LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ, PGS, TS- CỬ NHÂN NGỮ VĂN ĐÀM ĐỨC VƯỢNG VỀ CUỐN SÁCH: LỊCH SỬ VIỆT NAM GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ DÒNG HỌ VIỆT NAM
VỀ CUỐN SÁCH: LỊCH SỬ
VIỆT NAM GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ DÒNG HỌ VIỆT NAM
Đàm
Thị An Toàn lấy Vua Lý Cao Tông, được phong làm An Toàn Hoàng hậu. Bà sinh ra
Vua Lý Huệ Tông, được tôn làm Đàm Hoàng Thái hậu. Triều Lý còn có quan Thái úy
Đàm Dĩ Mông mà cho đến nay, sử sách vẫn còn có những ý kiến đánh giá khác nhau.
Các quan Triều Lý còn có Đàm Kinh Bang, Đàm Toái Trạng. Các học giả Triều Lý có
Đàm Cửu Chỉ, Đàm Khí. Triều Lê Sơ đến Lê Trung Hưng, rồi gối sang giai đoạn Vua
Lê - Chúa Trịnh, có quan Thượng thư Đàm Thận Huy, Thượng thư Đàm Thận Giản,
Thượng thư Đàm Đình Cư, Thượng thư Đàm Công Hiệu, các học giả Đàm Văn Lễ, Đàm
Tung, Đàm Thận Liêm, Đàm Cử... Có thể nói, họ Đàm Việt Nam phát triển rực rỡ
nhất dưới Triều Lê Sơ - Hậu Lê, mà cái nôi là ở Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Thượng tướng, Phó Chủ tịch nước Đàm
Quang Trung và nhiều học giả, nhà khoa học, nghệ sĩ xuất thân từ dòng họ Đàm
Việt Nam.
Đã
từ lâu, tôi có ý định viết cuốn sách Lịch sử Việt Nam gắn liền với Lịch sử dòng
họ Việt Nam. Ý định này đã thúc giục tôi đi sưu tầm tài liệu về lịch sử Việt
Nam gắn liền với lịch sử dòng họ Đàm Việt Nam. Tôi đã đi khắp các thư viện, kho
lưu trữ ở trong nước và cũng ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, để sưu tầm
tài liệu về lịch sử Việt Nam và lịch sử họ Đàm Việt Nam. Qua nhiều năm miệt mài
biên soạn, đến nay, bản thảo đã hoàn thành. Tôi xem đó là một đóng góp cho kho
tàng lịch sử Việt Nam và lịch sử họ Đàm Việt Nam.
Mục
đích của việc biên soạn cuốn sách lịch sử về một dòng họ - họ Đàm Việt Nam là
để ôn lại truyền thống dòng họ Đàm Việt Nam, qua đó mà giáo dục cho con cháu
noi gương các vị tiên liệt mà ra sức phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, chăm chỉ
lao động, siêng năng học tập, trở thành những nhân tài, người thành công, thành
danh của đại gia đình họ Đàm và cũng là công dân Việt Nam có những đóng góp
tích cực cho xã hội.
Họ
Đàm Việt Nam tuy về số lượng người không đông bằng họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần,
họ Phạm, họ Ngô, họ Vũ, họ Đặng, họ Đỗ, họ Phan, họ Đinh và các họ khác, nhưng
cũng không ít, có khoảng trên dưới 2 triệu người đã và đang sống trên đất nước
Việt Nam.
Nguồn
gốc của dòng họ Đàm Việt Nam, qua nghiên cứu, tôi thấy có một bộ phận ở trên
đất nước Việt Nam đã từ lâu đời, nhưng cũng có một bộ phận di chuyển từ phương
Bắc đến, dần dần trở thành người Việt và cũng có một bộ phận người họ Đàm Việt
Nam di chuyển sang phương Bắc.
Dòng
tộc họ Đàm Việt Nam phiêu bạt khắp nơi, lên rừng xuống biển. Đến nay, qua khảo
cứu của chúng tôi, thì 63 tỉnh, thành trong cả nước đều có các chi, nhánh họ
Đàm, như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố
Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn,
Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ,
Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên, Phúc Yên), Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hải
Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà
Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Quảng
Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk,
Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng
Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng,
Kiên Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa -Vũng Tàu, Cà Mau.
