Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 19): CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT TƯ BẢN CHỦ NGHĨA


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH)  
    

1. Các sách, báo từ trước tới nay, thường nói về chủ nghĩa tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong bài này, tôi trình bày về con người và sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xem đó là cái mới trong bài viết này.
Chủ nghĩa tư bản (catitalism) ra đời cùng với sự hình thành thuật ngữ “chủ nghĩa” xuất hiện từ thế kỷ XVII, đầu tiên tại châu Âu, cụ thể, trước nhất là từ Hà Lan và Anh, dần dần lan tỏa ra toàn thế giới. Có thể chủ nghĩa tư bản ra đời sớm hơn từ thế kỷ XV khi người ta đã nhìn thấy mầm mống của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVII, nó mới chính thức được xác lập, đánh dấu bước tiến bộ quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, thay thế cho xã hội (chế độ) phong kiến. Tuy nhiên, tại một số nước, mặc dù chủ nghĩa tư bản đã ra đời, nhưng nhà nước đó vẫn tồn tại hai chế độ phong kiến và tư bản, theo đó, một phần về kinh tế mang dáng dấp phong kiến, một phần mang dáng dấp kinh tế tư bản. Trong chủ nghĩa tư bản có giai cấp tư sản (the bourgeoisie) và giai cấp công nhân (class of worker) là hai giai cấp chính đối lập.
Trong quá trình phát sinh, phát triển của chủ nghĩa tư bản, nảy sinh ra cuộc cách mạng tư sản. Đó là cuộc cách mạng nhằm chống lại chế độ phong kiến, chống lại sự thống trị của giai cấp địa chủ và chủ nông nô. Cách mạng tư sản là hiện tượng hợp quy luật, nó là kết quả của sự xung đột giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất phong kiến – nông nô, là kết quả của tình trạng mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản đang lên với giai cấp địa chủ - chủ nông nô đang suy tàn trở nên gay gắt, tột bậc. Trong lịch sử, những cuộc cách mạng tư sản sau đây là nổi tiếng và có sức lay động tới nhiều nước: Cách mạng Hà Lan thế kỷ XVI, Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII, Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. Cách mạng 1848 – 1849 ở Hunggari.  Cách mạng tư sản Anh là cuộc cách mạng dẫn tới việc xác lập chủ nghĩa tư bản ở Anh. Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII (1789-1794) là cuộc cách mạng tiêu diệt chế độ chuyên chế phong kiến và dọn đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Pháp và một số nước ở châu Âu. Bản chất của các cuộc cách mạng tư sản là tiến bộ. V.I.Lênin cho rằng, giai cấp công nhân không được tách mình ra khỏi cách mạng tư sản, mà phải tham gia hết sức tích cực vào những cuộc cách mạng đó, đưa ra những yêu sách chính trị, kinh tế cho chính mình.
Cũng như chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản là một hình thái kinh tế-xã hội của xã hội loài người. Đặc trưng nhất của chủ nghĩa tư bản là nắm quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, quyền này được nhà nước tư sản bảo vệ về mặt luật pháp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Bên cạnh những nhà máy tư nhân là những nhà máy quốc doanh. Nếu có ai đó nói chủ nghĩa tư bản chỉ có kinh tế tư nhân là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển đầu tiên tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản, thành phần kinh tế tư nhân chiếm toàn bộ nền kinh tế. Sau đó, mô hình kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước hình thành với sự can thiệp, điều phối của nhà nước vào quá trình phát triển kinh tế, thì tỷ trọng thành phần kinh tế tư nhân tuy có giảm xuống, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Dù sao, thành phần kinh tế tư nhân trong chủ nghĩa tư bản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thành phần kinh tế của quốc gia đó. Thành phần kinh tế tư nhân đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn thành phần kinh tế tư bản nhà nước sinh ra chủ yếu là để giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm cho người lao động.
Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, nảy sinh chủ nghĩa tư bản nông nghiệp, chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa tư bản công nghiệp, chủ nghĩa tư bản tài chính, chủ nghĩa tư bản hiện đại,… Mỗi thứ “chủ nghĩa” đó, lại mang những đặc điểm riêng và lấy lợi nhuận làm cơ sở.
Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nảy sinh kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội. Mỗi thị trường lại có những đặc điểm riêng của nó và chi phối từng vùng hoặc lãnh thổ.
