Mới cập nhật

NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CỦA GS ĐẶNG XUÂN KỲ VÀO CÔNG TÁC LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HĐLLTW(*)

200px-dangxuanky

GS Đặng Xuân Kỳ


PGS,TS Đàm Đức Vượng

(Nguyên Chuyên viên nghiên cứu Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương)

Nhà khoa học đi lên từ một người lính

Tôi vinh dự được làm quen và làm việc với GS Đặng Xuân Kỳ qua sự giới thiệu của thân phụ GS: nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh. Số là, ngày 21-1-1976, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương Hà Huy Giáp ký Quyết định số 29/QĐ-LSĐ, tiếp nhận tôi, từ một phóng viên báo chí chuyên nghiệp, về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Lúc ấy, Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương là đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị. Hôm tôi đến nhận công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, vừa bước vào phòng khách, tình cờ được gặp đồng chí Trường Chinh cũng đang ngồi ở đấy. Tôi đứng dậy chào Đồng chí. Đồng chí hỏi tôi là về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương đã lâu chưa? Tôi thưa với đồng chí Trường Chinh là hôm nay, ngày đầu tiên, cháu đến làm việc tại Ban. Đồng chí nắm chạt tay tôi, nói: "Tốt lắm, hãy cố gắng". Vài tháng sau, tôi đang làm việc tại Cơ quan thì nhận được điện thoại của GS Đặng Xuân Kỳ mời tôi đến nhà chơi. GS Đặng Xuân Kỳ thân mật nói với tôi: "Cụ Trường Chinh có nói là chú mới về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương và Cụ muốn tôi giúp chú về phương pháp nghiên cứu lịch sử Đảng". Tôi vô cùng ngạc nhiên và phấn khởi trước sự quan tâm của đồng chí Trường Chinh, tỏ lòng biết ơn đồng chí Trường Chinh và GS Đặng Xuân Kỳ. Qua đó, tôi nhận ra là đồng chí Trường Chinh rất chú trọng đến việc đào tạo cán bộ nghiên cứu lý luận và cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng. Từ đấy, tôi được làm quen với GS Đặng Xuân Kỳ

Ngày 20-11-1980, Bộ Chính trị khóa IV ra Nghị quyết số 32-NQ/TW, về việc thành lập Viện Mác - Lênin (Ngày 5-5-1992, Ban Bí thư khóa VII ra Quyết định số 29-QĐ/TW, về việc đổi tên Viện Mác - Lênin thành Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - gọi tắt là Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh), bao gồm Ban Nghiên cứu Lý luận Trung ương, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương và bộ phận xuất bản sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh,... của Nhà Xuất bản Sự thật (nay là Nhà Xuất bản Chính trj quốc gia - Sự thật). Chức năng, nhiệm vụ của Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh gần giống với chức năng của Hội đồng Lý luận Trung ương hiện nay. Viện trưởng Viện Mác - Lênin lúc đầu là GS Nguyễn Vịnh, sau khi đổi tên thành Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh thì GS Đặng Xuân Kỳ làm Viện trưởng. Sau khi Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh được thành lập, tôi được điều về làm Trưởng Ban Nghiên cứu, rồi Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trực thuộc Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh. Từ đấy, tôi được làm việc cùng Cơ quan với GS Đặng Xuân Kỳ. Ngày 30-10-1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ra Quyết định số 06-QĐ/TW, về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương (khóa I), do GS Nguyễn Đức Bình làm Chủ tịch. GS Đặng Xuân Kỳ là một trong những Ủy viên Hội đồng. Nhiệm kỳ của Hội đồng này là 5 năm(theo khóa Đại hội Đảng). Ngày 10-11-2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Quyết định số 13-QĐ/TW, về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương (khóa II), do GS,TS Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chủ tịch Hội đồng. GS Đặng Xuân Kỳ là Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên trách. GS,TS Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Bí thư của Đảng khóa XI và khóa XII, là một nhà lãnh đạo Đảng rất có văn hóa và có trình độ chính trị cao. Phương pháp công tác của Anh thường là gợi mở, chứ không mệnh lệnh, lãnh đạo bằng uy tín chứ không lãnh đạo bằng uy quyền. Phương pháp này thể hiện nhân cách văn hóa của Anh trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Ngày 14-10-2002, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định số 12-QĐ/HĐLLTW, tiếp nhận tôi, Vụ trưởng Ban Cán sự Đảng ngoài nước (nay là Đảng ủy ngoài nước) về làm Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách, sau là Chánh Văn phòng của Hội đồng Lý luận Trung ương. Từ đấy, tôi lại được làm việc với GS Đặng Xuân Kỳ. Trụ sở của Hội đồng lúc ấy ở số nhà 63, phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Trụ sở này, ngoài cửa chính, còn có cửa số 2, phố Nguyễn Cảnh Chân (Trụ sở hiện nay của Hội đồng là số nhà 57, phố Phan Đình Phùng, Hà Nội). Tôi nhớ tuần nào GS Đặng Xuân Kỳ cũng đến phòng làm việc của tôi 2- 3 lần; có tuần, ngày nào Anh cũng đến phòng làm việc của tôi để trao đổi vấn đề học thuật và nghiên cứu lý luận. Có hôm, chúng tôi ngồi tranh luận với nhau đến 8 - 9 giờ tối mới về. Hôm sau, Anh đến phòng làm việc của tôi, nói rằng, hôm qua mình về nhà, vợ phàn nàn là canh cơm đã nguội ngắt. GS Đặng Xuân Kỳ tuy không có nhiều kinh nghiệm làm công tác cán bộ, nhất là việc bổ nhiệm cán bộ, nhưng bù vào đấy, Anh lại có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, nên làm việc với nhau cũng hợp "gu".

