Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 15): CON NGƯỜI VÀ CÁC CUỘC CÁCH MẠNG ĐẠI CÔNG NGHIỆP


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng,Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH)


  
1. Lịch sử loài người từ khi xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp cho đến nay đã nổ ra nhiều cuộc cách mạng: cách mạng tư sản, cách mạng dân chủ tư sản, cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng ruộng đất, cách mạng văn hóa, cách mạng khoa học và kỹ thuật mà ngày nay người ta gọi là cách mạng công nghiệp hóa hoặc cách mạng công nghiệp. So với các cuộc cách mạng khác, nhất là cách mạng khoa học và kỹ thuật, thì cuộc cách mạng đại công nghiệp (tôi xin được phép gọi là cuộc cách mạng đại công nghiệp) hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà còn hàm chứa sự thay đổi cả về  mặt văn hóa, xã hội, con người một cách toàn diện, sâu sắc. Cách mạng đại công nghiệp tác động đến mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia. Chính con người đã làm nên cuộc cách mạng đại công nghiệp và cũng chính con người đã đưa cuộc cách mạng đại công nghiệp vào đời sống xã hội. Con người thiếu yếu tố chính trị – tư tưởng vẫn sống được, nhưng nếu thiếu cuộc cách mạng đại công nghiệp, hẳn rằng, con người sẽ không sống nổi, như thiếu điện, thiếu máy bơm nước, thiếu ga, thiếu điện thắp sáng, điện chạy máy, tủ lạnh, điện chạy quạt, điện điều hòa, điện trong ngành y,… thì mọi việc sẽ trở nên tối om và con người sẽ chết dần, chết mòn. Có điều là hiện nay người ta đề quá cao, tôn sùng quá cao những nhà chính trị, nhà quản lý đất nước, trong khí đó, lại hầu như lãng quên các nhà phát minh, nhà sáng chế, đó là cái lỗi của người những người tuyên truyền, kẻ cơ hội, bọn bồi bút.   
Về mặt khái niệm, “cách mạng” có nghĩa là đổi mới; là cuộc biến đổi lớn, giải quyết một cách cơ bản những vấn đề chính trị – xã hội nhằm tạo nên một xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ hơn xã hội trước. Cách mạng đại công nghiệp giải quyết những vấn đề cơ bản theo hướng tiến bộ của loài người trên các mặt khoa học, kỹ thuật, công nghệ và tác động mạnh, trực tiếp đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng. Giữa thuật ngữ “công nghệ” và “công nghiệp” tuy thống nhất, nhưng không hẳn đồng nhất. Công nghệ là cách thức và quy trình áp dụng những thành tựu của khoa học và kỹ thuật vào đời sống xã hội, như công nghệ tin học chẳng hạn. Còn công nghiệp là những vấn đề then chốt của ngành kinh tế quốc dân hiện đại, là cơ sở để tạo ra kinh tế, mà từ kinh tế mới có thể tạo ra được chính trị. Công nghiệp chế biến ra nguyên, nhiên vật liệu, chế tạo ra công cụ lao động, chế biến ra các sản phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân khác. Công nghiệp nặng là bộ phận chủ chốt của công nghiệp, chuyên sản xuất ra tư liệu sản xuất, trước hết là các máy móc sản xuất ra hàng tiêu dùng. Công nghiệp nhẹ là một bộ phận của công nghiệp nói chung, thường sản xuất ra hàng tiêu dùng. Giữa khoa học và kỹ thuật tuy thống nhất, nhưng cũng không hẳn đồng nhất, bởi lẽ, khoa học ngày nay bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội (trong đó có khoa học nhân văn và khoa học lý luận), khoa học còn mang yếu tố ngành; còn kỹ thuật chỉ thuần túy giải quyết vấn đề về tài năng chuyên môn, vấn đề máy móc.