Trong
cuốn sách này, tôi cố gắng trình bày một cách có hệ thống với những tài liệu
xác thực, rõ ràng về lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Hồng Bàng Thị đến tận năm
2018, năm hoàn thành bản thảo của cuốn sách.
Về dòng họ Đàm Việt Nam và những nhân vật tiêu biểu của họ Đàm Việt Nam,
tôi trình bày từ thời Trưng Nữ Vương mà vị thủy tổ của họ Đàm là nữ tướng Đàm
Ngọc Nga cách đây hai nghìn năm và qua các giai đoạn: Bà Triệu khởi nghĩa;
Triều Tiền Lý (Lý Nam Đế); Triều Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục); triều Hậu
Lý Nam Đế (Lý Phật Tử); triều Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan); thời Bố Cái Đại Vương
(Phùng Hưng); thời họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ); thời Dương
Đình Nghệ; Triều Ngô (Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập);
Triều Đinh (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Toàn); Triều Tiền Lê (Lê Đại Hành tức Lê
Hoàn, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều); Triều Lý (Lý Thái Tổ tức
Lý Công Uẩn, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh
Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng); Triều Trần (Trần Thái Tông,
Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông,
Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần
Thiếu Đế); Nhà Hậu Trần (Giản Định đế tức Đế Ngỗi, Quý Kháng tức Trùng Quang
đế); Triều Lê Sơ - Hậu Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh
Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê
Cung Hoàng); triều Mạc (Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc
Nguyên, Mạc Mậu Hợp); Triều Lê Trung Hưng (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Thế
Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê
Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Duy Đế Phường tức Hôn Đức Công, Lê Thuần Tông, Lê Ý
Tông, Lê Hiển Tông, Lê Mẫn Đế); triều Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn
Quang Toản); Triều Nguyễn (Nguyễn Thế Tổ tức Nguyễn Phúc Ánh, Gia Long; Nguyễn
Thành Tổ tức Phúc Đảm; Nguyễn Hiến Tổ tức Miên Tông; Nguyễn Dực Tông tức Hồng
Nhậm; Dục Đức tức Ưng Chân; Hiệp Hòa tức Hồng Dật; Nguyễn Giản Tông tức Ưng
Đăng; Hàm Nghi tức Ưng Lịch; Nguyễn Cảnh Tông tức Ưng Xụy; Thành Thái tức Bửu
Lân; Duy Tân tức Vĩnh San; Nguyễn Hoằng Tông tức Bửu Đảo; Bảo Đại tức Vĩnh
Thụy); chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là chính thể Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam).
Cuốn
sách này cũng đã xuyên suốt khoảng 2.000 năm của dòng họ Đàm trên đất Việt Nam.
Thời nào cũng có những nhân vật tiêu biểu xuất hiện: Đời Trưng Nữ Vương có nữ
tướng Đàm Ngọc Nga. Triều Lý có Quốc sư Đàm Thiên, một nhà sư thuộc làu kinh
sử. Triều Đinh có Hoàng Thái hậu Đàm Thị (Đàm Thị Thiềm, Đàm Thị Thiềm Nương),
mẹ đẻ ra Đinh Tiên Hoàng. Triều Lý có Đàm Thì Phụng, thân phụ của Đàm Thị An
Toàn.
Có
thể nói, dòng họ Đàm Việt Nam xưa nhất là dòng họ của nữ tướng Đàm Ngọc Nga còn
dòng họ Đàm Việt Nam lớn nhất là dòng họ Đàm Công… ở làng Kim Bảng, xã Hương
Mạc, huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh và dòng họ Đàm Thận… ở
làng Me, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Họ
Đàm đã đi vào lịch sử Phật giáo khi hầu hết các sư nữ đều lấy tên họ Đàm. Họ
Thích và họ Đàm là họ của dòng Phật giáo. Tính nhân từ và sự khoan dung của
người họ Đàm đã thể hiện điều đó.
Những
liệt sĩ họ Đàm Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhất là
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là niềm tự hào chân chính nhất của tất cả
những người họ Đàm Việt Nam.