GS Đặng Xuân Kỳ sinh ngày 2-9-1931. Quê quán làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Anh là chắt của ông Đặng Xuân Bảng (1827-1910, đỗ TS khoa Bính Thìn - 1856, từng làm Giám sát Ngự sử dưới Triều Vua Tự Đức và được Triều đình Nguyễn bổ nhiệm qua nhiều chức vụ, từ tri huyện, án sát, bố chánh đến tuần phủ, đốc học ở nhiều địa phương khác nhau); là cháu của nhà nho Đặng Xuân Viện (bút danh là Thiện Đình - 1880-1958, một người thuộc làu kinh sử, viết sách, báo rất nhiều; người đã 4 lần vào trường thi, nhưng chỉ đỗ tam trường - đỗ tam trường là vòng thi thứ ba trong kỳ thi hương dưới chế độ phong kiến); là con trai trưởng của nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu - 1907-1988, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhà lý luận của Đảng, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, nguyên Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam).

Có lần GS Đặng Xuân Kỳ nói chuyện với anh chị em trong Cơ quan Hội đồng Lý luận Trung ương là Anh đã đi lên từ một người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, thật gian nan, vất vả. Đúng vậy, năm 1950-1956, GS Đặng Xuân Kỳ vào bộ đội, phục vụ ở binh chủng pháo binh, sau đó tham gia xây dựng đơn vị hải quân đầu tiên của Việt Nam; là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1960-1963, Anh học khoa Triết học tại Trường Đại học tổng hợp Lômônôsốp, Liên Xô trước đây. Anh đã trải qua nhiều chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (1981-1987), Viện trưởng Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI,VII.

GS Đặng Xuân Kỳ qua đời ngày 6-6-2010, tại nhà riêng, nhà 2A3, khu biệt thự Trung Tự, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.

Người nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về lý luận xây dựng Đảng

Ngày 14-2-2012, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức công bố danh sách các công trình được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010. Theo đó, 32 trong tổng số 67 công trình, cụm công trình thuộc 5 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật, khoa học nông nghiệp, khoa học y - dược đã được xét tặng lần này. Trong số 12 công trình được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước lần này, ngoài Bằng chứng nhận giải thưởng của Chủ tịch nước, các tác giả có công trình đoạt giải còn được nhận số tiền thưởng là 200 triệu đồng (giải thưởng Hồ Chí Minh) và 120 triệu đồng (giải thưởng Nhà nước).