 Adam Smith được vinh danh là nhà lý luận kinh tế học tư bản chủ nghĩa với tác phầm: Sự giàu có của quốc gia.
Trên đây là những nét chung nhất về chủ nghĩa tư bản. Hiện đang còn những đánh giá khác nhau về chủ nghĩa tư bản. Một số người cho rằng, bản chất của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi và gây nên những bất ổn trên thế giới. Bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản cũng không hề thay đổi, gây nên khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc và quốc gia ngày càng doãng ra. Xã hội tư sản thường băng hoại về đạo đức và lối sống, gây nhiều tệ nạn xã hội. Do kinh tế tư bản đặt lợi nhuận làm cơ sở, cho nên đã bất chấp tất cả để làm giàu, mặc cho môi trường bị ô nhiềm, môi sinh bị hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên,…
Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, thì một số người ủng hộ chủ nghĩa tư bản lại cho rằng, chủ nghĩa tư bản vẫn còn mang lại sức sống mới cho tương lai kinh tế nhân loại. Đây là luận điểm của một số nhà kinh tế học hàng đầu của châu Âu và châu Mỹ ngày nay, đứng đầu là Alan Greenspan, đại diện cổ vũ cho một nền kinh tế thị trường tự do toàn phần không bị nhà nước can thiệp. Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia viết: “Trong quá trình tổ chức cạnh tranh vì lợi nhuận của các doanh nghiệp tư bản, xã hội sẽ được lợi hơn và xã hội sẽ tiến nhanh về phía trước hơn là hình thái đặt mục tiêu trực tiếp thỏa mãn các quyền lợi của xã hội lên trên quyền lợi của các doanh nghiệp tư bản tư nhân”. Đây là luận điểm mà đại diện là Ađam Smith, nhà lý luận cự phách của kinh tế học tư bản chủ nghĩa và đã phần nào được chứng thực bằng thực tế tranh đua của hai nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong thế kỷ XX. Theo tôi (ĐĐV), trường hợp này có thể xảy ra nhưng hiếm.
Một số ý kiến cho rằng, chủ nghĩa tư bản là tương lai của nhân loại vì nó phát triển tính năng động của nền kinh tế nói riêng và xã hội nói chung. Trong chủ nghĩa tư bản hiện nay, “người lao động thường gắn bó với chức phận và nghề nghiệp” (Theo Max Weber – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nghĩa tư bản sẽ mất dần tính ích kỷ và dần sẽ biến đổi thành chủ nghĩa tư bản nhà nước với sở hữu tập trung vào tay nhà nước hoặc chủ nghĩa tư bản toàn dân với hình thức các công ty cổ phần. Đây là phái lý luận ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế tư bản chủ nghĩa mà đại diện là John Maynard Keynes.
Một số người cho rằng, xã hội công dân của chủ nghĩa tư bản có khả năng điều tiết các bất bình đẳng để hướng tới một xã hội công bằng hơn mà vẫn giữ được tính năng động tư bản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa tư bản trên cơ sở cạnh tranh để tồn tại và tối đa hóa lợi nhuận, do đó, chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật, sáng tạo, tôn trong người tài năng và giàu tri thức.
Chủ nghĩa tư bản khích lệ tư tưởng tự do cá nhân, quyền cá nhân.
Qua nghiên cứu, tôi cho rằng, chế độ tư bản, nhất là ở châu Âu và châu Mỹ, vẫn đang còn mặt tiến bộ của nó, như khoa học, kỹ thuật, công nghệ vẫn đang phát triển mạnh. Nền dân chủ tư sản dù sao cũng mang lại ít nhiều tự do cho nhân dân. Nó chưa tời giai đoạn “giãy chết”.
Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, sức phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản đang chững lại. Cái dở nhất của chủ nghĩa tư bản hiện nay là khoảng cánh giàu nghèo ngày càng doãng ra. Một số người trong tay nắm bạc tỷ USD, trong khi đó, tuyệt đại đa số người lao động lại vẫn nghèo đói, cuộc sống dưới mức trung bình. Với sự chênh lệnh này, trước sau cũng đẻ ra mâu thuẫn và buộc nhân loại phải làm tiếp cuộc cách mạng tư sản lần thứ hai hoặc chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
2. Bây giờ nói đến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là phương thức sản xuất xã hội của cải vật chất dựa trên chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thay thế phương thức sản xuất phong kiến. C.Mác viết: “Chúng ta gọi sản xuất tư bản chủ nghĩa là phương thức sản xuất xã hội, trong đó, quá trình sản xuất phải phụ thuộc vào tư bản, tức là dựa trên cơ sở quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tiếng Nga, tập 47, tr. 148).
Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, xã hội chia thành hai giai cấp đối kháng cơ bản: giai cấp tư bản (tư sản), những người sở hữu tư liệu sản xuất, bóc lột nhân dân lao động và giai cấp công nhân bị tước đoạt tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt, cho nên buộc phải thường xuyên bán sức lao động của mình cho nhà tư bản.
Quy luật kinh tế cơ bản và động lực kích thích chủ yếu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là giá trị thặng dư do công nhân làm ra và bị nhà tư bản chiếm đoạt. Nguồn gốc của giá trị thặng dư là lao động không công của công nhân làm thuê cho nhà tư bản.
Mâu thuẫn cơ bản của chế độ xã hội mà cơ sở của nó là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất và hình thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa tư nhân. Do tập hợp rất nhiều công nhân vào làm việc trong các công xưởng và nhà máy, do xã hội hóa quá trình lao động, chủ nghĩa tư bản làm cho sản xuất mang tính chất xã hội, nhưng kết quả của lao động lại bị các nhà tư bản chiếm đoạt. Mâu thuẫn này của chủ nghĩa tư bản biểu hiện ở tình trạng sản xuất vô chính phủ và như cầu có khả năng thanh toán của xã hội bị lạc hậu so với việc mở rộng sản xuất, dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế định kỳ. Đến lượt mình, các cuộc khủng hoảng và các thời kỳ đình trệ trong công nghiệp lại càng làm cho những người sản xuất nhỏ bị phá sản, điều này càng làm cho lao động làm thuê phụ thuộc vào nhà tư bản, càng xô đẩy tình cảnh của giai cấp công nhân xấu đi. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế sản xuất thừa, lực lượng sản xuất bị phá hủy trên quy mô lớn, nạn thất nghiệp tăng lên nhanh chóng, làm cho số đông người phải thoát ly lao động sản xuất. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, trình độ bóc lột công nhân cũng tăng lên, tất cả những mâu thuẫn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa càng thêm gay gắt, làm cho đấu tranh giai cấp tăng lên và ngày càng quyết liệt hơn. Những mâu thuẫn của phương thức sản xuất tư sản trở nên sâu sắc hơn và rất gay gắt khi chủ nghĩa tư bản đạt đến đỉnh cao phát triển của nó, thì nó sẽ bước vào thời kỳ khủng hoảng. Sự thống trị của tư bản độc quyền về kinh tế và chính trị của các nước tư bản chủ nghĩa, dẫn đến sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa tăng lên, việc sử dụng các thành tựu của tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào mục đích quân sự hóa nền kinh tế, cuộc chạy đưa vũ trang không gì ngăn cản nổi, sự tăng thêm của các mâu thuẫn và xung đột xã hội trong xã hội tư bản, tất cả những cái đó đều làm cho cơ sở của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có phần suy yếu. Đến lúc nào đó, chủ nghĩa tư bản không đủ sức điều khiển nổi lực lượng sản xuất do nó tạo ra và đã vượt xa quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, quan hệ này đã trở thành xiềng xích đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất và trở nên mâu thuẫn như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản. Về mặt lịch sử, thì chủ nghĩa tư bản hiện nay tuy chưa bị lỗi thời, nhưng nó cũng báo hiệu sự thay thế bằng một xã hội tiến bộ hơn, tức chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, chủ nghĩa tư bản vẫn còn sức sống, trong khi chủ nghĩa xã hội cũng đã mọc ra trên trái đất, trở thành hai hình thái kinh tế đối lập nhau. Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa sẽ được tạo ra ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã, đang và sẽ nổ ra, thay thế các cuộc cách mạng tư sản.   
