Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 8): BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI


PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)       


Nghiên cứu về bản chất của con người là nghiên cứu những đặc tính cơ bản của con người, vấn đề thực chất bên trong của con người và những quá trình sâu xa diễn ra trong bản thân nội bộ của con người ấy. Bản chất thể hiện ra bề ngoài của mọi hành vi con người.
Phép duy vật biện chứng chỉ ra rằng, khi nghiên cứu về bản chất con người phải gắn với nghiên cứu về hiện tượng của con người. Nếu bóc tách bản chất ra khỏi hiện tượng thì chỉ nắm được phần gốc mà không nắm được phần ngọn. Hiện tượng là một biểu hiện bên ngoài của bản chất, nó thể hiện phần nào cái bên trong của bản chất, tuy nhiều khi hiện tượng đánh lừa bản chất. Thí dụ, hằng ngày, chúng ta nhìn Mặt Trời thấy có vẻ nó di chuyển, vì sáng ở phương Đông, chiều lại ở phương Tây. Nhưng kỳ thực, Trái Đất quay chung quanh Mặt Trời. Trong xã hội, có người bản chất rất xấu xa, nhưng lời nói (hiện tượng) của anh ta lại rất tốt đẹp. Anh ta thao thao trên giảng đường, trong hội thảo với những lời nói hoa mỹ về đạo đức, nhưng về nhà, anh ta lại chửi vợ, đánh con, về cơ quan, anh ta thuộc loại cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, dìm người tài, nâng kẻ cơ hội, nhưng bất tài. Trong phép đối xử, người ta gọi đó là con người “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Vấn đề này, người ta gọi là hiện tượng đánh lừa bản chất. Như vậy, giữa bản chất và hiện tượng vẫn có sự mâu thuẫn, trái chiều nhau. Bản chất và hiện tượng tuy thống nhất, nhưng không đồng nhất. Nhiệm vụ của khoa học là tìm ra bản chất thật của con người qua những hình thức (lời nói, cử chỉ) bên ngoài của con người ấy.
Trong bộ sách “Tư bản”, C.Mác đã phân tích: “Nếu hình thức biểu hiện bên ngoài và bản chất của sự vật lại phù hợp trực tiếp với nhau, thì mọi khoa học đều là vô ích”.
Nhà lãnh đạo một đảng chính trị hoặc nhà quản lý một đất nước sẽ phạm sai lầm nếu chỉ nhìn, nghe hiện tượng bề ngoài của ai đó, tổ chức đó, mà không hề biết bản chất thật của anh ta ra sao, của tổ chức đó ra sao. Lãnh đạo, quản lý như vậy, người ta gọi đó là lãnh đạo, quản lý theo kiểu “cái bè”, bề nổi, hời hợt mà không có chiều sâu, không có trọng lượng.
Thật vậy, người ta có thể đi đến một kết luận sai lạc, nếu cứ chỉ phân tích theo những quá trình diễn ra trên bề mặt của vô số hiện tượng, hành vi của con người. Nếu không nhận thức được bản chất và những quy luật của các hiện tượng, thì mọi hoạt động thực tiễn đều chắc chắn sẽ đi đến thất bại. Thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy tư tưởng loài người bao giờ cũng đi từ hiện tượng bên ngoài đến bản chất bên trong. Bản chất phải biểu hiện ra bên ngoài, hiện tượng là sự thể hiện cái bên trong của bản chất.
Con người và tương lai của con người sẽ ra sao đang là vấn đề cơ bản đặt ra trên mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Mọi người đều có thể cảm nhận một cách trực tiếp rằng, chúng ta đang sống dưới điều kiện của sự biến đổi nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự biến đổi trong thế kỷ XXI đang diễn ra từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút, từng giây. Loài người đang đụng chạm đến tất cả những vấn đề xoay quanh cuộc sống và con người trong một xã hội. Vậy hãy đi tìm bản chất thật và hiện tượng thật của xã hội đó ra sao? Con cháu chúng ta mong đợi điều gì sẽ diễn ra trong cuộc sống và tương lai của họ? Chúng ta hãy tìm  trên mạng internet thấy có nhiều nhà khoa học ở các nước rất quan tâm đến vấn đề con người và bản chất con người. Có nhà khoa học bình luận rằng, các ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2016 là Donald Trump và Hilary Clinton nói rất nhiều đến tình hình thế giới, tình hình nước Mỹ, nhưng lại hời hợt trong việc phân tích về con người và bản chất con người Mỹ, nên nếu ai đó thắng cử thì cũng khó có một đường lối mới về xây dựng con người của nước Mỹ trong hiện tại và tương lai. Con người của nước Mỹ trong tương lai sẽ ra sao, đi về đâu, người ta không thấy diễn đạt trong các diễn văn ứng cử Tổng thống Mỹ năm 2016?
Thế kỷ XXI đang tiến nhanh về phía trước. Bên cạnh sự phát triển như vũ bão về tin học với những thông số kỹ thuật cao siêu, là sự chững lại của một nền kinh tế thế giới, sự khủng bố tàn bạo và dã man của một bộ phận người vô lương tâm, sự chạy đua quân sự với những vũ khi tối tân nhất, làm cho thế giới nóng lên từng ngày, từng giờ! Than ôi!