Trong số những công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh, có đề tài cấp nhà nước KX.03.10: “Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, do GS Đặng Xuân Kỳ làm Chủ nhiệm cùng tập thể tác giả: GS Trần Nhâm, Nxb Chính trị quốc gia; GS Văn Tạo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam; GS,TS Dương Phú Hiệp, Viện Khoa học xã hội Việt Nam; GS,TS Trần Ngọc Hiên, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; PGS,TS Đàm Đức Vượng (Đức Vượng), Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Anh Liên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; GS,TSKH Võ Đại Lược; GS Đào Xuân Sâm, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng; Nhà nghiên cứu Việt Phương, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng; Nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Khải, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng; ông Trần Trọng Tân, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; ông Lê Đức Bình, Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Kim Đỉnh, Trung tâm Khoa học quản lý; ông Trần Giang (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); ông Vũ Xuân Kiều, tạp chí Cộng sản; PGS,TSTrần Minh Trưởng và PGS,TS Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu tiên, lĩnh vực nghiên cứu lý luận và đề tài cấp nhà nước của Hội đồng Lý luận Trung ương nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh.“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03.10, dày 212 trang, hầu hết, do GS Đặng Xuân Kỳ trực tiếp viết và sửa. Có lần, GS phàn nàn với tôi là anh em mình chưa có kinh nghiệm viết lý luận, nên các chuyên đề viết cho đề tài này thường sa vào dông dài, kể lể, mà ít có sự tổng kết nghiêm túc.

Lúc đầu, Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu chia làm 4 phần, về sau Chủ nhiệm đề tài, GS Đặng Xuân Kỳ rút xuống còn 2 phần: Phần thứ nhất phân tích về Đảng Cộng sản Việt Nam với việc vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền. Phần thứ hai phân tích về tiếp tục đổi mới và phát triển một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

GS Đặng Xuân Kỳ đã xác định rõ mục tiêu nghiên cứu của đề tài này là làm rõ tình hình xây dựng Đảng từ khi cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với một Đảng Cộng sản cầm quyền, duy nhất lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những điều kiện mới; làm rõ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng trong quá trình vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận về xây dựng Đảng, đặc biệt là từ khi đất nước bước vào đổi mới đến nay; làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề lý luận về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.

Trong phần mở đầu, GS Đặng Xuân Kỳ viết: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng luôn luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng; bởi lẽ, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng từ trên xuống dưới và của đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03-10, tr. 1). “Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cách mạng chân chính, nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử đối với đất nước và dân tộc” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03-10, tr. 1).Trong Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài KX.03.10, GS Đặng Xuân Kỳ cho rằng, sự khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là minh họa, sao chép thuần túy, mà “cần phải phát triển của thực tiễn cách mạng Việt Nam cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam và những biến đổi của thế giới, của thời đại. Một lý luận tiền phong chỉ có thể giữ được tính tiền phong vốn có khi nó không ngừng được bổ sung, phát triển bằng những kết luận mới được rút ra từ sự vận động của thực tiễn. Có như vậy, lý luận tiền phong mới đóng được vai trò đi trước, mở đường cho thực tiễn phát triển” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03-10, tr. 2). Tinh thần đó đã được C.Mác, Ph.Ăngghen nói rõ là học thuyết của các ông không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động.
V.I.Lênin đòi hỏi những người cộng sản phải phát triển chủ nghĩa Mác về mọi mặt nếu không muốn lạc hậu với cuộc sống. Tinh thần đó cũng đã được Hồ Chí Minh đặt ra với Đảng Cộng sản Việt Nam là chúng ta không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác, nhất là những vấn đề của phương Đông mà lúc sinh thời, C.Mác không thể có được. Lý luận nhất định phải phát triển cùng với cuộc sống, phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để phát hiện ra những quy luật của cách mạng Việt Nam và giải quyết thành công những vấn đề của cách mạng Việt Nam. GS Đặng Xuân Kỳ viết: “Nhưng tất cả phải bắt đầu từ đổi mới Đảng. Đổi mới Đảng lại phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, từ đó, mới đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03.10, tr. 3). “Vận động theo một lô gích đổi mới nhất quán, Đảng ta đã tự giải phóng khỏi những trói buộc của chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh sơ lược, giản đơn trong tư duy lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn, mở ra một thời kỳ mới cho việc nhận thức, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03.10, tr. 3). Những nhận định trên đã chi phối toàn bộ quá trình nghiên cứu của đề tài KX.03.10.

