Mới cập nhật

HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ CÁCH MẠNG NGUYỄN THỊ MINH KHAI SAU NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


PGS,TS Đàm Đức Vượng


Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3-2-1930, Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục hoạt động cách mạng tại khu vực Trung Kỳ.
     Để tăng cường sự lãnh đạo phong trào cách mạng đang sôi sục trong cả nước, tháng 10-1930, tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng1. Hội nghị thảo luận và thông qua Luận cương cách mạng tư sản dân quyền (gọi tắt là Luận cương chính trị), do Trần Phú, một người được đào tạo trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đồng thời, cũng được đào tạo có bài bản tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, biên soạn với sự cộng tác biên soạn của Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc,…
     Luận cương chính trị đã vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng chống đế quốc đến chống phong kiến, xem đó là thời kỳ dự bị để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng này đã được nêu lên trong Chánh cương vắn tắt của Đảng tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2-1930, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được phát triển trong Luận cương chính trị, tháng 10-1930, do Trần Phú khởi thảo. Đó là bước tiến mới đầu tiên của lý luận cách mạng Việt Nam.
     Hội nghị quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.      
     Tháng 11-1930, Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng phân công Chị phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy, Nghệ An và những vùng lân cận. Vẫn trở về nơi cơ sở cũ, vẫn làm công việc của cách mạng giao cho, nhưng mang một trách nhiệm nặng nề hơn, trách nhiệm của một người đảng viên cộng sản trước vận mệnh của dân tộc và giai cấp.
     Nguyễn Thị Minh Khai đi vào các nhà máy ở Trường Thi, Bến Thủy như đi vào nhà của mình, hòa mình trong phong trào công nhân, vui vẻ, nhanh nhẹn, làm việc tháo vát, thuyết phục công nhân bằng cái lý, cái tình, sống nhân nghĩa, cho nên được các bác, các anh, chị công nhân yêu mến, tin cậy. Cũng nhờ có sự tin cậy, yêu mến của công nhân và qua công nhân, các tổ chức quần chúng yêu nước và cách mạng và các cơ sở đảng ở khu vực này được hình thành và phát triển.
     Vào khoảng giữa năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được lệnh ra hoạt động tại Hải Phòng.
     Lúc này, Tại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh người sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ năm 1929, vẫn hoạt động trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Lần này, Nguyễn Đức Cảnh đề cử Phạm Văn Ngọ, thợ cơ khí ở mỏ than Mạo Khê, làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ kiêm Bí Thư Thành ủy Hải Phòng.
     Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh Nguyễn Thị Minh Khai có gặp và làm việc với Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Đức Cảnh và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Phạm Văn Ngọ hay không? Nhưng trong những ngày hoạt động tại Hải Phòng, Chị đã lăn lộn trong phong trào công nhân và cũng đã biết tới Nguyễn Đức Cảnh.
     Khi Nguyễn Thị Minh Khai về hoạt động tại Hải Phòng, thì tại Hải Phòng đã nổ ra cuộc đấu tranh ngày 8-1-1930 của công nhân nhà máy ximăng Hải Phòng. Cùng khoảng thời gian này, khắp nơi trong cả nước đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, như cuộc bãi công của công nhân hãng dầu Xôcôni ở Nhà Bè Sài Gòn  đã nổ ra cuộc bãi công của công nhân hãng dầu Xôcôni ở Nhà Bè, Sài Gòn, đòi không được đánh đập công nhân; giảm giờ làm việc; rồi cuộc đấu tranh của 5000 công nhân tại đồn điền cao su Phú Riềng, nổ ra đùng vào ngày thành lập Đảng, 3-2-1930, đòi bãi bỏ thuế thân; không được cúp phạt lương của công nhân; cấm đánh đập công nhân; cấp gạo ăn cho công nhân nữ trong thời kỳ sinh đẻ; trả về nguyên quán những công nhân đã hết hạn hợp đồng; trả lại tự do cho những người cách mạng bị bắt; rồi cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Sợi Nam Định nổ ra từ ngày 25-3-1930 đến ngày 16-4-1930, do Tỉnh ủy Nam Định và chi bộ nhà máy Sợi tổ chức, nhằm chào mừng ngày thành lập Đảng, 3-2-1930 và ngày Quốc tế Lao động, 1-5-1930; rồi cuộc bãi công của công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy,… tất cả đều tác động trực tiếp đến Nguyễn Thị Minh Khai. Theo đó, Chị đã đi vận động công nhân, tiểu thương, học sinh Hải Phòng đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương.