Trong
sách Lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử dòng họ Việt Nam, tôi đã tổng kết và
rút ra được một số vấn đề về họ Đàm Việt Nam. Việc tổng kết này là rất quan
trọng, vì thông qua tổng kết mà rút ra được một số kinh nghiệm quý, tốt thì
phát huy, không tốt thì khắc phục, cũng là để cho các thế hệ họ Đàm Việt Nam
học tập.
Phạm
vi của cuốn sách này, tôi cũng mới chỉ nêu được phần chính về những nhân vật
tiêu biểu của họ Đàm Việt Nam trong lịch sử đã được ghi vào sử sách, gắn với
lịch sử dân tộc. Phần Phụ lục của cuốn sách, tôi đã liệt kê danh sách các chi
của họ Đàm Việt Nam, tuy sự liệt kê này chưa đầy đủ. Còn những phần như danh
sách các liệt sĩ, từ đường, miếu mạo, di tích, gia phả, câu đối, bút tích, tài
liệu, thư tịch... về họ Đàm Việt Nam, tôi không có điều kiện đưa hết vào cuốn
sách này được, vì tư liệu còn thiếu; hơn nữa, nhiều tài liệu về vấn đề này lại
chưa chính xác. Sau này, nếu sưu tầm được đầy đủ tài liệu, tôi sẽ viết tiếp.
Nguồn
tài liệu để đưa vào cuốn sách này đều là những tư liệu chính thống, có sự đối
chiếu, xác minh cẩn thận. Tài liệu nào còn phải tiếp tục xác minh, tôi đều ghi
rõ ở phần chú thích. Tất cả các câu trích đều ghi rõ nguồn.
Những từ cổ Hán, Nôm mà nay không còn thông dụng, đều được giải nghĩa ở phần
chú thích cuối trang.
Tuy
nhiên, cũng có một số sự kiện lịch sử, nhất là về nhân danh, địa danh, ngày,
tháng, năm chỉ là tương đối, bởi lẽ, các sách sử chép rất khác nhau và cũng
không đưa ra một kết luận nào cho chính xác. Ngay như bộ sử xưa nhất mà chúng
ta đang có trong tay là sách “Việt Sử lược” (còn trước cả “Đại Việt Sử ký toàn
thư”) cũng có một số chỗ chép nhầm. Thí dụ, như Lý Thường Kiệt đánh quân Tống vào
năm 1074, trong khi các thư tịch Nhà Tống và sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” đều
chép vào năm 1075, chép sớm mất một năm. Có sách sử chép về năm lại muộn mất
một năm... Vì vậy, một vấn đề đặt ra cho tôi là phải đối chiếu cẩn thận và cố
xác minh sự kiện lịch sử cho chính xác hoặc gần chính xác.
Cuốn
“Kỷ yếu Hội thảo họ Đàm trong lịch sử dân tộc và thân thế sự nghiệp quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy”, Nhà
xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015, là một trong số những tài
liệu tham khảo để tôi biên soạn cuốn sách này.
Dù
sao, vẫn còn một số nhân vật tiêu biểu của họ Đàm trong quá trình dựng nước và
giữ nước của dân tộc, mà tôi chưa khai thác hết hoặc khai thác chưa đầy đủ. Sau
này, nếu có điều kiện sẽ bổ sung khi tái bản.
Trong
quá trình biên soạn cuốn sách này, tôi gặp một số khó khăn, nhất là về tư liệu
học và xác minh tư liệu học. Tôi đã tới nhiều kho lưu trữ, thư viện ở trong
nước và ngoài nước để sưu tầm và xác minh tài liệu về họ Đàm Việt Nam. Tuy
nhiên, vẫn chưa thể đầy đủ được, nhất là ở thời kỳ đầu xuất hiện dòng họ Đàm
Việt Nam. Hy vọng sau này, khi được tái bản, sẽ có thêm nhiều tài liệu mới bổ
sung, làm cho cuốn sách ngày thêm phong phú.
Việt
Nam rõ nhất sách sử bắt đầu xuất hiện từ Triều Trần, cách đây 792 năm
(1225-2017). Triều Lý có rất nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử, lại bắt đầu
xuất hiện những nhà trí thức lớn, nhưng các nhà trí thức Triều Lý lại không để
lại cho chúng ta bộ sách sử nào. Thật đáng tiếc! Vì vậy, phải đến Triều Trần
thì sách sử Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện. Quyển sử đầu tiên của nước ta có
thể là sách “Đại Việt Sử ký” do Lê Văn Hưu biên soạn, đời Trần Thánh Tông, năm
1272 (Nhâm Thân). Từ đấy trở đi, lần lượt có nhiều sách sử ra đời.