Trên cương vị Chủ nhiệm đề tài KX.03.10, GS Đặng Xuân Kỳ nhận định trong những năm 70, thế kỷ XX, Đảng ta đã sớm cảnh báo về 2 nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền: “Một là, sai lầm về đường lối; hai là, suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03-10, tr. 23). Cả hai vế này, GS Đặng Xuân Kỳ lấy ý trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng (1986). Sai lầm về suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên là nguyên nhân chủ yếu làm giảm uy tín của Đảng, nó thể hiện ở sự quan liêu, tham nhũng, nói không đi đôi với làm, nội bộ không đoàn kết, trù úm, mất dân chủ, sinh hoạt không gương mẫu, cán bộ chủ chốt không mạnh, năng lực không tương xứng chức vụ, chủ trương, quyết sách không rõ. Để khắc phục được 2 nguy cơ trên, Đảng cần đổi mới Đảng vươn lên ngang tầm của một Đảng cầm quyền trong thời kỳ đổi mới. Theo GS Đặng Xuân Kỳ, thì việc đổi mới Đảng phải được đặt ra với toàn đảng, từ người lãnh đạo đến đảng viên thường, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các cấp ủy ở cơ sở. Yêu cầu này cũng gắn với toàn bộ tiến trình đổi mới đất nước.
“Đổi mới Đảng đòi hỏi Đảng phải mạnh dạn từ bỏ cách nghĩ, cách làm không đúng trong xây dựng Đảng về tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, tác phong và phương thức lãnh đạo, để từ đó, Đảng xác định được đường lối đổi mới đúng đắn và không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối ấy. Tiêu chuẩn để phân biệt cái đúng với cái sai, cái thích hợp với cái không thích hợp chính là thực tiễn đổi mới Đảng, đổi mới đất nước trong suốt tiến trình Đảng lãnh đạo đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03.10, tr. 26).

GS Đặng Xuân Kỳ phân tích khá sâu sắc về tầm lãnh đạo của Đảng. Đó là tầm trí tuệ, tầm tư tưởng, tầm phẩm chất, tầm năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn cần có để hoàn thành nhiệm vụ của một giai đoạn cách mạng nhất định. Đó là tầm nhìn chiến lược, dự báo mọi tình hình thuận và nghịch, mọi khả năng tốt và xấu trong sự vận động của thực tiễn để có thể làm chủ được mọi tình hình và khả năng xảy ra. Chúng ta cũng có thể nói đến tầm của một tổ chức đảng, một cấp ủy đảng, hay của một cán bộ và đảng viên so với yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về phương pháp đánh giá tầm lãnh đạo của Đảng, đề tài KX.03.10 nhận định vai trò của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng là thước đo chung về tầm lãnh đạo của Đảng trong từng giai đoạn lãnh đạo cách mạng; đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ thấy được tầm của một tổ chức đảng, một cấp ủy đảng hay của một cán bộ, đảng viên. Tầm của các tổ chức đảng, các cấp ủy đảng, của đông đảo cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của cấp lãnh đạo cao nhất và những người lãnh đạo chủ chốt nhất, đóng góp vào việc tạo nên cái tầm của Đảng. Nhưng tầm của các tổ chức đảng, các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên thường là không ngang bằng nhau. Vì vậy, tầm của Đảng lại là cái mốc phấn đấu vươn tới của các tổ chức đảng, của các cấp ủy đảng và của mọi cán bộ, đảng viên. Tầm có thể cao, thấp ngang tầm nhiệm vụ cách mạng. Việc hoàn thành nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn, một thời kỳ nhất định là cái chuẩn để đánh giá tầm của Đảng. Tầm của Đảng đã được chứng minh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhưng khi Đảng đi vào lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, đứng trước nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ trong lịch sử và nhiều biến động mới không lường trước được, Đảng có lúc thấy lúng túng, không kịp vươn lên ngang tầm nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Phải có tầm tư tưởng thật kiên định mới có thể vững vàng trước những biến động của thế giới hiện nay. Phải có phẩm chất trong sạch mới không bị tha hóa trước quyền lực của một đảng cầm quyền, trước những thử thách, cám dỗ của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập, toàn cầu hóa. Đặc biệt, phải có tầm trí tuệ cao mới đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.

