Mới cập nhật

Hà Huy Tập - Tổng bí thư của Đảng


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa xuất bản lần thứ hai cuốn sách: "Hà Huy Tập Tổng Bí thư của Đảng", nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Ông (24-4-1906-24-4-2016). Cuốn sách này do PGS,TS Đàm Đức Vượng, nguyên Chuyên viên nghiên cứu Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực - ISSTH, biên soạn và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuất bản lần đầu vào tháng 1-2000.
Sau 16 năm, cuốn sách được xuất bản lần thứ hai. Bản thảo xuất bản lần thứ hai đã được sửa chữa, bổ sung khi đã có thêm tài liệu mới về Hà Huy Tập. Qua việc xuất bản lần thứ hai cuốn sách này, chứng tỏ Tỉnh ủy Hà Tĩnh rất quan tâm đến giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân tỉnh nhà, nhất là cho các thế hệ trẻ.
Với bút pháp diễn đạt kết hợp giữa sử và văn, vừa thể hiện bút pháp sử học, vừa trình bày bằng bút pháp văn học, cuốn sách có sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với bạn đọc từ đầu đến cuối.
1. Hà Huy Tập là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936 đến năm 1938. Ông sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc (có lúc gọi là làng Kim Nạch), tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, Hà Huy Tập bắt đầu đi học trường xã. Năm 1917, cậu học xong lớp 3 ở trường xã. Muốn học tiếp, phải vào trường của tỉnh lỵ. Vì nghèo túng, gia đình không thể gửi Hà Huy Tập ra tỉnh lỵ học. Mất mấy tháng, Hà Huy Tập phải ngừng học, ở nhà giúp mẹ làm công việc đồng áng. Năm 1914, người cha qua đời, càng đẩy gia đình Hà Huy Tập vào tình cảnh khó khăn. Nhưng, cũng may, có lần, có người khách đến nhà, qua trò chuyện và thử nét chữ, người khách thấy Hà Huy Tập viết chữ rất đẹp, liền đưa cậu lên tỉnh lỵ Hà Tĩnh để dạy cho con người khách đó học. Ra tỉnh lỵ (thị xã Hà Tĩnh, nay là thành phố Hà Tĩnh) vào một ngày cuối tháng 9-1917. Từ đây, "vị gia sư" Hà Huy Tập vừa là thầy giáo, vừa là học sinh. Cậu tiếp tục học bậc tiểu học ở tỉnh lỵ từ năm 1917 đến năm 1919. Năm học 1919, nhà trường mở đợt thi tuyển những học sinh giỏi để xét cấp học bổng. Hà Huy Tập trúng tuyển với số điểm cao, được cấp học bổng mỗi tháng 8 đồng Đông Dương. Cậu đem số tiền này nộp xin học lớp thành chung Trường Quốc học Huế. Nhưng vì, ngoài số tiền nộp 8 đồng Đông Dương, còn phải nộp thêm các khoản tiền khác là 250 đồng Đông Dương. Bà mẹ đi vay khắp nơi, nhưng chẳng vay được, vì cả tổng Thổ Ngọa lúc ấy đều nghèo rớt mồng tơi. Anh đành phải buông bút. Không học lên được, anh xin làm giáo viên một trường tiểu học ở thị xã Nha Trang, sau đổi về dạy ở Trường Cao Xuân Dục, thành phố Vinh, với mức lương 42 đồng Đông Dương mỗi tháng.
Năm 1923, Hà Huy Tập nảy sinh tư tưởng yêu nước nhờ đọc sách, báo tiến bộ lúc ấy từ Pháp mang sang Việt Nam. Đặc biệt, giai đoạn 1924-1927, qua những sách, báo cách mạng từ Pháp gửi sang và sách báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người mở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc, Hà Huy Tập tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và giác ngộ cách mạng từ đây. Trong bản "Tiểu sử tự thuật", Hà Huy Tập viết: "Năm ấy (1926-ĐĐV), tôi đã đọc những tờ báo, những cuốn sách viết về chủ nghĩa cộng sản. Những sách, báo này, tôi nhận từ bên Pháp gửi sang. Lúc đó, một xu hướng mới bắt đầu có trong đời tôi, xu hướng chủ nghĩa cộng sản. Khi đó, tôi hiểu những động lực chính của cách mạng là những ai. Từ ngày đó, tôi có thể thấy rõ vai trò cách mạng của giai cấp vô sản, và đúng vậy, chính vì nó mà tôi lao vào đời sống chính trị"(1).
