Mới cập nhật

NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA HOÀNG ĐÌNH GIONG ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM*


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH) **



Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại Cao Bằng

1. Hoàng Đình Giong còn có tên Văn Tư, Võ Văn Đức, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám), huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước.
Ông nội của Hoàng Đình Giong đã từng tham gia phong trào yêu nước chống Pháp tại địa phương Cao Bằng. Cha mẹ sinh được 10 người con. Hoàng Đình Giong là con trai thứ ba. Các anh, chị em trong gia đình đều tham gia và ủng hộ cách mạng trong những năm 1929, 1930 và cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Gia đình anh thường xuyên nhận cán bộ vào ở trong gia đình, che giấu, đùm bọc, chăm sóc chu đáo. Có cán bộ ốm “thập tử nhất sinh”, gia đình chạy chữa thuốc men, qua khỏi, tiếp tục hoạt động cách mạng. Qua việc nuôi giấu cán bộ, anh được cán bộ giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng. Anh sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, chống Pháp, tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho nhân dân thị xã (nay là thành phố) Cao Bằng và nhân dân các huyện Hòa An, Hà Quảng.
Năm 1925, 1926, Hoàng Đình Giong rời Cao Bằng, ra Hà Nội, học Trường Bách nghệ. Tại Hòa Nội, anh tìm đến và tham gia các tổ chức yêu nước, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) vào năm 1926. Lúc này, hai nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp là Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Chi lập ra một nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Hoàng Đình Giong đã bắt lạc được với nhóm này trong lúc anh đang học tại trường Bách Nghệ. Được một thời gian, anh bị đuổi học vì tham gia các phong trào yêu nước. Anh trở về Cao Bằng, tiếp tục hoạt động, tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống Pháp trong một số xã, huyện tại Cao Bằng.
Cuối năm 1925, Hoàng Đình Giong bắt liên lạc được với tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức yêu nước và cách mạng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu vào năm 1925 và xin gia nhập tổ chức này vào khoảng năm 1927. Anh biết đến hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua những sách, báo của Người từ nước ngoài được gửi đến Cao Bằng,
Năm 1927, Hoàng Đình Giong dạy học tại huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Tại đây, anh vừa dạy học, vừa hoạt động cách mạng, xây dựng được một số cơ sở cách mạng tại địa phương. Chính quyền Đông Pháp tại Cao Bằng đánh hơi thấy những hoạt động yêu nước và cách mạng của Hoàng Đình Giong, cho nên đã bí mật theo dõi anh. Biết đã bị lộ, anh xin chuyển sang làm việc tại mỏ Bản Ty thuộc tỉnh Bắc Cạn. Nhưng ở Bản Ty, mật thám Pháp cũng đã biết đến anh và theo dõi những hoạt động của anh. Trước tình hình phức tạp đó, buộc anh phải chạy qua biên giới Việt – Trung để hoạt động. Tại vùng biên giới Việt – Trung, Hoàng Đình Giong gặp Hoàng Văn Thụ và một số cán bộ đang hoạt động ở đây.
Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập ngày 17-6-1929, tại nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Hoàng Đình Giong xin gia nhập tổ chức này. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Hoàng Đình Giong trở thành đảng viên của Đảng và đến tháng 10-1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoàng đình Giong trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đấy, anh càng gắn bó với Đảng Cộng sản và mang hết tinh thần trách nhiệm của mình ra hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Cuối năm 1929, Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn (Tú Hưu) đứng ra thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng ở vùng biên giới Việt – Trung (Long Châu, Trung Quốc), do Hoàng Đình Giong làm Bí thư cùng hai Chi ủy viên là Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn. Hoàng Văn Thụ được phân công làm công tác vận động quần chúng và Hoàng Văn Nọn được phân công làm công tác phát triển đảng viên, còn Hoàng Đình Giong thì phụ trách chung.
 Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn trở về Cao Bằng, tiếp tục gây cơ sở cách mạng, cơ sở đảng tại Cao Bằng. Tại Cao Bằng, cụ thể là tại hang Lam Sơn, Hoàng Đình Giong và Chi bộ Đảng ra tở báo Búa Liềm và tờ Cờ Đỏ nhằm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản tại các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Ngày 1-4-1930, tại khe suối Nặm Lin thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong tổ chức kết nạp được 2 đảng viên là Nông Văn Đô và Lê Đoàn Chu vào Đảng, đồng thời, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Cao Bằng do Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng tại Cao Bằng, phong trào ở Cao Bằng phát triển mạnh.
Năm 1932, Hoàng Đình Giong sang Nam Ninh, Trung Quốc. Tại đây, được cử vào Ban Chỉ huy Hải ngoại (tức Ban Chỉ huy ở ngoài).  Anh xin vào làm việc tại nhà máy Nam Hưng, sinh hoạt đảng ngay tại Chi bộ Nhà máy. Anh còn được dự lớp huấn luyện chính trị do Lê Hồng Phong phụ trách. Sau đó, anh được bố trí vào làm việc tại Ban Chỉ huy Hải ngoại và chịu trách nhiệm mở các lớp huấn luyện tại Long Châu. Nhiều lần, anh bí mật về Cao Bằng để nhận những đảng viên trẻ trong nước sang học tại các lớp huấn luyện ở Long Châu.
Thực hiện sự phân công của Ban Chỉ huy Hải ngoại, đầu năm 1934. Hoàng Đình Giong được giao nhiệm vụ bí mật xuống Hải Phòng, Hòn Gai hoạt động với cương vị là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Anh đã kiến thiết đường dây liên lạc ở vùng duyên hải với Xứ ủy; đồng thời, xây dựng lại các tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng tại Hải Phòng, Hòn Gai và các cơ sở ở ven biển miền Trung.
Đầu năm 1935, Hoàng Đình Giong được cử đi dự Đại hội I của Đảng họp tại Ma Cao từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập. Lúc này, các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn di dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, cho nên không tham dự Đại hội Ma Cao được. Đại hội đã kiểm điểm phong trào cách mạng, công tác tổ chức và lãnh đạo Đảng trong những năm qua. Đại hội quyết nghị ba nhiệm vụ chính mà các đảng bộ phải tập trung lực lượng để thực hiện. Đó là cũng cố và phát triển Đảng; thu phục đông đảo quần chúng làm cách mạng; chống chiến tranh đế quốc. Đại hội quyết định phải tăng cường lực lượng của Đảng bằng cách phát triển đảng viên tại các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, nói chung là ở trung tâm công nghiệp. Đại hội nhất trí phải tăng cường thành phần công nhân trong Đảng. Đại hội còn quyết định các đảng bộ phải chăm lo bênh vực quyền lợi của quần chúng, đặc biệt, quan tâm đến các dân tộc thiểu số, thành niên, phụ nữ,…
Tại Đại hội, Hoàng Đình Giong đã phát biểu ý kiến, nêu rõ kết quả hoạt động của các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Cao Bằng và phong trào đấu tranh của công nhân vùng duyên hải, được Đại hội ghi nhận.
Đánh giá về kết quả và hạn chế của Đại hội Ma Cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
“Năm `1935, Đảng họp Đại hội lần thứ nhất ở Ma Cao. Đại hội đã nhận định tình hình trong nước và tình hình thế giới, kiểm thảo lại công tác đã qua và ấn định chương trình cho công tác sắp tới.
Nhưng chính sách Đại hội Ma Cao vạch ra không sát với phong trào cách mạng thế giới và trong nước lúc bấy giờ (như định chia ruộng đất cho công nhân nông nghiệp, chưa định rõ nhiệm vụ chống phát xít và nguy cơ chiến tranh phát xít,v.v.)1.
Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng và Điều lệ các tổ chức quần chúng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gồm 13 người, Hoàng Đình Giong được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương khóa I.
Hoạt động tại Ma Cao một thời gian, đến cuối năm 1935, Hoàng Đình Giong trở về Cao Bằng. Các đồng chí trong Tỉnh ủy Cao Bằng đã trao đổi với đồng chí Hoàng Đình Giong về tình hình cách mạng ở Cao Bằng và ở  các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua ý kiến của các đồng chí trong Tỉnh ủy Cao Bằng, Hoàng Đình Giong thấy được những khó khăn phức tạp của tình hình hiện tại và cùng với Tỉnh ủy Cao Bằng đề ra công tác, nhiệm vụ mới cho các tỉnh phía Bắc và công nhân vùng mỏ. Anh phổ biến Nghị quyết Đại hội Ma Cao để cho các đồng chí Cao Bằng quán triệt.
Một thời gian sau, Hoàng Đình Giong lấy tên là Văn Tư, được Đảng điều động về hoạt động tại Hải Phòng và vùng mỏ Đông bắc. Đây cũng là nguyện vọng của anh. Để tránh sự theo dõi của mật thám địch, tổ chức cử một nữ đồng chí cùng đi với anh. Hai người đóng giả một cặp tình nhân. Vượt qua chặng đường gian nan vất vả, từ Cao Bằng về đến Hải Phòng, cuối cùng anh cũng đến được Hải Phòng.
Hoạt động tại Hải Phòng và các tỉnh miền duyên hải được một thời gian, Hoàng Đình Giong bị sa vào lưới địch. Bắt được Hoàng Đình Giong, bọn mật thám tây, ta dùng mọi cực hình tra tấn, rồi lại mua chuộc, mua chuocj không được, lại tra tấn, nhưng anh không một lời khai báo. Tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc không được, mật thám giải anh lên Hà Nội. Bị giam tại Hà Nọi, anh bị tra khảo nặng hơn khi còn bị giam ở Hải Phòng, nhưng trước sau, anh vẫn giữ vững tinh thần, không một lời khai báo, tuyệt đối không tiết lộ bí mật trong Đảng và trong các đoàn thể yêu nước. Tuy không đủ bằng chứng, nhưng tòa án thực dân tại Hà Nội vẫn kết án anh 5 năm tù giam và đày lên giam tại nhà tù Sơn La.
Năm 1940, Hoàng Đình Giong mãn hạn tù, nhưng nhà cầm quyền Đông Pháp vẫn chưa chịu trả lại tự do cho anh và đưa về giam tại trại tập trung Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
Nhận thấy ở con người Hoàng Đình Giong có mối nguy hiểm khôn lường đối với chế độ thực dân,  tháng 5-1941, nhà cầm quyền Đông Pháp đày anh cùng 10 tù chính trị khác sang giam cầm tại đảo Nôxilava ở Mađagátxca, một thuộc địa của Pháp tại châu Phi. Mặc dù ở xa Tổ quốc, nhưng Hoàng Đình Giong và những đồng chí của anh bị giam cầm tại đảo vẫn một lòng canh cánh lo cho thân phận đất nước đang bị gót giày đinh của thực dân giày xéo và suy nghĩ cách được trở về Việt Nam.
Trong những ngày bị giam cầm trên đảo Nôxilava, Hoàng Đình Giong đứng ra dạy văn hóa và chính trị cho anh em tù nhân. Anh còn tổ chức cho anh em tăng gia sản xuất để tự cải thiện và dành dụm được chút ít tiền để khi có điều kiện sẽ trở về Tổ quốc.