Nâng tầm của Đảng trong giai đoạn mới còn phải được thể hiện ở năng lực lãnh đạo và tổ chức thực tiễn của Đảng. Đó chính là nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trên một cơ sở khoa học, trong điều kiện đổi mới, bao quát cả khoa học kinh tế, khoa học chính trị, khoa học tổ chức, khoa học quản lý và khoa học lãnh đạo thực sự cần được đẩy mạnh trong thời kỳ đổi mới hiện nay, làm sao cho Đảng cầm quyền không phải chỉ là một khái niệm thỉnh thoảng được nhắc đến, mà là sự chuyển biến căn bản về sự lãnh đạo của Đảng, về hệ thống tổ chức của Đảng.

Trong Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài K.X.03.10, GS Đặng Xuân Kỳ luận giải rằng, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xem đó như quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Công tác xây dựng Đảng không phải chỉ có đổi mới, mà còn phải chỉnh đốn Đảng. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng là hai mặt không thể tách rời của công tác xây dựng Đảng. Đây là công việc thường xuyên, lâu dài của Đảng.
GS Đặng Xuân Kỳ cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ cần phải được gắn với việc thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng. Nếu chỉ chăm chú đến nguyên tắc tập trung dân chủ, mà thờ ơ với việc tổ chức thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng, thì cũng mới chỉ thực hiện được một phía. Tập trung mà không có dân chủ sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; còn dân chủ mà không có tập trung sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn. Vì vậy, hai mặt tập trung và dân chủ phải kết hợp chặt chẽ với nhau, làm tiền đề cho nhau.

Trong Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài KX.03.10, GS Đặng Xuân Kỳ đề cập đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xem đây là phương tiện chuyển tải tốt nhất để đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống. Phương thức lãnh đạo là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chủ thể lãnh đạo phải năng động và có nhiều sáng tạo nhất. Phương thức lãnh đạo và phong cách công tác là những bộ phận của phương pháp cách mạng. Với Nhà nước, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải có sự kết hợp chặt chẽ với đổi mới phương thức hoạt động của Nhà nước, đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng, cũng như trong bộ máy của Nhà nước.

Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.03.10, GS Đặng Xuân Kỳ đề cập đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Đây chính là vấn đề con người. Theo GS Đặng Xuân Kỳ, đối với một con người, trí tuệ phải bao gồm cả ba yếu tố, cũng là ba cấp độ: Một là, tri thức (hiểu biết, kiến thức). Hai là, năng lực vận dụng tri thức. Ba là, năng lực sáng tạo cái mới. Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi Đảng ta phải có tầm trí tuệ cao với cả ba yếu tố trên. Đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Nếu những yếu kém trong cán bộ, những sai lầm, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu đã dẫn đến những sai lầm về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội trước kia, thì việc đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp đổi mới. Phải có một đội ngũ cán bộ vươn lên tầm tư duy mới, biết và dám làm đổi mới, lại được bố trí, sử dụng đúng để thực hiện đổi mới, thì đường lối đổi mới của Đảng mới có thể đi vào cuộc sống và không ngừng được bổ sung, phát triển” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03-10, tr. 72). Một trong những quan điểm, nguyên tắc định hướng cho việc đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ mà GS Đặng Xuân Kỳ nhấn mạnh là “coi trọng việc bồi dưỡng nhân tài cho Đảng. Phải phát hiện và sử dụng tài năng đúng chỗ, đúng lúc, không để mai một tài năng” (“Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu” của đề tài KX.03-10, tr. 74).

Trong Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài KX.03.10, GS Đặng Xuân Kỳ đã đặt vấn đề xây dựng Đảng phải theo một hệ thống những nguyên tắc đã được thực tiễn kiểm nghiệm. GS Đặng Xuân Kỳ đưa ra một hệ thống các nguyên tắc về xây dựng Đảng (gồm 11 nguyên tắc): 1. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. 2. Tập trung dân chủ. 3. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.4. Tự phê bình và phê bình. 5. Kỷ luật nghiêm và tự giác. 6. Kết nạp những người ưu tú, thải loại những kẻ biến chất. 7. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. 8. Đoàn kết thống nhất trong Đảng. 9. Quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. 10. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. 11. Đoàn kết quốc tế. Nguyên tắc 1 là nguyên tắc tư tưởng của Đảng. Các nguyên tắc từ 2 đến 8 là những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Các nguyên tắc từ 9 đến 11 là các nguyên tắc xác định các mối quan hệ của Đảng với bên ngoài Đảng. Đây chính là các nguyên tắc kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài của Đảng, tạo thành sức mạnh tổng hợp của Đảng.
Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, ra Nghị quyết: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đề tài của GS Đặng Xuân Kỳ: “Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, là một tài liệu tham khảo tốt trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI.