Trong
số các bộ sách sử mà tôi đang có trong tay, tôi thấy bộ “Đại Việt Sử ký toàn
thư” là chép chi tiết hơn cả. “Đại Việt Sử ký toàn thư” là bộ thông sử có giá
trị nhất để nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Những cuốn thông sử viết sau, phần lớn
là cũng rút ra từ bộ sách này. Tôi chỉ có một điều băn khoăn là việc đánh giá
một số nhân vật lịch sử trong sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” còn mang tính hiện
tượng mà không theo bản chất thật của họ, cho nên nó chưa được chuẩn mực lắm.
Đến
năm Ất Tỵ (1665), đời Vua Lê Huyền Tông (năm Cảnh Trị thứ ba), Tây vương Trịnh
Tạc sai Phạm Công Trứ khảo định bộ “Sử ký toàn thư” và viết thêm phần “Bản kỷ
tục biên”. Song, mới in được năm, sáu phần. Đến năm Đinh Sửu (1697) đời Vua Lê
Hy Tông, Định vương Trịnh Căn sai Lê Hy và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và viết nốt
phần “Bản kỷ tục biên” từ năm 1663 đến năm 1675. Như vậy, “Đại Việt Sử ký toàn
thư” không chỉ là bộ sách do Ngô Sĩ Liên soạn mà là do nhiều người viết ở các
thời kỳ khác nhau, bổ sung thêm. Dù sao, Ngô Sĩ Liên vẫn là người viết đầu
tiên, viết chính.
Về
mặt văn bản học, chúng ta có bản in năm Chính Hòa thứ 18 tức năm Đinh Sửu
(1697), lưu giữ tại Thư viện của Hội Á Châu, Paris, Pháp, do Giáo sư Phan Huy
Lê sao chụp lại. Đây là bản in năm Đinh Sửu (1697), có giá trị đặc biệt của văn
bản gốc, của nguyên bản bộ “Đại Việt Sử ký toàn thư”. Bản dịch “Đại Việt Sử ký
toàn thư”, theo bản in năm Chính Hòa thứ 18, do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh
Toàn viết Lời giới thiệu; Giáo sư Phan Huy Lê khảo cứu về tác giả, văn bản, tác
phẩm; dịch và chú thích: Ngô Đức Thọ; hiệu đính: Giáo sư Hà Văn Tấn; Nhà xuất
bản Khoa học xã hội ấn hành vào năm 1983.
Sách
“Việt Sử lược”, viết vào Triều Trần, thế kỷ XIV, chưa rõ tên tác giả. Hiện
trong tay chúng ta có bản chữ Hán và bản dịch chữ Quốc ngữ. Bản dịch chữ Quốc
ngữ do Giáo sư Trần Quốc Vượng dịch1. Sách “Sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên
viết vào hồi nửa cuối thế kỷ XV. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”,
do Quốc sử quán Triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856-1884. Sách “Đại Nam
Nhất thống chí” của Quốc Sử quán Triều Nguyễn”. Sách “Lịch triều Hiến chương
loại chí” của Phan Huy Chú. Sách “Việt Nam Sử lược” của Trần Trọng Kim. Sách
“Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX” của Đào Duy Anh. Sách “Quốc
triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục… Đó là nhưng bộ sử lớn, một kho tư liệu
lịch sử quý báu mà tôi đã dẫn trích trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam gắn liền
với Lịch sử dòng họ Việt Nam”. Sách “Lịch sử Việt Nam” (tập 1) của Ủy ban Khoa
học xã hội Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971) cũng là một
nguồn tài liệu tham khảo. “Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia” trên mạng internet
đăng thông tin về những nhân vật lịch sử, thường xuyên được sửa đổi,
điều chỉnh, bổ sung và dẫn nguồn đã giúp cho việc nghiên cứu của tôi được thuận
lợi để viết cuốn sách này. Tuy nhiên, khi sử dụng “Bách khoa Toàn thư mở
Wikipedia”, tôi vẫn phải đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu khác, vì “Bách khoa
Toàn thư mở Wikipedia” vẫn còn phải tiếp tục sửa.