Trong hoàn cảnh mới, người ta lại nghĩ đến vai trò của giáo dục, một vấn đề đi trước sự phát triển của kinh tế – xã hội. Giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng nào và tương lai của nó sẽ ra sao? Tôi chưa thấy ai vạch ra một cách sáng sủa và đàng hoàng về vấn đề này. Hiện nay, chúng ta cũng mới chỉ làm được cái công việc hành chính trong giáo dục và đào tạo mà thôi, chứ chưa xây được cái nền móng và sự phát triển vững chắc của nó.
Vấn đề gia đình trong việc xây dựng bản chất con người cũng mới chỉ dừng lại ở từng gia đình. Gia đình nào lo thân phận của gia đình ấy. Xã hội hầu như chưa có sự tác động nào tới mỗi gia đình? Vấn đề gia đình trong xã hội ta ra sao, cũng chưa thấy ai nghiên cứu một cách đàng hoàng và có sức thuyết phục. Một câu hỏi đặt ra: Việc giáo dục là sự phó thác cho ai? Cho gia đình hay cho xã hội? Tuy vẫn biết rằng, gia đình là một hình thức có tính chất lịch sử của tổ chức đời sống chung của loài người, giữa người đàn ông và người đàn bà (vợ chồng) và sự tác động đến con cái, nhưng đã mấy ai nghiên cứu vấn đề gia đình một cách thấu đáo? Xã hội nguyên thủy chưa có gia đình, vì nó còn mang tính chất quần hôn. Khi loài người bước sang xã hội chiếm hữu nô lệ, rồi sang xã hội phong kiến, thì gia đình mới dần dần được hình thành. Vì vậy, nói đến gia đình là nói đến sự tổ hợp của một nhóm người được cấu tạo nên từ hôn nhân và tình cảm. Nó rất quan trọng, nếu xã hội không quan tâm, nó sẽ trở nên méo mó.
Con người trong tương lai liệu có đổi khác không? Và nếu có đổi khác thì đổi khác như thế nào? Đó cũng là vấn đề lớn cần phải nghiên cứu cho tường tận.
Việc nghiên cứu tiếp tục những vấn đề về con người liên quan hàng loạt đến vấn đề có tính chất đồng bộ như những kinh nghiêm thực tế trong quá trình phát triển xã hội cùng những nhiệm vụ đặt ra trong sự phát triển của tri thức khoa học về con người. Thực tiễn hoạt động của con người trong xã hội cho thấy không có một vấn đề triết học nào mà hiện nay đang là cuộc đấu tranh và giải phẫu tư tưởng sâu sắc như vấn đề con người.
Chung quanh những vấn đề thuộc về bản chất con người phải được gắn với những nhiệm vụ cơ bản nhất đang đặt ra đối với con người. Trong những nhiệm vụ vì cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội, thì không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn là vấn đề liệu có lực lượng tiến bộ nào có thể bảo vệ được hòa bình cho nhân loại hay không? Hiện nay, xu thế hòa bình vẫn chưa được khẳng định và xu thế chiến tranh vẫn chưa được đẩy lùi bởi có một số nhà lãnh đạo của một số quốc gia đã phản bội lại lợi ích căn bản của nhân dân, hiếu chiến, hung hăng, muốn tiến hành chiến tranh hủy diệt lẫn nhau. Trên bầu trời, ngày càng vắng chim hòa bình và ngày càng nhiều máy bay chiến đấu và tên lửa. Khói lửa của chiến tranh hằng ngày vẫn lởn vởn trên bầu trời thế giới. Nhiều người đang nhìn thấy khả năng chiến tranh có thể sẽ xảy ra ở khu vực, thậm chí trên thế giới, như Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đã xảy ra. Bên cạnh đó, lại thêm bệnh tật, chết chóc, tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày, hằng giờ, thường xuyên đe dọa đến cuộc sống của con người, làm cho con người thêm lo sợ và thất vọng!
Công trình nghiên cứu về bản chất con người là công trình mang tính thời đại. Quá trình phát triển của con người từ thời đại xa xưa cho đến ngày nay, chung quy lại, đều thuộc vấn đề bản chất của con người thông qua vô số các hiện tượng của nó. Trong suốt tiến trình lịch sử kể từ khi con người xuất hiện cho đến ngày nay và trong tương lai, loài người đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn đến vấn đề con người và bản chất của con người, nên nó đã rất cũ. Tuy nhiên, ở mỗi thời đại và mỗi quốc gia, mỗi xã hội, luôn luôn có những ý kiến mới về vấn đề đã cũ đó. Chừng nào con người còn hoạt động, chừng ấy còn nảy sinh những cái mới chung quanh những vấn đề đã cũ: con người.
“Con người”! Hai tiếng ấy vang lên trong mọi thời đại và đã, đang, sẽ đi vào cuộc sống của mỗi chúng ta!