     Hoạt động tại Hải Phòng được một thời gian, Nguyễn Thị Minh Khai được Đảng cử sang Hương Cảng, (Hồng Kông), làm việc tại Văn phòng chi nhánh Cục Phương Nam trực thuộc Bộ Phương Đông (Phương Đông Bộ), Quốc tế Cộng sản. Văn phòng chi nhánh Cục Phương Nam trực thuộc Bộ Phương Đông lúc bấy giờ đóng tại Hương Cảng, còn Bộ Phương Đông lúc bấy giờ đóng tại Thượng Hải. Hoạt động tại Hương Cảng, Nguyễn Thị Minh Khai mang các bí danh: cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Phương,…
     Thật may mắn cho Nguyễn Thị Minh Khai, tại Hương Cảng, Chị được gặp Nguyễn Ái Quốc, vì lúc này, Người cũng đang hoạt động tại Hương Cảng và chưa bị nhà cầm quyền Anh tại Hương Cảng bắt. Tại đây, Chị đã được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị. Người cũng đã truyền cho Chị những kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Qua huấn luyện chính trị, Chị thấy mình lớn lên về nhận thức thời cuộc. Chị được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam.
     Do yêu cầu của công tác và để đối phó với sự lùng sục, vây ráp của mật thám Pháp ở đây, Nguyễn Thị Minh Khai khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ thời gian kiên trì học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Có lúc Chị phải đóng giả là người Trung Quốc. Là một người có mưu trí, ngày đêm Chị vượt qua lưới bủa vây dày đặc của mật thám tây, ta, hoàn thành mọi công việc khó khăn của tổ chức giao cho.
     Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Anh2 tại Hương Cảng bắt. Họ giao Chị và một số người khác cho chính quyền phản động ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, quản lý. Tại Quảng Châu, họ đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man, nhưng Chị trước sau vẫn trả lời: “Tôi không biết”. Đôi mắt đen mở to, quắc lên những ánh căm thù, buộc chúng phải bó tay. Tuy không khai thác ở Chị được điều gì về bí mật hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng nhà cầm quyền Hương Cảng vẫn giam Chị mấy năm liền tại nhà lao Quảng Châu.
     Năm 1934, nhờ Hội Quốc tế cứu tế đỏ vận động, Nguyễn Thị Minh Khai và một số tù chính trị được trả lại tự do. Được ra tù, Chị tiếp tục ở lại hoạt động cách mạng tại Hương Cảng.
     Vào khoảng cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai lấy tên là Phan Lan, cùng Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn lên đường đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva, Liên Xô. Lê Hồng Phong lúc này là người đứng đầu Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước. Hoàng Văn Nọn tức Tú Hưu lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.
     Sau một thời gian chuẩn bị, Đoàn lên đường đi Liên Xô. Tới Mátxcơva, trong lúc chờ đợi Đại hội khai mạc, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn được vào học tại Trường Đại học Phương Đông, trường đào tạo cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Đây là lần đầu tiên, Chị được nghiên cứu một cách cơ bản về lý luận Mác – Lênin, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
     Tháng 7-1935, tại Mátxcơva, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản khai mạc. Tại Đại hội, Phan Lan tức Nguyễn Thị Minh Khai đọc bản tham luận về “Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”. Phan Lan nói:
     “Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng ở nước chúng tôi, lần đầu tiên, từ ngày có Đảng Cộng sản của chúng tôi, một phụ nữ như tôi, nữ đảng viên cộng sản ở Đông Dương, được hân hạnh chẳng những tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản, mà còn từ diễn đàn của Đại hội, được chuyển đến các đồng chí Tây Âu, đến công nhân nam, nữ toàn thế giới, rằng chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân của các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người bị khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu, đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng”3.
     Tham luận của Phan Lan vạch trần âm mưu thâm độc của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và cuộc nổi dậy của nhân dân Đông Dương chống lại chúng.
     Phan Lan đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống việc chuẩn bị chiến tranh đế quốc mới và tranh đấu cho hòa bình, tự do, dân chủ, bác ái. Trong cuộc đấu tranh này, phụ nữ dũng cảm đi hàng đầu. Trong thời gian gần đầy, tính tích cực của phụ nữ đang phát triển. Họ tham gia vào các cuộc bãi công của thợ thuyền và tranh đấu của dân cày. “Nữ công nhân và nữ dân nghèo thành thị đang say sưa tranh đấu”4.
