Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 4 ): CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI CÓ GIAI CẤP VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP


 PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)       


1. Nghiên cứu vấn đề con người trong xã hội có giai cấp đang còn có những ý kiến khác nhau. Trên mạng xã hội, người ta ít bàn về vấn đề này, mà chuyển sang bàn về vấn đề lợi ích khác nhau theo sự ăn chia khác nhau. Đang có xu hướng phủ nhận vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp và chuyển nó sang vấn đề đấu tranh dân tộc thuần túy. Tôi nghĩ rằng, phương pháp nghiên cứu đúng đắn nhất vẫn là nghiên cứu giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp; giữa đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Vấn đề giai cấp đã tồn tại trong lịch sử và cho đến tận ngày nay vẫn chưa chấm dứt và đi liền với nó là vấn đề con người trong xã hội có giai cấp, nên phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Vậy giai cấp là gì?
Giai cấp là những tập đoàn người cùng hoàn cảnh, khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định của lịch sử, khác nhau về quan hệ và xu hướng chính trị của họ (thường thường những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất; về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy, khác nhau về cách thức hướng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định. Sự tồn tại của giai cấp chỉ có thể gắn liền với những phương thức sản xuất nhất định trong lịch sử. Giai cấp xuất hiện là do sự phân công lao động xã hội và do sự xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Những giai cấp cơ bản xuất hiện trong một hội có giai cấp được quy định bởi những tập đoàn người đối kháng với nhau, như chủ nô và nô lệ dưới chế độ chiếm hữu nô lệ; địa chủ và nông nô dưới chế độ phong kiến; tư bản và công nhân dưới chế độ tư bản.
Hiện nay, có nhiều bài nghiên cứu vẫn gọi giai cấp công nhân là “giai cấp vô sản” dưới chủ nghĩa xã hội. Theo tôi, nghiên cứu này là sai về quan điểm nhận thức và phương pháp. Dưới chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân không thể gọi là giai cấp vô sản được nữa, vì nó đã thoát khỏi sự bóc lột, được nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo lãnh và chăm lo, do đó, sức lao động của họ không còn là hàng hóa. Nông dân tiến hành sản xuất trên cơ sở chế độ sở hữu tập thể. Giới trí thức cũng có sự biến đổi cả về lượng và chất. Chủ doanh nghiệp tư nhân dưới chủ nghĩa xã hội cũng không thể gọi họ là nhà tư sản, vì GDP (General Domestic Product) của doanh nghiệp tư nhân đó cũng được tính vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Việc thiết lập một cơ cấu xã hội không có giai cấp sẽ được thực hiện về chủ yếu và cơ bản trong những khuôn khổ lịch sử của chủ nghĩa xã hội khi nó đã trưởng thành với mức sống của người dân tương đối giống nhau.
Xã hội có giai cấp xuất hiện trong lịch sử vào các thời điểm khác nhau và mang nhiều hình thức cụ thể. Trải qua nhiều thế hệ, tất cả những yếu tố kết cấu xã hội quyết định sự phát triển tiếp tục của con người và khi con người càng phát triển thì xung đột cũng càng tăng lên, dẫn đến sự va chạm giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa giai cấp này với giai cấp khác. Sự xuất hiện xã hội có giai cấp đối kháng là biểu hiện phương thức hoạt động của các quy luật ấy.
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người xuất hiện xã hội có giai cấp là ở Mêdôpôtami và ở Ai Cập, cách đây khoảng 3 nghìn năm, tương ứng với khoảng gần 100 thế hệ người. Khi con người bước vào một thời kỳ lịch sử mới, có lối sống hoàn toàn khác với lối sống trước kia, trong khi xã hội cũng có nhiều biến đổi sâu sắc.
Sự phân tích một cách khoa học cho thấy rõ bản chất, quy luật bắt đầu nảy nở chi phối sự phát triển của con người sống trong xã hội kể từ khi xã hội bắt đầu có giai cấp xuất hiện. Ngày nay, bản chất và tính chất của xã hội ấy bộc lộ rõ rệt khi hai lực lượng thù địch xung đột với nhau.
 2. Khi nghiên cứu về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhiều người cho đây là sự biến tai hại nhằm thôn tính lẫn nhau. Tôi cho rằng, nhận thức này chưa đúng. Thực tế cho thấy lịch sử loài người từ khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp, con người đã tạo ra rất nhiều thành tựu to lớn về văn hóa, văn minh, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, lãnh đạo và quản lý. Lịch sử cũng đã ghi nhận biết bao sự tích anh hùng xã thân vì sự tiến bộ xã hội. Song, lịch sử cũng có đầy rẫy những sự độc ác, những cuộc chiến tranh, những cuộc hủy diệt dã man cuộc sống của con người, những hành động tàn phá các giá trị văn hóa. Có những nước trước đây là một quốc gia, nhưng do yếu tố lịch sử - chính trị, phải tách làm hai. Từ khi phải tách làm hai, thì sự căng thẳng lại trỗi dậy giữa những người cùng chung một tổ quốc trước đó. Nếu không có sự kìm nén, thì chiến tranh hủy diệt, tàn phá sẽ nổ ra bất cứ lúc nào, và như vậy, cả hai bên đều thất bại, tan nát.