Tại tại nước Pháp lúc này chia làm hai phe phái chính trị cai trị: phái Pê tanh và phái Đờgôn, sau đó làm Tổng thống nước Pháp. Cũng như ở Đông Dương lúc này chia làm hai phái: Phái Đờgôn và phái Đờcu. Lúc này, phái Đờgôn đã chiềm được đảo Mađagátxca, một hòn đảo mà trước đó phái Pêtanh, Thống chế quân đội Pháp, đồng thời là Thủ tướng trong Chính phủ Vichhy, chiếm. So với phái Pêtanh, phái Đờgôn có phần ôn hòa hơn. Hoàng Đình Giong sáng suốt, sớm nhận ra điều này, cho nên đã đứng ra vận động anh em tù chính trị viết đơn yêu cầu Chính phủ Đờgôn trả lại tự do cho anh em tù chính trị ở Việt Nam đang bị giam cầm ở Mađagátxca, với lý do: tù chính trị là những người chống phát xít, bị Chính phủ Pêtanh bắt. Nay Chính phủ Đờgôn đã thắng, lại nằm trong Mặt trận đồng minh chống phát xít, thì không có lý do gì không trả lại tự do cho tù chính trị là những người cùng chống phát xít. Thế là không bao lâu, chính quyền thân Đờgôn tại đảo này đã đưa Hoàng Đình Giong và Dương Công Hoạt về Thủ phủ Mađagátxca. Tiếp đó, nhà cầm quyền Anh lại đưa số anh em còn lại sang giam cầm tại Cancútta, Ấn Độ. Trước khi chia tay, Hoàng Đình Giong căn dặn anh em tù nhân chính trị Việt Nam là bất cứ giá nào cũng phải tìm đường trở về Tổ quốc để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Sống tại Thủ phủ Mađagátxca được ít ngày, nhà cầm quyền Pháp tại Mađagátxca hứa sẽ trả lại tự do cho các tù nhân chính trị Việt Nam, nhưng chưa về nước ngay được vì chưa có tàu sang Đông Dương. Trong những ngày chờ tàu về Đông Dương, Hoàng Đình Giong và Dương Công Hoạt phải đi lao động ở nhà máy sửa chữa ô tô. Chờ mãi, không có tàu sang Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp tại Mađagátxca phải đưa Hoàng Đình Giong và Dương Công Hoạt sang Ấn Độ; sau đó mới trở về Việt Nam.
 Năm 1943, Hoàng Đình Giong bí mật về đến Cao Bằng và đã liên lạc được với tổ chức Đảng để báo cáo tình hình. Đảng quyết định anh cần trở lại  
Cancútta, Ấn Độ để đưa các đồng chí ta về nước. Khoảng cuối năm 1944, Hoàng Đình Giong và các tù nhân chính trị Việt Nam bị giam cầm ở Mađagátxca (sau đó ở Ấn Độ) về nước được an toàn.
 Vào khoảng giữa năm 1945, Hoàng Đình Giong được bổ sung vào Tỉnh ủy Cao Bằng, trực tiếp phụ trách quân sự. Tháng 7-1945, Hoàng Đình Giong chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng, đánh thắng đồn của Pháp ở Chung Thắng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, Hoàng Đình Giong đã cùng với quân và dân tỉnh Cao Bằng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Để tăng cường cho chiến trường Nam Bộ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ cử Hoàng Đình Giong chỉ huy đoàn quân giải phóng tiến vào Nam để cùng với quân và dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp xâm lược trở lại. Lúc này, anh lấy tên là Vũ Văn Đức, tên do Bác Hồ đặt cho trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.
 Tại miền Nam, Hoàng Đình Giong được cử làm Tư lệnh Quân khu 9, phát động chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, tại tỉnh Sóc Trăng, quân ta thành lập đại đội chủ lực, lấy tên là Đại đội Hồ Chí Minh. Hoàng Đình Giong đã đến dự lễ xuất quân của Đại đội và công nhận đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Cao Bằng.
