khấm khá hẳn lên. Nhà nhà đầy ắp lúa gạo. Có lúa gạo, con em nông dân lao động được học hành, thi cử. Lúa tốt, sắn, ngô, khoai cũng tươi tốt. Bãi biển biến thành nương dâu xanh tốt, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn Xuân Trường, Nam Định lúc ấy.  
      Năm  là: Thời gian làm quan tại Nam Triều, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi bật lên là một vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, hết lòng chăm lo đến đời sống nhân dân lao động bần hàn. Chuyện kể rằng, trên công đường ở những nơi cụ làm quan, đều có treo một bảng thông báo: “Nơi đây không nhận quà biếu”. Với những người trong gia đình, cụ ra điều kiện tuyệt đối không được nhận quà biếu; nếu đã trót nhận, thì phải mang đi trả ngay. Cụ có đức tính liêm khiết tuyệt đối, trong sạch của một ông quan đại thần dười Triều Nguyễn và một ông cán bộ cao cấp dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, suốt đời sống giản dị, khiêm nhường, được mọi người quý trọng về đức độ và nhân cách của cụ.
      Đạo đức của cụ Bùi Bằng Đoàn là đạo đức của một bậc văn nhân nơi dân dã, đạo đức của những người lao động. Đạo đức của cụ đã trở thành quy tắc ứng xử giữa con người với con người, tạo nên mối quan hệ thân mật giữa người với người, giữa con người đối với xã hội và giữa xã hội đối với con người. Đó cũng là đạo đức cách mạng. Theo cụ, đạo đức cao nhất là hướng đến việc giải phóng con người, thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa bản chất và hiện tượng. Đạo đức của cụ thể hiện ở lòng trung quân ái quốc, một lòng theo cách mạng.
      Đạo đức của cụ Bùi, không chỉ thể hiện ở những năm, tháng làm việc trong Triều đình Huế, mà còn thể hiện với tư cách, đạo đức của một công dân dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ đã rời quê hương yêu dấu của minh dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai và thử thách, tham gia xây dựng chính quyền mới theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
      Sáu là: Tinh thần vì dân của cụ Bùi Bằng Đoàn còn thể hiện ở mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng với đồng bào, đồng chí của mình. Cụ nhận thức rằng, các sự vật và con người không tồn tại ở ngoài quan hệ. Với cụ, các quan hệ thể hiện nhiều chiều, nhiều góc cạnh, quan hệ trong, ngoài, trên, dưới đều bình đẳng, tất cả đều sống trong tình mến thương chan hòa. Ở cụ, trong quan hệ, tuyệt đối không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Quan hệ của cụ bao giờ cũng là quan hệ ngang bằng, số thẳng, ai cũng như ai; từ người công nhân, nông dân đến các bậc chí sĩ đều như nhau, cho nên đối xử cũng phải thật công tâm, như nhau, cán cân công lý không thể nghiêng về một bên. Đem cái tâm vào mối quan hệ sẽ dẫn đến cái tâm trong cách ứng xử. Đó là mỗi quan hệ mang tính mỹ học mà cụ Bùi đã theo đuổi suốt cả cuộc đời.  
      Bảy là: Vì tận tụy hết lòng với sự nghiệp cách mạng, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nêu tấm gương sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Có một sự kiện đáng ghi nhớ là ngày 26-12-1946, Hội đồng Chính phủ họp phiên mở rộng.  Đên dự có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, các vị Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp,… Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, ai nấy đều tán thành kháng chiến đến cùng để giành lại nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Trong một gian phòng kín, bốn bề im lặng, dưới ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu, sau lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả nắm tay giơ lên, thể hiện tinh thần quyết chiến và quyết thắng, thể hiện “hào khí Đông A” trong thời đại mới. Cuộc hội nghị kéo đến 1 giờ sáng hôm sau. Tại Hội nghị, cụ Bùi phát biểu tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống xâm lược, nhất định giành được thắng lợi hoàn toàn.