Tuy nhiên, hiện nay, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thấy rằng, so với phương thức sản xuất nguyên thủy, phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, phương thức sản xuất phong kiến, thì phương thức sản xuất tư bản tiến bộ vượt bậc, vì nó bảo đảm trình độ phát triển cao hơn của lực lượng sản xuất xã hội, nâng cao đáng kể năng suất lao động xã hội, thực hiện việc xã hội hóa sản xuất và lao động quy mô lớn hơn nhiều, nâng cao rõ rệt khối lượng sản xuất và trình độ kỹ thuật của sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
3. Bây giờ tôi xin nói đến con người trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, nhất là từ đầu thế kỷ XX đến nay, các trường phái lý thuyết về con người trong triết học tư sản thế kỷ XX, mọc lên như nấm. Chỉ qua một đêm cũng “tòi” ra nhiều lý thuyết về con người dưới chế độ tư bản.  Có thể kể ra đây một vài trường hợp trong số các lý thuyết về con người dưới chế độ tư bản: Hình ảnh con người trong lý luận triết học nhân bản; hình ảnh con người trong triết học hiện sinh; mô hình con người của chủ nghĩa thực chứng mới; về mô hình con người trong văn học và triết học của chủ nghĩa thực chứng mới; một số đặc điểm không thay đổi của mô hình con người thực chứng mới; sự biến dạng của con người là do sự thoái hóa phổ biến của các giá trị xã hội; việc thể hiện hành vi chống đối xã hội nảy sinh từ cách tiêu xài cho thỏa thích nhu cầu của con người; mô hình con người theo quan niệm thần học và triết học nhân bản tư sản hiện đại; tình cảnh con người trong thế ký XX, bản chất của lý luận phê phán và vấn đề con người,… Nổi bật hơn cả là trường phải Phrăngphuốc về vấn đề con người.
 “Trường phải Phrăngphuốc” (tức là trào lưu lý luận phê phán), là trường phái lý luận về con người xuất hiện ở Đức thế ký XX, sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những nhà triết học trong trường phái Phrăngphuốc thường phân tích con người dưới chủ nghĩa tư bản với ý nghĩa tiêu cực hơn là tích cực. Họ bác bỏ việc đề ra một mô hình con người được miêu tả một cách có căn cứ chắc chắn. Họ cũng phủ nhận việc miêu tả bản chất của con người. Mặc dù vậy, họ vẫn luôn luôn đề cập đến những vấn đề con người. Lối tư duy của họ về vấn đề con người là cơ sở để Erích Phrôm và Hebớt Máccudơ đề ra mô hình con người. Đó là những người theo thuyết Phơrớt mới (lý thuyết phân tâm học, được gọi theo tên của D.Phơrớt, thầy thuốc người Áo, người chữa bệnh thần kinh và tâm thần), tự cho rằng họ đã thấu suốt bản chất của con người.
“Lịch sử của trường phái Phơrăngphuốc, ngay từ đầu là một sự bày đặt để chống lại những mưu toan lý luận muốn liên kết con người vào xã hội đương thời, muốn tạo ra một chỗ dựa để chống lại tính chất vô nhân đạo thực tế của chủ nghĩa đế quốc hiện thời và là sự quay trở lại tình trạng tuyệt vọng, sự cam chịu những thế lực mạnh mẽ đang tồn tại hiện thời và là sự cắt nghĩa xuyên tạc nhiệm vụ giải phóng con người thành nhiệm vụ tự giải phóng hoàn toàn chỉ có tính chất thần tượng trong phạm vi xã hội đế quốc chủ nghĩa đương thời” (Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ, bản dịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tập 2, tr. 242). Tư tưởng ấy của trường phái Phơrăngphuốc cũng là con đường đi từ thái độ chống đế quốc và chống phátxít đến thái độ vừa chống đế quốc lại vừa chống kịch liệt chủ nghĩa xã hội. Thái độ chống đế quốc yếu đi và chống chủ nghĩa xã hội tăng lên. Có thể thấy rõ điều ấy khi xem xét quá trình phát triển lý luận của nó. Đứng trước hệ tư tưởng thống trị chứa đầy tính chất giáo hội trong những năm 50, thế kỷ XX, thì trường phái này là một chỗ dựa tinh thần cho nhiều trí thức tư sản. Sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đã đạt đến đỉnh cao, trở thành cuộc khủng hoảng có tính chất con người.
