Mới cập nhật

NGÀY XUÂN NHỚ LÝ CHIÊU HOÀNG XƯA

Tượng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng đầu đội miện Kim Khôi, mình khoác áo long bào ở đền Rồng. Ảnh tư liệu


 

Số người phú quý vinh hoa
Bị đời ruồng bỏ hóa ra mất chồng.
Nữ hoàng Đại Việt biết không
Trở thành Hoàng hậu không công Nhà Trần.
Sóng to chèo lái gian truân
Thoắt thôi tuổi đã tứ tuần còn đâu.
Dập dềnh bãi bể nương dâu
Than ôi chịu một kiếp sầu đong đưa.
Trần gian hết nắng lại mưa
Lý Chiêu Hoàng đã biết chưa cuộc đời!

 

Xuân Đinh Dậu – 2017
Đức Vượng
(Cử nhân ngữ văn)
------------------
Lời Tác giả: Lý Phật Kim, sau đổi làm Thiên Hinh, khi lên làm vua lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Bà là vị vua thứ 9, vị vua cuối cùng của Triều Lý; sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), tại Kinh thành Thăng Long, quê gốc ở Cổ Pháp, Bắc Ninh; là con gái thứ của Vua Lý Huệ Tông.

Vua Cha Lý Huệ Tông truyền ngôi, Bà lên làm Vua từ năm Giáp Thân (1224) đến năm Ất Dậu (1225), lấy niên hiệu là Thiên Chương Hữu đạo (1224-1225). Bà là Nữ hoàng duy nhất của nước Đại Việt.

Lúc bấy giờ, Trần Thủ Độ “gài” cháu mình là Trần Cảnh con Trần Thừa vào trong cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Được Lý Chiêu Hoàng yêu mến, thường hay té nước trêu đùa mỗi khi Trần Cảnh mang nước vào cho Lý Chiêu Hoàng rửa mặt, nên Trần Thủ Độ tung tin là Lý Chiêu Hoàng đã kết duyên với Trần Cảnh.

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225), theo sự “gợi ý” của Trần Thủ Độ, Vua Lý Chiêu Hoàng ra chiếu chỉ nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh cháu Trần Thủ Độ. Từ đây, Triều Lý kết thúc và thay vào đó là Triều Trần.

Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An. Trước bá quan văn võ, Vua Lý Chiêu Hoàng cởi hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trần Thái Tông; đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất. Trần Cảnh lên làm Vua phong cho Lý Chiêu Hoàng làm Lý Chiêu Thánh Hoàng hậu.

Vua Trần Cảnh và Hoàng hậu Lý Chiêu Thánh  sống chung tình đến năm Quý Tỵ (1233), thì sinh ra Thái tử Trần Trịnh, nhưng vừa sinh ra, Thái tử đã mất. Lúc này, Trần Thủ Độ và vợ là Trần Thị Dung sợ Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) tuyệt tự, không người nối dõi Vua, nên vào tháng 1 năm Đinh Dậu (1237), họ ép Công chúa Lý Thuận Thiên (chị ruột của Lý Chiêu Hoàng), vợ Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) đang có mang, lấy Trần Cảnh, lập Thuận Thiên làm Hoàng hậu. Lý Chiêu Thánh đau khổ, sống âm thầm trong cung cấm, đã định thoát tục đi tu. .Lý Chiêu Thánh mất tháng 3 năm Mậu Dần (1278), thọ 60 tuổi. Như vậy, Bà sinh năm Mậu Dần và cũng mất vào năm Mậu Dần, tròn một giáp. Thi hài Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía Tây Thọ Lăng Thiên Đức. Người đời sau đã lập đền thờ Bà, gọi là Long Miếu (Đền Rồng). Đền này, nay không còn.

Tương truyền, khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn ửng hồng.

Lý Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) là một người sống nhân hậu, nhưng số phận không gặp may, một lần bị ép nhường ngôi vua cho Trần Cảnh và một lần phải sống cô đơn nơi cung cấm khi Trần Cảnh lấy Công chúa Thuận Thiên.

Tuy nhiên, cuộc đời Lý Chiêu Thánh, bên cạnh cái rủi lại có cái may do ăn ở phúc đức. Số là sau hơn 20 năm sống cô đơn, hạnh phúc lại đến với Lý Chiêu Thánh, khi vào năm Mậu Ngọ (1258), sau khi Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông, Vua Trần Thái Tông gả Công chúa Lý Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần, một tướng lĩnh tài ba có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Lúc bấy giờ, Lý Chiêu Thánh đã 40 tuổi, nhưng đã tìm thấy hạnh phúc thật sự, sinh được hai người con, một trai một gái: Lê Tông làm quan dưới Triều Trần đến tước Thượng vị hầu và Lê Ngọc Khê sau được phong là Công chúa Ứng Thụy.