Mùa thu năm 1926, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt2, một tổ chức yêu nước, hoạt động bí mật ở Vinh và một số địa phương ở Trung Kỳ. Tại Vinh, Hà Huy Tập lao vào hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Tháng 3-1927, Hà Huy Tập rời Vinh, vào hoạt động tại Sài Gòn. Đến Sài Gòn, Anh xin vào dạy tại Trường tiểu học tư thục "An Nam học đường". Tại Sài Gòn, Anh vừa dạy học, vừa hoạt động bí mật; len lỏi trong các xóm nghèo, xóm thợ, trà trộn trong hàng ngũ trí thức Sài Gòn để gây dựng các cơ sở cách mạng. Anh đã tổ chức thành công nhiều cuộc bãi công của công nhân và bãi khóa của học sinh.
Ngày 16-1-1928, Hà Huy Tập kết hôn với Nguyễn Thị Giáo, một nữ sinh Trường Đồng Khánh ở Huế. Hai người đã sinh được một người con gái đặt tên là Hà Thị Thúy Hồng.
Vào tháng 1-1928, Hội Hưng Nam họp Hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Huy Tập dự Hội nghị này với tư cách Bí thư Ủy ban địa phương của Hội ở Nam Kỳ. Hội nghị bàn việc hợp nhất giữa Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (còn gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - gọi tắt là Thanh Niên). Hà Huy tập tán thành chủ trương hợp nhất.
Lúc này, Hội Hưng Nam đã đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (còn gọi là Đảng Tân Việt). Tháng 12-1928, Đảng Tân Việt cử Hà Huy Tập và Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu, Trung Quốc để gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lúc đó đang ở Quảng Châu. Không gặp được Tổng bộ Thanh Niên, Hà Huy Tập tiếp tục ở lại Quảng Châu để học tập và hoạt động.
Từ Quảng Châu, Hà Huy Tập đi Thượng Hải, và từ Thượng Hải, Anh đi Mátxcơva, Liên Xô để vào học tại Trường Đại học Phương Đông, nơi đào tạo cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Ngày 24-7-1929, Hà Huy Tập bắt đầu vào học Trường Đại học Phương Đông. Nhà trường đón Anh, một sinh viên 23 tuổi, người Việt Nam, tràn đầy sức sống. Anh nhận tấm thẻ số 4917 mang tên Xinhikin với tư cách là sinh viên của một trường đại học của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva.
Trong những ngày Hà Huy Tập học tập tại Trường Đại học Phương Đông, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập vào ngày 3-2-1930 và đến tháng 10-1930, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy không tham gia vào quá trình thành lập Đảng, nhưng Anh theo dõi sát tình hình và có những đánh giá về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau 3 năm học tập tại Trường Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập tốt nghiệp vào loại khá. Ngày 30-4-1932, Hà Huy Tập rời Liên Xô để trở về Việt Nam. Trên đường về Việt Nam, phải qua Pháp. Nhưng đến Pháp, cánh sát Pháp nghi ngờ Anh, buộc Anh phải trở lại Liên Xô, không cho Anh về Việt Nam. Những ngày ở Liên Xô, Anh tập trung viết cuốn "Sơ thảo Lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương". Cuốn sách mang tính tổng kết ba năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Đông Dương). Cuốn sách này, Anh viết bằng tiếng Pháp, với bút danh Hồng Thế Công.