Tôi
rất có cảm tình với cuốn sách “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo
triều Lý” của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, vì ông đã viết:
Từ
đời Tần, mỗi lúc có một họ thống nhất Trung Hoa, họ ấy liền nghĩ đến việc chiếm
các nước nhỏ chung quanh. Tần có Nhâm Ngao, Triệu Đà; Hán có Lộ Bác Đức, đều đã
đạt mục đích là diệt họ đang cầm quyền ở đất Việt.
Trong
khoảng thời gian nước ta được độc lập hoàn toàn, những cuộc xâm lăng bắt đầu từ
đời Tống. Dưới Triều Tống Thái Tông, tướng Tống tưởng lấy nước ta dễ, đã khinh
cử, nên thất bại hoàn toàn bởi tay Lê Hoàn. Lần thứ hai, dưới Triều Tống Thần
Tông, thế Vua Tống và Tể tướng
Vương
An Thạch rất lớn, cho nên sự xuất quân được dự bị một cách cẩn thận và đầy đủ:
Quân hơn 10 vạn, sửa soạn một năm, tướng tá tinh nhuệ, kế hoạch định rõ từng
chi tiết.
Đáng
lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu, quận của Tống. May! Đương thời, có một vĩ
nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng
thời cơ, có kinh nghiệm điều binh, khiển tướng.
Bậc
ấy là Lý Thường Kiệt”1.
Nguyên
tắc sử dụng các sách sử của các sử gia đã viết trước đây là có sự đối chiếu, so
sánh giữa văn bản chữ Hán hoặc chữ Nôm với các bản dịch ra chữ Quốc ngữ, trong
đó, vẫn lấy bản dịch ra chữ Quốc ngữ là chính, vì tôi quan niệm rằng, những bản
dịch ra chữ Quốc ngữ đều qua thẩm định của các nhà sử học trước khi xuất bản.
Các
cuốn sách sử của sử gia người nước ngoài viết, trong đó “Nguyên sử”, “Tống
sử”... và các sách sử khác của Trung Quốc, cũng là những tài liệu tham khảo để
thấy được họ viết gì, rồi đem đối chiếu, sẽ thấy được cái đúng, cái sai viết về
các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử, qua đó mà có sự lựa chọn đúng, hợp
lý để viết vào cuốn sách. So sánh thường là phương pháp tốt trong khi viết sử.
Để
có cơ sở thực tế, viết cho chắc tay, ngoài việc nghiên cứu nghiêm túc các sách
sử, sách lý luận, các tài liệu thành văn, tôi còn đi tới nhiều địa phương,
những nơi có di tích lịch sử để khảo sát như đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc
Ninh; đền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ; đền Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội; đền thờ Tản
Viên ở Ba Vì, Hà Nội; đền thờ Hai Bà Trưng ở Hà Nội; đền thờ Ngô Quyền, Phùng
Hưng ở Sơn Tây (nay là Hà Nội); đền thờ
Vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình; đền thờ Lý Bát Đế ở Bắc Ninh; đền thờ các Vua
Trần ở Nam Định; thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa; đền thờ Vua Lê Lợi ở Nghệ An; đền
thờ các Vua Tây Sơn ở Bình Định; các lăng tẩm Triều Nguyễn ở Huế; quê hương Chủ
tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An và nhiều địa danh khác. Hàng chục năm tôi 2vào Nam
ra Bắc, đi sưu tầm tài liệu ở nước ngoài, khảo sát thực tế, đối chiếu, xác minh
tài liệu để viết cuốn sách này. Đi bất cứ đâu, tôi cũng ghi chép rất tỉ mỉ vào
những cuốn sổ tay để tiện đối chiếu, tra cứu. Tôi đã từng nhiều lần đến sông
Bạch Đằng, nghĩ đến tổ tiên ta đánh quân xâm lược phương Bắc; vào thăm Văn Miếu
- Quốc Tử Giám ở Hà Nội để nghiên cứu về trường đại học đầu tiên của Việt Nam,
nghiên cứu về văn hóa Việt Nam... Có lần đi khảo sát thực tế, tôi bị tai nạn
giao thông, phải nằm điều trị tại bệnh viện mất cả tháng trời. Thật là gian khổ!