Sau khi ra miền Bắc họp, đầu năm 1947, Hoàng Đình Giong đến công tác tại tỉnh Ninh Thuận, thì nhận được được điện của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, chỉ định anh làm Tư lệnh trưởng Quân khu 6 của các tỉnh miền Nam Trung Bộ, gồm Phan Rang, Phan Thiết, Khánh Hòa, Đà Lạt, Di Linh. Anh đóng đại bản doanh tại Ninh Thuận. Tại đây, quân Pháp đã tấn công khu vực đóng quân của Hoàng Đình Giong. Hoàng Đình Giong cùng quân lính đã chống trả quyết liệt. Vị Tư lệnh đáng yêu đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và nằm xuống mảnh đất Ninh Thuận, yên nghỉ trong giấc nghìn thu. Hôm đó là ngày 17-3-1947, thọ 43 tuổi (Có tài liệu viết Hoàng Đình Giong mất năm tháng 5-1947).     

 2. Đồng chí Hoàng Đình Giong là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một vị tiền bối cách mạng xứng đáng, hoạt động cách mạng từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập cho đến khi qua đời, vào khoảng gần 25 năm. Đồng chí đã cống hiến cả tuổi thành xuân cho cách mạng và đã hy sinh anh dũng. Đó là một con người yêu nước nồng nàn, lòng gang, dạ sắt trước lưỡi lê, họng súng của kẻ thù, trước sau như một, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hoàng Đình Giong được Người đặt tên là Võ Văn Đức. Với tên chữ này mang nhiều ý nghĩa, vừa có văn, vừa có võ, vừa có đức. Người nói: “Chú cầm quân ra chiến trường, văn, võ đều cần, nhưng phải coi trọng cái đức của người cách mạng” (Theo tài liệu của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Cao Bằng, đề tháng 4-2014). Đồng chí có tác phong gần dân, thân dân, cho nên được dân tin yêu, tin tưởng, đi dân nhớ, ở dân thương; một vị chỉ huy tài ba, đi đến dâu xây dựng quân đội đến đấy, có đạo đức, gan dạ, dũng cảm, có công lao to lớn xây dựng các lực lượng vũ trang ở miền Tây Nam Bộ.
Có một số vấn đề cần được làm rõ thêm về đồng chí Hoàng Đình Giong:
Một là: Cuốn sách đầu tiên viết về Hoàng Đình Giong của hai tác giả Đàm Đức Vượng và Nguyễn Đình Nhơn, xuất bản cách đây 15 năm, chúng tôi có viết đồng chí Hoàng Đình Giong sinh năm 1908. Lúc ấy, chúng tôi có về quê hương đồng chí Hoàng Đình Giong tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của đồng chí. Những người biết đồng chí đều nói đồng chí tuổi Mậu Thân (1908). Sau khi sách được xuất bản, chúng tôi lại sưu tầm được một số tài liệu, kể cả tài liệu của mật thám Pháp, đối chiếu thấy rằng, đồng chí sinh năm 1904, cụ thể là ngày 1-6-1904 (Giáp Thìn), chứ không phải năm 1908.
 Hai là: Đồng chí Hoàng Đình Giong là đại biểu dự Đại hội I của Đảng họp ở Ma Cao năm 1935 và chắc chắn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I, nhưng đồng chí có được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng hay không, thì trong cuốn sách trên của chúng tôi chưa ghi. Nay qua xác minh, đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu cùng các cuốn hồi ký viết về Đại hội I, thấy rằng, đồng chí Hoàng Đình Giong là một trong 5 Ủy viên Ban Thường vụ khóa I gồm các đồng chí Lê Hồng Phong (Tổng Bí thư), Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Hoàng Đình Giong, Đinh Tân (Đinh Thanh).
Tiểu sử Hoàng Đình Giong còn một số khoảng trống, cần điền vào. Tôi đang tiếp tục làm công việc đó.

Báo cáo Khoa học của PGS,TS Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH) tại Hội thảo về đồng chí Hoàng Đình Giong, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9-8-2018, tại Hà Nội.
** Nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương; nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân Tài Nhân lực.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 6, tr. 155.