Mới cập nhật

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH - QUY LUẬT PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG

 Tu phe binh va phe binhPGS,TS Đức Vượng*


.

Đặt vấn đề về tự phê bình và phê bình:




Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI (Số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu 4 nhóm giải pháp về xây dựng Đảng. Nhóm giải pháp thứ nhất nêu vấn đề “tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên”. Các nghị quyết trước về xây dựng Đảng, cũng đặt vấn đề tự phê bình và phê bình, nhưng nhấn mạnh đến tự phê bình và phê bình ở cấp cơ sở. Lần này, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhấn mạnh đến tự phê bình và phê bình đối với cấp trên. Với cách đặt vấn đề này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến các cấp ủy địa phương và ngành tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng. Theo đó, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá, liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. “Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”(1). Đây có thể được xem như điểm sáng, mới của một nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới.





Trong Đảng, tự phê bình và phê bình là phương pháp cải tạo mang tính chất cách mạng của Đảng. Còn trong xã hội, tự phê bình và phê bình cũng là phương pháp hoạt động của toàn dân, là một trong những động lực thúc đẩy xã hội phát triển, là nguyên tắc giáo dục và tự giáo dục của con người về mặt đạo đức. Thông qua tự phê bình và phê bình mà tạo ra những cái mới, tiến bộ, khắc phục những trở ngại trên bước đường đi lên của xã hội; giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, nội tại, mang lại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chính vì vậy mà các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đều xem tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng.





Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Người nói: “Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, giúp nhau tiến bộ”(2). “Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(3).





Phê bình và tự phê bình có ý nghĩa ngày càng lớn trong điều kiện hiện nay do quy mô và tính chất phức tạp của những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới ngày càng tăng, do việc chuyển sang chủ yếu là các nhân tố phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước, sang việc nâng cao hiệu quả và chất lượng của toàn bộ công tác.



Thực trạng và nguyên nhân của vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng:


Có một vấn đề mà nhiều cán bộ, đảng viên băn khoăn là trải qua nhiều lần sinh hoạt đảng các cấp, vấn đề tự phê bình và phê bình đều được đặt ra bằng việc tự kiểm điểm của cấp ủy, đảng viên và góp ý, phê bình của chi bộ, cấp ủy đối với từng cán bộ, đảng viên, nhưng tình hình trong Đảng vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản. Nhiều tổ chức đảng từ cấp trung ương đến cấp địa phương và cơ sở vẫn rơi vào tình trạng mất đoàn kết, bằng mặt, không bằng lòng, phe cánh, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm phát sinh. Việc bình bầu, tự chấm điểm và chấm điểm tư cách đảng viên thông qua bỏ phiếu kín chỉ là hình thức, không phản ánh đúng thực chất.


Chưa tạo được sự chuyển biến thật sự về tự phê bình và phê bình, trong đó có tự phê bình và phê bình ở lãnh đạo cấp cao, chưa trở thành nền nếp trong sinh hoạt đảng. Một đồng chí lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, kể rằng, vào khoảng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định là hằng tháng, vào ngày mồng một và ngày rằm âm lịch (những ngày này thường gọi là ngày “sóc vọng”. Ngày này, vị trí của Mặt trăng và nói chung của một hành tinh giao hội hoặc xung đối với Mặt trời), mời các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đến nhà sàn của Người trong Chủ tịch Phủ, ăn bánh, uống trà thơm; đồng thời, từng đồng chí tiến hành tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh xin nhận tự kiểm điểm trước. Làm được mấy lần, rồi không tiếp tục nữa, vì không ai hào hứng, “dãn ra”. Người buồn và nói: “Thế là mất cả bánh lẫn trà ngon, mất cả chì lẫn chài”. Người cộng sản Việt Nam, thường khi đối mặt với kẻ thù, thì rất có dũng khí, quyết liệt, không bao giờ chịu khuất phục, nhưng khi đối mặt với đồng chí của mình, thường e dè, nể nang, hữu khuynh, dĩ hòa vi quý, nhiều khi phê bình chỉ lướt nhẹ như ngón tay của người nhạc sĩ lướt trên phím đàn.




Tình hình đó có những nguyên nhân: (1) Ý thức tự phê bình của từng cán bộ, đảng viên chưa thành khẩn, trung thực, thiếu dũng khí nhận khuyết điểm. (2) Phần phê bình vẫn còn nể nang, xuê xoa, chung chung, lấy lòng nhau hoặc khi vấn đề đã trở nên bức xúc, thì phê phán nhau quyết liệt, làm mất đi tình đồng chí, thậm chí tình người. (3) Nhận thức về tự phê bình và phê bình không đúng, không xem tự phê bình và phê bình là giải quyết mâu thuẫn nội bộ đơn vị, cơ quan, đoàn thể, chứ không phải biến nó thành đối kháng, đả kích nhau.