      Vào lúc 5 giờ chiều ngày 2-2-1947, cụ Bùi Bằng Đoàn đi họp Hội đồng Chính phủ mở rộng. Hội nghị tiến hành từ lúc 8 giờ tối đến 4 giờ rưỡi sáng ngày 3-2-1947, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị này, cụ Bùi phát biểu về vấn đề kinh tế, tài chính. Cụ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề cán bộ cần nêu tấm gương về tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là một vấn đề trọng đại trong cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.
      Ngày 9-3-1947, cụ Bùi Bằng Đoàn bị lên cơn suyễn, thở khò khè hằng giờ đồng hồ rất khó nhọc. Lúc này, có công việc phải đi Phú Thọ. Anh em khuyên cụ nên ở lại Chinê, Hòa Bình, nhưng cụ nhất quyết không đồng ý ở lại, vì theo cụ, chỉ vài giờ uống thuốc là qua khỏi thôi, việc trọng đại phải đi, không còn cách nào khác. Cụ khuyên mọi người đừng bắt cụ ở lại, bộ máy kháng chiến đang ầm ầm chuyển động, nên mình không thể dừng lại. Chuyến đi công tác này của cụ đã thành công, mặc dù cụ đã phải cố gắng hết sức.
      Ngày 17-6-1947, tại Tân Trào, Tuyên Quang diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ mở rộng. Cuộc họp này kéo dài từ lúc 6 giờ tối đến 1 giờ khuya. Cụ Bùi Bằng Đoàn được mời đến dự họp. Tại cuộc họp này, cụ đề nghị mỗi thành viên trong Chính phủ và thành viên Quốc hội phải tự ý thức được mình, mỗi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ đối với cuộc kháng chiến và kiến quốc. Cụ tán thành Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp về tình hình quân sự trong 6 tháng đầu năm 1947; đồng thời, đề nghị phải tăng cường củng cố hậu phương vững chắc để làm đòn bảy cho tiền phương lập công. Khi họp xong, ra về, cụ Bùi không đi ngựa được phải đi bộ. Gặp lúc trời mưa như trút nước, quần áo ướt hết, cụ bị cảm lạnh, nhưng vẫn gắng sức mà đi, nói rằng, kháng chiến mà, trời mưa như thế này vẫn không vất vả bằng các chiến sĩ xông nơi trận tiền, đánh quân xâm lược, và cụ khuyên mọi người ở hậu phương hãy thi đua với tiền phương, cùng nhau giết giặc, cứu nước. Tầm gương của cụ là như vậy đó.    
      Còn có thể kể ra đây nhiều hình ảnh sinh động về cụ Bùi Băng Đoàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
      Cụ Bùi Bằng Đoàn là người sống tình nghĩa vẹn toàn. Cụ hoàn toàn tin tưởng vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Pháp xâm lược, hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn.
      Năm 1947-1948, cụ Bùi Bằng Đoàn hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Thời gian này, cụ bị bệnh bán thân bất toại, phải đưa về Liên khu III điều trị. Trong thời gian điều trị, cụ vẫn theo dõi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược và đóng góp được nhiều ý kiến với Đảng và Nhà nước về cuộc kháng chiến này. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất mến mộ tài năng và đạo đức của cụ và đã mời cụ làm cố vấn đặc biệt.
      Ngày 13-4-1955, cụ Bùi qua đời do bị chảy máu não. Nhà nước làm lễ Quốc tang cụ rất trọng thể và dự định an táng cụ tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Nhưng cụ trước khi về cõi vĩnh hằng đã yêu cầu được chôn cất tại quê hương, làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Về tài sản của gia đình cụ, ngoài ba gian nhà nhỏ ở chốn hương thôn, cụ không có một ngôi nhà nào khác ở Hà Nội hay ở những nơi đã từng làm việc. Khi mất, cụ không để lại một tài sản nào cho 10 người con, 8 gái, hai trai.    
      Con người ấy đã đi vào lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam!
   ------
  * Báo cáo Khoa học tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia: “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19-9-1889-19-9-2019), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Văn phòng Quốc hội – Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội, ngày 9-9-2019.
   1. Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, in trong “Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 545.