Sự tiếp cận các vấn đề con người dưới chủ nghĩa tư bản được thực hiện ở hai góc cạnh khác nhau. Cách thứ nhất là lừa bịp, cho rằng, con người dưới chủ nghĩa tư bản là sự phát triển tốt nhất cho con người. Cách thứ hai, các nhà lý luận tư sản cho rằng, xã hội hiện tồn đang đe dọa mọi tính chất con người. Cả hai cách này mà trường phái Phrăngphuốc nhận định đều mang ý nghĩ chủ quan, không có cơ sở khoa học. Cũng phải nói rằng, trường phái Phrăngphuốc tuy có khảo sát kỹ lưỡng vấn đề con người, nhưng họ lại không đề ra được mô hình con người, không xác định được bản chất con người cùng những nhiệm vụ và triển vọng lịch sử của nó.
Tuy không đề ra được mô hình con người mang ý nghĩa khoa học, các học giả của trường phái Phrăngphuốc vẫn tập trung phê phán những vấn đề con người. Họ cũng muốn xây dựng một vương quốc hạnh phúc cho loài người và đề ra những nhiệm vụ tương ứng để giải phóng con người. Họ cho rằng, chỉ thông qua sự thay đổi về đời sống kinh tế của con người, thì con người mới biết bản thân mình là ai. Nhận định này hiện đang còn gây tranh cãi. Họ cũng biết rằng, những mối quan hệ tồi tệ đang chi phối sự tồn tại của con người và đang tha hóa con người. Nhưng sự tha hóa lại được trình bày như có tính chất số phận, mà con người lại chỉ có thể đối lập với tính chất ấy bằng những ảo tưởng, coi đó là sự bất lực của con người trước cuộc sống. Đấu tranh giai cấp với tính chất như một động lực đã bị bác bỏ, thực chất là họ đã bác bỏ bản chất của chủ nghĩa Mác và đưa ra một thứ chủ nghĩa Mác không có giai cấp công nhân. Như vậy, chủ nghĩa Mác chỉ còn tồn tại với yếu tố tâm lý. Bằng nhận thức như thế, người ta đã tước đi tính chất cách mạng của lý luận xã hội chủ nghĩa và thay vào đó là khuynh hướng tư duy bảo thủ, chủ quan duy ý chí. Những người theo trường phái Phrăngphuốc cho rằng, con người hoàn toàn bị xã hội thống trị. Họ nói đến vấn đề giai cấp chỉ có ý nghĩa tiêu cực, và như vậy, tất nhiên sẽ đi đến quan niệm cho rằng, cá nhân dưới một chế độ xã hội hoàn toàn bị nuốt mất. Họ không thấy được mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và xã hội là mối quan hệ quy định lẫn nhau. Các nhà lý luận phê phán của trường phái Phrăngphuốc phản đối quan niệm cho rằng, con người chỉ có thể hoạt động với tính cách thực tế giai cấp, là thành viên của một giai cấp để thực hiện những nguyện vọng xã hội của họ, mà họ chỉ quy con người vào số phận…
Nói tóm lại, dưới chế độ tư bản ở phương Tây, trường phái Phrăngphuốc nghiên cứu về con người thường đi ngược lại với những quan điểm của C.Mác cũng về con người. Sự đối lập này thể hiện ở những lý thuyết mà họ tung ra. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn có người đứng ra bảo vệ cho trường phái này.
Trên đây là những lý thuyết về con người dưới chủ nghĩa tư bản do trường phái Phrăngphuốc tung ra. Còn con người thật dưới chủ nghĩa tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa như thế nào? Xin hãy cùng nhau phân tích. Con người trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa gồm con người tư bản, con người công nhân và bên cạnh đó là con người nông dân. Con người trí thức và thương gia cũng được phát triển dưới chủ nghĩa tư bản. Còn có một lớp người nữa là lớp người sống tự do.