Cần khắc phục hiện tượng không đúng về tự phê bình và phê bình:


Hiện nay, nhiều người chưa quan niệm đúng về tự phê bình và phê bình, dẫn đến tình trạng thiên về đả kích nhau. Tự phê bình là từng cá nhân thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa. Phê bình là từng cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, thì chân thành nói cho người đó biết để người đó sửa chữa, tiến bộ; đồng thời, cũng để người khác biết mà tránh những vi phạm tương tự như đồng chí của mình đã mắc phải.


Trong lịch sử Đảng ta, khi kiểm điểm thành tích, có người trong khi phê bình đã phủ nhận sạch trơn cải cách ruộng đất (1953-1956), cho rằng, cải cách ruộng đất là sai 100%. Nhận thức này không đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cải cách ruộng đất căn bản thắng lợi, gần 8 triệu nông dân có ruộng cày, hơn 386 vạn nông dân đã vào nông hội, 14 nông giang lớn và 3.600 cây số đê đã được xây đắp, tu bổ”(4). Trong giai đoạn miền Bắc khôi phục kinh tế (1955-1957), có người cũng phủ nhận sạch trơn những thành quả của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta đã khôi phục nhiều xí nghiệp cũ và xây dựng một số nhà máy mới, đã lắp đặt hơn 500 cây số đường xe lửa. Nhiều trường học được mở thêm, chỉ trong mấy tháng đã hơn 2 triệu đồng bào thanh toán nạn mù chữ”(5). Tuy nhiên, “khuyết điểm chắc cũng có nhiều”(6). “Đảng và Chính phủ ta rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và có quyết tâm sửa chữa”(7).




Phê bình khác với đả kích. Đả kích là phát biểu với thái độ gay gắt, khuếch đại vấn đề, có tính soi mói, không mang tính xây dựng, mà mang tính thù hằn cá nhân. Phê bình cũng khác với đả phá. Đả phá là công kích nhau bằng lời nói, dư luận, lôi ra toàn những mặt xấu, vô căn cứ, nhằm phủ nhận tất cả, không mang tính chất xây dựng, mà mang tính chất đả phá nhau. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Vì vậy, phê bình phải có thái độ thành khẩn, mang tính chất xây dựng để cho từng người một nhận rõ khuyết điểm của mình để sửa chữa, tiến bộ.



Trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có giai đoạn Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc phê bình nhau rất gay gắt xoay quanh vấn đề “xét lại” và “chân chính”. Do không nắm vững được những nguyên lý phê bình của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã dẫn đến tình trạng không phải là phê bình, mà là đả kích nhau, nói xấu nhau trên diễn đàn quốc tế. Rút cục, không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm rắc rối thêm vấn đề, làm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bị tổn thương.




 

Phương pháp tự phê bình và phê bình:
Phương pháp thể hiện cách thức tự phê bình và phê bình. Cách thức tự phê bình và phê bình là phải tiếp cận cả hai mặt của một vấn đề trong một con người. Ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Không có con người hoàn hảo tuyệt đối. Chỉ có con người hoàn hảo tương đối. Có người biểu lộ nhiều ưu điểm, có người biểu lộ nhiều khuyết điểm. Vấn đề của phê bình là để giúp người cán bộ, đảng viên chuyển từ nhiều khuyết điểm sang nhiều ưu điểm. Đây chính là quy luật của tự phê bình và phê bình.

Phải tránh hiện tượng phê bình ẩu, phê bình vu vơ, phê bình suông. Khi phê bình, cần xét nguyên nhân của khuyết điểm, cân nhắc ưu điểm. Tự phê bình phải đề ra cách sửa chữa. Phê bình phải giúp người có cách sửa chữa khuyết điểm. “Cho nên khi phê bình, chúng ta cần phê bình một cách thiết thực và đề nghị phương pháp sửa chữa hợp lý. Phê bình và giúp đỡ sửa chữa, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta”(1).


Trong phương pháp tự phê bình và phê bình, có vấn đề phê bình từ dưới lên hay phê bình từ trên xuống? Có người đã nói, hiện nay, chúng ta mới chỉ tắm từ vai xuống. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tắm từ đầu xuống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, đặt vấn đề tự phê bình và phê bình của cấp trên, tức là từ Trung ương trở xuống. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy địa phương, cấp ủy bộ, ngành, những người đứng đầu các ban cán sự đảng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tính tiền phong, gương mẫu, thì toàn Đảng sẽ nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu. Tấm gương bao giờ cũng là sự phản chiếu đối với mọi người.