Một hôm, có một cán bộ của Quốc tế Cộng sản đến gặp Hà Huy Tập, thông báo cho Anh biết tổ chức đã thu xếp để cho Anh trở về Việt Nam qua con đường Trung Quốc. Anh rời cảng Vlađivôxtốc của Liên Xô vào một ngày của năm 1934 để trở về Phương Đông. Vào một ngày của tháng 4-1934, Hà Huy Tập về đến Ma Cao và từ Ma Cao, Anh đi Thượng Hải. Tại Thượng Hải, Anh gặp Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn (Tú Hưu), họ đang ở Thượng Hải để chuẩn bị đi Liên Xô dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản sẽ họp vào năm 1935, tại Mátxcơva. Theo hồi ký "Đi họp Quốc tế Cộng sản" của Tú Hưu, thì tại Thượng Hải, Hà Huy Tập đứng ra tổ chức đám cưới cho hai nhà cách mạng trẻ tuổi: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
Người đứng đầu Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương ở ngoài nước là Lê Hồng Phong lên đường đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Trước sự thiếu vắng của Lê Hồng Phong, Đảng đã bổ sung Hà Huy Tập vào Ban lãnh đạo, trở thành người chủ trì của Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (Ban Chỉ huy ở ngoài - văn kiện lúc ấy viết tắt là "BCHON"). Công việc đầu tiên mà Hà Huy Tập thực hiện ở ngoài nước là cùng với Phùng Chí Kiên dự thảo các văn kiện để chuẩn bị họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (gọi tắt là Đại hội I của Đảng).
Sau một thời gian chuẩn bị về nội dung, nhân sự, tổ chức, Đại hội I của Đảng họp tại Ma Cao từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, dưới sự chủ trì của Hà Huy Tập. Đại hội thảo luận và thông qua các văn kiện, vạch đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội, theo gợi ý của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 26-7-1936, tại Thượng Hải, có ý nghĩa bước ngoặt đối với Hà Huy Tập. Anh cho rằng, Nghị quyết của Hội nghị đã bổ khuyết cho các nghị quyết của Đại hội I của Đảng. Nó thật sự mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới. Hội nghị bầu Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau Hội nghị Trung ương, tháng 7-1936, Hà Huy Tập quyết định rời Trung Quốc về nước hoạt động. Tại trong nước, Anh đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển các tổ chức của Đảng.
Ngày 14-7-1938, bị chỉ điểm báo, mật thám Pháp mai phục bắt Hà Huy Tập trong lúc Anh đang hoạt động ở Sài Gòn. Ngày 22-10-1940, Tòa án thực dân tại Sài Gòn kết án Anh 5 năm tù, "tước quyền công dân và chính trị, 10 năm không được sống ở các vùng có âm mưu lật đổ".
Sau mấy tháng cùm kẹp, ngày 28-8-1941, tại Hóc Môn, Gia Định, thực dân Pháp đã đưa Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai,... ra bắn. Súng nổ. Hà Huy Tập và các nhà lãnh đạo cách mạng Đông Dương ngã xuống.
Hà Huy Tập ra đi ở độ tuổi 35, tuổi đang tràn đầy sức sống. Anh đi vào cõi vĩnh hằng một cách thản nhiên với tiếng hô: "Cách mạng muôn năm!". Khí phách nhà cách mạng Hà Huy Tập chứa đựng trong lời hô đó. Thái độ của Anh đối với cách mạng lúc nào cũng tận tâm và tin tưởng. Anh hiểu rằng, muốn thắng lợi, cách mạng đòi hỏi phải sẵn sàng hy sinh, chiến đấu.
Bốn năm sau, kể từ khi Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngã xuống, Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
2. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hà Huy Tập nổi lên là một nhà lý luận tầm cỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương:
Lý luận của Hà Huy Tập thể hiện ở khả năng tổng kết phong trào cộng sản Đông Dương và tổng kết lý luận của Đảng. Ông đặc biệt phân tích sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Đông Dương, phong trào cách mạng Việt Nam và sự cần thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất ở Việt Nam, một đảng tiên phong cho những người lao động bị áp bức ở Đông Dương và để tập trung mọi lực lượng cách mạng nhằm tranh đấu cho tự do, độc lập của xứ sở, cho ruộng đất và cho việc cải thiện đời sống của nhân dân lao động.
