Mới cập nhật

Câu chuyện xã hội: Mắng nhiếc bác sĩ ngạo mạn, đến khi y tá tiết lộ một sự thật, ông bố nín bặt


Hai câu chuyện dưới đây có thể phần nào giúp chúng ta sống thấu hiểu và cảm thông hơn trong cuộc sống hằng ngày.


 Chuyện ngụ ngôn giữa lợn, cừu và bò



Một con lợn, một con cừu và một con bò sữa bị nhốt trong cùng một cái chuồng. Có một lần, người chủ muốn bắt lợn, nó kêu rống lên, quẫy đạp mạnh để kháng cự.

Cừu và bò sữa khó chịu với tiếng kêu của nó, càu nhàu chỉ trích: "Anh khoa trương quá đấy, ông ta cũng thường xuyên đến bắt chúng tôi, chúng tôi đâu có rống lên như anh."

Lợn nghe xong, đáp lại: "Bắt các anh và bắt tôi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ông ta túm lấy các anh, chỉ là bắt để lấy lông, vắt sữa, nhưng với tôi, ông ấy mà bắt là tôi mất mạng đấy!"

Cừu và bò sữa nghe vậy thì nín bặt, không nói được gì.

Mắng nhiếc bác sĩ ngạo mạn, đến khi y tá tiết lộ một sự thật, ông bố nín bặt - Ảnh 1.


Ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn

Câu chuyện ngụ ngôn trên muốn nói với chúng ta rằng, những người có lập trường khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, rất khó để hiểu được cảm xúc của đối phương.

Nếu như có thiện chí đứng ở vị trí của người khác để xem xét, đánh giá vấn đề, chúng ta có thể hiểu người khác một cách sâu sắc, cũng dễ dàng có thêm sự đồng cảm, yêu thương giữa người với người, dễ chấp nhận người khác hơn.

Như thế, hiểu lầm hay mâu thuẫn giữa người với người sẽ giảm đi đáng kể.

Con người cũng vậy, nếu có thể hiểu được tiếng kêu của lợn, liệu bạn có nỡ giết chúng không? Giết người là có tối, vậy sát sinh thì sao? Chúng cũng có sinh mệnh, đứng trên lập trường của chúng, nếu đối tượng bị giết là bạn, bạn sẽ ra sao?

Đổi vị trí, góc độ, bạn sẽ phát hiện ra rằng không chỉ có mình bạn vào vai chính trên thế giới này.

Một ngàn người có một ngàn sự khác nhau, mỗi người đều có chuyện riêng của mình, mỗi người đều là vai chính trong câu chuyện của bản thân, cho dù là câu chuyện đó bình thản, cũng có thể là gập gềnh.

Mỗi người đều phải trải qua những câu chuyện khác nhau, đau đớn hoặc hạnh phúc, đời người vô thường, ai cũng có chuyện không vui, cũng từng phải rơi nước mắt, vì thế, mỗi chúng ta cần phải học cách khen ngợi và an ủi, đối xử tử tế với những người khác nữa.

Mắng nhiếc bác sĩ ngạo mạn, đến khi y tá tiết lộ một sự thật, ông bố nín bặt - Ảnh 2.


Ảnh minh họa.





Chuyện của một bác sĩ 

Có một bác sĩ sau khi nhận được điện thoại cấp cứu khẩn cấp đã vội vã đến bệnh viện, thay đồ và vào phòng mổ.

Bố mẹ của cậu bé bị bệnh vì quá lo lắng dẫn đến mất kiểm soát, quát lên: "Tại sao anh đến muộn như vậy? Lẽ nào anh không biết con trai tôi đang gặp nguy hiểm sao? Tại sao một chút trách nhiệm anh cũng không có vậy?"

Vị bác sĩ cười, nói: "Thật xin lỗi, vừa rồi tôi không ở trong viện, nhận được điện thoại là tôi vội đến đây ngay, các vị cứ bình tĩnh."

"Bình tĩnh? Nếu như nằm trên giường bệnh kia là con trai anh, anh có bình tĩnh được không? Nếu như con trai anh chết, anh sẽ thế nào?" – bố đứa bé phẫn nộ gào lên.

Vị bác sĩ vẫn nhẹ nhàng cười nói: "Tôi sẽ đọc ‘kinh thánh’: ‘Chúng ta sinh ra từ cát bụi, chết đi rồi cũng trở về cát bụi. Hãy cầu nguyện cho con trai anh đi."

Bố đứa bé vẫn đầy phẫn nộ: "Một người chẳng thèm quan tâm đến sự sống, cái chết của người khác mới nói như vậy".

Vài tiếng sau, ca phẫu thuật thuận lợi thành công, bác sĩ vui mừng bước ra từ phòng phẫu thuật, nói với bố mẹ đứa trẻ: "Tạ ơn trời đất, con của anh chị được cứu rồi!"

Chưa kịp đợi người nhà bệnh nhân đáp lời, vị bác sĩ vội vã rời đi nhưng vẫn không quên dặn với lại: "Nếu có vấn đề gì, có thể hỏi y tá."
 "Tại sao anh ta có thể ngạo mạn như vậy? Tôi chỉ muốn hỏi anh ta vài câu về tình hình con trai cũng không được sao mà phải bỏ đi nhanh như vậy?" – bố đứa trẻ vẫn giọng bực bội phàn nàn với y tá.

Nữ y tá bất giác rơi nước mắt, nói: "Con trai anh ấy hôm qua đã mất vì tai nạn giao thông. Khi tôi gọi anh ấy đến làm phẫu thuật cho con trai các vị, anh ấy đang trên đường đến nhà tang lễ. Bây giờ, anh ấy cứu được đứa bé rồi, anh ấy phải đến tang lễ ngay."

Bố mẹ đứa bé nín bặt...

Mắng nhiếc bác sĩ ngạo mạn, đến khi y tá tiết lộ một sự thật, ông bố nín bặt - Ảnh 3.


Ảnh minh họa.





Lời bình

Cuộc sống của người khác xảy ra việc gì, họ đang phải trải qua khó khăn ra sao, đứng ở lập trường của mình, bạn có thể không hiểu, thậm chí những gì bạn nhìn thấy chỉ là biểu hiện bên ngoài mà thôi.

Vì thế, đừng khinh suất chỉ trích người khác, bởi chúng ta không đủ thông thái để hiểu hết mọi vui buồn của họ, cũng như không thể thông cảm hết mọi cay đắng ngọt bùi của họ.

Mỗi người có một lập trường khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, không dễ để hiểu và thông cảm cho cảm xúc của người khác. Vì vậy, đừng tùy tiện chỉ trích phê bình, bởi hành động này có thể sẽ làm tổn thương đến họ.

Theo Trí Thức Trẻ