Những đóng góp của GS Đặng Xuân Kỳ vào công tác lý luận của Đảng

Lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền:

GS Đặng Xuân Kỳ có một số bài nghiên cứu lý luận về Đảng Cộng sản, đặc biệt là lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền. Có lần Ông nói với chúng tôi là Ông đã bỏ nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về Đảng Cộng sản cầm quyền. Theo GS Đặng Xuân Kỳ, trước hết, phải làm rõ khái niệm về đảng cộng sản lãnh đạo và đảng cộng sản cầm quyền là hai khái niệm có nội hàm thống nhất, nhưng không phải lúc nào cũng đồng nhất. Lãnh đạo là đề ra đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức nhân dân thực hiện; còn cầm quyền là lãnh đạo khi đã có chính quyền, lãnh đạo bằng chính quyền, thông qua chính quyền để lãnh đạo toàn xã hội.

Tôi nhớ trong một cuộc tọa đàm khoa học bàn về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền, GS Đặng Xuân Kỳ nêu khái niệm Đảng Cộng sản cầm quyền đã được V.I.Lênin nêu ra từ sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng khái niệm này ở Việt Nam trong những năm về sau. Ở Trung Quốc, đảng cộng sản cầm quyền được gọi là Đảng chấp chính, còn các đảng phái dân chủ khác tham gia chính quyền được gọi là Đảng tham chính.

Qua nghiên cứu lý luận, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, GS Đặng Xuân Kỳ cho rằng, vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền, giành chính quyền đã khó, nhưng giữ và phát triển chính quyền còn khó hơn nhiều."Cũng từ thực tế đó, một câu hỏi lớn được đặt ra: làm thế nào một đảng cộng sản cầm quyền giữ được vai trò cầm quyền, để nhân dân trong nước thừa nhận và tin tưởng tuyệt đối vai trò cầm quyền của Đảng, để Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện được mục tiêu cao cả xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, tránh đổ vỡ như Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu vào hai thập niên cuối thế kỷ XX?"(1) Vì vậy, vấn đề đặt ra phải tổng kết thực tiễn thành bại của các đảng cộng sản cầm quyền, kết hợp với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận mới có thể tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi trên. Theo GS Đặng Xuân Kỳ, muốn giữ vững được vai trò cầm quyền, trước hết, Đảng phải hoạch định được đường lối cách mạng đúng đắn, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân được hưởng hạnh phúc, tự do; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Đường lối cách mạng đúng đắn do Đảng hoạch định phụ thuộc vào ba điều kiện: 1. Phải xuất phát từ một cơ sở lý luận đúng đắn.2. Phải xuất phát từ thực tiễn trong nước. 3. Phải tính đến biến đổi của thế giới và thời đại."Đó là đường lối độc lập, tự chủ và sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với những mục tiêu lâu dài của chủ nghĩa xã hội"(2)

Cơ sở lý luận của đường lối mà GS Đặng Xuân Kỳ nêu ra là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là học thuyết cách mạng và khoa học, soi đường cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đó là học thuyết mở, luôn luôn vận động và phát triển cùng với thực tiễn. "Giáo điều hóa chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, mà là đi ngượclại với học thuyết cách mạng và khoa học ấy. Điều này đã được Mác - Ăngghen nói rất rõ: học thuyết của các ông không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động"(3) Đảng Cộng sản cầm quyền phải biết rõ điều đó để tránh xơ cứng, tả khuynh hoặc hữu khuynh. Trong một bài viết, GS Đặng Xuân Kỳ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt vấn đề phải đổi mới tư duy, phải phân biệt bốn loại luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: "1. Những luận điểm nào không những đúng với trước kia, mà còn đúng với hiện nay và lâu dài về sau. 2. Những luận điểm nào đúng với trước kia, nhưng đến nay không còn phù hợp. 3. Những luận điểm nào, ngay khi sinh thời, Mác, Ăngghen, Lênin đã thấy sai và chính các ông đã sửa đổi. 4. Những luận điểm nào của chủ nghĩa Mác - Lênin chúng ta đã hiểu sai, vận dụng sai, dẫn đến những sai lầm trong hoạch định đường lối cách mạng" Lý luận kết hợp với thực tiễn bao giờ cũng là phương pháp đúng đắn nhất của một đảng cộng sản cầm quyền theo chủ nghĩa Mác - Lênin.GS Đặng Xuân Kỳ cho rằng, xây dựng nhà nước kiểu mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng Cộng sản cầm quyền. Đảng Cộng sản cầm quyền muốn cầm quyền tốt thì phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.Đảng cầm quyền phải biết cách xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Muốn vậy, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới,tự chỉnh đốn. Nâng cao trí tuệ và đạo đức cách mạng - vấn đề cơ bản và cốt lõi đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Đó là những kết quả nghiên cứu của GS Đặng Xuân Kỳ về Đảng Cộng sản cầm quyền.

Lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội:

GS Đặng Xuân Kỳ có một số bài nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội khoa học. Theo GS, khi nghiên cứu về Đảng Cộng sản cầm quyền thì không thể không nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội khoa học, vì hai cái đó có tác động vào nhau để cùng phát triển, là "ngọn cờ sóng đôi" như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói. Theo GS Đặng Xuân Kỳ, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây cũng chính là cái cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi đất nước đã giành được độc lập, nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng giành được thắng lợi thì độc lập dân tộc càng bền vững. Chủ nghĩa xã hội khoa học theo đúng học thuyết Mác - Lênin là xóa bỏ đến tận gốc rễ tình trạng người bóc lột người và tất cả những gì đã đưa đến tình trạng ấy, là chế độ xã hội đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho con người. Chủ nghĩa xã hội khoa học với tính chất là học thuyết đã chứa đựng những ước mơ, những hoài bão của cả loài người về một xã hội đại đồng, bốn biển đều là anh em, trong đó, "tự do, bình đẳng, bác ái" không còn là khẩu hiệu suông, mà là hiện thực của cuộc sống, một học thuyết đã trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận cho cuộc đấu tranh của loài người để đi tới một xã hội như vậy. "Mọi người Việt Nam yêu nước đều đã theo con đường Hồ Chí Minh, đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội; hơn nữa, số đông lại thông qua Hồ Chí Minh để đến với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin"(5) Đây là đặc điểm của Việt Nam đến với chủ nghĩa xã hội khoa học.

Theo GS Đặng Xuân Kỳ, vấn đề đặt ra đối với chúng ta là không phải học thuộc làu sách vở Mác - Lênin, mà điều cốt yếu là làm sao quán triệt được tinh thần cách mạng và khoa học, tinh thần biện chứng và nhân văn, cũng như lập trường, quan điểm của học thuyết ấy, biết vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết ấy trong những điều kiện lịch sử mới. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh đã chứng minh điều đó.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp to lớn, lâu dài, không thể làm được tất cả trong một thời gian ngắn. Đốt cháy giai đoạn sẽ mang lại hậu quả cho dân tộc và nhân dân. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ vừa có chủ nghĩa xã hội vừa chưa có chủ nghĩa xã hội đầy đủ. Những nhân tố xã hội chủ nghĩa và không xã hội chủ nghĩa còn đan xen nhau. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội càng tiến lên phía trước thì những nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng nhiều, những gì không phải hoặc trái với chủ nghĩa xã hội ngày càng giảm. Cuộc đấu tranh ấy đang diễn ra trong công cuộc đổi mới hiện nay. Nó khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta là hợp quy luật. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đang được Đảng và nhân dân ta từng bước thực hiện với những thành tựu ngày càng to lớn hơn. Đó là kết quả nghiên cứu của GS Đặng Xuân Kỳ về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Những đóng góp của GS Đặng Xuân Kỳ vào sự phát triển của Hội đồng Lý luận Trung ương

GS Đặng Xuân Kỳ là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 1996-2000.Nhiệm kỳ này do GS Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chủ tịch Hội đồng. Nhiệm kỳ 2001-2005 của Hội đồng do GS,TS Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, làm Chủ tịch Hội đồng. GS Đặng Xuân Kỳ làm Phó Chủ tịch chuyên trách của Hội đồng nhiệm kỳ này. GS Đặng Xuân Kỳ còn là thành viên "Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới ở Việt Nam" theo Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 28-4- 2003 của Bộ Chính trị khóa IX.