Cách mạng đại công nghiệp là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất, nó làm thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Điểm nảy sinh ra cách mạng đại công nghiệp bắt đầu từ nước Anh, sau đó, lan tỏa ra toàn thế giới. Nhờ có cuộc cách mạng này, lần đầu tiên, lao động chân tay, thủ công được thay thế bằng lao động máy móc. Tại sao cuộc cách mạng công nghiệp lại ra đời từ nước Anh, bởi vì ở Anh có nhiều mỏ than, sắt, quặng. Các dòng sông của Anh, sức nước chảy khá mạnh, đủ để khởi động các máy vận hành bằng sức nước; rồi những chiếc xe kéo sợi xuất hiện và tiến lên là những chiếc máy dệt vải hiện đại… Hải cảng Anh thuận lợi để đưa hàng hóa ra thế giới. Ở Anh có nhiều nhà phát minh tài ba.  
2. Lịch sử loài người từ trước tới nay đã chứng kiến 4 cuộc cách mạng đại công nghiệp: Cuộc cách mạng đại công nghiệp lần thứ nhất (thường gọi là cuộc cách mạng 1.0) diễn ra lúc nào, hiện đang còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến nói nó xuất hiện từ năm  1674, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nó xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, khi con người phát minh ra động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề chế tạo cơ khí, máy, giao thông vận tải (xe lửa chạy bằng hơi nước, tầu thủy, ô tô cũng chạy bằng hơi nước). Cuộc cách mạng này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Cuộc cách mạng đại công nghiệp lần thứ hai (thường gọi là cuộc cách mạng 2.0), diễn ra khoảng từ năm 1850 đến năm 1914, khi con người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, ánh sáng cho loài người. Từ khi có động cơ điện, thì năng suất lao động của động cơ điện tăng gấp nhiều lần so với động cơ hơi nước. Dù sao, phải có động cơ hơi nước trước, rồi mới có thể phát minh ra động cơ điện. Có người nói rằng, tại sao loài người không phát minh ra động cơ điện trước, mà lại phát minh ra động cơ hơi nước trước? Điều này chỉ có thể giải thích nó phụ thuộc vào sự phát triển của bộ não con người. Cuộc cách mạng đại công nghiệp lần thứ ba (thường gọi là cuộc cách mạng 3.0) xuất hiện từ năm 1969 đến năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, thì giai đoạn thứ ba kết thức. Giai đoạn này, con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, internet, kỹ thuật số… là những công nghệ hiện nay chúng ta đang sử dụng. Máy tính điện sơ khai xuất hiện vào thập niên 60, thế kỷ XX; máy tính cá nhân xuất hiện thập niên 70 và thập niên 80, thế kỷ XX; internet xuất hiện từ thập niên 90, thế kỷ XX đến cuối thế kỷ XX thì hoàn thiện nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao. Cuộc cách mạng đại công nghiệp lần thứ tư (thường gọi là cuộc cách mạng 4.0) bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI đến nay… Cuộc cách mạng đại công nghiệp này được nâng lên từ những thành quả kỹ thuật và công nghệ của cuộc cách mạng đại công nghiệp lần thứ ba để lại; được hình thành trên cơ sở cải tiến của cuộc cách mạng số, với hàng loạt công nghệ mới như máy in 3 D, robot, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, mạng cá nhân, điện toán đám mây, I0T, S.M.A.C, công nghệ na no, sinh học, vật liệu, y học tiến bộ vượt bậc, làm ra thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, cứu loài người thoát khỏi thần chết; các loại điện thoại di động, bỏ túi được cải tiến không ngừng, từ chỗ chỉ để nghe, gọi đến chỗ để nghe và nhìn thấy hình ảnh, xem được internet, sử dụng được e.mail, website,… một cách cực kỳ nhanh chóng, dễ dàng. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động, bỏ túi mà chúng ta có thể khám phá ra toàn thế giới với thiên nhiên, xã hội, văn hóa, con người. Có người nói rất đúng rằng, chỉ cần một chiếc điện thoại di động, bỏ túi, mà chúng ta đã biết toàn thế giới đang có những gì và nó đáp ứng đầy đủ với sự mong muốn của ta, cho nên bức tranh toàn thế giới đang nằm trong túi áo của chúng ta. Loài người hiện nay đang đi tới thế giới số…
3. Con người làm ra cuộc cách mạng đại công nghiệp, nhưng con người cũng làm ra những vũ khí giết người hàng loạt, phá hủy cả một thành phố, thậm chí cả một quốc gia, mà một số người lãnh đạo quốc gia đang sử dụng nó để tiêu diệt chính loài người. Thật là độc ác! Như vậy, chính con người đã giết chết chính mình và gia đình mình. Không biết rằng, rồi đây, thế giới sẽ đi đến đâu, loài người sẽ đi đến đâu, nếu cứ thi nhau sản xuất ra bom nguyên tử, tên lửa. Với tình hình như hiện nay, thì Trái Đất (tôi viết hoa chữ Trái Đất, vì Trái Đất là danh từ riêng) của chúng ta chẳng mấy chốc sẽ bị tiêu diệt. Hiện nay, thế giới đang chứa những kho vũ khí khổng lồ, giết người hàng loạt, trong đó có cả vũ khí nguyên tử và vũ khí hóa học.
Loài người mãi mãi biết ơn những nhà phát minh, nhà sáng chế lớn trong các ngành thiên văn học, vật lý học, hóa học, y học, sinh học. Theo các sách sử học và khoa học, chúng ta thấy có nhiều nhà phát minh, sáng chế, nhà khoa học và kỹ thuật vĩ đại, đã mang lại cho chúng ta biết bao điều tốt lành, nâng nhận thức của nhân loại lên tầm cao mới, dọn đường cho nhân loại tiến vào các cuộc cách mạng đại công nghiệp.
Nhà khoa học người Đức, Johannes Kepler dựa trên học thuyết của Copernicus, đưa ra các định luật về sự chuyển động của các thiên thể. Ông khẳng định Trái Đất của chúng ta chuyển động chung quanh Mặt Trời (tôi viết hoa chữ Mặt Trời, vì Mặt Trời là danh từ riêng). Ông xác định được quỹ đạo chuyển động của nó không phải là hình tròn, mà là hình elíp (hình elíp là sự tích tụ các điểm trong một mặt phẳng mà tổng các khoảng cách tới 2 điểm cố định bằng một số không đổi cho trước). Định luật thứ hai, J.Kepler chứng minh vận tốc chuyển động của hành tinh tăng lên khi đang tới gần Mặt Trời và giảm dần khi nó chuyển động ra xa Mặt Trời. Định luật thứ ba, J.Kepler đã xác lập được công thức toán học giữa thời gian cần để hành tinh chuyển động hết một vòng quanh Mặt Trời và khoảng cách giữa hành tinh đó với Mặt Trời. Nhà thiên văn học, nhà thực nghiệm khoa học người Ý đã chế ra kính thiên văn để quan sát bầu trời. Nhà vật lý học người Anh, William Gilbert, đã giải thích có sức thuyết phục Trái Đất như một cục nam châm khổng lồ, tạo ra một từ trường, điều đó làm la bàn chỉ xoay về hướng Bắc. Ông còn nghiên cứu về hiện tượng tĩnh điện. Ông thấy rằng, chỉ có hổ phách khi bị chà xát mới hút các vật nhẹ, mà các thứ khác như thủy tinh… cũng có tính chất như vậy. Ông gọi đó là “electron” (hổ phách). Nhà vật lý học vĩ đại nhất thế kỷ XVIII, người Anh, Issac Newton, đã phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, đặt hòn đá tảng vào nền vật lý cổ điển. Nhà hóa học người Anh Joseph Priestley, đã tìm ra ôxy. Nhà y học người Bỉ, Andreas Vesalius, đã tìm ra cấu trúc cơ thể người trong một cuốn sách của Ông. Nhà sinh lý học người Anh đã mô tả có sức thuyết phục trong một cuốn sách của Ông về tuần hoàn máu trong cơ thể con người và về mối quan hệ giữa trái tim và khối óc trong cơ thể con người. Nhà hóa học Nga, Dimitri Mendeleev, đã tìm ra Bảng hệ thống tuần hoàn vào năm 1869, theo đó, Ông đã sắp xếp các chất hóa học thành từng nhóm theo khối lượng riêng, tính chất riêng của chúng. Ngoài ra, Ông còn dự đoán mà sau này loài người sẽ phát hiện ra để lấp vào chỗ trống trong Bảng tuần hoàn của Ông với sự chính xác đáng kinh ngạc. Nhà kỹ thuật học người Ytaly, Alesssandro Volta, đã chế tạo ra pin do tác động của hoạt động hóa học vào năm 1869. Năm 1831, nhà kỹ thuật học Michael Faraday đã chứng minh dòng điện sẽ xuất hiện khi ta di chuyển ống dây qua một từ trường. Phát minh này đã tạo cơ sở cho việc chế tạo ra máy phát điện. Nhà khoa học người Scotland, James Clerk Maxwel, năm 1860, đã đưa ra lý thuyết giải thích ánh sáng cũng là một dạng của sóng điện từ và tới năm 1885, Heinrich Hertz đã chứng minh được tốc độ khác nhau của các loại sóng điện từ. Nhà kỹ thuật học người Đức, Wilhelm Rontgen, đã tạo ra một loại tia có thể đâm xuyên qua các vật thể rắn mà ánh sáng không thể xuyên qua được, đó là tia X. Hai vợ chồng nhà hóa học người Pháp, Pierre Curie và Marie Curie đã tinh chế được chất radium và phát hiện ra tính phóng xạ của chất này. Năm 1876, nhà kỹ thuật học Alexander Graham Bell đã phát minh ra máy điện thoại đầu tiên và năm 1878, nhà kỹ thuật người Mỹ, Thomas A. Edison đã làm cho điện thắp sáng (bóng đèn điện) để phục vụ cuộc sống. Ngày nay, trên toàn thế giới, mọi nhà đều có bóng đèn điện thắp sáng là nhờ có phát minh ra bóng đèn điện của T.A.Edison. Đầu thế kỷ XIX, khí đốt và gas đã được người Anh và người Pháp đưa vào phục vụ cuộc sống hằng ngày. Năm 1897, kỹ sư người Đức, Rudolf Diesel đã chế ra một loại động cơ đốt trong mang tên Diesel mà không cần đến bugi, đó là dầu Diesel. Thế kỷ XIX, một nhà y học người Pháp, Louis Pasteur đã chế tạo ra thuốc vaccin để chữa những bệnh hiểm nghèo. Nhà di truyền học người Áo, Gregor Mendel, đã đưa ra học thuyết chứng minh sự di truyền từ đời ông đến đời cha, từ đời cha đến đời con…, nói chung là từ thế hệ trước đến thế hệ sau qua những phân tử cực nhỏ, mà sau này được gọi là gen (gen di truyền). Còn rất nhiều những phát minh khác của các nhà vật lý học, hóa học, khoa học, y học,… mà tôi chưa kể ra trong bài viết này.
Những phát minh đó đều được nảy sinh từ cuộc cách mạng đại công nghiệp. Con người sinh ra cuộc cách mạng đại công nghiệp và chính con người cũng gắn bó với cuộc cách mạng đại công nghiệp. Ngày nay, người máy có khi còn thông minh hơn con người, nhưng con người lại sinh ra người máy, vì con người cũng là một sản phẩm biết tư duy của tự nhiên. Và chính biết tư duy mới sản sinh ra những sản phầm không biết tư duy, nhưng lại hành động như một tư duy hiện đại, để phục vụ cho chính con người.
Chúng ta trân trọng những con người của mọi thời đại, nhất là những con người của sáng chế, phát minh!