Áp dụng cả hai phương pháp tự phê bình và phê bình từ dưới lên và tự phê bình và phê bình từ trên xuống đều đúng đắn trong sinh hoạt đảng.



Để đưa vấn đề tự phê bình và phê bình vào trong các hoạt động của Đảng:


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(8).




Trong điều kiện của công cuộc đổi mới hiện nay, nơi mà các quá trình phát triển của xã hội không còn những mâu thuẫn đối kháng, thì sự hình thành những cái mới, cái tiến bộ diễn ra là đương nhiên. Tuy nhiên, ở đây, việc khẳng định cái mới, khắc phục những trở ngại trên bước đường đi lên của nó cũng chỉ có thể thực hiện được thông qua việc giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nội bộ, nội tại bằng tự phê bình và phê bình, bằng đấu tranh ý kiến tư tưởng; đấu lý, nhưng khi giải quyết bằng tự phê bình và phê bình, thì phải kết hợp giữa lý và tình; nghiêng về một mặt nào đó, đều đổ.



Trong Đảng và trong xã hội, các quan hệ xã hội, các nguyên tắc sinh hoạt đảng, mục đích và nhiệm vụ của sự phát triển xã hội quy định nội dung, tính chất, hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình. Đảng phê bình những cán bộ, đảng viên tự phụ, kiêu căng, quan liêu, không chịu tiếp thu phê bình. Đảng hoan nghênh những người tiếp thu ý kiến phê bình một cách nghiêm túc, chân thành.




Muốn đạt được những hiệu quả thiết thực về tự phê bình và phê bình, cần thực hiện những giải pháp sau đây:



Một là: Phải xây dựng quan điểm, nhận thức đúng đắn về phê bình và tự phê bình. Đó là sự sàng lọc tư tưởng, sửa chữa khuyết điểm, tạo ưu điểm mới, tiến bộ của bản thân và của tổ chức, tập thể đơn vị, cơ quan, đoàn thể.


Hai là: Xây dựng ý thức khoa học trong khi phê bình mình cũng như phê bình người; ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm, bớt, không đơm đặt, không dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc, phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, phê bình việc làm, chứ không phê bình người, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.


Ba là: Phải coi tự phê bình và phê bình là phương tiện để đánh giá lại bản thân mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi đoàn thể, qua đó, mà rút ra những kinh nghiệm để khắc phục khuyết điểm và phát huy ưu điểm, phủ nhận cái cũ đã lạc hậu, lỗi thời và khẳng định cái mới đang có mầm mống phát triển.


Bốn là: Thông qua tự phê bình và phê bình để giải quyết những phức tạp nảy sinh trong Đảng và trong xã hội; góp phần loại trừ chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.Thông qua tự phê bình và phê bình mà góp phần làm hạn chế nạn quan liêu, tệ tham nhũng, nói không đi đôi với làm, nội bộ không đoàn kết, trù úm, mất dân chủ, sinh hoạt không gương mẫu, lành mạnh, chủ trương, quyết sách không rõ ràng.


Năm là: Có sự kết hợp hài hòa giữa tự phê bình và phê bình với phản biện xã hội. Thực ra, phản biện xã hội cũng là một dạng của phê bình. Phản biện phải nêu hai mặt của một vấn đề với ý thức tôn trọng và xây dựng.


Sáu là: Thái độ đối với phê bình, sự tiếp thu phê bình một cách đúng đắn và đáp lại một cách thiết thực, là hòn đá thử vàng để đánh giá độ trưởng thành về chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị, cơ quan, đoàn thể.


Bảy là: Thông qua tự phê bình và phê bình mà củng cố nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, bao gồm nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật; kết nạp những người ưu tú, thải loại những người thoái hóa, biến chất; xây dựng nếp sinh hoạt lành mạnh trong Đảng và đoàn thể; Đảng giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân.




Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và có phương pháp đúng, hy vọng vấn đề tự phê bình và phê bình phải trở thành nếp sinh hoạt lành mạnh trong Đảng và trong xã hội, như trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã đặt ra.

*****


Chú thích:

* Bài đăng Tạp chí Công an Nhân dân, số ra kỳ 1, tháng 7-2012. Nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng, Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH).

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 29.

2,4,5,6,7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 222,223.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 250.