Mới cập nhật

Khoa học chứng minh: Rét nhất không phải là khi nhiệt độ thấp nhất, mà là lúc này!




 

Một điều khó tin nhưng rất thật: có thời điểm bạn sẽ cảm thấy đó là lúc rét nhất, rét run cầm cập, dù không phải thời điểm nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông. Tại sao lại thế?





Suy nghĩ thông thường của chúng ta là nhiệt độ càng xuống thấp thì chúng ta càng cảm thấy rét. Tuy nhiên, có một thực tế là thời điểm cơ thể cảm thấy rét nhất chưa chắc trùng khớp với thời điểm đất trời hạ nhiệt độ sâu nhất.

Cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể

Con người là động vật hằng nhiệt (điều chỉnh nhiệt độ trung tâm cơ thể dao động trong 1 khoảng hẹp quanh một nhiệt độ nhất định mà cụ thể là khoảng 30 độ C) khi phải tiếp xúc với sự dao động có biên độ lớn của nhiệt độ môi trường.

Nhiệt độ là yếu tố tác động rất lớn đến các phản ứng tế bào, sinh hóa và enzyme nên để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ để có thể tồn tại được, cơ thể chúng ta phải có cơ chế giữ nhiệt hợp lý để điều hòa thân nhiệt tối ưu.

Trước tiên hay cùng tìm hiểu về thân nhiệt của con người, bao gồm nhiệt độ trung tâm (nhiệt độ của các cơ quan sâu bên trong cơ thể như nội tạng, não...) và nhiệt độ ngoại vi hay phần vỏ cơ thể (gồm da và các tổ chức dưới da).

Nếu nhiệt độ phần trung tâm luôn được duy trì ổn định trong khoảng 36,5 - 37 độ C thì nhiệt độ ngoại vi lại linh động hơn rất nhiều, có sự thay đổi ngay trên từng vị trí trên cơ thể và rất dễ chịu tác động của nhiệt độ bên ngoài.

Ví dụ: Khi ở nhiệt độ phòng là 24 đến 25 độ C thì nhiệt độ da vùng đầu, ngực, bụng là 35 độ C, còn bàn tay và bàn chân có thể thấp hơn rất nhiều (29 độ C).

Khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột thì nhiệt độ ngoại vi sẽ bị tác động rất lớn vì là phần trực tiếp tiếp xúc môi trường, ví dụ bạn đang ở nền nhiệt ấm nhưng nhiệt độ bỗng xuống thấp thì cơ thể sẽ phản ứng bằng cách rùng mình, ớn lạnh, nổi da gà và rét run lên.

Nếu quá trình này quá đột ngột và thể trạng của bạn không tốt để có thể đối phó được thì sẽ xảy ra hiện tượng "sốc nhiệt" rất nguy hiểm, thậm chí còn là đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.

Khoa học chứng minh: Rét nhất không phải là khi nhiệt độ thấp nhất, mà là lúc này!
Mặc ấm là cách bảo vệ cơ thể tránh sốc nhiệt và các bệnh lý khi trời trở lạnh. Ảnh Tiêu dùng Plus


 

Thời điểm cơ thể cảm thấy lạnh nhất

Nếu thể trạng sức khỏe tốt, cơ thể sẽ đủ sức "phòng vệ" trước đợt tấn công nhiệt độ bất ngờ này bằng cơ chế điều nhiệt, nhưng khi kịp điều tiết nhiệt độ thì bạn sẽ cảm thấy rất lạnh, thậm chí run lên bần bật vì cơ thể chưa kịp sản sinh nhiệt độ.

Quá trình này sẽ diễn ra một thời gian ngắn, đây là thời điểm bạn sẽ cảm thấy rét nhất (hai răng đánh vào nhau lập cập, ớn lạnh, nổi da gà...).

Nhưng chỉ một lúc sau bạn sẽ thấy cơ thể mình ấm dần lên do cơ thể lúc này bắt đầu sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ điểm tiêu chuẩn là 37 độ C. Cụ thể quá trình này dựa trên cơ chế feedback của hệ thần kinh như sau:

- Các nơ-ron vùng trước chéo thị giác - dưới đồi trước có nhiều nơ-ron nhạy cảm nóng và một ít nơ-ron nhạy cảm lạnh đóng vai trò như các cảm biến nhiệt để kiểm soát thân nhiệt sẽ được kích thích gây ra quá trình sinh nhiệt.

- Các receptor nhiệt ở da và tổ chức được kích thích để đưa ra các cơ chế bảo vệ như nổi da gà nhằm bít kín lỗ chân lông, ngăn quá trình mất nhiệt và ngăn nhiệt độ bên ngoài đi sâu vào lớp cơ quan dưới da.

- Vùng dưới đồi sau - Tích hợp các tín hiệu thu nhận được từ cơ quan ngoại vi và các tín hiệu nhiệt trung ương từ vùng trước chéo thị giác - dưới đồi trước để đưa ra "đối sách" giúp điều hòa thân nhiệt, để từ đó gửi tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể.

- Các cơ chế đáp ứng sẽ xảy ra khi các cơ quan này nhận được "lệnh" bảo vệ như co mạch da có tác dụng giảm mức mang nhiệt từ trung tâm cơ thể ra da nên giảm thải nhiệt hay sởn da gà hay co khí quản để bảo vệ cơ quan hộ hấp khỏi không khí lạnh.

Tiếp đó là quá trình tăng sinh nhiệt bằng cách run cơ, lúc này chúng ta sẽ cảm nhận được sự rét run với các cơ co giật liên tục, việc run cơ bắp sẽ tạo nên nhiệt độ cơ học làm ấm cơ thể. Quá trình sinh nhiệt hóa học sẽ diễn ra ngay sau đó như tăng tốc độ chuyển hóa tế bào, nhịp tim tăng lên.

Khoa học chứng minh: Rét nhất không phải là khi nhiệt độ thấp nhất, mà là lúc này!
Cơ thể sẽ có cơ chế bảo vệ nhằm duy trì nhiệt độ ổn định trước sự dao động nhiệt của môi trường. Ảnh Experiencelife.


Kết quả là sau đợt rét run bần bật bạn bỗng cảm thấy ấm dần lên, đó là thời điểm cơ thể đã bắt đầu thích nghi kịp với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường.

Khi đó dù cho nhiệt độ xuống thấp hơn nữa thì cơ thể vẫn kịp điều tiết hợp lý để duy trì "độ ấm" cho cơ thể và chúng ta không còn cảm thấy rét run lên như khi cơ thể chưa kịp điều tiết nữa.

Đó là lý do những người ở miền lạnh giá dưới 0 độ C lại cảm thấy "nóng" khi nhiệt độ chỉ lên ở 1 hay 2 độ C vì cơ thể đã có sự thích nghi phù hợp.

Bên cạnh cơ chế bảo vệ của cơ thể, việc rèn luyện cơ thể, tập thể dục hay ăn uống, giữ ấm... cũng sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn trong những ngày lạnh giá.

Theo Hoa Hướng Dương