Nhưng tôi nghĩ đây là việc làm lớn, rất có ý nghĩa, nên tôi đã cố gắng! Tôi
nghĩ rằng, lịch sử bao giờ cũng nghiêm túc và chính xác.
Về
cách xưng hô nhân vật cũng cần có sự lựa chọn, như dùng thuật ngữ “ông”,
“bà”... để viết cho phù hợp. Ngôn ngữ không có tính giai cấp, mà chỉ là tiếng
nói của một dân tộc, nó mang tính chất công bằng trong sử sách.
Về
âm điệu cũng cần được cân nhắc cẩn thận và viết rõ, như âm Hán không có vần
“r”, nên có một số trường hợp như địa danh “Bà Rịa”, phải viết thành “Bà Địa”,
mà không được chú thích, làm người đọc không rõ địa danh “Bà Địa” ở đâu?...
Có
những ngôn từ tuy chữ viết khác nhau, nhưng đều chung một nghĩa và có giá trị
như nhau, nên trong quá trình viết, có thể dùng chữ này, hoặc chữ khác, như có
thể viết “Triều Lý”, “Nhà Lý”, “Đời Lý”, “Thời Lý”, “Họ Lý”; “Triều Tống”, “Nhà
Tống”, “Đời Tống”, “Thời Tống”, “Họ Tống”... tùy theo hoàn cảnh của từng triều
đại mà viết cho phù hợp. Một số từ ngữ như “chép”, “ghi”, “viết” có giá trị
ngôn ngữ như nhau. Sách “Việt Sử lược” và sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” thường
dùng từ “chép”, nhưng các sách sử sau đó, thường dùng từ “ghi”, “viết”, tùy
theo mỗi thời mà dùng từ cho phù hợp.
Vấn
đề xác định ngày dương lịch và ngày âm lịch cũng gặp khó khăn. Có sách viết
ngày âm lịch, có sách viết ngày dương lịch. Nhiều khi lẫn lộn giữa ngày dương lịch với ngày âm
lịch. “Đại Việt Sử ký toàn thư”, nhiều chỗ chỉ viết ngày, không rõ là âm lịch
hay dương lịch, và cũng không rõ ngày, tháng, năm, phải mất nhiều công đối
chiếu, tra cứu. Trong sách này, nếu viết ngày âm lịch, tôi thường đưa năm âm
lịch lên trên, rồi mới đến năm dương lịch, và khi viết ngày dương lịch, tôi đưa
năm dương lịch lên trên, rồi mới đến năm âm lịch. Thí dụ: Ngày 24 tháng 11 năm
Đinh Hợi - 1287 (được xem là ngày âm lịch). Ngày 25 tháng 12 năm 1287
Đinh
Hợi (được xem là ngày dương lịch)...
Vấn
đề “chính sử” và “không chính sử” cũng cần được có quan niệm cho đúng. Nhiều
sách sử của một cá nhân viết rất chính sử, vậy có được xem là chính sử hay
không? Hay là chỉ có những sách sử của một số cơ quan công quyền viết theo đơn
đặt hàng, gọi là đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, mới được xem là chính sử? Lịch sử
sử học cho thấy có một số sách sử do cá nhân viết lại tồn tại lâu dài. Đây là
sự thật. Tất nhiên, chẳng ai dám phủ nhận những cuốn sách sử do một tập thể tác
giả viết, nếu những cuốn sách đó viết đúng với lịch sử. Vì vậy, có nên quan
niệm đề cao sách sử do tập thể viết, mà hạ thấp vai trò của sách sử do cá nhân
viết không? Theo tôi, cái cốt lõi vẫn là ở chất lượng và sự trung thực của những
cuốn sách sử đó. Lịch sử là một khoa học, rất công bằng và quang minh chính
đại. Người viết sử là một nhà khoa học, mà một khi đã nói đến khoa học thì nó
phải được đối xử như một khoa học.