Trong xã hội có giai cấp, quan hệ của con người với nhau theo hình thức cộng đồng xã hội nguyên thủy xưa kia bị thay thế. Con người trong xã hội bây giờ mất đi tính chất thống nhất của bản thân mình. Đáng lẽ hình thức quan hệ đầu tiên của con người phải được phát triển theo chiều thuận, cùng tồn tại và cùng phát triển, phụ thuộc lẫn nhau và  tác động vào nhau, làm phong phú cho nhau, nhưng do vì mâu thuẫn tranh giành lợi ích, nên dẫn tới xung đột, thậm chí thôn tính lẫn nhau. Các lợi ích đó, về khách quan không thể dung hòa, mà là giành giật, trở thành mâu thuẫn đối kháng và khi đã là mâu thuẫn đối kháng, thì nó phải giải quyết bằng đấu tranh giai cấp đối kháng, buộc con người phải phụ thuộc vào giai cấp này hay giai cấp khác trong xã hội. Khi giai cấp này phủ nhận được giai cấp kia, thì con người cũng buộc phải ngả theo giai cấp phủ nhận.
Thực ra, trong xã hội có giai cấp, con người vẫn phải phụ thuộc lẫn nhau. Nói ngay như bây giờ, chủ doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển nếu không có người lao động làm thuê làm ra sản phẩm để chủ doanh nghiệp bán ra và thu tiền lãi về sau khi đã trừ các khoản khấu hao cơ bản.
Nghiên cứu về con người trong xã hội có giai cấp phải dựa vào chủ nghĩa duy vật lịch sử, nghĩa là phải nghiên cứu các quan hệ xã hội, đồng thời, cũng phải nghiên cứu từng thành viên (công dân) trong xã hội. Khi chúng ta nghiên cứu xã hội cũng đồng nghĩa với việc nghiên cứu con người và khi chúng ta nghiên cứu về con người, thì cũng đồng nghĩa với việc nghiên cứu xã hội, không phải trong bản chất có tính quy luật của nó, mà trong sự tồn tại cụ thể của nó. Xuất phát từ nguyên tắc thống nhất giữa các quan hệ cá nhân và xã hội trong điều kiện xã hội có giai cấp, chúng ta phải xem xét theo những khía cạnh khác nhau đồng chiều, như về đạo đức xã hội ảnh hưởng gì đến đạo đức cá nhân và đạo đức cá nhân tác động gì đến đạo đức xã hội; kinh tế xã hội ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình và kinh tế gia đình có tác động gì đến sự phát triển của kinh tế xã hội,…
Nguồn gốc của giai cấp phát sinh từ mâu thuẫn. Trong mâu thuẫn, có mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Theo phép biện chứng duy vật, thì cuộc đấu tranh giữa những mặt đối lập, giữa cái mới và cái cũ, là nguồn gốc và nội dung thực tại của mọi sự phát triển. Trong sự phát triển, luôn luôn sinh ra những mâu thuẫn và chúng ta chỉ có thể khắc phục được những mâu thuẫn đó mới bảo đảm cho sự vận động tiến lên. Phép biện chứng duy vật gọi đó là mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn đối địch giữa các giai cấp, còn mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn nội bộ trong một giai cấp hoặc trong một tổ chức, nó thuộc những vấn đề riêng biệt thông thường, chứ không phải thuộc những vấn đề cơ bản. Khác với những mâu thuẫn đối kháng, đặc điểm của những mâu thuẫn không đối kháng là trong quá trình phát triển của nó, không nhất thiết phải biến thành một sự đối lập đối địch, đồng thời, cuộc đấu tranh giữa các mâu thuẫn đó, cuối cùng sẽ không dẫn đến một cuộc xung đột. Xã hội ta hiện nay vẫn còn mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn về ý thức hệ, nhưng không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn về quan điểm tư tưởng và quan điểm nhận thức. Giải quyết mâu thuẫn không đối kháng là bằng tinh thần phê bình và tự phê bình và bằng sự cải tạo, bằng đổi mới. Xã hội không bao giờ hết mâu thuẫn, chỉ có thể hạn chế và làm giàm bớt mâu thuẫn bằng chính sách và các biện pháp về tổ chức và bằng việc “mưu phạt nhân tâm” (đánh vào lòng người), tức là làm công tác giáo dục, thuyết phục là chủ yếu, đi đôi với việc định ra luật pháp và thực thi pháp luật. Xét cho cùng, chỉ có cách mạng mới có thể giải quyết được cả mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
Đường lối của Đảng từ khi thành lập đến nay và về sau là thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (có lúc gọi là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc) tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là một đường lối đúng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Việt Nam đã chịu nhiều sự xâm lược quá rồi, đau khổ quá nhiều rồi, nay muốn thoát ra khỏi sự xâm lược, sự đau khổ đó, phải làm cách mạng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm cách mạng và cách mạng đã thành công, nhưng còn phải làm tiếp. Tuy nhiên về phương pháp cần phải chấn chỉnh lại, uốn nắn lại. Nếu cứ dập theo phương pháp cũ, minh họa theo lối mòn cũ, sẽ lại dẫn đến tình trạng bùng nhùng như hiện nay.     
Một lời giải đáp có kết quả đang còn ở phía trước và chúng ta đang còn phải chờ đợi.