Lý luận của Hà Huy Tập nhấn mạnh đến tính thống nhất của phong trào cộng sản Đông Dương. Nếu Đảng Cộng sản Đông Dương bị chia rẽ, bè phái bởi chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa cải lương, thì Đảng sẽ phát sinh mâu thuẫn bởi không có sự thống nhất. Ông nhận định rằng, thiếu một Đảng Cộng sản thống nhất trong lúc phong trào quần chúng của công nhân và nông dân càng ngày càng lớn là một nguy cơ cực kỳ trầm trọng cho tương lai trước mắt của cách mạng Đông Dương. Ông nêu những điều kiện để thống nhất và phát triển phong trào cộng sản và phong trào cách mạng ở Đông Dương là phải cải thiện thành phần xã hội của Đảng Cộng sản ở Đông Dương; phải là một Đảng có tính chất quần chúng; nhất thiết Đảng đó phải cầm đầu phong trào cách mạng; Đảng phải có cương lĩnh chính trị phù hợp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn rõ về Hà Huy Tập. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng (1951), Người nói: "Các đồng chí như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay"(4). Một đoạn khác của Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng, khi nêu một số vấn đề chưa sát với tình hình thực tế trong chính sách của Đại hội I của Đảng, trong đó có vấn đề chưa nhận rõ nhiệm vụ chống phát xít và nguy cơ chiến tranh phát xít, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Năm 1936, trong cuộc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập sửa chữa những sai lầm ấy và định lại chính sách mới, dựa theo những nghị quyết của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (lập Mặt trận Dân chủ, Đảng hoạt động nửa bí mật, nửa công khai...)(5)".
Về phương pháp nghiên cứu lý luận, Hà Huy Tập bao giờ cũng gắn với thực tiễn cách mạng Đông Dương, xông thẳng vào thực tiễn, mổ xẻ thực tiễn để qua đó mà tổng kết phong trào cộng sản và phong trào cách mạng ở Đông Dương. Với Ông, phương pháp chỉ đúng khi nó được gắn bó chặt chẽ với lý luận, với đời sống thực tiễn và nó chỉ có một nhận thức chung nhất là phép biện chứng duy vật. Cơ sở khách quan của phương pháp biện chứng là những quy luật phát triển của cách mạng, nhằm cải tạo thế giới, cải tạo xã hội từ trạng thái áp bức và bất công sang trạng thái mọi người dân đều có quyền làm chủ xã hội và công bằng xã hội. Ông cho đó là phương pháp đúng đắn nhất trong nghiên cứu lý luận cách mạng.
Hà Huy Tập là một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Lý luận của Ông thể hiện trong các văn kiện do Ông soạn thảo, trong các bài viết, bài bút chiến, nhất là trong cuốn sách "Sơ thảo Lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương". Ngòi bút sắc nhọn của Ông mang tính luận chiến cao, thực sự là vũ khí chiến đấu. Ông quen đánh vỗ mặt, đánh trực diện vào đối phương, làm đối phương lúng túng, khó đường xoay xở. Nhiều người hoạt động cách mạng giai đoạn 1935-1941 hết lời ca ngợi tài bút chiến, trận thư hùng của tác giả Hồng Thế Công, Hồng Quy Vít, Xinhikin, Thanh Hương,... nhằm vào tim, vào óc của đối phương mà bắn. Hà Huy Tập đã chiến thắng bằng ngòi bút, bằng ý chí và lòng dũng cảm.
Tính từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng đến lúc hy sinh đối với Hà Huy Tập chỉ diễn ra trong vòng 15 năm, xông xáo, học tập, nghiên cứu lý luận, hoạt động cách mạng thực tiễn, Hà Huy Tập đã trưởng thành: từ nhà yêu nước trở thành nhà cách mạng, từ người cộng sản trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Suốt đời Ông chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Hà Tĩnh vô cùng tự hào vì có những nhà cách mạng bản lĩnh như Trần Phú, Hà Huy Tập...
Bài và ảnh Quỳnh Anh
*****
Chú thích:
1. Theo bản "Tiểu sử tự ghi" của Xinhikin (Hà Huy Tập), tài liệu của Đức Vượng mang về Việt Nam từ Liên Xô trước đây.
2. Hội Phục Việt sau đổi tên thành Hội Hưng Nam. Sau đó, Hội Hưng Nam còn đổi tên là Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội, Tân Việt Cách mạng Đảng. Ngày 1-1-1930, những người phái tả trong Tân Việt Cách mạng Đảng đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
3. Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938. Người thay Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư là Nguyễn Văn Cừ.
Hà Huy Tập nói "Cố đồng chí Nguyễn Ái Quốc" vào năm 1933, bởi vì báo chí lúc ấy đưa tin Nguyễn Ái Quốc đã mất trong tù.
4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.159-160, 155-156.