Lịch
sử, xét về mặt triết học, là nguyên tắc nhận thức các sự vật và hiện tượng
trong sự phát triển, hình thành của chúng, trong mối liên hệ của chúng với
những điều kiện lịch sử cụ thể quy định. Quan điểm lịch sử là cách xem xét hiện
tượng như là sản phẩm của sự phát triển lịch sử nhất định. Là một phương pháp
nghiên cứu lý luận nhất định, quan điểm lịch sử là sự xác nhận không phải bất
kỳ sự biến đổi nào, thậm chí cả biến đổi về chất, mà là xác định sự biến đổi
trong đó thể hiện sự hình thành những nét đặc trưng và những mối liên hệ đặc
thù của các sự vật và hiện tượng quy định bản chất mang tính khách quan thông
qua ngòi bút chủ quan của người viết sử. Quan điểm lịch sử đòi hỏi phải thừa
nhận tính chất kế thừa và không thể đảo ngược của những biến đổi của sự vật.
Quan điểm lịch sử đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của
khoa học, cho phép khoa học vẽ nên bức tranh về quá khứ, hiện tại và sự đoán
định sự phát triển của tương lai. Muốn làm được điều đó, người viết sử phải có
sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lịch sử với logic, trong đó, lịch sử làm
nền, để chứng minh, còn logic để đánh giá, phân tích, bình luận. Một cuốn sách
sử viết tốt sẽ có sức lôi cuốn mạnh người đọc qua các thế hệ sẽ tồn tại lâu dài
và ngược lại.
Tóm
lại, tổ tiên, ông cha ta đã để lại cho chúng ta những bộ sách sử quý để rồi chúng
ta viết tiếp những trang sử thời cận, hiện đại và cho đến tận ngày nay. Tuy
nhiên, cũng phải nói rằng, tài liệu về lịch sử Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng,
chưa điền vào được, đúng như lời quan Tham tụng Bùi Huy Bích: “Nước ta về môn
sử ký rất là sơ lược”1. Vì vậy, những người viết sử sau này, cần phải cố gắng
nhiều hơn để điền vào những chỗ trống mà các thế hệ viết sử lớp trước chưa điền
vào được.
Bên
cạnh những trang sử viết về lịch sử dân tộc là những trang sử viết về dòng họ
Đàm Việt Nam. Với ý thức về dòng họ, bản thân tôi đã dành toàn
bộ trí tuệ, sức lực, thời gian để viết cuốn sách này; vừa nghĩ vừa đánh máy
trực tiếp, sai đâu sửa ngay trên máy, thực hiện viết trang nào xong trang ấy.
Nhiều đêm, tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng để đánh máy bản thảo. Sự cố gắng vượt
bậc này đã mang lại cho tôi một bản thảo chất lượng. Đây có lẽ là niềm an ủi
duy nhất đối với tôi khi viết cuốn sách này.
Về
phương pháp biên soạn, cuốn sách này là sự gắn kết giữa lịch sử Việt Nam với
lịch sử dòng họ Đàm Việt Nam. Trong quá trình biên soạn, tôi đã kết hợp trình
bày về lịch sử dân tộc Việt Nam và với các dòng họ khác ở Việt Nam nếu dòng họ
đó có liên quan đến dòng họ Đàm Việt Nam. Đây là cách tiếp cận hợp lý nhất, lối
viết tiên tiến nhất, bởi vì, nếu chỉ trình bày riêng về lịch sử họ Đàm Việt Nam
mà không trình bày lịch sử dân tộc Việt Nam, thì sẽ rơi vào tình trạng lịch sử
“chay” riêng về một dòng họ, làm kém đi sự phong phú, đa dạng của cuốn sách.
Phương
pháp chỉ đúng khi nó được gắn bó với logic và với lịch sử. Nó là cách thức để
đạt tới mục tiêu, là vấn đề, sự kiện được sắp xếp và trình bày một cách có hệ
thống và theo một trật tự nghiêm ngặt.
Phương
pháp chỉ đúng khi nó được chọn lọc những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển
hình để đưa vào sách. Nếu đưa những nhân vật tạp nham, không điển hình, không
chọn lọc kỹ, vào sách, vô hình trung, sẽ làm hạ thấp chất lượng tác phẩm.