Ở đây, tôi xin phân tích con người công nhân và nông dân dưới chủ nghĩa tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
 Con người công nhân dưới chủ nghĩa tư bản là con người chuyên đi làm thuê, gọi chung là lao động làm thuê. Đó là lao động của những người làm việc trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Họ làm thuê cho các nhà tư bản – những kẻ sở hữu tư liệu sản xuất, với số tiền lương nhất định và bị bóc lột. Khác với nô lệ và nông nô, công nhân làm thuê không phụ thuộc về thân thể vào kẻ sở hữu tư liệu sản xuất và được tự do về mặt pháp lý. Song, họ phải bán cho nhà tư bản cái duy nhất mà họ có, đó là sức lao động của mình. Vì vậy, quan hệ giữa các nhà tư bản và những lao động làm thuê được thực hiện thông qua quan hệ hàng hóa – tiền tệ, đó là quan hệ giữa người bán và người mua sức lao động. Công nhân chỉ có thể thay đổi người mua sức lao động này bằng người mua khác trong vòng chế độ lao động làm thuê. Hình thức lao động làm thuê che đậy chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa, tạo ra bề ngoài là tiền lương trả cho công nhân. Thực ra, chỉ có giá trị sức lao động được trả công, tức là giá trị các tư liệu sinh hoạt của người thợ và gia đình anh ta, cần thiết để tái sản xuất sức lao động. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, công nhân làm thuê chẳng những tạo ra giá trị bằng giá trị sức lao động của họ, mà còn tạo ra giá trị thặng dư bị nhà tư bản chiếm không, gọi là bóc lột thặng dư. Đó chính là cơ sở của mâu thuẫn đối kháng giữa công nhân và nhà tư bản.
 Cùng với sự phát triển của xã hội tư sản, đội quân công nhân được mở rộng do những người tiểu sản xuất hàng hóa bị phá sản: nông dân, thợ thủ công, giai cấp tiểu tư sản bổ sung vào.
Dưới chủ nghĩa tư bản, khi khoa học ngày càng biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì tầng lớp trí thức ở các nước tư bản cũng bổ sung ngày càng nhiều cho đội ngũ những người lao động làm thuê. Lợi ích xã hội của tầng lớp này có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích của giai cấp công nhân. Mặc dù có sự khác biệt đáng kể về địa vị của các nhóm trí thức khác nhau, nhưng một bộ phận trí thức ngày càng lớn bắt đầu xung đột với các tổ chức độc quyền và với chính sách của chính phủ tư sản. Sự nhích lại gần nhau giữa lợi ích của tầng lớp trí thức với lợi ích của giai cấp công nhân, sự hợp tác giữa họ với nhau ngày càng tăng, góp phần thu hẹp cơ sở xã hội của quyền lực của giai cấp tư sản độc quyền, làm cho mâu thuẫn nội tại của xã hội đó ngày càng gay gắt và thức đẩy đấu tranh của đông đảo quần chúng chống chủ nghĩa đế quốc.
Trong quá trình phát triển nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ lao động làm thuê của giai cấp công nhân chống chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa được tăng cường. Việc hoàn toàn xóa bỏ chế độ này diễn ra do kết quả thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở những nước có điều kiện tiến hành.
Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản không đề ra được nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng con người, vì con người trong chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn bị sự ràng buộc của các ông chủ xưởng và chủ đại điền trang thái ấp.
Con người nông dân dưới chủ nghĩa tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là con người với tính cách là tầng lớp tiểu tư sản, là giai cấp chuyên sản xuất những sản phầm nông nghiệp trên cơ sở sở hữu tư nhân hoặc sở hữu hợp tác xã về tư liệu sản xuất và tham gia sản xuất bằng lao động của chính mình. Dưới chủ nghĩa tư bản, nông dân bao gồm những người sản xuất nông nghiệp phân tán và chủ yếu là những người sản xuất nhỏ. Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản, nông dân, với tính cách là một tầng lớp tiểu tư sản, sản xuất hàng hóa, một bộ phận của tầng lớp tiểu tư sản, ngày càng bị phân hóa. Nông dân bị phân hóa thành ba nhóm khác nhau xét theo địa vị giai cấp của họ: tiểu nông (bần nông, cố nông); trung nông; tư sản nông nghiệp (culắc), ở phương Đông thường gọi là phú nông.
Xét về bản chất kinh tế, xã hội nông dân dưới chủ nghĩa tư bản có hai mặt: vừa là giai cấp những người lao động, vừa là giai cấp những người sở hữu. Dưới chủ nghĩa tư bản, khi nông dân bị bóc lột ngày càng tăng của các tổ chức độc quyền, vì sưu thuế ngày càng cao, nông dân trở thành đồng minh với giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản độc quyền. Ở những nước mà phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển, thì nông dân là động lục có tính quần chúng nhất của phong trào.
Nói tóm lại, con người dưới chủ nghĩa tư bản là con người lao động làm thuê.