     Trong tham luận, Phan Lan phàn nàn nói rằng, công tác phụ nữ chẳng những ở các nước phương Đông đặt ra còn nhẹ, mà rõ ràng mà ngay cả ở hàng loạt các đảng cộng sản khác cũng vậy. Ngay như ở trong Đại hội này, Phan Lan cho rằng, số đại biểu là phụ nữ còn rất ít và cũng rất ít phụ nữ phát biểu. Cái đó nói lên cái gì? Nó chứng tỏ là công tác phụ nữ trong nữ công nhân, nữ nông dân, phụ nữ thất nghiệp và nội trợ đặt ra trong lĩnh vực tranh đấu cho một mặt trận thống nhất chưa được đúng. Phan Lan kết luận: “Là đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng theo tinh thần mới hiện nay để chấn chỉnh và phát triển công tác của mình”5.
     Tham luận của Phan Lan tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản “chính là lời biểu dương của Đảng đối với phụ nữ Việt Nam”6. Những lời ấy đã đem lại cho chị em lòng tự hào, cổ vũ chị em tiến lên đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Đông Dương.
     Sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn ở lại tiếp tục học một thời gian nữa tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô. Còn Lê Hồng Phong lên đường về nước sớm hơn, vì công việc ở trong nước trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (được bầu ra tại Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương) đang yêu cầu Ông phải trở về nước ngay để lãnh đạo phong trào cách mạng.
     Tháng 3-1936, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn hoàn thành nhiệm vụ học tập, trở về nước. Để giữ bí mật, hai người không mang tài liệu về. Họ phải ngày đêm học thuộc lòng tài liệu của Quốc tế Cộng sản, “nhập tâm”, Hai người khéo đóng giả một cặp vợ chồng, con một địa chủ người Trung Quốc đi du lịch châu Âu trở về nước. Nhờ đó, họ đã vượt qua một chặng đường dài, dày đặc lưới mật thám. Mấy lần chạm chán với bọn mật thám, nhưng hai người vẫn trở về Trung Quốc trót lọt.
     Về tới Việt Nam vào một ngày cuối năm 1936. Hai người đã báo cáo lại chỉ thị của Quốc tế Cộng sản cho Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương nghe.  Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức phân công về công tác ở Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Sài Gòn – Chợ Lớn lúc bấy giờ là nơi tập trung đầu não của địch, đồng thời cũng là nơi đã từng nổ ra những cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt của nhân dân lao động. Sau những ngày phong trào tạm lắng xuống, Sài Gòn – Chợ lớn cũng như cả nước đang bùng lên một cao trào cách mạng mới, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939).
     Trên cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng đồng chí của mình kề vai sát cánh, lãnh đạo đưa phong trào cách mạng tiến lên. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai và Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, các cuộc đấu tranh của công nhân ở bến tàu Sài Gòn, xưởng Ba Son,… và các cuộc mít tinh, biểu tình của các tầng lớp nhân dân khác đòi quyền dân sinh dân chủ, cơm áo, hòa bình diễn ra liên tiếp, sôi nổi khắp nơi. Cuộc đấu tranh của công nhân xưởng Ba Son, Sài Gòn, ngày 5-4-1937, gây tiếng vang lớn trong dư luận. Công nhân đưa yêu sách đòi làm việc theo giờ cũ, nếu không thì khoán việc từ 11 giờ 30 đến 2 giờ 30, Xưởng phải trả thêm tiền phụ cấp 5%. Nếu làm thêm từ 5 giờ rưỡi trở đi trong một ngày, thì tiền phụ cấp phải tăng gấp đôi; cho những người đã làm tập sự được 3 năm và đã bị sa thải, được vào làm lại; cho những người bị tình nghi hoạt động chính trị được trở lại làm, vì họ đã được tòa án thực dân xử trắng án; tăng cương 15% với giá sinh hoạt đắt đỏ,… Cuộc đấu tranh kéo dài hơn một tháng và được dư luận rộng rãi của các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Cuối cùng, ngày 11-5-1937, chủ Xưởng phải giải quyết những yêu sách của công nhân: Có 26 người thợ ở nồi súpde được trở lại làm việc; mỗi năm, công nhân được khám bệnh một lần; ốm đau được nghỉ dưỡng bệnh; làm việc ban ngày được thêm 0,25 đồng; làm việc ban đêm từ 11 giờ tới sáng được thêm 0,50 đồng…
     Trong phong trào đấu tranh cách mạng, Nguyễn Thị Minh Khai đặc biệt chú ý đến phong trào phụ nữ. Được sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai, ngày 3-8-1938, Ủy ban Phụ nữ của ái hữu Sài Gòn – Chợ Lớn ra lời kêu gọi chị em các giới lao động: “Chị em chúng ta mau đứng lên hưởng ứng với anh em nam giới, kêu gọi nhau đoàn kết lại, sáng lập các hội tương tế ái hữu”7. Nguyễn Thị Minh Khai đem hết nhiệt tình cách mạng để vận động và giác ngộ phụ nữ làm cách mạng. Chị đã viết một cuốn sách nhỏ giới thiệu về phong trào đấu tranh của phụ nữ quốc tế chống áp bức dân tộc và áp bức giai cấp, nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức về cách mạng cho chị em phụ nữ. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ngày càng phát triển sâu rộng khắp nơi.