Tôi
đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy
vật lịch sử để viết cuốn sách này. Chủ nghĩa duy vật biện chứng chính là nghiên
cứu và sự biến đổi về hoạt động của dòng họ Đàm Việt Nam trong lịch sử; về quy
luật hoạt động của họ Đàm Việt Nam nằm trong quy luật hoạt động của dân tộc
Việt Nam; trình bày một cách khách quan về dòng họ Đàm Việt Nam trong lịch sử;
khám phá những điều chưa biết về hoạt động của họ Đàm Việt Nam trong lịch sử.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử được thể hiện ở sự trung thực, chính xác của lịch sử
họ Đàm Việt Nam, đến những người lao động của họ Đàm Việt Nam, đến những điều
kiện sinh hoạt vật chất và phương thức sản xuất của họ, đến vấn đề tiếp cận tôn
giáo và đạo đức của người họ Đàm Việt Nam.
Lịch
sử dân tộc chi phối lịch sử của một dòng họ. Lịch sử của một dòng họ góp phần
làm phong phú lịch sử dân tộc. Lịch sử các dòng họ cấu thành lịch sử dân tộc.
Vì vậy, khi viết về lịch sử của một dòng họ, không thể không viết về lịch sử
dân tộc. Điều tối kỵ của nhà viết sử là bóc tách lịch sử của một dòng họ ra
khỏi lịch sử dân tộc.
Dân
tộc là một cộng đồng người ổn định, sống trên một khu vực đất, nước, hình thành
trong lịch sử, xuất hiện trên cơ sở cùng chung tiếng nói, lãnh thổ, sinh hoạt,
kinh tế, phong tục tập quán và cấu tạo về tâm lý, thể hiện trong nền văn hóa
dân tộc chung. Tất cả những đặc điểm trên của dân
tộc đều có mối liên hệ lẫn nhau và chỉ có bao gồm tất cả những đặc điểm ấy thì
cộng đồng đó mới có thể gọi là dân tộc. Dân tộc khác với chủng tộc ở chỗ chủng
tộc có những đặc trưng nhất định về sinh vật học biểu hiện ra bên ngoài như màu
da, tóc... Dân tộc cũng khác với bộ lạc ở chỗ bộ lạc là một phạm trù nhân chủng
học, nó chỉ có trong xã hội nguyên thủy. Dân tộc là một phạm trù xã hội, một
hiện tượng lịch sử, chứ không phải phạm trù sinh vật học và tồn tại lâu dài.
Dòng
tộc là một dòng họ bao gồm những người cùng chung một tổ tiên, mang tính dòng
giống. Dòng tộc nằm trong dân tộc, là một bộ phận của dân tộc, chịu sự chi phối
của dân tộc, chịu ảnh hưởng của lịch sử và văn hóa dân tộc, nói trong tiếng nói
đa ngôn ngữ của dân tộc và đôi khi mang sắc thái sinh hoạt riêng. Vì vậy, dòng
tộc gắn liền với dân tộc. Bóc tách dân tộc ra khỏi dòng tộc là sai lầm về nhận
thức luận cũng như về phương pháp nghiên cứu.
Xin
hãy trân trọng lịch sử dân tộc và lịch sử của dòng họ. Nhà thông thái Abutalíp
nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng
đại bác”1.
Mơ
ước của tôi là muốn gói gọn lịch sử Việt Nam và lịch sử họ Đàm Việt Nam vào
cuốn sách này.
Dù
sao, cuốn sách này do một người viết từ đầu đến cuối, chẳng ai dám nói là đã
hoàn hảo. Vì vậy, có chỗ nào còn chưa thỏa đáng, mong được bạn đọc lượng thứ và
trao đổi để mỗi lần tái bản, cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn
các nhà khoa học, nhà sử học đã cộng tác và
cung
cấp tài liệu quý để tôi viết cuốn sách này cho thêm phần chắc tay; chân thành
cảm ơn tất cả bà con cô bác dòng họ Đàm Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự
nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Xin
trân trọng giới thiệu với bạn đọc về cuốn sách của tôi:
Lịch
sử Việt Nam gắn liền với Lịch sử dòng họ Việt Nam
Bắt
đầu viết tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 1 tháng 1 năm 2014 Hoàn thành bản thảo tại
Hà Nội,Việt Nam, ngày 31 tháng 3 năm 2018 Phó Giáo sư - Tiến sĩ Sử học - Cử
nhân Ngữ văn
Đàm
Đức Vượng (Đức Vượng)