Những ngày công tác tại Hội đồng Lý luận Trung ương, GS Đặng Xuân Kỳ được giao phụ trách công tác khoa học và chương trình nghiên cứu khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương. Trên cương vị Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng, nhiệm kỳ 2001-2005, GS Đặng Xuân Kỳ trực tiếp Phụ trách Tiểu ban Xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị. Ngoài ra, Anh còn trực tiếp làm Chủ nhiệm đề tài KX.03.10 trong Chương trình KX.03: "Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội", đồng thời, trực tiếp làm Chủ nhiệm Chương trình KX.03: "Xây dựng Đảng trong điều kiện mới", như đã phân tích ở trên. Chương trình này có tất cả 10 đề tài. Đề tài KX.03.10 là đề tài thứ 10 của Chương trình. Nhiệm kỳ 2001-2005, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì 8 Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp nhà nước (Mã số từ KX.01 đến KX.08), với tổng cộng 79 đề tài do GS Đặng Xuân Kỳ phụ trách chung. Đây là nhiệm kỳ Hội đồng Lý luận Trung ương có nhiều chương trình, đề tài nhất với chất lượng cao. Có thể nói, các chương trình, đề tài phát triển rực rỡ trong nhiệm kỳ này.

Ngoài việc trực tiếp phụ trách 8 chương trình với 79 đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Hội đồng Lý luận Trung ương của nhiệm kỳ 2001-2005, GS Đặng Xuân Kỳ với cương vị Phó Chủ tịch chuyên trách của Hội đồng, còn có những đóng góp tích cực vào việc góp ý xây dựng các văn kiện của Đảng và các nghị quyết của Trung ương Đảng. Những ý kiến đóng góp của Ông là tài liệu tham khảo tốt.
Trong thời gian công tác tại Hội đồng Lý luận Trung ương, GS Đặng Xuân Kỳ đã viết được nhiều chuyên đề, nhiều bài nghiên cứu, nhiều tiểu luận, tham gia tích cực vào việc tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn của 20 năm đổi mới (1986-2006) mà Bộ Chính giao cho Hội đồng thực hiện. Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn được ba cuốn sách dày trang, có giá trị: "Vững bước trên con đường đã chọn" (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004), "Lẽ phải của chúng ta" (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004), "Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay" (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011), cả ba cuốn sách này đều có bài viết của GS Đặng Xuân Kỳ.Công trình về xây dựng Đảng của GS Đặng Xuân Kỳ xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh, vì nó mạnh dạn nêu lên những nhận định mới và những giải pháp mới về xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Làm việc với GS Đặng Xuân Kỳ nhiều năm, tôi thấy GS hiện lên là một nhà khoa học chân chính, nghiêm túc, vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy rất nhuần nhuyễn. GS Đặng Xuân Kỳ vẫn tâm sự với tôi rằng, vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, lý luận kết hợp với thực tiễn vẫn là phương pháp hoạt động khoa học tốt nhất mà chúng ta cần phải theo đuổi suốt đời.
-------------------------------------
* Bài đăng trong “Lý luận và thực tiễn” của Hội đồng Lý luận Trung ương, số ra đặc biệt, kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương (30-10-1996 – 30-10-2016), số 37+38, tháng 9 + tháng 10-2016.
(1).GS Đặng Xuân Kỳ: Vấn đề nổi bật của các đảng cộng sản cầm quyền; kinh nghiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, in trong sách "Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay" của Hội đồng Lý luận Trung ương, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 856.
(2).GS Đặng Xuân Kỳ: Vấn đề nổi bật của các đảng cộng sản cầm quyền; kinh nghiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, in trong sách "Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay" của Hội đồng Lý luận Trung ương, sđd, tr. 859.
(3).GS Đặng Xuân Kỳ: Vấn đề nổi bật của các đảng cộng sản cầm quyền; kinh nghiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, in trong sách "Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay" của Hội đồng Lý luận Trung ương, sđd, tr. 860.
(4).GS Đặng Xuân Kỳ: Vấn đề nổi bật của các đảng cộng sản cầm quyền; kinh nghiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, in trong sách "Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay" của Hội đồng Lý luận Trung ương, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 861.
(5).GS Đặng Xuân Kỳ: Vững bước đi con đường xã hội chủ nghĩa, in trong sách: "Vững bước đi con đường đã chọn", Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 145.