     Trong lúc Nguyễn Thị Minh Khai đang lãnh đạo phong trào cách mạng tại Sài Gòn – Chợ Lớn, thì nhận được tin buồn: chồng Chị, anh Lê Hồng Phong, Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, bị mật thám bắt năm 1938, trong lúc phong trào cách mạng đang lên. Ngày 29-9-1939, Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, giam ở Khám Lớn, Sài Gòn. Tin sét đánh này, làm cho Nguyễn Thị Minh Khai vô cùng đau đớn. Khi ấy, Chị đang có mang. Vừa thương chồng, vừa lo nghĩ công việc cách mạng, lòng Chị trở nên day dứt. Nhưng Chị đã đem hết nghị lực của người cộng sản kiên trung, vượt lên những khó khăn, xốc tới. Mặc dù sức khỏe của Chị có sa sút hơn trước nhiều, nhưng công việc của Chị lại thêm bộn bề và tăng lên rất nhiều.
     Mùa xuân năm 1939, Nguyễn Thị Minh Khai sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Lê Thị Hồng Minh, cái tên mà Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã chọn từ trước.
     Vài ngày sau, kể từ khi sinh con, Chị phải xa đứa con yêu quý, trở về nơi cơ sở hoạt động bí mật. Từ đấy, Nguyễn Thị Minh Khai không bao giờ được gặp lại đứa con yêu quý của mình nữa.
     Xa con, xa chồng, Nguyễn Thị Minh Khai lao vào hoạt động cách mạng như cánh chim bằng bay vút trời xa.
     Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đông Dương bị lôi cuốn vào vòng khói lửa. Thực dân Pháp vẫn chiếm Đông Dương. Một năm sau, Pháp cúi đầu để Nhật xâm chiếm Đông Dương. Từ đấy, nhân dân Đông Dương rơi vào một cổ hai tròng. Các tầng lớp nhân dân sẵn sàng đứng lên làm cách mạng.
     Giữa lúc ấy, Xứ ủy Nam Kỳ nhận định tình hình và đặt ra chủ trương khởi nghĩa. Vì cơ sở đảng ở Ngã Sáu, Bình Đông bị lộ, cho nên sau khi họp Xứ ủy, ngày 30-7-1940, Nguyễn Thị Minh khai bị mật thám Pháp bắt.
     Nguyễn Thị Minh Khai lại phải chịu cảnh tù đày và một cuộc đấu tranh mới lại bắt đầu..
(Báo cáo Khoa học về Nguyễn Thị Minh Khai tại Hội thảo Khoa học do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức ngày 10-4-2018, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
               

1 Trong buổi tọa đàm ngày 6-7-1977 của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (lúc này đồng chí Trường Chinh là Trưởng Ban), các ý kiến thảo luận đều nhất trí xác định Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị với 4 căn cứ: (1) Trong tháng 10-1930, Nguyễn Ái Quốc đang ở Hồng Kông. (2) Trước khi Hội nghị họp, Nguyễn Ái Quốc đã gặp và làm việc với Trần Phú và các đại biểu dự Hội nghị. (3) Chỉ có Nguyễn Ái Quốc Cục trưởng Cục Phương Nam trực thuộc Quốc tế Cộng sản, thay mặt Quốc tế Cộng sản, mới có đủ thẩm quyền chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng trong lúc Hội nghị chưa bầu Tổng Bí thư. (4) Ngày sau khi bế mạc Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc cùng với Trần Phú đi Thượng Hải báo cáo kết quả Hội nghị với Bộ Phương Đông trực thuộc Quốc tế Cộng sản. Lúc này, trụ sở của Bộ Phương Đông đóng tại Thượng Hải.
2 Có tài liệu ghi là mật thám Pháp tại Hương Cảng bắt.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr..339.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 346.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 346,347..
6 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1977, tr.221.
7 Dẫn theo Những người cộng sản, sđd, tr. 223.